Cỏ và Hoa
(Những Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 69 -
Không Biết Kinh Thánh
Là Không Biết Thiên Chúa
Không Biết Kinh Thánh Là Không Biết Thiên Chúa
Bình Minh
Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!
Trong sách Hạt Giống Tâm Hồn có ghi lại câu chuyện như sau:
Tại một trang trại nhỏ ở miền núi xa xôi nọ, có hai ông cháu đang sống cùng với nhau. Mỗi buổi sáng, người ông thường thức dậy thật sớm để đọc sách. Ðây là thói quen từ lâu của ông ta và chưa buổi sáng nào ông ta quên thực hiện nó. Có những cuốn sách ông đọc rất nhiều lần. Cậu cháu trai bắt chước ông, cũng cố gắng đọc sách đều đặn mỗi ngày.
Rồi một ngày, cậu hỏi ông:
- Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu chẳng hiểu gì cả. Hoặc có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ?
Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và khẽ nói:
- Cháu hãy mang giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!
Cậu bé liền làm theo lời ông. Nhưng tất nhiên toàn bộ nước đã chảy ra khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà.
Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười vang và nói:
- Nước chảy hết mất rồi! Có lẽ lần sau chúng ta sẽ phải đi nhanh hơn nữa.
Rồi ông bảo cậu bé quay lại sông để lấy một giỏ nước khác. Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông:
- Ðựng nước vào cái giỏ là điều không thể.
Nhưng ông lại bảo cháu mình ra sông lấy nước một lần nữa. Vào lúc này, cậu bé biết rằng không thể đựng nước vào cái giỏ được nhưng cậu không muốn cãi lời ông, đồng thời cho ông thấy rằng dù cậu có chạy nhanh đến đâu nước cũng sẽ chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến nhà, cái giỏ lại trống không.
Cậu bé thở hổn hển nói:
- Ông xem này, thật là vô ích!
Ông cụ mĩm cười hiền hậu đáp:
- Cháu nghĩ là nó vô ích ư? Cháu thử nhìn chiếc giỏ xem.
Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và cậu nhận ra nó trông rất khác lúc ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.
Lúc bấy giờ ông cụ từ tốn nói:
- Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy.
Quý vị và các bạn thân mến!
Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, trước sự phát triển như vũ bão của nền khoa học hiện đại, nhất là sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin với sự xuất hiện ngày càng đa dạng của các phương tiện truyền thanh, truyền hình đã khiến người ta phải đặt vấn nạn rằng: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không? Có phải văn hóa đọc đang ngày bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn và chát điện thoại cầm tay hay không?
Tuy nhiên thực tế cho thấy, sách không hề bị đánh mất vị trí của nó trong đời sống xã hội. Bởi lẽ sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời bởi những đặc tính tinh thần to lớn của nó. Một cuốn sách có giá trị với nội dung tư tưởng và những kiến thức chứa đựng bên trong mãi là nguồn nam châm mạnh mẽ thu hút tâm trí của người đọc. Nhiều cuốn sách đã góp phần tích cực trong việc giúp hoàn thiện quá trình hình thành nhân cách của một con người. Như lời dạy chí lý của người ông đối với việc sai đứa cháu cứ mãi đựng nước vào một cái giỏ than bị thủng đáy: "Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ trong sách, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy" .
Kinh Thánh là một cuốn sách có tác dụng rất lớn trong việc thay đổi số phận của một con người. Nhiều tâm hồn và cuộc đời đã biến đổi khi chạm ngõ vào ý nghĩa của từng trang Kinh Thánh. "Lời Chúa là đèn soi lối con đi, là ánh sáng soi đường của con". Người Kitô hữu thực sự phải học, phải say mê, và phải sống Lời Chúa. Nhưng muốn học, muốn say mê và muốn sống Lời Chúa thì chúng ta phải biết yêu thích việc đọc Kinh Thánh. Thánh Giêrênimô đã dạy rất chí lý rằng: "Không biết Thánh Kinh là không biết Thiên Chúa". Chúng ta không thể hiểu biết, yêu mến một người mà không biết họ nói gì. Chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không biết Ngài, và chúng ta cũng không thể biết Ngài nếu không biết Lời Ngài, nghĩa là chúng ta không bao giờ chịu đọc và hiểu biết Kinh Thánh.
Nhưng đó lại là một thực trạng khá phổ biến trong nếp sống đạo của đa số người tín hữu Kitô giáo. Nhất là với những người có đạo, theo đạo từ khi còn được bồng ngửa trên tay người mẹ qua bí tích Rửa tội, nghĩa là giữ đạo theo truyền thống gia đình. Vì thế chúng ta rất dễ dàng cho rằng việc thuộc lòng kinh sách, giữ các giới răn Chúa, điều luật của Hội Thánh là đã biết Chúa, hiểu Chúa và có thể theo Chúa với một đức tin trưởng thành. Rất nhiều gia đình không có một cuốn Thánh Kinh hoặc những người không biết cách tìm một đoạn Kinh Thánh không phải là hiếm.
Nhưng "vô tri bất mộ", không biết thì không thể hiểu và không thể yêu, và vì thế cũng không kết hiệp thân mật, không giới thiệu người mình yêu cho người khác được. Và chỉ khi hiểu biết đến xác tín như Thánh Phêrô: "Thầy có lời ban sự sống đời đời" (Ga 6:68) thì ta mới có thể sống chết với Ðấng mình đã tin yêu được. Vì thế, đọc và suy gẫm Thánh Kinh là phương thế ưu việt để chúng ta có thể hiểu biết Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta mới có một đức tin trưởng thành, sống đạo cách sống động qua việc tìm gặp và sống ý nghĩa của Lời Chúa.
Lạy Chúa, "Lời Ngài nung chảy vàng khối, Lời Ngài phá đổ tội lỗi", xin cho chúng con ý thức được giá trị cao cả tuyệt đối của Lời Hằng Sống để như Mẹ Maria, chúng ta luôn "ghi nhận và suy niệm trong lòng" (Lc 2:19). Và đời sống tâm linh của chúng con chỉ có thể tăng trưởng khi chúng con cũng thốt lên được như Thánh Gióp rằng: "Tôi quý Lời từ miệng Ngài còn hơn cả bữa ăn hàng ngày của tôi".
Bình Minh
(19/02/2020)