Cỏ và Hoa
(Những Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 38 -
Phụng vụ lễ lá, lịch sử và ý nghĩa
Phụng vụ lễ lá, lịch sử và ý nghĩa.
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Huy Ngọc
Nguồn: Righetti M., "La Domenica de Passione o Domenica in Palmis", in Storia Liturgica 2, Ancora, Milano 1969, 184-195.
(WHÐ 06-04-2020)
Chúa nhật thương khó hay Chúa nhật lễ lá
Như chúng ta đã biết, tên gọi và nguồn gốc của Chúa nhật này trong nghi lễ Roma là "Cuộc Thương Khó của Chúa", được các giáo phụ Latinh thế kỷ IV-V nhắc đến và trong một số sách phụng vụ cổ đại[1]. Sau này nó được kết hợp với những cành cọ ở đông phương, nên gọi là Dominica palmarum o in palmis - Chúa nhật Lễ lá, như chúng ta thấy trong sách lễ Gelasiano (Reg. 316), đều có cả hai cách gọi. Sau đó, nghi thức làm phép lá ở các quốc gia bên kia dãy núi Alpi đã mang đến sự nổi bật khác thường cho tên gọi này, và từ đó không có tên gọi nào khác ngoài tên này. Chúa nhật này được thánh Isidoro thành Siviglia gọi là Chúa nhật Lễ lá[2]; và việc xác định tên gọi này cũng được thông qua trong các sách lễ Roma sau được khi áp dụng trong nghi lễ phụng vụ của Giáo hoàng. Sách nghi lễ Giáo hoàng thế kỷ thứ XII, và sau này là sách lễ của Giáo hoàng Innocenzo III (1216), và Giáo hoàng Pio V, cho đến năm 1955 chỉ sử dụng duy nhất tên gọi này. Cho đến cuộc cải cách của Công đồng Vaticano II (1965) đã phục hồi lại vị trí trang trọng nguyên thủy tên gọi của lễ này, và quan trọng nhất là đề xuất cách gọi : Chúa Nhật Lễ Lá Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa.
Những cái tên cổ xưa khác về Chúa nhật Lễ lá này cũng đã được đưa vào trong các sách phụng vụ, như Capitulavium, Pascha competentium, Dominica indulgentiae[3]. Trong lĩnh vực văn hóa dân gian, Chúa nhật này còn được gọi là Pashca florum, hay floridum, đặc biệt là ở những quốc gia thiếu cây cọ sẽ được thay thế bằng hoa.
Phụng vụ ngày nay bao gồm sự kết hợp của hai nghi thức nguyên thủy và những đặc tính riêng biệt, nhưng về cơ bản chúng có sự phối hợp với nhau; các nghi thức ấy, trong lịch sử phụng vụ đã phát triển khác nhau, và luôn luôn tách biệt rõ ràng. Ðó là:
- Làm phép và rước lá, như là một sự tôn vinh Chúa Kitô, và công khai tuyên bố vương quyền của Ngài.
- Tưởng niệm cách trọng thể cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô.
Do đó, hai nghi lễ này muốn diễn tả hai thành phần chính yếu của Mầu nhiệm Vượt qua: Cuộc khổ nạn ê chề của Chúa Kitô và đề cao vai trò cứu thế của Ngài, hình thành cách súc tích bức tranh về các biến cố trọng đại được tưởng niệm trong tuần thánh này.
