Cỏ và Hoa

(Những Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 90 -

Hôn nhân trong mắt người già

 

Hôn nhân trong mắt người già.

Augustinô Trần Cao Khải

(WHÐ 27-02-2020)

Dựa vào kinh nghiệm thực tế của những đôi vợ chồng từng trải đời hôn nhân, chúng ta có thể liệt kê một số ý kiến cụ thể về đời sống hôn nhân và sinh hoạt vợ chồng của những người lớn tuổi, như sau:

Có người nói rằng, chỉ khi nào đi được nửa đoạn đường hôn nhân thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng hôn nhân, tình yêu chỉ là ảo tưởng. Hay như người ta thường nói "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!". Phải chăng hiếm có một cuộc hôn nhân nào đạt được cái kết có hậu như lời nguyện ước ban đầu "Trăm năm hạnh phúc!". Ngày nay, cũng có nhiều người quan niệm rằng hôn nhân chẳng qua chỉ là may rủi, hên xui. Như người chơi vé số, may mắn lắm thì mới trúng được món tiền nào đó, kỳ dư là trật lất!

Nói về những trải nghiệm liên quan tình yêu hôn nhân thì chắc chắn không ai bằng những người lớn tuổi. Sau nhiều năm chung sống, mỗi người đều có những kinh nghiệm riêng của mình. Có người tỏ ra rất bi quan về cuộc sống gia đình và về người bạn đời của mình. Ngược lại, cũng có khá nhiều người tỏ ra rất tâm đắc đối với cuộc hôn nhân của họ. Họ xác tín rằng tình yêu và hạnh phúc bền vững được là nhờ cả hai vợ chồng cùng chung tay xây dựng. Ðó không do sự may mắn mà do sự khôn ngoan và kiên trì của cả hai vợ chồng.

Dựa vào kinh nghiệm thực tế của những đôi vợ chồng từng trải đời hôn nhân, chúng ta có thể liệt kê một số ý kiến cụ thể về đời sống hôn nhân và sinh hoạt vợ chồng của những người lớn tuổi, như sau:

1- Người già tình trẻ

Trong khi tình yêu là một cái gì đó luôn tươi mới, trẻ trung, như mùa xuân bất tận, thì hôn nhân là chặng đường được đánh dấu bởi năm tháng. Chính vì vậy mà ta có những mốc kỷ niệm ngày thành hôn. Chẳng hạn, sau 25 năm kết hôn thì gọi là mừng Ngân khánh hôn phối, sau 50 năm thì gọi là mừng Kim khánh hôn phối...

Tuy nhiên, dù hôn nhân có-tuổi, ta cũng phải thừa nhận rằng tình yêu và hạnh phúc trong hôn nhân đối với nhiều người già không tàn úa theo năm tháng, mà trái lại dường như lúc nào họ cũng giữ được "lửa tình".

Thực vậy, bản chất của tình yêu vốn là một, nhưng ở mỗi độ đời, người ta yêu một cách khác. Một số khảo sát khoa học chuyên ngành lão khoa chứng minh tình yêu và cảm xúc giới tính dù ở tuổi gần đất xa trời vẫn khiến con người có động lực sống mạnh mẽ. Câu chuyện tình dục nhiều khi không phải là điều quan trọng nhất nữa. Khả năng tự chăm sóc bản thân, ý thức về quan hệ xã hội, mối quan hệ giao tiếp đồng cảm# mới là những yếu tố tích cực mà tình yêu có thể mang lại.

