Tiếng Chuông Thánh Ðường
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 124 -
Từ cảm thức được yêu thương
đến văn hóa lòng biết ơn
Từ cảm thức được yêu thương đến văn hóa lòng biết ơn.
Sr. Maria Vũ Tuyết
Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
(WHÐ 05-06-2020)
I. Lời Ðầu
Là con người ai cũng có trái tim, ai cũng biết yêu thương và muốn được yêu thương. Tình thương góp phần rất lớn trong việc hình thành phát triển con người toàn diện. Tình thương, nếu biết cảm nhận, nó sẽ giúp cho con người vượt mọi gian khó để thành công trong cuộc sống và hạnh phúc trong tâm tình biết ơn vun đắp tình người.
Là người, ai cũng có một gia đình, một quê hương, dù là ở thôn quê, ngoại ô, hay thành thị. Là người, dù ở tôn giáo nào hay không tôn giáo, dù là chủng tộc nào hay quốc gia nào, con người cũng hưởng tình liên đới huynh đệ, nhờ nhau để sống, cộng tác với nhau để phát triển mọi khía cạnh, bởi lẽ không ai là một hòn đảo. Ý thức được điều này con người sẽ gia tăng tinh thần trách nhiệm liên đới và sẽ đạt được quyền lợi chung nhiều hơn.
Cuộc sống con người, dù ở xã hội nào, chính thể nào cũng có điều tốt và điều xấu, cũng phải chạm trán với thách đố và sự cố do thiên tai hay sự thiếu ý thức mình được yêu thương mà gây ra đổ vỡ, hậu quả tác hại lẫn nhau. Chỉ khi con người biết nhìn lại, rút kinh nghiệm, mình đã được yêu thương, được nhận lãnh; tới lượt mình, mình cũng phải đáp đền bằng sự tôn trọng nhân vị, bác ái chân thành với tha nhân. Có được như thế, thì con người mới có an bình nội tâm và thế giới mới có hòa bình.
Cuối cùng, qua tình gia đình, quê hương, Giáo hội, và xã hội được xem như yếu tố căn bản để con người vươn tới tình Chúa. Vì con người chỉ là thụ tạo, dù có nỗ lực đến đâu cũng không lấp đầy khát vọng vô biên và bù đắp lại sự giới hạn của con người. Chỉ có Chúa là Ðấng Tạo Hóa, quyền năng, Ngài tạo dựng con người, Ngài có quyền cho chết và làm cho con người sống lại. Hơn nữa, tình yêu Chúa viên mãn, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng sống cho người mình yêu. Lòng Chúa thương xót không gì có thể đo lường được. Do đó, mục đích đời người là cảm thức mình được Chúa yêu thương, để sống tình con thảo là đền đáp ơn Chúa bằng cách yêu Chúa hết lòng hết trí và thương tha nhân như chính mình vậy.
II. Quảng Diễn
1. Cảm thức tình thương từ lòng đất mẹ
a. Nơi thôn làng:
Cho dù họ được sinh ra nơi thôn làng, dưới mái nhà đơn sơ, bên hàng rào dậu, bên lũy tre làng, có dòng sông nhỏ... họ thường kể cho tôi nghe, họ vẫn nhớ lắm:
Tiếng gà gáy như đồng hồ báo thức, người người thức giấc để lo phận việc mình, người đến nhà thờ, người đọc kinh, người ra đồng ruộng, người làm vườn, người nấu nướng, người dọn hàng... nhịp sống quê tôi làm cho con người kiên nhẫn, bình dị. Từ buổi sáng sớm trong bầu khí yên tĩnh, tươi mát, trong lành, có sương sa làm óng ánh hai bên bờ cỏ, có hương thơm hoa cỏ đồng nội chan hòa khắp nơi.
