Ðập Cổ Kính ra tìm lấy Bóng,
xếp Tàn Y lại để dành Hơi

Linh Mục Nguyễn Công Ðoan, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ðó là tâm tình lãng mạn của vua Tự Ðức thương nhớ một bà ái phi. Nhưng tiếc thay bóng đâu còn trong gương, và có "xếp tàn y lại để dành hơi" thì rồi khi mở ra cũng chỉ thêm nỗi đau mà Thúc Sinh đã cảm thấy sau khi mất nàng Kiều:

Thế nhưng xưa nay vẫn thế, con người vẫn cứ muốn giữ lại một cái gì của người thân đã khuất hay đi xa, kể cả khi biết rằng mỗi lần thấy món lưu niệm đó thì lại như khơi dậy vết thương của niềm đau nỗi nhớ...

Lời trăn trối thường là kỷ niệm vô hình sâu xa nhất, nó có thể trở thành động lực và ánh sáng vạch ra chương trình cho cả một cuộc sống. Trong lịch sử dân tộc ta thì ai cũng biết lời cuối cùng của Nguyễn Phi Khanh đã tạo nên cuộc đời Nguyễn Trãi như thế nào.

I. Chúa Giêsu cũng đã muốn các môn đệ vượt qua nỗi thương nhớ lãng mạn để biến những lời sau hết của Ngài thành cuộc sống, một cuộc sống chứng thực họ là môn đệ của Ngài và nối tiếp sự hiện diện của Ngài; hơn thế nữa còn là dấu chứng thực sứ mạng của Chúa Giêsu: "để thế gian biết rằng Cha đã sai con".

Chúa Giêsu để lại một kỷ niệm mà người phàm không thể để được, đó là Bí Tích Thánh Thể. Nhờ Lời và Bí Tích Thánh Thể, môn đệ của Ngài được chung một sức sống và chung một thân phận với Ngài. Lời trối trăng của con người chỉ có thể là ánh sáng và một sự thúc đẩy tinh thần, còn Lời của Chúa Giêsu cùng với Bí Tích cho môn đệ được cùng chung hướng sống và sự sống của Ngài, sự sống Ngài hằng có chung với Cha và Thánh Thần. Môn đệ được thông dự chính sự sống và cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa:

Ðiều hiển nhiên là Chúa không để lại một kỷ niệm để ta cất đi như vua Tự Ðức "xếp tàn y lại để dành hơi", nhưng là một cuộc sống, có đường sống và sức sống ở mức độ tuyệt vời: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi". "Giữ lời Chúa" không phải là chép lên bia đá hay ghi trong sách quí để cất vào thư viện, mà là làm cho lời Chúa thành hiện thực trong cuộc sống chúng ta: Lời Chúa đã thành máu thịt trong Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giêsu Kitô trở thành Lời được công bố cho ta, Lời ấy lại phải trở thành máu thịt trong ta. "Lời Thầy nói với các con là tinh thần và là sự sống" (Gioan 6,63).

Với Lời và Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến trong ta và tiếp tục cuộc sống của Ngài trên trần gian. Ngài muốn chúng ta là hiện thân của Ngài, nối dài sự hiện diện của Ngài, cũng như Ngài đã làm hình ảnh trọn vẹn của Cha trước mặt chúng ta đến nỗi: "Ai thấy Thầy là đã thấy Chúa Cha rồi... Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy" (Gioan 14,9-10).

Làm chứng cho Cha chính là để cho Chúa biểu lộ sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống và trên khuôn mặt chúng ta. Ta phải trở thành hình ảnh sống động và trung thực của Ngài đến nỗi ở một mức nào đó người nào đến với ta cũng cảm thấy có một ai hiện diện sâu hơn ở trong ta, và họ không chỉ tiếp xúc với ta, nhưng gặp được cách nào đó chính Ðấng đang hiện diện trong ta.

II. Trong lịch sử Hội Thánh, lời Chúa luôn gặp đe dọa bị trở thành kỷ vật trong tủ kính, bị thay thế bởi những tập tục thói quen cứng ngắc. Chính vì thế Chúa luôn chọn một số người ở mỗi giai đoạn để làm cho Lời Chúa thật sự trở thành sức sống, thành ánh sáng bừng lên soi đường, đánh thức mọi người. Có những vị thánh lóe lên như những vì sao mới mọc lên và kéo dài mãi trên bầu trời, vạch ra một nếp sống, một cách hiểu và thực hành lời Chúa, một cách diễn tả lại một khía cạnh nào đó của khuôn mặt Chúa Giêsu, và những người bước theo ánh sáng của các vị ấy kéo dài sự hiện diện của vì sao. Ðó là các đấng sáng lập những dòng tu, những tu hội, những hình thức sống đời dâng hiến trong Hội Thánh. Lời dạy và những nguyên tắc, những qui luật các vị ấy đề ra được giữ gìn trân trọng cùng với những ghi nhớ về chính cuộc sống của các vị ấy, chân dung thể xác và tinh thần của các vị ấy, như di sản của những người đi theo con đường các vị ấy đã được Chúa dùng để vạch ra.

Một dòng tu, một lối sống tận hiến chỉ nối dài sự hiện diện của vì sao ấy khi nào thật sự nối dài cuộc sống của các vị sáng lập. Nghĩa là lời dạy, nguyên tắc, qui luật mà các vị ấy đã sống và phát biểu lại trở thành cuộc sống của đệ tử đời này qua đời khác.

Ở đây mối đe dọa cũng luôn rình rập biến lời dạy và nguyên tắc của các vị ấy thành kỷ vật chết, thành xác ướp Ai Cập khi người ta khư khư giữ lời các vị ấy một cách cứng ngắc như giữ một kỷ vật chết và bao bọc bằng những lớp tập tục, thói quen như những lớp giấy dầu không cho trong tỏa ra, không cho ngoài thấm vào, theo kiểu "xếp tàn y lại để dành hơi".

Cũng như Lời Chúa phải trở thành cuộc sống trong chính ngày hôm nay của lịch sử Hội Thánh và loài người, thì lời dạy và nguyên tắc vạch ra một nếp sống dâng hiến cũng phải luôn trở thành cuộc sống trong chính ngày hôm nay của mỗi dòng tu, của mỗi nếp sống.

Muốn thế, nó phải hít thở không khí và thức ăn của thời đại, mặc quần áo của thời đại trong khi nội dung cuộc sống vẫn là chân dung của vị sáng lập được biểu hiện lại. Cái khó, cái tế nhị là ở chỗ đó. Nhưng đó cũng chỉ là cái khó chung của mọi cuộc sống. Mỗi người đều phải làm sao là chính mình trong khi thay đổi kích thước, hình dáng, y phục và lớn lên qua thời gian tuổi tác và sống trong những hoàn cảnh khác nhau, thì mỗi dòng tu, mỗi nếp sống dâng hiến cũng vậy. Bí quyết là muốn sống thật trung thực với mình và biết thế nào mới là chính mình.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page