Tiếng Chuông Thánh Ðường

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 183 -

Lãnh Nhận Và Cho Ði

 

Lãnh Nhận Và Cho Ði.

Duy An

(RVA News 28-07-2020) - Người ta kể lại rằng: Giữa một sa mạc khô cằn nọ có một cái giếng nước. Bên thành giếng, người ta cột chặt một cái gàu múc nước để khách bộ hành đi ngang qua có thể múc nước ở giếng đó mà uống. Gần giếng nước đó có hai ông cháu sống với nhau trong một túp lều đã rất nhiều năm. Một ngày nọ, chiếc gàu múc nước bị đứt dây và rơi tõm xuống đáy giếng. Thế là hai ông cháu tội nghiệp ấy không làm sao múc nước lên để uống, đành ngồi trước cửa lều hy vọng nhờ được ai đó giúp đỡ.

Một lát sau, có một người nông dân đánh xe bò đi đến. Trong xe, dưới lớp rơm rạ ấy có giấu một cái gàu. Người nông dân nhìn xuống giếng thấy cái gàu nằm dưới đó, đưa mắt quan sát hai ông cháu đang ngồi gần đó, rồi vội vã đánh xe đi.

Xế trưa, một lữ khách khác lại đi qua. Người này lấy trong xe ra một cái gàu, buộc vào dây rồi múc nước từ giếng lên uống no nê. Sau đó, ông tháo chiếc gàu múc nước của mình ra cất lại vào xe và ra đi.

Chiều đến, một lữ khách khác lại dừng xe cạnh chiếc lều của hai ông cháu nọ và tiến đến gần giếng nước. Nhìn thấy chiếc gàu múc nước đang nằm tít dưới đáy giếng, người này liền lấy chiếc gàu múc nước của mình trên xe xuống, cột chặt vào đầu dây rồi múc nước cho mình và hai ông cháu cùng uống. Uống nước xong, ông ta cảm ơn hai ông cháu rồi lên đường, chiếc gàu của ông vẫn còn nằm lại bên thành giếng.

Lúc bấy giờ, ông cụ mới nói với đứa cháu nhỏ của mình rằng: "Cháu à, đây chính là cách cư xử tốt đẹp mà cháu hãy làm theo".

Quý vị và các bạn thân mến,

Lãnh nhận và cho đi là hai chiều tương tác của con người với thế giới xung quanh. Sự lãnh nhận quy hướng vào bản thân con người, còn sự cho đi thì hướng con người ra bên ngoài để đến với tha nhân và những sự vật khác bên cạnh mình. Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một thời đại mà theo nhận định của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là thời đại mà "cám dỗ sống ích kỷ luôn ẩn núp trong tâm hồn con người" (Sứ Ðiệp Mùa Chay 2003). Cám dỗ đó đã bồi đắp ước muốn chiếm hữu và giữ lại những lợi ích cùng những điều tốt đẹp lại cho mình nhưng lại làm suy yếu đi khả năng quan tâm và chia sẻ vô vị lợi cho người xung quanh. Cho nên có rất nhiều người thích lãnh nhận về cho mình và có rất ít người quan tâm đến việc cho đi. Chúng ta thấy rất rõ điều này trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe.

Cái giếng nước nằm đó giữa sa mạc và nguồn nước mát mẻ là một sự trao ban vô vị lợi của thiên nhiên dành cho con người. Khi cái gàu múc nước chung không còn ở đó nữa và phải dùng đến cái gàu múc nước của riêng mình, trong ba người lữ khách ghé vào nơi ấy, có đến hai người lấy chiếc gàu của mình để múc nước uống cho riêng mình rồi lại mang chúng đi. Duy chỉ có một người quảng đại để lại chiếc gàu múc nước của mình bên thành giếng cho những người khác đến có thể tiếp tục lấy nước.

Trong cuộc sống của mình, ít nhiều chúng ta cũng kinh nghiệm được rằng thật dễ để lãnh nhận về cho mình, nhưng thật khó để lấy ra những gì mình có mà cho đi. Cho đi những gì là dư thừa và không mấy giá trị thì không mấy khó khăn, nhưng khi phải cho đi những điều gì đó rất hiếm hoi, quý giá và gắn bó, chúng ta không khỏi cảm thấy xót xa và tiếc nuối. Cho dù luôn có sự do dự, giằng co, hay nhức nhối, việc lãnh nhận và cho đi vẫn luôn là niềm khắc khoải trong tâm trí và quyết định của con người. Nhà thơ Tố Hữu đã ngâm nga trong bài thơ Một Khúc Ca Xuân của mình rằng: "Nếu là con chim, chiếc lá, thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh; lẽ nào vay mà không có trả? sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, loài chim được nhận lấy giọng hót véo von thì phải trao tặng lại cho đời giọng hót ấy; những chiếc lá được mặc lấy màu xanh thì phải làm đẹp cuộc đời bằng màu xanh của chúng. Chúng ta cũng đang hiện diện trong cuộc đời này với những vẻ đẹp và sự giàu có mà Thiên Chúa ban tặng. Ước gì trong mọi ngày sống của mình, chúng ta chọn cho mình cách sống cho đi nhiều hơn là lãnh nhận theo lời nhắn nhủ của thánh Phao lô: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35).

Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều được lãnh nhận nơi Chúa thời giờ, sức khoẻ, tài năng, và biết bao ơn lành khác nữa. Xin Chúa ban ơn giúp chúng con thắng vượt tính tham lam ích kỷ và thói quen gom góp mọi sự về cho mình để có thể quảng đại chia sẻ và trao ban những gì mình có cho tha nhân. Amen.

Duy An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page