Trưa về trời nắng có cốc chè tươi, có ly nước mía, có trái dừa xiêm, có gáo nước lạnh, ai mà dễ quên. Tháng hạ, thoang thoảng từ xa làn gió nhẹ lướt qua giữa trưa hè oi bức, thường đánh vào các hàng tre chạm nhau, âm vang hòa cùng gió uốn mình du dương. Ðám trẻ thích thú vì không ngủ trưa để trèo cây khế, cây mận, cây xoài, cây me... hái trái mãng cầu, trái ổi, trái chùm ruột, trái đu đủ, trái thanh long... ôi quê hương sao ý vị quá!
Tiếng ụm ọ của đàn bò báo hiệu một ngày đã xong nhiệm vụ, chúng reo vui trở về chuồng, mùi thơm của mùa lúa mới, mùi rơm rạ đang cuốn về nhà. Từng người gánh gồng lúa về như thành quả thu hoạch của ngày lao nhọc đã qua. Tiếng trẻ thơ vô tư đùa giỡn, thả diều trong những chiều gió lộng, chạy đá banh trên sân cỏ, làm đẹp thêm nếp sinh hoạt của quê nhà. Một ngày vất vả nhưng hôm nào có lễ chiều, họ cũng nhanh nhẹn sắp xếp để đến tham dự thánh lễ. Sau thánh lễ nhóm trẻ còn tập hát hay học giáo lý nữa.
Những đêm trăng sáng là bức tranh màu pha ánh sáng huyền dịu, như phụ họa xa xa cho tiếng hát hò bên chày giã gạo, tiếng ca dao tục ngữ của đôi nam nữ tát nước vọng về. Gần hơn, chỗ nọ gia đình hàn huyên trước sân nhà trên võng hay chõng tre, chỗ khác nữa đám trẻ chơi trò cút bắt la hét vô tư. Tháng Ðức Mẹ họ họp nhau từng nhà để đọc kinh liên gia...
Vào mùa đông, thường có mưa gió và bão lụt, những lúc này, càng biểu hiện rõ hơn sự quan tâm giúp đỡ của người lớn "lá lành đùm lá rách", trẻ thơ thì có kỷ niệm chèo sõng, lấy ván bơi thuyền, tắm mưa, lội nước bạc, bắt cá trắng, cá chốt, cá tràu, cá trê...
Tình làng nghĩa xóm, đơn giản trao nhau tiếng cười chân chất nhưng đượm lòng thành. Nay tô chè, mai bát cháo, một chút đặc sản đầu mùa họ đem sang cho nhau để làm quà. Nỗi buồn vui khi bất ngờ đến cho một gia đình nào thì như niềm vui và nỗi buồn của cả làng. Với công việc đồng áng, họ biết làm dần công, hợp tác, nay cùng nhau cấy cày ruộng cho nhà này, mai tới phiên nhà kia, cứ thế xoay chuyển. Ðình làng là nơi hội tụ các lễ hội và giải trí vui chơi, theo các tập tục cha ông để lại đã thành truyền thống vừa ý nghĩa vừa gây tình đoàn kết xóm làng. Tiếng chuông nhà thờ vang vọng linh thiêng, hay tiếng gõ mõ chùa chiền trầm mặc, là lời mời gọi dân làng đến tôn thờ Ðấng họ suy tôn và cầu cho dân bình an, đạo đức, đất nước giàu mạnh, cảnh vật thái hòa.
Ngày ngày, tuổi thơ họ được hình thành, họ lớn lên, giờ mang ký ức đầy ắp tình thương của Chúa qua gia đình, bạn bè, hàng xóm, quê làng. Vì chiến tranh, vì hoàn cảnh, họ phải từ giã quê hương. Họ cùng số phận với bạn bè, sống kiếp tha phương, người ở cao nguyên, người ở đồng bằng, kẻ ở đô thành, người ở thôn quê, kẻ ở Việt Nam, người ở hải ngoại. Nhưng họ cùng có mẫu số chung, họ chắc chắn rằng: nhờ được nuôi dưỡng trong sự đùm bọc lẫn nhau, nhờ được các vị tiền bối nhắc nhở, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn, và nhất là nhờ sự tự ý thức họ cảm nhận dần dần được sự yêu thương từ gia đình, từ quê hương, từ lòng đất mẹ, nên họ mang nỗi niềm nhớ nhung sâu thẳm về tình nghĩa mà họ đã lãnh nhận được, hấp thụ được từ nghĩa cử thân tình của tất cả những người thân trong gia đình cũng như của láng giềng, bà con hàng xóm. Họ xốn xang niềm thương nhớ khi ký ức gợi về: "Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay. Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng. Quê hương là con đò nhỏ. Êm đềm khua nước ven sông... Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người" (Thơ: Ðỗ Trung Quân. Nhạc: Giáp Văn Thạch).