Ðừng ngỡ chỉ người trẻ mới biết yêu. Ðừng đóng khung người già trong những tình cảm an toàn. Họ cũng có quyền được sai lầm, được phiêu lưu dù biết cuộc đời đã đi vào chặng cuối. Ðừng ngỡ chỉ người trẻ mới biết yêu, mới nồng nàn thổn thức nhớ thương. Tình yêu của người già là một khúc hát, không vang thành tiếng nhờ micro, không lấp lánh nhờ ánh đèn sân khấu, mà đồng vọng da diết, hoặc đớn đau xao xuyến mãi trong lòng. Lý do thật đơn giản mà cũng thật tàn bạo: Xong khúc hát ấy có thể là cái chết, rất gần, đến nỗi hiện hình thành nỗi ám ảnh. [cpcs.vn]

2- Hôn nhân không chỉ là tình dục

Khi trẻ, người ta yêu nhau với một tình yêu nồng nàn, cháy bỏng. Dường như đó là một thứ tình yêu đậm chất đam mê, đến nỗi nhiều người đã nhầm lẫn tình yêu là tình dục. Trong khi đó, người già yêu "chậm" lại. Họ không còn hồ hởi, quyết liệt như thủa ban đầu. Họ không vồ vập trong những cảm xúc nhất thời, trái lại luôn biết nâng niu những thời khắc bên nhau, biết trân trọng những quan tâm chăm sóc nhỏ nhoi nhưng chân thành và tế nhị.

Về sinh hoạt tình dục của những người già, nhiều chuyên gia cho rằng nơi một số cụ chuyện ấy vẫn còn được duy trì. Theo một bài báo mới đây (tháng 3-2019) trên tờ Tạp chí Y học Anh thì 67% đàn ông trong độ tuổi 65 tới 74 nói họ vẫn thường xuyên sinh hoạt tình dục. Trong khi đó chỉ có 40% phụ nữ cùng độ tuổi thừa nhận điều này. Khoảng 35% cụ ông ở độ tuổi 75 - 85 vẫn còn "chiến đấu" trong khi chỉ có 17% cụ bà trong nhóm tuổi đó thừa nhận. [msn.com]

Dù sao, có một thực tế này là dường như người già dễ dàng "quên" chuyện ấy, thay vào đó họ dành thời gian và đam mê cho công việc giải trí, cho việc thăm nom bạn bè hay việc chăm sóc nhà cửa, vườn cây, cháu chắt. Quả thực ở độ tuổi này, người ta mới nhận ra rằng hôn nhân không chỉ là tình dục và câu chuyện tình dục nhiều khi không phải là điều quan trọng nhất nữa. Khả năng tự chăm sóc bản thân, ý thức về quan hệ xã hội, mối quan hệ giao tiếp đồng cảm vv. mới là những yếu tố tích cực mà tình yêu có thể mang lại.

3- Hôn nhân là một nghĩa vụ cao cả

Trong khi một số người quan niệm rằng hôn nhân chẳng qua chỉ là một thứ "hợp đồng tình yêu" mang tính thời vụ, thực dụng, thì những người lớn tuổi lại nhìn nhận và đánh giá hôn nhân như là một nghĩa vụ cao cả của con người. Ông bà ta thường nói lập gia đình là đi gánh vác, bởi vì hôn nhân là một trọng trách to lớn mà đôi nam nữ phải tự nguyện đảm nhận. Tục ngữ Việt Nam có câu "Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", điều đó cho thấy cả hai bạn đời đều có nhiệm vụ xây dựng một gia đình hạnh phúc và một mái nhà êm ấm.

Nói về mục đích của hôn nhân, văn hào Pháp André Maurois khẳng định: "Hôn nhân là một công trình mà cả hai đôi nam nữ phải xây dựng suốt đời". Do vậy, ta có thể hiểu hôn nhân bao gồm ba nghĩa vụ chính mà ta phải chung tay hoàn thiện suốt cả đời.

Nghĩa vụ thứ nhất là hai người yêu thương nhau, một cách tự do và trong sáng. Yêu để đem lại hạnh phúc cho nhau, để nâng đỡ nhau, để bổ khuyết cho nhau, đề giúp nhau hoàn thiện.

Nghĩa vụ thứ hai là sinh con đẻ cái, thực hiện việc truyền sinh. Nghĩa vụ này còn bao gồm việc dưỡng và dục con cái nữa.

Nghĩa vụ thứ ba là xây dựng và duy trì một gia đình ấm no, hạnh phúc. Gia đình luôn được coi là tế bào của xã hội, là nền tảng của cộng đồng nhân loại. Do đó, hôn nhân phải có nhiệm vụ tạo lập một gia đình kiểu mẫu nhờ đó xã hội mới tốt đẹp, bền vững được.

