Cỏ và Hoa
(Những Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 101 -
Làm thế nào để đối diện
với nỗi sợ khi thấy cha mẹ mình già đi
Làm thế nào để đối diện với nỗi sợ khi thấy cha mẹ mình già đi.
Sao Băng
(WHÐ 04-03-2020)
Ðiều đáng sợ có thể là khi thấy cha mẹ của mình già đi, nhưng chấp nhận có lẽ là bước đầu tiên.
Dù đến cách đột ngột hay chậm rãi theo thời gian, không một ai thoát khỏi ý thức rõ ràng rằng cha mẹ của mình thực sự đang già đi. Chúng ta có thể trốn tránh, nhưng rồi ngày đó đến, khi mà sức khỏe của họ yếu dần đến mức trở nên không thể phủ nhận được nữa và chúng ta buộc phải đối diện với điều đó.
Khi các vai trò bị đảo ngược
Các dấu hiệu lão hóa lẻn vào trong cuộc sống hàng ngày: tivi bật hết cỡ, giấc ngủ ngắn trở nên không thể thiếu, những cuộc hẹn liên tục với bác sĩ, những khoảnh khắc lãng trí lặp đi lặp lại, những sở thích giảm dần. Bị ngắt kết nối với một cuộc sống chuyên nghiệp, một yếu tố của hội nhập xã hội, cha mẹ hưu trí nhận thấy nhịp sống của họ chậm lại và hình thành một sự rạn nứt giữa họ với thế giới "hoạt động".
Ðối với người con trưởng thành, chấp nhận sự già nua của cha mẹ không bao giờ là dễ dàng. Với một đứa trẻ, tất cả những thay đổi về thể chất và hành vi ở cha mẹ cao niên đều mang đến cái nhìn khác về hình ảnh của cha mẹ đối với con trẻ - hình ảnh của người có quyền, tự chủ, thể chất mạnh mẽ và đôi khi là sự thành công trong xã hội, tất cả bắt đầu phai mờ. Khi những người thân nhận thấy thể chất mạnh mẽ và khả năng phản ứng của họ suy giảm, thường những đứa con trưởng thành sẽ can thiệp, đôi khi lại trở thành người bảo vệ cho cha mẹ mình. Bác sĩ tâm thần Dominique Duvernier cho biết: "Mối quan hệ cha - con bị đảo ngược, từ người được bảo vệ, đứa con trở thành người bảo vệ. Và anh ta bỗng nhận ra rằng điều đó thúc đẩy anh ta bước ra tiền tuyến".
Chấp nhận tuổi già của cha mẹ mình và cả chính bản thân
Ở tuyến đầu không chỉ có nghĩa là chiếm lấy vị trí dẫn đầu mà còn đối diện với khái niệm về sự chết, không chỉ của cha mẹ, nhưng còn là của chính mình. Và đó cũng là sự lão hóa của chính chúng ta, nó thật đáng sợ. Trước tình huống này, chúng ta phải làm gì? Trốn tránh bằng cách bỏ ngoài tai? Che dấu những dấu hiệu lão hóa ban đầu bằng kem chống nhăn?
Chấp nhận nhìn thấy cha mẹ mình già đi không chỉ là một giai đoạn đau khổ, không cải thiện được gì mà còn là cơ hội để suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống.
Ðây là một cơ hội, một bài học thực sự về cuộc sống và sự khiêm tốn. Patrick, 50 tuổi, người đã đưa mẹ vợ về nhà mình khoảng vài năm trước khi bà ấy qua đời ở tuổi 95, nhấn mạnh: "Chúng ta sống trong một xã hội gắn liền cuộc sống với tuổi trẻ, sắc đẹp và từ chối mọi ý tưởng về sự chết, một từ đồng nghĩa với hư vô. Nhưng cuộc sống hình thành nên một tổng thể, từ thụ thai cho đến chết và mỗi bước đều có sự phong phú của nó".
Cha André Ravier, dòng tên, trong cuốn sách những suy tư thiêng liêng về tuổi già đã viết như sau: "Kết thúc cuộc đời vẫn là cuộc sống. Chúng ta nhận ra những giá trị mà chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhận ra". Ngài nói tiếp: "Ðối với người Kitô hữu, tuổi già thực sự là một ơn gọi, một ơn gọi cá nhân". Ðó cũng là giai đoạn đem lại cho chúng ta thời gian để tĩnh tâm, nhìn lại câu chuyện cuộc đời mình, để học cách tha thứ.
Thời gian để cho đi
Thời điểm này trong cuộc sống của người cao niên thường hay khắt khe đối với con cái họ. "Người phụ nữ quên ngày sinh nhật của con mình, không còn có thể mời hai người ăn tối mà không hoảng sợ, không chịu học cách sử dụng internet, không thể chịu đựng những đứa trẻ ồn ào, đó là mẹ tôi". Tâm sự của Benedict khi chăm sóc cho người mẹ 88 tuổi của mình. Cô phân tích: "Khi tôi buộc phải giải thích với cha tôi lần thứ ba cách làm việc với ứng dụng mới tôi vừa tải xuống, tôi thường mất kiên nhẫn đến mức phải bứt tóc! Tuy nhiên, sau đó tôi suy nghĩ đến những đòi hỏi về lòng hiếu thảo. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta nhận được, chúng ta lấy, chúng ta tiêu xài. Nhưng khi "mối quan hệ gặp khó khăn, đến lúc phải cho đi cũng chính là lúc chúng ta nắm bắt được điều cốt yếu: tình yêu đích thực là một hành động của ý chí".
Càng yêu thương một ai đó chúng ta càng khó chấp nhận nhìn thấy họ thất bại và đau khổ, điều đó không còn tương ứng với hình ảnh của chúng ta có về họ. Và để yêu thương cha mẹ của chúng ta khi họ già đi, chúng ta cần phải nỗ lực. Nhưng đây chẳng phải là tình yêu đích thực? Chấp nhận nhìn thấy cha mẹ già đi, không phải chỉ đơn giản là học cách yêu thương họ sao?
Tác giả Béatrice Courtois
Sao Băng chuyển ngữ aleteia.org