Và khi cầu nguyện với Chúa, nhớ về công ơn cha mẹ, nhớ về tình Chúa bao la, họ thấy mình quá bé nhỏ, không biết lấy gì đền đáp và dâng lên Ngài, chỉ có lòng biết ơn là lấy tình yêu đáp trả tình yêu mới làm yên lòng những người thụ ơn, như nhạc sĩ Cao Huy Hoàng đã cảm hứng " Cuộc đời này con có gì mà dâng Chúa đâu, những luống cày sâu trời tối mau cha chưa kịp về. Mẹ bận rộn từng ngày lo no cơm ấm áo, có chi đâu, Ngài ơi có chi mà dâng lên Ngài... Con xin tiến dâng lên tình yêu mến nhờ những hy sinh được êm ấm gia đình. Con xin tiến dâng lên tình yêu mến, nguyện Chúa đoái thương gia đình con được bình an!"
Nhìn lại các anh chị, bà con di dân trong hội đồng hương, họ cùng mang tâm sự gần như nhau. Họ bảo nhau, với tình thương mình được lãnh nhận từ lòng đất mẹ, mình sống sao để mình vẫn chính là mình, không tha hóa. Mình biết ơn nơi đã đào tạo ra mình, mình ra đi, mình có cơ may hơn người ở lại. Mình phải làm gì? Thế rồi, thật đáng kính, nơi đất khách, cả trong nước lẫn nước ngoài, họ cũng vất vả lầm than, có người từng buôn gánh bán bưng, làm thuê làm mướn, vất vả nơi các công xưởng, hay tiệm hàng từ sáng sớm đến chiều tà. Phải nỗ lực để thích nghi với ngôn ngữ, văn hóa, hoàn cảnh của cuộc sống mới. Vậy mà, với lòng biết ơn, họ nhớ cầu nguyện, thăm hỏi, dành dụm để vừa nuôi sống mình và vừa gởi về cho cha mẹ, anh chị em, bà con còn ở quê nhà, họ còn chia sẻ để giúp đỡ đồng bào nghèo, người gặp cảnh khó khăn. Có những cụ già để dành tiền hưu, tiền trợ cấp, tiền bệnh tuổi già, có những người đi nhặt lon hay đồ phế thải bán, gom góp gởi về quê hương mình. Tất cả các nghĩa cử cho đi của họ như bắt nguồn từ một nhận thức "mình được yêu thương nên mình phải có lòng biết ơn". Có lẽ cũng vì lý do này mà một số bạn trẻ đã quyết "ra đi" để có một chút gì đó để đền đáp cho gia đình, cho quê hương mình, nên họ (ít nhất là 39 bạn trẻ) đã bị chết cóng trong container của các xe đông lạnh trên hành trình họ đi mà họ chưa tới nơi họ muốn tới trong năm 2019! Và ngược dòng thời gian, cao điểm là biến cố 1975, có biết bao người vì gia đình, vì tổ quốc, họ đã phải ra đi và nhiều người đã chết trên đường bộ, đường rừng, đường biển vì hải tặc, bão tố, hay thiếu lương thực...
b. Nơi thành thị:
Cho dù họ được sinh ra nơi đô thành, giữa bao nhiêu tiện nghi và tiếp xúc với nhiều văn minh kỷ thuật tân tiến... họ đã chia sẻ cho tôi nghe, họ vẫn nhớ lắm:
Từ khi mình chập chững vào đời, khi bắt đầu có trí nhớ, tuổi thơ mình được cưng chiều nhưng ba má cũng kỷ luật lắm để huấn luyện mình. Phòng mình rộng như phòng ba mẹ mình, được trang hoàng đẹp, với đủ loại đồ chơi. Ngoài ba má chăm sóc, vỗ về mình còn có chị nuôi phụ ba má lo cho mình và anh hai của mình nữa.