Làm phép và rước lá
Nguồn gốc của việc rước lá, những bàn cãi được kết thúc vài năm trở lại đây, theo đó, thực hành này được tìm thấy trong tập quán của Giáo hội tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV. Sự khải hoàn của Chúa Kitô vào Thành thánh, được thực hiện theo lời tiên tri Zaccaria (9,9), đã được xét đến từ thế kỷ thứ II[4], như là một trong những khẳng định lớn nhất về tính thiên sai của Ngài. Ðây là lý do tại sao cuộc tưởng niệm diễn ra ở Giêrusalem, trước những người ngoại, không chỉ có lý do lịch sử mà còn có giá trị hộ giáo. Egeria đã thuật lại rằng, ngày Chúa nhật trước lễ Phục sinh, vào giờ thứ 7 (tức là 13:00) tất cả dân chúng cùng với vị giám mục tập trung trên núi Oliu, núi này nằm giữa đền thờ Elona và đền thờ Imbomon hay còn gọi là đền thờ Thăng Thiên. Nghi thức bắt đầu với việc hát thánh thi và điệp xướng, thêm vào đó là các bài đọc kinh thánh và các lời nguyện. Sau đó vào giờ thứ 11 (tức là 17:00) đọc đoạn Tin Mừng mô tả việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, tất cả đứng dậy, tay cầm những nhành lá ôliu và nhành cọ, trong khi hát các bài thánh ca và thánh vịnh xen kẽ với điệp khúc Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến[5], đoạn đi rước từ đỉnh núi này vào thành phố, cùng với giám mục, được hộ tống theo hình thức mà Chúa được hộ tống. Ðoàn rước tiếp tục như vậy cho đến nhà thờ thánh Athanasiô, nơi nghi lễ được kết thúc với việc hát kinh thần vụ. Không thấy đề cập đến việc làm phép lá nào cả. Theo thời gian, nghi thức của Gelasiano đầy ấn tượng trở nên quan trọng và trang trọng, bằng chứng là vào thế kỷ thứ VI chúng đã trở thành trạm thứ năm được đoàn rước chạm đến[6], và các Giáo hội Ðông phương khác, trong đó có Giáo hội Edessa và Constantinopoli đã đưa chúng vào trong nghi thức của mình.
Làm thế nào và từ khi nào phụng vụ Giêrusalem được Giáo hội Tây phương sử dụng. Những dấu tích đầu tiên chắc chắn nhất được tìm thấy ở Tây Ban Nha tại nhà thờ thánh S. Isidoro thành Siviglia (+ 636)[7], trong sách Liber Ordinum Mozarabico[8] và trong sách lễ của Bobbio, qua các công thức trong đó cho thấy những điểm tiếp xúc rõ ràng với nghi lễ Tây Ban Nha cổ xưa và với phụng vụ Byzantina[9].
Thánh Beda (735), trong bài giảng Chúa nhật Lễ lá, đã cho biết rằng đây không chỉ là một lễ hội mà còn là một nghi lễ của phụng vụ Lễ lá[10]. Những Versus - đoạn phiên khúc của Teodolfo, giám mục ở Orléans (760-821), gloria, laus et honor - vinh quang, ngợi ca và vinh dự, rất được yêu thích trong thời trung cổ và trong số đó chỉ một phần nhỏ được đưa vào Sách lễ, điều đó đã chứng thực về một sự phát triển đáng kinh ngạc bởi những nghi thức Lễ lá tại tu viện Anger. Vào thời của Amalario (+853), việc rước lá tại Gallia đã trở thành truyền thống, trong cuốn hồi ký, ông đã viết: Một cách trọng thể, giáo hội chúng ta cầm trên tay những nhành lá và tung hô Hosana[11].
Ở Roma, các sách phụng vụ Gelasiano và Gregoriano, chỉ có tên gọi Domnica in palmis [Chúa nhật Lễ lá], sách này đã không đưa ra một nghi thức tương tự nào, mà chỉ ám chỉ đến đoạn Tin Mừng được đọc trong Thánh lễ của ngày đó; trừ khi được cho là đã được đưa vào trước ở một số nhà thờ mang tước hiệu. Cũng không có khả năng nào hơn là phỏng đoán về sự tồn tại của việc làm phép lá, được suy diễn từ một đoạn văn phụng vụ nằm trong thư hướng dẫn của Giáo hoàng Zaccaria gửi cho thánh Bonifacio vào năm 751. Mãi cho tới thế kỷ thứ X, người ta mới tìm thấy trong sách lễ nghi Romano-Germanico những nghi thức cổ xưa nhất về việc rước lá và vô vàn những công thức làm phép lá[12].
