Cùng Ðọc Tin Mừng
(Suy Niệm Và Giảng Lễ Chúa Nhật)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm C
Lòng biết ơn
(Luca 17, 11-19)
Tin Mừng Luca 17, 11-19
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Ðức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!" 14 Thấy vậy, Ðức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Ðang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Ðức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?". 19 Rồi Người nói với anh ta: "Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
Suy Niệm: (Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 28 thường niên, theo Tin Mừng Luca 17, 11-19)
Lòng biết ơn
Sau một trận động đất dữ dội hoặc một vụ khủng bố tựa như đã xảy ra tại Trung Tâm Thương Mại Newyork tháng 11 năm 2001, một số người bị vùi dưới hàng khối bê tông và gạch đá, nhưng không bị chết ngay vì được nằm lọt vào một khoang trống. Trong khoảng không gian chật khít người, vừa tối tăm vừa ngột ngạt đó, họ dùng điện thoại di động gọi về gia đình, gọi cho nhân viên cứu hộ đến cứu giúp. Mạng sống của họ chỉ được tính từng giây!
Trong những giờ phút kinh hoàng như thế, người ta cảm nhận rằng được sống thêm mươi phút nữa, dù chỉ thêm mươi phút nữa thôi, cho đến khi toán cấp cứu đến kịp, là cả một hồng ân vô cùng lớn lao. Và đang lúc gần như bị chôn sống dưới cả một núi bê tông như thế, họ nghiệm thấy rằng được tự do hít thở như bao nhiêu người khác bên ngoài là một ân huệ vô cùng quý báu; được uống vài ngụm nước lúc nầy thì thật sung sướng không gì bằng...
Mươi phút sống... một chút không khí trong lành... mấy ngụm nước... là những gì mà những người lâm nạn hết lòng khao khát và ước mơ, nhưng những ước mơ giản dị đó đã không đến được với nhiều nạn nhân bị chôn vùi ở nhiều nơi vì tai nạn hầm mỏ, vì nạn khủng bố hay động đất... nhưng những ân huệ đó đang ở trong tầm tay chúng ta cách dồi dào và dư dật. Chúng ta có thừa những gì mà những người lâm nạn đang mơ ước. Thế mà chúng ta không xem đó là ân huệ, mà chỉ xem đó là chuyện thường tình.
Nước, không khí, ánh nắng mặt trời... chỉ là một vài trong vô vàn ân huệ Thiên Chúa rộng ban cho mọi người. Ðếm sao cho xiết những ân huệ Chúa ban. Vậy mà số người nhận ra và tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì vô cùng khan hiếm.
* * *
Khi Chúa Giê-su đi qua biên giới Samaria thì gặp mười người phong cùi. Họ là những người mang số phận bi đát. Vì mắc bệnh truyền nhiễm đáng sợ, họ bị xã hội Do-thái thời bấy giờ xua ra khỏi gia đình, làng mạc, cách ly với tất cả mọi người. Những con người bất hạnh nầy tụ tập với nhau, sống trong các hang hốc ngoài đồi núi, áo quần tả tơi, đầu tóc bù xù và buộc phải để đầu trần, đi đâu phải lấy tay che miệng và hô lên báo hiệu cho người qua lại biết mà lánh xa.
Vì thế, họ không được phép lại gần Chúa Giê-su để xin Ngài cứu chữa. Họ phải đứng đằng xa kêu lên: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi".
Theo luật quy định, nếu có người nào mắc bệnh phong có cơ duyên lành bệnh, thì phải đến trình diện với các tư tế, để khám xét lại. Nếu thực sự được lành bệnh thì họ mới được cho hoà nhập với cộng đồng.
Chúa Giê-su bảo mười người phong đến trình diện với các tư tế là vì lý do đó. Họ đã đi trình diện, đã được chứng nhận là khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người xứ Samari, người được xem là thuộc phường rối đạo, biết quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và cảm tạ Chúa Giê-su. Còn chín người kia thì không. Chưa được ơn thì van vái cầu xin, được ơn rồi thì nín thinh như hến.
* * *
Chuyện kể rằng có hai thiên thần được Thiên Chúa sai xuống trần, một vị có nhiệm vụ thu gom những lời cầu khẩn van xin của con người; còn vị kia thì đi thu nhặt những lời tạ ơn người ta dâng lên Chúa.
Chỉ vài giờ sau, vị thiên thần có nhiệm vụ thu gom lời cầu nguyện van xin của nhân loại vội vã trở về vì hai va-li lớn của ngài đầy cứng và nặng trịch vì những lời cầu khẩn, khiến ngài hầu như không cất cánh nổi để bay về.
Chờ mãi không thấy thiên thần kia trở lại, Thiên Chúa lại sai một vị thiên thần khác xuống thế kiếm tìm, thì mới hay là thiên thần thứ hai đang rảo khắp phố phường, khắp hang cùng ngõ hẻm suốt cả tháng trời mà chẳng gom góp được bao nhiêu lời tạ ơn nên còn phải lặn lội đến những nơi xa xôi hiểm trở may ra có thể kiếm thêm được ít gì nữa chăng!
Dấu hiệu để nhận ra người có văn hoá là biết nói tiếng cám ơn. Trong xã hội văn minh, dường như hai tiếng cám ơn liên tục được phát ra làm ấm lòng người nghe và làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn, khi được người khác làm ơn cho mình, cả trong những điều nhỏ nhặt, được đánh giá là người văn hoá, văn minh.
Ước gì trong tương quan với Chúa, mỗi người chúng ta cũng không thua kém những người khác trong xã hội thế trần, biết nhận ra hồng ân Thiên Chúa bao phủ đời mình và luôn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Ngài tuôn ban trong suốt dòng lịch sử đời mình. Và lời tạ ơn đẹp nhất, xứng hợp nhất, là cùng với Chúa Giê-su dâng hy tế tạ ơn Thiên Chúa Cha qua mỗi thánh lễ hằng tuần.
(12-10-2007)
Rev. Inhaxiô Trần Ngà