Mỗi lần ra khỏi nhà, nhất là đi học ba đưa mình đi bằng xe con. Bạn Mai gần bên nhà, học cùng lớp nó không có xe đi, mình đã xin ba cho bạn cùng đi với hai anh mình, thế là mình vui cám ơn ba, cám ơn bạn Mai đã chịu đi với mình. Trên trường có lần bạn kia đã làm khổ mình: "Ðừng chơi với con nhà giàu bay, nó hách lắm". Lúc đó, mình đâu có hiểu hách là gì! Nhưng may có bạn Mai đã bào chữa cho mình. Mỗi lần đi học má thường chuẩn bị cho mình đủ thứ thức ăn để giờ ra chơi mình dùng, mình không hiểu sao lúc ấy mình hay mời các bạn, nhất là các bạn không có gì để ăn, có một bạn nghèo kia, khi cầm miếng bánh mì kẹp bơ thịt mình trao cho, mắt bạn rưng rưng, mình cũng chẳng hiểu tại sao, bây giờ mình vẫn tự hỏi; bạn muốn khóc vì lòng tốt của mình, hay bạn tủi thân vì hoàn cảnh gia đình của bạn?. Học hành thì mình cũng khá, đâu lạ gì, vì có gia sư dạy thêm cho mình tại nhà. Có bạn Hùng ngồi gần bên không hiểu bài hỏi mình, mình không chỉ cho bạn, bạn tức mình viết vào mảnh giấy với hàng chữ "nhà giàu, học giỏi mà ích kỷ, xấu quá!" rồi dán vào lưng mình. Biết được, mình khóc, về méc ba, ba đâu có bênh mình, ba bảo: "lần sau con nhớ giúp cho bạn hiểu mới phải chứ, vì con có điều kiện để học hơn bạn của con mà". Giờ chơi ở sân trường, có mấy lần mình chỉ chơi với bạn Mai và bạn Chói, cô giáo chủ nhiệm đã nhắc nhở: "Giờ chơi, chúng con nên chơi chung với nhau, để sau này lớn lên chúng con có sự quan tâm chung đến mọi người, nhất là những người kém may mắn. Chúng con sẽ cộng tác với nhau để giúp xây dựng nước nhà. Mình còn có anh hai, hai anh em hay quấn quýt bên nhau, nhưng mỗi lần anh giành đồ chơi của mình, hay trêu chọc mình là con gái thế này, con gái thế kia, mình thua la hét thật to để ba má nghe và đến cứu hộ cho mình. Lần nào anh hai cũng bị nặng tội hơn, vì anh vai lớn. Bây giờ mình thấy tội nghiệp anh hai, vì có mấy lần mình vu oan cho anh, vì thương em không bao giờ anh biện hộ lại, âm thầm bị ba má rầy la. Giờ này, mình thấy hối hận, muốn nói lời xin lỗi anh, nhưng anh đã mất rồi! Mình cảm nhận được tình thương của anh và hứa sẽ không bao giờ vu oan cho ai nữa.
