Tiếng Chuông Thánh Ðường
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 133 -
Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo (+188)
Nẻo đường của những nhà truyền giáo can đảm
Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo (+188) - Nẻo đường của những nhà truyền giáo can đảm.
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
(RVA News 10-06-2020) - Chương thứ năm của "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" - nói về "các nẻo đường của tuổi trẻ," ở số 178, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc với các bạn trẻ rằng: "Một số người trẻ đã hi sinh mạng sống của họ vì mục đích ra đi truyền giáo... Chúng ta hi vọng rằng họ có thể là những hạt lúa mì và là dụng cụ để cứu rỗi nhân loại noi gương các vị tử đạo. Tuy đức tin của họ nhỏ bé như hạt cải, nhưng Thiên Chúa sẽ cho nó tăng trưởng và sử dụng nó như một công cụ cho công việc cứu rỗi của Người."[1] Ta có thể thấy điều này được diễn tả cụ thể bằng một dẫn chứng rất sống động qua hình ảnh "Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo" mà Giáo hội kính nhớ ngày 03 tháng 6.
Hai mươi hai thánh tử đạo da đen ở Ouganda đã bước vào nẻo đường mà các thánh Tông đồ đã đi. Các ngài đã hi sinh mạng sống của mình để loan truyền nước Chúa khi gánh chịu những hình khổ thật tàn nhẫn: bị bắt đi bộ chừng năm mươi chín cây số đến nơi hành quyết, bị giam tù, bị bỏ vào trong những giỏ mây rồi ném vào một đống lửa lớn, thiêu sống... Các ngài là những người rất trẻ: Kizitô 13 tuổi, những vị lớn hơn khoảng 16 đến 24 tuổi. Mười bảy người trong số hai mươi hai vị ấy là những chú tiểu đồng thuộc hoàng gia. Một trong các cậu bé tử đạo là thánh Mbaga bị chính thân phụ của mình là người đao phủ... Anh đã nói với cha mình rằng: "Vua đã ra lệnh cho cha phải giết con. Con muốn chết vì Ðức Giêsu Kitô." Ðức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, nhân chuyến hành hương sang châu Phi năm 1964, đã giảng trong lễ phong thánh các vị tử đạo tại Ougangda[2] rằng: "Các vị tử đạo Phi châu này đã thêm một trang mới vào Danh bộ Các Thánh Tử đạo, vào cuốn sổ ghi tên những người chiến thắng. Trang sách đó cho thấy những sự việc vừa bi thảm, lại vừa cao đẹp."
Chúng ta có thể viết thêm: Các bạn trẻ tử đạo này đã đi vào "Nẻo đường của những nhà truyền giáo can đảm" mà trong "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói tới và mời gọi các bạn trẻ hôm nay tiếp tục đi vào... Con đường ấy thật khó đi và chẳng mấy ai đi, nhưng con đường ấy sẽ làm nên lễ toàn thiêu cao quý và đắt giá biết bao. Con đường ấy sẽ nảy sinh những động lực mạnh mẽ khiến hình thành một dân mới về phương diện đạo đức. Một nếp sống tinh thần mới được kiến tạo để truyền lại cho hậu thế.
Tại sao chúng ta gọi con đường các vị tử đạo đi là "Nẻo đường của những nhà truyền giáo can đảm"? Thưa, vì các ngài đã thể hiện đức tin của mình: khi sống "trọn lành như cha trên trời là Ðấng trọn lành;" khi can đảm tố cáo cách sống bê tha và tội lỗi của vua; chống lại hành động tàn bạo của vua... Các ngài đã nói lên sự thật rằng: tin theo Chúa thì không được trở thành những con bò câm mà phải mạnh mẽ lên án những ai làm những việc sai trái và đồi bại.
Tuy nhiên, chỉ mới lên tiếng về những việc tiêu cực thôi chưa đủ, Ðức Thánh Cha Phanxicô còn thấy một hướng mới mà các bạn trẻ đang thực hiện mà ngài gọi là Nẻo đường của những nhà truyền giáo can đảm[3] đó là: ...sẵn sàng tự dấn thân thực hiện các sáng kiến làm việc thiện nguyện, làm công dân tích cực và liên đới xã hội,... sẵn sàng bước vào đời sống chính trị để xây dựng lợi ích chung,... sẵn lòng đi ra ngoài, dành thời giờ với người già, hoặc đến thăm các khu dân cư nghèo để đáp ứng nhu cầu của người ta,... tham gia vào các chương trình xã hội, xây dựng nhà cửa cho người vô gia cư, hoặc phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hoặc cung cấp nhiều loại trợ giúp cho người túng thiếu,... Các sinh viên đại học có thể áp dụng kiến thức của họ một cách liên ngành, cùng với các người trẻ của Giáo hội hoặc Tôn giáo khác, để đề ra các giải pháp cho các vấn đề xã hội...
Kính nhớ thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo mời gọi mỗi người chúng ta đặc biệt là các bạn trẻ suy nghĩ nhiều về cách thức tham gia truyền giáo, có thể sẽ ít đổ máu ngay tức khắc, nhưng đổ máu hi sinh mỗi ngày.
Xin thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo chuyển cầu cho chúng con, để chúng con nhiệt thành tham gia vào "Nẻo đường của những nhà truyền giáo can đảm" hôm nay, truyền giáo cho người hôm nay. Amen.
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
- - - - - - - - -
[1] [95] Trích lại: Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, Thư mục vụ nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày tử đạo trong cuộc bách hại ở Byeong-in (30-3-2016).
[2] Trích Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách lễ nhớ Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo ngày 03/6.
[3] ÐTC Phanxicô "Tông huấn Ðức Kitô đang sống" (Christus Vivit), số 170-178.