Tiếng Chuông Thánh Ðường

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 177 -

Con Cần Chúa Thôi

 

Con Cần Chúa Thôi.

Bình Minh

(RVA News 22-07-2020) - Chuyện vui xưa kể rằng có hai anh chàng ở gần nhau, một người tuy nghèo nhưng hay chữ và một người thì giàu nhưng dốt đặc. Một lần anh nghèo đến dinh quan xin học bổng, quan thử tài bằng cách bắt ứng tác một bài thơ. Anh chàng nhìn thấy con ngựa trắng gần đấy bèn vịnh luôn:

Bạch mã mao như tuyết

Tứ túc cương như thiết

Tướng công kỵ bạch mã

Bạch mã tẩu như phi

(đại ý:

ngựa lông trắng như tuyết,

bốn chân cứng như sắt,

quan lớn cưỡi ngựa trắng,

ngựa trắng phi như bay).

Quan nghe xong rất hài lòng, thưởng cho anh chàng tiền và thóc, lúc nhấc quang gánh lên thấy chưa cân, anh chàng lém lỉnh than rằng: "Nhất bên trọng, nhất bên khinh", quan khen hay và bèn cho thêm thóc để cân bằng.

Biết chuyện, anh giàu nổi lòng tham bèn xin anh nghèo truyền lại hết nội dung bài thơ, các câu đối đáp để học thuộc lòng rồi hôm sau cũng đến dinh quan xin tiền học. Quan cũng yêu cầu ứng tác thơ, nhưng lúc đó không có con ngựa trắng mà chỉ có một bà cụ đang quét sân, anh chàng bèn gượng đọc:

Bà cụ mao như tuyết

Tứ túc cương như thiết

Tướng công kỵ bà cụ

Bà cụ tẩu như phi!

Quan nổi giận thét lính nọc ra quất 30 roi vào mông, anh chàng vẫn cố thều thào nốt câu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" thế là quan ra lệnh đánh thêm 30 roi nữa vào lưng cho cân bằng.

Quý vị và các bạn thân mến!

Qua câu chuyện vui, người xưa muốn để lại cho chúng ta một bài học mà vẫn còn giá trị nhắc nhở cho chúng ta ngày nay đó là nếu chúng ta có tính học đòi bắt chước người khác một cách mù quáng, thiếu nhận thức sẽ dẫn đến những kết cục dở khóc dở cười như thế. Chúng ta đang sống trong một xã hội mang tính cộng đồng cao và chính lối sống bầy đàn đã khiến chúng ta luôn muốn sống theo quan điểm "ai sao, tôi vậy" , thà "dại bầy còn hơn khôn độc" như một thi sĩ xưa đã tự nhủ "Thiên hạ có khi đang ngủ cả, dại gì mà thức một mình ta?". Tuy nhiên chính lối sống không tự biết mình, không làm chủ được mình mà cứ mãi chạy theo những bắt chước dại dột, mù quáng với động cơ chủ yếu là không muốn bị loại bỏ trong cái nhìn chung của mọi người, sẽ khiến chúng ta tự đánh mất chính mình.

Người ta dễ dàng nhận thấy rằng con người ngày nay cũng ngờ nghệch không khác gì anh chàng nhà giàu ngày xưa, cũng bị những sôi động và đầy ắp sự lôi kéo của cuộc sống chi phối trong từng suy nghĩ, từng hành động, từng sở thích của mình. Trong cuộc sống hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa và tính cộng đồng trong xã hội đòi hỏi chúng ta phải có những sự hòa nhập nhất định vào nền văn hóa chung của xã hội mình đang sống. Tuy nhiên, hòa nhập chứ không phải hòa tan, khi tiếp thu những xu hướng văn hóa mới, chúng ta phải có năng lực sàng lọc để biết chọn lựa những gì thích hợp và thực sự mang lại lợi ích cho cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của mình. Cũng như phải biết nói không, biết cách thoát ra những ảnh hưởng của những xu hướng sống mới đang bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống như văn hóa, thời trang, giải trí và ngay cả các tiêu chí làm nên giá trị của con người.

Là người môn đệ Chúa, chúng ta được mời gọi để "trở nên hoàn thiện như Cha chúng con trên trời là Ðấng hoàn thiện". Rất có thể khi trở nên giống như hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên khác biệt với tập tục, não trạng, một chủ trương, một trào lưu hay một thang giá trị sống nào đó của xã hội. Thế nhưng chúng ta hãy can đảm lội ngược dòng vì đi theo Chúa, bắt chước Chúa là đi theo điều tốt, là thực hiện các bổn phận mà lương tâm đạo đức của con người buộc ta phải thi hành, là cách thế duy nhất để chúng ta nâng cao giá trị làm người của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa là hình ảnh, là mẫu gương để chúng con bắt chước và biến đổi chính mình để ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Có như thế chúng con mới thực hiện được lời nhắc nhở rằng: "Giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời". Amen.

Bình Minh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page