Vào các ngày nghỉ, ba má đưa mình đi các nơi dã ngoại như Sở Thú, Ðầm Sen, Suối Tiên, Ðại Nam... vv, rồi vào nhà hàng dùng bữa. Khi đi ngang qua đường phố mình thấy có thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, một chén cơm chiều, lòng nó vẫn chưa no. Rồi có mấy em bé hoặc các cụ già nghèo khổ đói rách khắp đó đây, ở các góc phố, họ bán vé số hay ăn xin lòng hảo tâm của mọi người. Hai bức họa nhân sinh quá khác biệt nhau, một bên sung túc đầy đủ, một bên cơ hàn túng thiếu, tuổi thơ mình đã in hình bóng hai bức họa đó, mãi sau này mình mới hiểu những người may mắn là những người lấy bớt phần nào hạnh phúc của người bất hạnh. Một lần nọ, vào tiệm ăn sáng, ba mẹ thấy mình cứ chăm chăm nhìn cô bé bẩn thỉu tiến đến một vị khách kia đã dùng xong tô phở và bé đó húp chút nước phở còn thừa lại. Như hiểu ý mình, má đưa cho mình mấy đồng để tặng cô bé đáng thương kia. Cô bé mở đôi mắt tròn xoe, nhìn mình miệng nhoẻn cười. Sau này mình mới hiểu, cô bé đã cho mình một bài học lạc quan trong cuộc sống.
Ngoài gia đình, học đường, tuổi thơ mình còn được ươm trồng nơi giáo xứ, có cha, thầy, soeurs, anh chị giáo lý viên, anh ca trưởng và các bạn ca đoàn. Các vị có trách nhiệm này luôn cho mình gương chứng nhân hơn thầy dạy. Mình được học sự lễ phép và cách sống đạo. Sau này mình hiểu đây là nền tảng cho đời sống nhân bản và đời sống Kitô giáo. Ðể cảm thông với hoàn cảnh tội nghiệp, thỉnh thoảng các anh chị huynh trưởng đưa các bạn và mình đi thăm các nơi như: trại cùi, cô nhi viện, bệnh viện, nhà khuyết tật, trại tù binh... Lại thêm những hình ảnh đối nghịch nhau vào tâm trí tuổi thơ mình lúc này. Bao nhiêu câu hỏi tại sao đã dấy lên trong trí óc bé nhỏ của mình lúc bấy giờ! Sau này mình mới hiểu, đó là lý do Chúa phải xuống thế để làm người, chia sẻ phận người và vực con người lên.
Thời gian dần trôi, hết cấp I, cấp II rồi cấp III, mình phải cùng ba má sang định cư tại Hoa Kỳ. Nơi đây, mình tiếp tục được may mắn, với hồng ân Chúa trải dài bên những người thân, bên các giáo sư và bạn bè cùng với sự cố gắng của mình, mình đã tốt nghiệp ngành Y. Mình nhận định rõ, một dòng chảy xuyên suốt lịch sử đời mình, về sự nhận lãnh được yêu thương, nên mình có trách nhiệm phải có lòng biết ơn. Ý thức này đánh động, mình nhớ lại những người bất hạnh trong ký ức mình và hiện tại vẫn còn nhan nhản đây đó, mình đã chia sẻ phần lương để gởi đến những mảnh đời đau thương trong cuộc sống họ. Hơn bao giờ hết, bắt đầu từ khi dịch Virus Corona bùng phát, mình cùng anh chị em đồng nghiệp sát cánh bên nạn nhân Covid -19. Ðây là đỉnh điểm mình thấy ơn sâu nghĩa nặng của ba má, anh hai, cha sở, thầy cô, ân thân nhân, bạn hữu... kết tụ lại như dòng cảm thức mạnh nhất và thôi thúc mình theo bước Ðức Kitô, xông pha vào chiến trận đại dịch với cái chết cận kề, để thực thi văn hóa của lòng biết ơn cho tha nhân đang quằn quại trong khổ đau. Hiện tại mình thật tâm đắc qua lời suy tư trong bài viết "Giá trị cao quí của ngành y, đừng đánh mất một lần nữa" của Linh mục Trần Thái, SDB, (Vatican News, 19/4/2020): "...Người thầy thuốc Công Giáo trở thành người mang sứ mệnh bước theo Chúa Giê-su, thông qua cửa ngõ bệnh tật thể lý của người bệnh, để biểu lộ hình ảnh sống động về sự ân cần chữa lành của Ðức Ki-tô đầy thương xót dành cho mỗi một bệnh nhân, là công trình quý báu do chính Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc. Ðó là một ơn gọi, một sứ mệnh thiêng liêng, vượt xa hơn hẳn một ngành nghề...".