4- Nghệ thuật nhượng bộ, bí quyết sống chung của người già

Truyện kể rằng trong dịp mừng thượng thọ và mừng kim khánh hôn phối của hai ông bà cụ trên 80 tuổi, con cháu tề tựu đông đủ và có một thành viên hỏi ông bà rằng bí quyết nào giúp ông bà sống hạnh phúc lâu dài. Câu trả lời ngắn gọn và đơn giản, đó là áp dụng bí quyết nhượng bộ.

Nhượng bộ, hiểu theo nghĩa tích cực và đơn giản, là nhường nhịn, là chấp nhận ý kiến khác biệt của người khác, là lui một bước để hai người cùng song hành. Ông bà ta thường nói: "Thương nhau chín bỏ làm mười" hay "Một sự nhịn chín sự lành". Nhượng bộ không có nghĩa là yếu thế mà là do tình yêu giữa hai người đủ lớn mạnh để có khả năng xóa bỏ mâu thuẫn, giảm bớt xung khắc, giải quyết bất đồng.

Mục tiêu của nhượng bộ chính là xây dựng sự hòa hợp giữa vợ chồng, bởi vì chỉ có hòa hợp người ta mới duy trì được cuộc hôn nhân bền vững lâu dài được. Tục ngữ VN có câu "Dĩ hòa vi quý". Khi hai vợ chồng nhượng bộ nhau thì họ sẽ tìm được tiếng nói hòa hợp chung nhờ đó họ có thể sát cánh bên nhau suốt cuộc hành trình lâu dài. Một tác giả đã viết: "Hòa hợp là sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau... là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau".

5- Thời gian và sự chung thủy

Thời gian đo lường sự chung thủy. Khi ông bà sống với nhau trải qua mấy chục năm mà còn gắn bó bền vững thì quả nhiên đó là bằng chứng cho thấy họ biết giữ tình yêu thương, lòng chung thủy với nhau.

Ngày nay, ta thấy có hiện tượng "Ly hôn xanh", tức là hôn nhân chết yểu. Người ta dùng thuật ngữ này để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng chưa cần tới 5 năm, họ đã vội vã ly hôn. Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết rằng tình trạng ly hôn xanh ngày một gia tăng và điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn. Theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, số liệu nghiên cứu đã cho thấy cả nước trung bình có trên 60,000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì lại có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn.

Ly hôn tức là người ta đã không còn đủ kiên nhẫn và nghị lực để duy trì sự chung thủy lâu dài nữa. Và ngoại tình được xem như nguyên nhân hàng đầu của ly hôn. Khi người đàn ông hay đàn bà rơi vào tình huống "Chán cơm thèm phở", hoặc "Ông ăn chả, bà ăn nem" thì sẽ gây ra hậu quả là hai người không còn tin tưởng nhau nữa. Niềm tin vào sự chung thủy lúc mới kết hôn đã không còn nữa. Một trong hai hoặc cả hai đều mệt mỏi và sẵn sàng chấp nhận giải pháp đường ai nấy đi.

Phần lớn những cuộc ngoại tình bị phát giác đều có kết cục là ly hôn. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn gần như là chắc chắn nhất. Bởi lẽ, khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, sự chung thủy là một trong những yếu tố được các bên coi trọng hàng đầu. Khi bị người phối ngẫu lừa dối, rất ít người lựa chọn tha thứ.

Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là tình yêu mà vợ chồng già dành cho nhau. Tình yêu tuổi già không còn lãng mạn hay nhiệt huyết như thời còn trẻ tuổi mà thay vào đó là tình thương, sự thấu hiểu và sự cảm thông. Không gì hạnh phúc hơn khi mà có thể đi với nhau đến cuối con đường.