Mong muốn được thể hiện lại trong lĩnh vực phụng vụ, sự kiện Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem, đã trao cho đoàn rước lá thời Trung cổ một hoạt động đầy ấn tượng sâu xa và sống động, có lẽ không tìm thấy điều tương tự trong các nghi lễ trọng thể khác trong năm. Thông thường tất cả mọi người, đứng đầu là giám mục và giáo sĩ, tập trung tại một nhà thờ nằm bên ngoài thành phố hoặc ở một nơi cao ráo khác[13], như thể tượng trưng cho Núi Ôliu. Ở đây, sau khi đọc sách Xuất Hành: Venerunt filli Israel in Elim[14][con cái nhà Israel đã đến Elim], với 70 nhành lá nhắc nhớ 70 năm trong sa mạc, họ làm phép những nhành cọ, ôliu, hoặc một loại cây nào khác với một chuỗi lời nguyện dài[15] và phân phát cho dân. Lúc đó, đám rước đông đảo di chuyển, người ta nhân cách hóa sự hiện diện của Chúa Giêsu bằng cuốn sách Tin mừng, bọc trong một tấm vải màu tím, đặt trên một cái giá, như một loại hòm được trang trí rất đẹp, và được kiệu bởi bốn phó tế, hoặc bởi một cây Thánh giá lớn không che vải và trang trí bằng những cành lá xanh. Trong cuộc rước kiệu họ xen kẽ các bài hát thánh ca như : Cum appropinquasset, Cum audisset, Turba multa, Occurunt turbae cum floribus, trong khi những đứa trẻ rải hoa dưới những bước chân của các phó tế.
Tại các cổng thành, cạnh tháp canh, là nơi diễn ra nghi thức tưởng niệm Ðấng Cứu Chuộc. Sách nghi thức của địa phận Besancon đã mô tả như sau: Bắt đầu với việc các em ca đoàn nhỏ, trãi trên đất mũ, áo choàng, và đặt những cành lá đã được làm phép trước thánh giá rồi quì gối thờ lạy, trong khi các giáo sĩ hát kinh thương xót và bài thánh ca pueri Hebraeorum vestimenta prosternebant... [các trẻ do thái trải áo...], lúc này ca đoàn tiếp tục hát luân phiên thánh thi của Teodolfo : Gloria, laus et honor... Sau đó là sự tôn kính của dân chúng, các nhóm nhỏ đi trước thánh giá tung hoa và thờ lạy, trong khi mọi người hát thánh ca Omnes collaudent nomentuum với thánh vịnh Lauda Jerusalem Dominum [Hỡi Giêrusalem hãy ngợi khen Chúa]. Cuối cùng vị giám mục và các giáo sĩ tiến đến trước thánh giá phủ phục và ca đoàn hát bài "Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác..." (Percutiam pastorem) (Mc 14.27). Khi hát những lời này một người phụ lễ dùng tay hoặc cành cọ đập vào vai. Sau khi hoàn thành việc thờ lạy Thánh giá, đoàn rước tiến vào thành phố trong tiếng hát của bài thánh ca : Ingrediente Domino in sanctam civitatem - Khi Chúa bước vào thành thánh, và sau đó là thánh thi Magnum salutis gaudium - Ngày trọng đại, niềm vui bao la. Khi đến nhà thờ chính tòa, một người sẽ bắt lên bài Benedictus và sau đó giám mục kết thúc cuộc rước bằng một lời nguyện. Ở Roma ban đầu lá được làm phép bởi một Hồng y (OR XI, 38), truyền thống này kết thúc vào thế kỷ XIII, thay vào đó, lá sẽ được làm phép bởi Giáo hoàng[16]. Cuộc rước được bắt đầu từ đền thờ Ðức Bà Cả, sau đó đi đến đền thờ Gioan Lateranô, đền thờ trạm trong ngày. Ðể đại diện cho Chúa Kitô, ban đầu người ta chưng ra sách Tin mừng được phủ khăn tím[17], nhưng sau này đã bỏ thực hành này.
Tại Anh và vùng Normandy, có một thực hành phổ biến được Ðức Tổng Giám mục ở Canterbury (1089) là Lanfranco du nhập vào giống như cuộc rước kiệu Thánh Thể[18]. Ở các ngôi làng nhỏ của các quốc gia này, cuộc rước dẫn đến trước thánh giá, thường được dựng trong nghĩa trang, và do đó được gọi là thánh giá của những cành lá[19], thánh giá có khi được đặt một nơi ở ngoài thành phố, có khi được đặt ở ngã tư đường[20].
Tại Ðức, cho đến thời của thánh Ulrico, giám mục ở Augusta (+973), thường tiến hành cuộc rước được gọi là con lừa của các cành lá; một con lừa bằng gỗ được chạm khắc, cõng trên mình bức tượng Ðấng Cứu Thế, sau đó được mang vào đặt trong nhà thờ để dân chúng tôn kính[21].