2. Cảm thức tình thương qua liên tôn giáo, liên quốc gia
Dù là người sinh ra ở đâu, thuộc sắc tộc nào, tôn giáo nào, bậc sống nào... họ cũng cho tôi bài học của sứ điệp được yêu thương và cần đáp trả lại với lòng biết ơn:
Vâng, khi các nước như châu Mỹ, châu Âu, châu Úc họ đã đón nhận người từ châu Á, châu Phi vào nước họ trên các đợt di dân tị nạn chiến tranh- kinh tế, hay các doanh nhân giao lưu thương mại của nước thứ ba, hay các du học sinh quốc gia nghèo... là dấu chỉ tình thương và lòng nhân đạo. Chắc hẳn, động lực tiếp nhận của họ bắt nguồn từ sự cảm nhận rằng: họ cũng đã từng được nhận lãnh tình thương nhưng không từ ân ban của Ðấng Tạo Hóa thì họ cũng phải cho lại người khác cách nhưng không.
Vâng, dù là Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài hay các tôn giáo khác, qua chương trình Ðại Kết, qua việc Ðối Thoại Liên Tôn đã nói lên sự gắn bó của một tình mến và sự tôn trọng nhau. Cụ thể, khi việc khẩn cấp đến, như thiên tai, đại dịch hay biến cố đau thương nào... dù là linh mục, tu sĩ, mục sư, tăng - ni ; dù là Phật tử, Kitô hữu, tín hữu đạo nào, hay là người không có đạo nào... tất cả cùng mang tâm trạng xót xa, cầu xin cho mau tai qua nạn khỏi, và dành thời gian an ủi tinh thần, chia sẻ vật chất cho các nạn nhân. Gần đây nhất, vào ngày 14 tháng 5 năm 2020, Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ Nhân Loại đã kêu gọi gia đình nhân loại: "...Chúng tôi kêu gọi tất cả các dân tộc trên thế giới, tùy theo niềm tin tôn giáo của mình, hãy cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành để góp phần chấm dứt đại dịch Covid-19 này. Ước gì mỗi người chúng ta, dù ở đâu, khi tuân theo các giáo huấn của các truyền thống và triết lý tôn giáo của chúng ta, biết tìm kiếm sự giúp đỡ thiêng liêng để cứu chính chúng ta và toàn thế giới thoát khỏi nghịch cảnh này, để truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tìm ra phương thuốc diệt virus và cứu cả thế giới thoát khỏi những hậu quả về sức khỏe, kinh tế và nhân đạo của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này..." (Minh Ðức chuyển dịch từ bản tiếng Anh, phỏng theo thông cáo của Ủy ban cấp cao về Tình huynh đệ Nhân Loại./ Văn phòng Ðối thoại liên tôn và Ðại kết/HÐGMVN).
3. Cảm thức tình thương qua bài học nơi các biến cố
Qua cơn lụt Ðại Hồng Thủy Chúa đã cho xuất hiện cầu vồng nhiều màu sắc để khi con người nhìn lên đó thì nhớ đến Giao ước tình yêu của Chúa, "từ nay sẽ không còn trận lụt nào như thế nữa...". (x. St 9, 11- 16). Bài học cho con người, dù họ bất tín - bất trung, Chúa vẫn thương nhắc nhở và chờ đợi sự sám hối của họ để tiếp tục chúc lành cho họ.