Có một người yêu thương, chia sẻ mọi vui buồn của cuộc sống đã là một điều hạnh phúc, nhưng mọi chuyện sẽ còn tuyệt vời và hạnh phúc hơn rất nhiều khi tìm được một người để nắm tay đi đến trọn đời. Vì vậy mà những câu chuyện tình lâu năm của các cặp đôi ở tuổi "xế chiều" và những cử chỉ đầy yêu thương, những lời tâm sự tuổi già yêu thương mà họ trao cho nhau luôn khiến cho người ta cảm thấy ấm áp và ngập tràn tình yêu chân thành. Có lẽ vì thế mà người ta luôn nói: Tình yêu tuổi già là thứ tình yêu đáng trân trọng nhất, vì trải qua bao sóng gió họ vẫn sánh bước bên nhau, người già nhưng tình vẫn còn trẻ mãi. [cpcs.vn]

6- Hạnh phúc đến từ sự hòa hợp giữa hai con người

Nhìn vào các ông bà cụ sống êm đềm hạnh phúc với nhau, ta cứ ngỡ là họ trải qua cuộc hôn nhân dễ dàng, thoải mái. Thực ra không phải như vậy. Như danh ngôn có câu, "Hôn nhân không phải là luống hồng nhưng là bãi chiến trường". Ðiều đó cho ta thấy để duy trì tình yêu lâu bền, để bảo vệ hạnh phúc lâu dài, người ta phải "đổ mồ hôi sôi nước mắt". Tuy nhiên, những đau khổ vất vả trong hôn nhân có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nó chứng minh một điều là tình yêu chiến thắng tất cả. Chính tình yêu giữa hai ông bà là sức mạnh giúp họ vượt qua mọi sóng gió cuộc đời để sống gắn bó, hòa hợp với nhau lâu dài.

Có người nói, chết vì người yêu không khó bằng sống với họ. Ðiều đó có nghĩa là để hôn nhân bền vững lâu dài, thì ta phải chấp nhận sống hòa hợp với bạn đời. Không phải chỉ trong vài năm, mà là suốt cả đời. Ðó là một yêu cầu cơ bản thiết yếu mà không ai có thể được miễn trừ.

Chúng ta đều biết rằng trong đời sống hôn nhân gia đình không gì quý hơn niềm hạnh phúc và sự hòa thuận bền vững lâu dài, bởi vì "Tất cả kho tàng trên trái đất này không thể sánh bằng hạnh phúc gia đình" (Caldéron). Chính vì hạnh phúc là điều quý giá như vậy mà người ta đã phải hi sinh, lao nhọc, khổ đau để có thể có được và nhất là để nuôi dưỡng và duy trì lâu dài.

Kinh nghiệm cho thấy nếu trong cuộc sống hôn nhân gia đình người ta biết sống hòa thuận với nhau thì sẽ duy trì cuộc hôn nhân lâu dài. Chúng ta có thể liên tưởng đến năm chữ "Hòa" trong đời sống gia đình. Ðó là hòa thuận, hòa hợp, hòa hoãn, hòa bình và hòa đồng. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không xây dựng trên nền tảng tiền bạc hay điều kiện vật chất này nọ mà là trên mối tương quan êm ấm giữa hai vợ chồng. Mối tương quan ấy có được là do đôi bạn luôn biết tùng phục, yêu thương và kính trọng nhau.

Những người lớn tuổi đã trải qua nhiều năm tháng vất vả, khó nhọc trong đời sống hôn nhân gia đình luôn là những tấm gương sáng giúp ta hiểu rằng tình yêu sẽ chiến thắng tất cả vì tình yêu có sức mạnh hóa giải mọi khác biệt, mọi bất đồng, mọi mâu thuẫn. Tục ngữ VN có câu: "Thương nhau chín bỏ làm mười". Ðiều đó có nghĩa là khi yêu nhau thực tình, vợ chồng sẽ vượt qua mọi phiền toái, khó khăn trong cuộc sống chung, để cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bình an. Như câu nói sau: "Chỉ tình yêu mãnh liệt mới có thể xua tan những hiểu lầm vụn vặt nảy sinh trong cuộc sống chung" (Theodore Dreiser) ./.

Augustinô Trần Cao Khải

(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page