Tôi ghi lại đây cho bạn một vài suy nghĩ về sự truyền thông, cũng có thể hữu ích cho bạn.
Khi ta muốn truyền thông cho người khác một tâm tình, một tư tưởng, một sự hiểu biết... thì ta phải biết rõ mình muốn gì: muốn truyền thông hay muốn phô trương chính mình. Người ta rất dễ rơi vào thái độ muốn phô trương sự hiểu biết của mình hơn là làm cho người khác cảm nhận, tiếp thu được điều mình muốn truyền thông. Qua ngôn ngữ, hình ảnh... ta phải làm sao cho người nghe, người xem quên ta đi mà chỉ chú ý tới chính cái ta muốn truyền đạt thôi.
Khi ta muốn truyền thông, thì ta phải nhắm giúp người nghe tiếp nhận điều ta muốn truyền thông. Ví dụ như đường dây điện, như ống nước, dây điện càng ít giữ điện cho nó (điện trở) thì càng dẫn tốt, ống nước càng thông thì nước càng chảy dễ dàng. Ta bật ngọn đèn hay ta mở vòi nước thì ta chỉ chú ý đến ánh sáng, đến nước chứ đâu có chú ý đến dây điện, ống nước. Khi ta phải chú ý đến dây, ông nước tức là có gì trục trặc rồi.
Khi muốn truyền thông, ta phải chú ý đến trình độ và tâm trạng người nghe để dùng ngôn ngữ, hình ảnh, cách diễn tả cho thích hợp. Ðiều ta muốn truyền thông ta phải nắm thật vững, phải thấm trước đã. Tránh tất cả những gì làm người nghe "chia trí", rời xa điều ta muốn truyền thông để chú ý đến ta hoặc một cái gì ngoài nội dung ấy.
Ta phải tự xóa mình đi để người nghe ta trực diện với nội dung ta muốn truyền đạt. Ðó là lý do tại sao ta chỉ thấm thía một điều gì sau khi người nói vắng mặt, vì ta không bị chia trí nữa.
Nhưng trước hết, trên hết và trong tất cả phải có lòng yêu mến tha thiết đối với người nghe và muốn cho người nghe được ích lợi do những gì ta muốn truyền đạt. Bạn có thấy trong cuộc sống "tiếng thì thầm của tình yêu" bao giờ cũng được nghe rõ hơn cả, in sâu hơn cả và nhớ lâu hơn cả, cũng như tác động mạnh hơn cả. Tiếng mẹ thủ thỉ thời thơ ấu đã in vào tâm hồn bạn bao nhiêu điều cho cả cuộc sống. Vợ chồng nói với nhau, anh em nói với nhau vẫn dễ hơn cả (cũng vì thế mà người ta hay "lễ bà" để cậy "nói với ông"...)
Tình yêu là máng thông tuyệt vời!