Qua câu chuyện tháp Ba-bel, cho thấy con người không nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, ai cũng muốn thống trị, nên Thiên Chúa cho tháp sụp đổ, dấu chỉ yêu thương nhắc nhở sự bất toàn và giới hạn của con người, họ không thể hiểu hết các ngôn ngữ của nhau, nhất là các ngoại ngữ. (x. St 11, 1 - 9)
Cuộc đi đày Babilon: Cho dân Chúa bài học, con người thờ kính Chúa không phải đặt nặng vào đền thánh, đền thờ, không dừng lại ở các nghi thức lễ nghi bên ngoài; nhưng chính là ở sự sám hối, trở về trong cõi lòng, đáp trả bằng tình thương, không phải bằng của lễ chiên bò được thiêu đốt, mà chính là sự hy sinh bỏ mình, bác ái với tha nhân.(x. Xh.28-29).
Hai thế chiến: Thế chiến thứ nhất (28/7/1914 - 11/11/2018), cuộc chiến giữa phe Hiệp Ước (chủ yếu là Anh, Pháp, Nga và sau đó là Hoa Kỳ, Brazil) và phe Liên Minh (chủ yếu là Ðức, Áo-Hung, Bulgarie và Ottoman). Ước đoán số người chết là 19 triệu người, với sức tàn phá và ảnh hưởng vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/chiến- tranh- thế- giới- thứ -nhất). Thế chiến thứ hai (1939-1945) diễn ra giữa các lực lượng Khối Ðồng Minh và Phe Trục theo chủ nghĩa Phát-xít. Hầu hết các lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi thế chiến này, ngoại trừ Nam Cực và Nam Mỹ. Ðây là cuộc chiến có quy mô rộng lớn và gây nhiều tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng 70 triệu người chết trong cuộc chiến này (số thương vong vẫn tiếp tục được nghiên cứu), kể cả các hành động tàn sát diệt chủng của Ðức Quốc Xã (Holocaust). Trong số thương vong có 60% người chết là thường dân, chết vì nạn dịch, bệnh đói, nạn diệt chủng và bom đạn (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/ chiến tranh thế giới thứ hai). Bài học của hai thế chiến này đã cho các Quốc gia ngồi lại và thiết lập Liên Hiệp Quốc (LHQ), vào ngày 25 tháng 4 năm 1945, năm mươi chính phủ đã họp tại San Francisco cho một hội nghị và bắt đầu soạn thảo Hiến Chương và được thông qua vào này 25 tháng 6 năm 1945. Liên Hiệp Quốc là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn chặn các cuộc thế chiến, phát triển liên hệ hữu nghị giữa các quốc gia như bảo vệ quyền con người, cung cấp viện trợ nhân đạo, thúc đẩy phát triển bền vững và duy trì luật pháp quốc tế. Liên Hiệp Quốc là tổ chức liên chính phủ lớn mạnh nhất thế giới. Thời gian đầu mới thành lập Liên Hiệp Quốc có 51 quốc gia thành viên, hiện tại có 93 thành viên. (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Liên -Hiệp- Quốc).
Vụ tấn công Tòa nhà thương mại ở Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 do nhóm Al-Qaeda. Vụ tấn công 911 làm 2,996 người chết. Riêng vụ không tặc vào hai tòa nhà tháp đôi ở thành phố New York đã khiến 2,606 người thiệt mạng. Hơn 6,000 người khác bị thương, sau 17 năm, thi hài của hơn 1,000 nạn nhân thiệt mạng vẫn chưa xác định. Cuộc khủng bố này đã thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ước tính 10 tỉ Mỹ kim, tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ Mỹ kim. (https://vi.wikipedia.org/wiki sự- kiện 11 tháng 9) Bài học cho Ðất nước Hoa Kỳ cũng như cho tất cả mọi dân tộc, mọi người: Tất cả thụ tạo/nhân tạo trên đời này không có gì là bền vững. Dù quốc gia nào hay con người nào có chức quyền, danh vọng, giàu sang, quyền lực thì trong phút chốc cũng có thể biến thành mây khói. Bài học trung dung, bình đẳng, không ngủ quên trên chiến thắng nhưng cần tỉnh thức và cầu nguyện, đó là nội dung nổi bật trong những biến cố đột phá này.
