Tiếng Chuông Thánh Ðường
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 97 -
Cần Cùng Chèo Ðể Vượt Qua Sóng Gió
Cần Cùng Chèo Ðể Vượt Qua Sóng Gió.
Bình Minh
(RVA News 23-05-2020) - Trong thánh lễ trực tuyến Chúa nhật lễ Lá 2020 được cử hành tại Nhà thờ Tân Phước, linh mục Gioan Baotixita Phương Ðình Toại có kể một câu chuyện cảm động như sau:
Vào lúc 2h chiều ngày 05 tháng 04 năm 2020, có một bác xích lô già ở quận 11, bác đạp xe tới Mái Ấm Bình Triệu gặp linh mục Gioan Baotixita để xin ở nhờ vì biết rằng ở đây có cho những người cơ nhỡ ngủ tạm qua mùa dịch.
Khi được hỏi trước giờ bác ở đâu? Bác xích lô trả lời: "Tôi thường đậu nhờ xích lô một hiên nhà của người khác rồi ngủ trên xích lô, nhưng mà bây giờ đi đâu người ta cũng đuổi tôi cả vì sợ dịch. Trước đây cũng có khi tôi vào nhà vệ sinh công cộng để tắm nhờ nhưng bây giờ cũng không được. Tôi thực sự tứ cố vô thân. Cách đây ba ngày, tình cờ có một cô sinh viên đi ngang thấy tình cảnh của tôi, cô ấy cho tôi ít tiền và bảo tôi đến nơi này để xin tá túc."
Lúc này linh mục Gioan Baotixita hỏi tiếp: "Bác đã được mách chỗ này cách đây ba ngày, thế sao bây giờ bác mới tới?"
Bác xích lô trả lời: "Tôi sợ bị từ chối, bị đuổi nữa nên tôi chần chừ chưa muốn đi. Ðến khi tôi quyết định tìm đến đây thì tôi muốn rủ thêm một ông bạn nghèo nữa, ông ta 69 tuổi, ông ta cũng ngủ lang thang ngoài đường như tôi. Thế nhưng tôi đã mất hơn nửa ngày đạp xích lô vòng vòng trong thành phố để tìm được ông bạn cùng khổ và tính chở ông ta tới nơi đây, nhưng tôi vẫn không tìm thấy ông ta đâu."
Quý vị và các bạn thân mến!
Những lời tâm sự chân thành của bác xích lô già đã gây xúc động cho bất cứ trái tim nào còn thấm đẫm tình người. Linh mục Gioan Baotixita đã chảy nước mắt. Một người đàn ông già ăn trên xích lô, ngủ trên xích lô, vậy mà khi nghe có chỗ trú ngụ đã không chỉ biết lo cho bản thân mình mà lại đi tìm người bạn cũng nghèo khổ như mình để cùng trú ngụ.
Vào khoảng trung tuần tháng 03 năm 2020, chúng ta cũng biết một câu chuyện cảm động của một cụ bà 90 tuổi, người Bỉ. Khi bị nhiễm Covid-19, bà bị khó thở, chán ăn và được nhập viện để chữa trị. Tuy nhiên, bà đã nói với các bác sĩ tại bệnh viện: "Tôi không muốn dùng máy thở. Hãy để dành chúng cho bệnh nhân trẻ tuổi. Tôi đã có một cuộc đời tươi đẹp". Vâng! Cho dù bà ta đã "có một cuộc sống tươi đẹp" thì việc chấp nhận cái chết để người khác được sống là một hành động nhân ái không dễ dàng thực hiện, vì đó là hy sinh chính mạng sống mình.
Ở 90 tuổi, cụ bà đã không thể còn có những cống hiến cụ thể cho cuộc đời, thế nhưng cụ bà vẫn cho người khác được điều cực kỳ quý giá đó là sự sống. Và với cuộc sống vô gia cư, bác xích lô già vẫn có thể sẻ chia với người bạn nghèo khác của mình cái điều mà mình cũng rất cần đó là một chỗ để ăn, để ngủ.
Ngược lại, trong khi toàn dân gồng mình chống dịch, nhiều y bác sĩ hy sinh phục vụ đến kiệt sức cho các bệnh nhân trong các bệnh viện, dân nghèo xếp hàng dài nhận gạo cứu trợ thì có những kẻ có học vị, chức quyền và cũng thừa tiền của lại lợi dụng lúc khó khăn của dịch bệnh Covid-19 để ăn bẩn, tham nhũng khi mua thiết bị xét nghiệm virus với giá gấp ba, gấp bốn lần giá thật.
Và dĩ nhiên, điều đáng sợ nhất chính là những người được tôn vinh làm những nghề cao quý, giữ những trọng trách lớn lao cho xã hội nhưng lại coi thường đạo đức, sống ích kỷ, không có ý thức cộng đồng, không thương dân thương nước, chỉ biết lợi dụng chức quyền sống vinh thân phì da, trục lợi.
Con người khi cùng nhau bước qua những thử thách đầy nghiệt ngã với tư thế đứng thẳng lưng hay cúi khom hèn hạ điều đó phụ thuộc vào bản chất đạo đức thật của mình. Và sự đạo đức này không phụ thuộc vào trình độ, hình thức hay chức quyền địa vị. Dù sao thì sự xuất hiện đầy oan nghiệt của Covid-19 cũng giúp chúng ta ngộ ra nhiều điều.
Lạy Chúa, Chúa đã hiến thân chịu chết vì nhân loại để dạy cho chúng con bài học vĩ đại về Tình Yêu. Xin cho chúng con biết yêu thương đồng bào, đồng loại của mình, đặc biệt là trong cơn hoạn nạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Cũng xin cho những người có trách nhiệm, những nhà lãnh đạo đất nước được hiểu rằng, trong cơn đại dịch này mọi người đều "ở trên cùng con thuyền và cần cùng nhau chèo để vượt qua sóng gió", để họ có can đảm đặt lợi ích của cộng đồng, của đất nước lên trên tham vọng cá nhân của mình. Amen.
Bình Minh