Tại Milan, việc làm phép lá được cử hành tại đền thờ Laurenziana, tại đây Ðức Tổng Giám mục sẽ cưỡi trên một con ngựa được trang hoàng lộng lẫy di chuyển cùng với đám rước tiến về đền thờ Ambrôsiô, nơi sẽ cử hành thánh lễ hát [22].
Cho đến năm 1956, nghi thức Rôma về việc làm phép lá trở nên hoàn chỉnh và được đưa vào sách lễ. Với phụng vụ không thánh lễ, cấu tạo của nghi lễ này bao gồm ca nhập lễ, lời nguyện, bài đọc (Xuất hành 15, 27; 16, 1-7), Ca tiến cấp, bài Tin mừng (Mt 21, 1 -9), Kinh Tiền tụng [23], Kinh Thánh Thánh, trừ Kinh nguyện Thánh thể. Ðây là một hình thức của cộng đoàn tham dự phụng vụ, có thể đã được phác họa khi làm phép lá để tách biệt với thánh lễ trong ngày. Trên thực tế, chúng ta biết rằng, chắc chắn có nhiều nhà thờ đã đưa thánh lễ vào ngay sau lời tung hô Hosana của kinh Thánh Thánh [24]. Nhưng có lẽ vì các bài hát và bài đọc của thánh lễ Chúa nhật này, tất cả đều được cất lên theo ý nghĩa của cuộc Thương khó, nên chúng có vẻ không thích hợp để khởi đầu một kỷ niệm vui mừng đối với sự khải hoàn của Chúa Kitô, được soạn thảo vào khoảng giữa thế kỷ thứ X, sau này công thức thích hợp hơn được soạn lại vào thế kỷ thứ XII ở Rôma [25], tất cả được gợi hứng từ mầu nhiệm, để rồi làm cho nó trở thành một nghi thức độc lập. Có năm lời nguyện trong sách lễ tạo thành nghi thức làm phép lá cách thật sự, và phác họa nên một biểu tượng đẹp cho các cành cọ và các cành ôliu trong cuộc khải hoàn của Chúa Kitô cũng như của lòng thương xót Ngài dành cho con người: Petimus, Domine sancte; Deus, qui dispersa congregas! Deus, qui miro dispositionies ordine; Deus, qui per olivae ramum...; Benedic, quaesumus, Domine, theo sau những ca từ này là phát lá cho các giáo sĩ và giáo dân. Sau đó, đoàn rước di chuyển vào nhà thờ, mọi người cầm trên tay những nhành lá chúc tụng.
Khi đến nhà thờ, mọi người sẽ thấy cửa nhà thờ đóng lại; và chỉ mở ra khi một phụ phó tế rước thánh giá đến, sau khi hát các đoạn phiên khúc của Teodolfo (Gloria, laus et honor), không dùng thánh giá của đoàn rước để đập cửa, đoạn mọi người tiến vào nhà thờ, khi đó hát đối ca Ingrediente Domino, và bắt đầu thánh lễ. Nghi thức đặc trưng cuối cùng là đập cửa, mặc dù đã có trong sách lễ nghi Giáo hoàng Rôma vào thế kỷ XII [26], được đưa vào trong sách lễ dưới thời Giáo hoàng Clemente VIII vào năm 1604 [27]. Nghi thức trên đã tìm thấy lời giải thích của mình trong biểu tượng phụng vụ cổ xưa, theo đó, cuộc rước lá biểu trưng cho cuộc rước những người công chính với Chúa Kitô là đầu, là Ðấng đã giới thiệu cho họ con đường vào nước trời chỉ nhờ vào thánh giá của Người [28]; khả năng lớn xảy ra là nghi thức này đã lấy lại từ chính nghi thức gerosiano. Egeria không nói gì đến việc người ta đã hát gì khi đoàn rước tiến về đền thờ Anastaso; nhưng sách bài đọc cổ xưa của người Armenia trích dẫn thánh vịnh 117 Confitemini Domino, từ câu 23 đã lấy lời tung hô Benedictus qui venir; và Tipycon thành Giêrusalem đã xác nhận rõ ràng rằng vào thế kỷ thứ VI, khi các giáo phụ và giáo sĩ long trọng tiến vào đền thờ Anastaso, thì hát các câu 19-20: Aperite mihi portas justitiae... haec porta Domini, justi intrabunt per eam [29]. Thật dễ dàng để hình dung ra quang cảnh đầy kịch tính diễn ra như thế nào mà sau đó cuộc rước sẽ được kết thúc [30]. Cải cách gần đây về Tuần Thánh (1955) đã loại bỏ một cách hợp lý nghi lễ cuối cùng này, một nghi lễ hoàn toàn xa lạ với khái niệm chỉ dẫn về nghi thức, được lấy cảm hứng từ chiến thắng mang tính thiên sai của Vua Kitô. Vì lý do này, vị chủ tế, đại diện Chúa Kitô, đã bỏ việc sử dụng phẩm phục tím, để mang trên mình phẩm phục màu khác đó là màu đỏ tía, và cùng với các giáo sĩ khác và dân chúng cử hành trọng thể cuộc rước và hát những bài thánh thi của ngày lễ, những bài này luôn là của Teodolfo. Trên đường quay về, đoàn rước tiến vào nhà thờ ngay mà không dừng lại nơi những cánh cửa được rộng mở. Chủ tế tiến lên bàn thờ, dâng lời cầu nguyện lên Chúa Kitô, Ðấng Cứu độ và là Vua của chúng ta, cho vinh quang mà việc làm phép lá mang lại, để mang lại ân sủng và sự bảo vệ của người ở khắp mọi nơi và trước mọi nguy hiểm của kẻ thù.
Công đồng Vaticanô II đã quyết định rằng, việc đề cao vai trò Cứu chuộc của Chúa Kitô Vua mà dân Do Thái đã dành cho Ngài, đã được các Kitô hữu những thế kỷ đầu khẳng định cách vững vàng, được duy trì càng nhiều càng tốt trong sự lộng lẫy của cuộc rước biểu tượng của những nhành lá và hoa, và vui mừng bởi những lời tung hô và những bài thánh ca phụng vụ hoặc từ những thứ giống như thế. Nơi nào vì những lý do nghiêm trọng, không thể thực hiện được cuộc rước, Công đồng mong muốn cuộc rước được bổ khuyết bằng việc tiến vào trọng thể của hàng Giáo sĩ từ cửa nhà thờ đến bàn thờ, đang khi hát bài ca nhập lễ: Ingrediente, tiếp theo là chủ tế đọc lời nguyện, và bài đọc Tin mừng về sự kiện được tưởng niệm, đôi lời giải thích ngắn gọn cho tín hữu. Sau đó, bắt đầu thánh lễ tưởng niệm sự thương khó của Chúa.
Thánh lễ "tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa"
Thánh lễ Chúa nhật này, vẫn còn giữ nguyên những hình thức nguyên thủy của nó, được dành riêng cho việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, điều mà Giáo hội cổ xưa đã cử hành cách chính thức vào ngày này [31]. Thánh vịnh 21, Deus, Deus meus, respice in me, quare me dereliquisti, là bài thánh ca tiên tri về những khổ đau của Chúa Kitô, đã cung cấp bản văn cho ca nhập lễ và tratto, đã đưa ra những đoạn biểu cảm nhất. Bài trích thư nhắc lại nỗi ô nhục anh hùng của Chúa Giêsu, itsque ad mortem, mortem autem crucis. Trong ba lời nguyện của thánh lễ, lời đầu tiên là nguyên gốc, phản ánh chính xác mầu nhiệm của ngày này, trái lại hai lời nguyện còn lại bị thay đổi, và không biết tại sao lại được thay thế những lời nguyện hợp lý hơn trong sách Gelasiano. Về Tin Mừng thì được hát đầy đủ trình thuật về cuộc khổ nạn theo thánh Matthêô, đây chỉ là phong tục rất cổ xưa của người Roma, Tin mừng được đọc trong tuần này, và hình thành việc đọc Tin mừng rất đặc trưng. Thánh Leone Magno xác nhận rằng, ngài chỉ thực hiện việc diễn giải đoạn Tin Mừng này trong Chúa nhật lễ lá và thứ 4 sau đó [32]. Ở Châu Phi, theo những gì thánh Augustino viết, đoạn Tin Mừng này được đọc vào Thứ Sáu Tuần thánh; Passio autem, quia uno die legitur, non solet legi nisi secundum Matthaeum [33]. Thật vậy, thánh nhân đã cố gắng thử đọc bài thương khó của bốn thánh sử cùng nhau [34], một thực hành đã được dùng tại Tây Ban Nha, nhưng không được nhiều người để ý tới.
Sách nghi thức tuần thánh (1951) đã điều chỉnh đáng kể các đoạn Kinh thánh của bài Passio theo bản văn của Tin Mừng Nhất Lãm, đã được hướng dẫn từ sách lễ, bằng cách bỏ phần tường thuật liên quan đến việc thiết lập Thánh thể. Cuối cùng các đoạn trích được phân bổ như sau: Mt (26,36-75;27,1-70), Mc (14,32-72;15,1-46), Lc (22,39-71;23,1-42), trình thuật của Gioan vẫn không thay đổi.
Tầm quan trọng của việc đọc bài thương khó (Passio) đã được nêu rõ trong phụng vụ cổ xưa. Thánh Augustino đã để lại ý nghĩa quan trọng khi ngài viết : đọc bài thương khó cách trọng thể, cử hành cách trọng thể. Các nhà truyền giáo thời xưa, bắt đầu với Vercelli (V sec.) đã đánh dấu bằng một số ký hiệu đặc biệt trước những Lời của Chúa Kitô trong trình thuật Thương khó theo thánh Matthêô, chủ yếu là chữ T, sau đó chữ C sẽ được làm dấu ở đầu mỗi tường thuật thuộc về người kể, chữ S là bắt đầu phần của các đoạn đối thoại.
Việc sử dụng ba người để hát bài thương khó, trong đó một người đại diện làm người kể, một người đại diện Chúa Giêsu, một người đại diện các nhân vật khác, được đưa vào khoảng năm 1000 tại các nhà thờ Bắc Ý, sau đó được nhiều nhà thờ khắp nơi bắt chước [35], vì có lẽ do nhu cầu thực tế và đáp ứng được yêu cầu cử hành cách trọng thể, và phù hợp với thị hiếu của giai đoạn ấy để làm cho trình thuật thương khó thêm kịch tính và biểu cảm hơn. Theo đó, trong sách lễ có ghi các người hát phải là các phó tế và mang dây các phép màu tím. Trong khi vào thời trung cổ và đặc biệt ở Anh thì họ mặc phẩm phục màu khác. Ở Ý, vào cuối thế kỷ XV, tại các nhà thờ chính, để việc trình bày trình thuật thương khó hiệu quả hơn, phần các lời của dân chúng được giao cho ca đoàn. Khi phó tế đọc đến câu "rồi người tắt thở" thì dừng trong giây lát, mọi người quì gối thinh lặng suy ngẫm trong chốc lát. Thực hành đạo đức này không quá cổ xưa, sử gia Goffredo di Beaulieu đã thuật rằng thánh Luigi, vua nước Pháp (1270) đã thấy thực hành này trong các tu viện dòng Beneditine, và ông đã mang nó về nhà nguyện riêng của mình, cũng như chấp nhận cho các nhà thờ, đặc biệt là các tu viện của dòng Ða Minh. Ở Roma thì được chấp nhận vào thế kỷ XIV [36].
Trong ba ngày lễ đầu của Tuần thánh, thì ngày lễ thứ 4 là cổ nhất và quan trọng nhất. Tại Giêrusalem, theo tường thuật của Egeria, dân chúng tập trung trong đền thờ Atanaso để đọc những đoạn Kinh thánh, tại nơi Giuđa bán mình cho những kẻ tội lỗi vì phản bội Thầy. Dân chúng lắng nghe trong thinh lặng, nhưng đến đoạn Giuđa hỏi: Các ông cho tôi bao nhiêu? Thì tất cả gầm rống lên; và Egeria cũng như những người khác không thể cầm được nước mắt. Ngay ở Roma, ngày thứ tư cũng được đánh dấu cách đặc biệt, như là một chặng tại đền thờ Ðức Bà Cả, và từ hai bài đọc của tiên tri Isaia (62, 11; 63, 1-7; 53, 1-12) vẫn còn được duy trì trong thánh lễ. Ngay từ đầu, những nguyên tắc của ngày thứ tư này có lẽ đã không dự liệu cử hành Thánh thể, nghĩa là không có thánh lễ, như Thứ sáu Tuần thánh, vì trong nhiều thế kỷ, sách nghi thức của Roma đã giữ những qui luật nguyên thủy. Thực vậy, họ đã qui định rằng ngày Thứ tư Tuần thánh, các giáo sĩ trong thành phố cũng như ngoại ô Roma tập họp về đền thờ Gioan Laterano vào buổi sáng, giờ thứ ba, và không đọc bất kỳ thứ gì khác ngoài những lời nguyện trọng thể [37], ngày nay thực hành này được thực hiện vào Thứ sáu Tuần thánh. Việc cử hành Bí tích Thánh thể chỉ dành riêng cho chặng Kinh chiều, vào giờ thứ 8, tại đền thờ Liberiana [38]. Lời nguyện hiện tại đã thay thế lời nguyện gốc của Leoniana [39], sau đó được chuyển qua thánh lễ thứ 5 Tuần thánh. Việc đọc trình thuật thương khó theo Tin mừng Luca, được xác nhận nơi người Roma vào cuối thế kỷ thứ VIII [40], thay vì đọc bài Tin mừng về việc rửa chân, và việc kẻ phản bội bị bại lộ, sau đó dành riêng cho Thứ năm Tuần thánh phần thứ hai [41].