Biến cố đại dịch Covid-19: Không kể mặt tiêu cực với nhiều đau thương, mất mát, thiệt hại và tử vong; về phía tích cực nhiều người đã đánh giá cao trong tiến trình bùng phát dịch bệnh như: virus corona (Co-vi) có thể xâm nhập vào bất cứ ai, điều này nhắc nhớ thân phận con người, tất cả phải chấp nhận một định luật chung, một sự an bài của định mệnh. Nhờ Co-vi mà gia đình có giờ nhiều hơn sống với nhau, bớt ra hàng quán, hay bôn ba với công việc bỏ bê gia đình. Co-vi đã cho ta thấy rất nhiều tâm hồn quảng đại, dám liều mạng sống để cứu nạn nhân dịch bệnh, đó là các y- bác sĩ, các cộng tác viên, các linh mục và tu sĩ ở tuyến đầu. Co-vi giúp cho các học sinh dù ở hoàn cảnh nào cũng có thể học online, các đoàn thể cũng có thể họp hội qua mạng internet. Co-vi cũng tuyên dương các nhà hảo tâm, dù là quốc gia, công ty, đoàn thể hay cá nhân, họ đã rộng lượng chia sẻ vật chất với tình tương thân tương ái. Co-vi cho thấy rõ hơn sự quan tâm yêu thương của nhà lãnh đạo các quốc gia, của Giáo hội, cách riêng người cha chung, Ðức Giáo hoàng Phanxicô, luôn kêu gọi việc hy sinh cầu nguyện cho nạn nhân và giúp đỡ an ủi tinh thần, chia sẻ vật chất bằng nhiều cách.
4. Từ tình người suy tình Chúa
Chúng ta trải nghiệm tình mẹ cha, anh chị em, bà con, láng giềng, bạn hữu từ gia đình huyết thống, gia đình thiêng liêng, từ học đường, từ xã hội và Giáo hội. Dù có lúc người con, người học trò có bị la rầy hay đánh phạt, nếu họ biết vì yêu thương mình nên cha mẹ, thầy cô mới làm như thế, họ sẽ sống tình con thảo và cố gắng sống tốt để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, để nhớ ơn dạy dỗ của thầy cô, để quí sự cộng tác của bà con cũng như bạn hữu và những ai cùng mình đi trong cuộc sống trần gian này.
Cũng thế, người cảm nhận được tình Chúa, dù trong thử thách họ vẫn cảm nghiệm được điều tốt, ơn lành Chúa muốn cho mình và tri ân Chúa sống bác ái với tha nhân. Chính Ðức Chúa Giêsu đã cảm thức về tình thương Chúa Cha thật sâu sắc qua lời Chúa Cha nói với Người: "Này là con Ta yêu dấu Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3, 17b). Với sự cảm thức này, Chúa Giêsu đã đi vào cuộc Tử nạn với lời xin vâng, để đáp tình Chúa cha, và Ngài làm Ðấng Trung Gian ban cho nhân loại lòng thương xót vô bờ. Chúa Giêsu đã khẳng định" Cha Ta và Ta là một" (Ga 10,30).
Chứng thực về lòng Chúa thương xót Chúa, Ðức Thánh Cha Phanxicô xác định định rằng: "Thiên Chúa không mệt mỏi đưa tay nâng chúng ta đứng dậy trong những lần chúng ta vấp ngã. Thiên Chúa muốn chúng ta thấy người là Cha và luôn nâng chúng ta đứng dậy mỗi khi chúng ta như đứa bé chập chững tập đi, té ngã rồi lại té ngã thì Chúa lại nâng chúng ta đứng lên, bàn tay nâng chúng ta đứng dậy chính là lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúa biết chúng ta không ngừng vấp ngã và Người sẵn sàng nâng chúng ta đứng lên. Chúa không muốn chúng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về những vấp ngã của mình nhưng muốn chúng ta nhìn lên Chúa, