Tín Nhiệm
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 04 -
Xin Cho Con Biết Lắng nghe
Xin Cho Con Biết Lắng nghe.
Bình Minh
(RVA News 21-08-2020) - Một mẹ trẻ muốn kiểm tra thành quả về cách giáo dục con cái của mình. Cô vui vẻ đưa cho cậu con trai nhỏ hai quả táo. Tiếp đó, cô chờ đợi cậu con trai nhỏ sẽ tặng lại cho mẹ một quả. Nhưng cậu bé nhận lấy hai quả táo từ tay mẹ xong cũng chẳng thèm nhìn mẹ lấy một cái, mà cắn ngay mỗi quả một miếng. Người mẹ trẻ vô cùng thương tâm, suýt nổi giận và định dạy cho cậu con một bài học về sự tham lam, ích kỷ. Ai ngờ được rằng đúng vào lúc này cậu con trai bé nhỏ cất tiếng ngọng líu ngọng lo: "Mẹ ơi, mẹ ăn quả này này. Con ăn thử rồi, không chua đâu!"
Nước mắt của người mẹ đột nhiên rớt xuống.
Quý vị và các bạn thân mến!
Không đủ kiên nhẫn và không có thời gian lắng nghe người khác là một trong những nguyên nhân gây nên những đổ vỡ, rạn nứt trong các mối quan hệ giữa chúng ta và những người xung quanh. Với nhịp sống năng động của một xã hội công nghiệp chúng ta ngày càng trở nên vội vã và dường như ai cũng tất bật với công việc của mình. Với lý do vì phải chịu áp lực bận rộn của một lịch làm việc quá tải, chúng ta cho phép mình cắt bỏ một số mối quan hệ và cảm thấy việc phải đầu tư thời gian và sức lực cho các mối tương giao với người khác là không cần thiết. Một trong những nghịch lý thường xảy ra trong cuộc sống hiện đại đó là mặc dù sống trong thời đại mà các phương tiện thông tin liên lạc được trang bị ở mức độ tối tân, nhanh chóng và tiện dụng nhất, nhưng người ta vẫn có rất ít thời gian để quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình. Trong gia đình, bố mẹ đi làm, đi công tác, con cái đi học, nếu có liên lạc với nhau thì cũng chỉ là những tin nhắn ngắn gọn để gửi những thông tin cần thiết. Về đến nhà, mọi người đều mệt mỏi, vài câu chào hỏi chiếu lệ rồi ai cũng muốn tìm sự nghỉ ngơi, yên tĩnh cho riêng mình. Chẳng ai muốn trò chuyện hay muốn quan tâm đến những thành viên còn lại. Chẳng còn ai kịp để ý cuộc sống của mình đang trôi qua trong sự tẻ nhạt và đơn điệu. Và dần dần mỗi người cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Nhưng trong thực tế cuộc sống, được công nhận, được thấu hiểu, được thừa nhận những cảm xúc luôn là những nhu cầu rất lớn lao của con người. Mà muốn thỏa mãn được những nhu cầu căn bản đó của người khác, chúng ta phải biết lắng nghe. Trong tiếng Anh từ nghe có hai động từ phân biệt rất rõ trạng thái, tinh thần của người nghe đó là hear và listen. Hear là nghe nhưng không chú tâm, ví như ta nghe tiếng ồn ào của đám đông, của xe cộ... âm thanh cứ thế mà rót vào tai ta, nhưng listen thì buộc ta phải lắng nghe với hết tâm tình, dành hết sự quan tâm cho đối tượng đang nói với mình. Chúng ta nghe không chỉ bằng tai mà còn nghe bằng ánh mắt, nụ cười và với cả trái tim của mình. Nếu chúng ta sử dụng tất cả những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ đó bằng hết cả tâm tình yêu mến, cảm thông thì dù chúng ta không nói gì, nhưng là nói rất nhiều vì chúng có khả năng thay vạn lời trái tim muốn nói.
Sự bận rộn không chỉ khiến chúng ta không còn thời gian để lắng nghe người thân mà còn giết chết mối tương giao của chúng ta đối với Thiên Chúa bởi chúng ta cũng không có thời gian để lắng nghe tiếng Ngài kêu gọi, nhắc nhở từng giờ, từng ngày trong cuộc sống của mình. Hoặc có nhiều khi ta dành nhiều thời gian để đến với Chúa, để viếng Thánh Thể, nhưng khi ra về, lòng vẫn thấy trống rỗng, không sốt mến. Ðó là vì trong buổi gặp gỡ, chúng ta nói nhiều quá, cầu xin nhiều quá nhưng không hề biết thinh lặng, biết lắng nghe, Lời Chúa đã không có cơ hội tạo thành những cung bậc vang lên trong tâm hồn của mình. Trong khi kinh nguyện, lời cầu xin phổ biến trong các bản kinh vẫn là "Lạy Chúa xin lắng nghe tiếng con van nài" hay " xin Chúa lắng nghe tiếng con cầu xin" mà rất ít khi cầu xin cho con biết im lặng lắng nghe tiếng Chúa.
Lạy Chúa, khi tạo dựng hình hài con người, Ngài cho chúng con có một miệng nhưng có đến hai tai với ý muốn cho chúng con biết lắng nghe nhiều hơn là nói. Xin cho chúng con biết tạo những khoảng lặng trong cuộc sống của mình để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng lương tâm, đồng thời cũng biết lắng nghe những vui buồn đang xảy ra trong đời sống của những anh em, người thân đang sống chung quanh chúng con với sự quan tâm chia sẻ và thái độ cảm thông chân thành. Amen.
Bình Minh