(Nguồn: gpquinhon.org)
- - - - - - - - - -
[1] Low. "Come il Sermonario gregoriano di S.Pietro" in Rivista Archeol Cristiana, 1942, 143.
[2] Isidor., De Eccles. Offic., I,27.
[3] Những tên gọi khác nhau của Chúa nhật Lễ lá
[4] Justin., Apol., XXXV,11
[5] Itinerarium, (ed Pétré). IL Cabrol (Estudes sur la Peregrinatio Silviae, Paris, 1895, 94).
[6] Papadopulos-Keramens, "Lo desumiamo dal Typicon della Chiesa di Gerusalemme", Petersburg, 1894, 227.
[7] Isidor., De Eccles. Offic., I,28.
[8] Ferotin, Liber Ordinum, vol V, 178-183.
[9] Muratori, Lit. rom. Vet., II, 958.
[10] Homil, 33, P.L 94, 120.
[11] Liber officialis, I, 10.
[12] Andrieu, Les Ordines romani, V, 162.
[13] Chevalier, Ordinaire de l'Eglise cathédrale de Bajeux, Paris, 1902, 118.
[14] Vào thế kỷ XV và XVI, bài đọc này được đọc trong thánh lễ có nghi thức làm phép lá.
[15] Martène, De antiq. Eccl. Rit., 1. IV, 20, ordo 3.
[16] A. Baumstark, Die osterl. Papstliturgie des Jahres 1228, 1948, 184.
[17] Pseudo-Alcuino, De div. offic., 14; P.L. 101, 1201.
[18] E. Bishop, Holy Week Rites of Sacrum, Hereford and Rowen Compared, in Liturgy Historica, 286.
[19] Feasy, Plam Sundays, in Eccles, Review, 1908 (I), 361.
[20] Cf. G. Le Bras, Sur l'histoire des Croix rurales, in Miscell. A. De Mayer, Lovanio, 1946, 323.
[21] Wiepen, Palmsonntagsprozession und Palmesel, Bonn, 1903, 165.
[22] Cf. Ambrosius, 1926, 37.
[23] Cf. O. Casel, in Jahrb. f. liturgiew, 1922, 107.
[24] P. Giéranger, L'Année liturg. La Semaine sainte, 219.
[25] Andrieu, Le Pontif. romain au moyen-àge, Rome, II, 1938, nota 34.
[26] Pont. Rom. du XIP siècle (ed. M. Andriei ), 213.
[27] Baumstark, De Santi art. cit., 176.
[28] Durando, Ration, div. off., 1. V, c. 67, n. 9; Giov. Beleth, Div. off. explicatio, c. 44.
[29] Thibaut, La solemnité du Dimanche des Palmes, in Échos d'Orient, 1921, p. 77.
[30] Cf. Dreves, Ein Jahrtausend lateinischer Hymnendichtung, 71.
[31] S. Agostino, Sermo CCXXXII, 2.
[32] S. Leonis, Sermo de Pass. Domini, I, 5.
[33] S. Agostino, Sermo CCXXXII, 1.
[34] Ibid. CCXXXVI.
[35] Cf. Ferretti, Il canto della Passione, in Riv. Liturg. 1918, 69.
[36] Thurston, Leni and Holy Week, 337.
[37] OR. XXIV, 1; (Andrieu, Ordines, III, 287).
[38] Schuster, Lib. Sacrum., III, 201.
[39] Lang, op. cit., 444-54.
[40] T. Klauser, Das ròm. Capitolare Evangeliorum, p. 23.
[41] Leuterman, op. cit., p. 56.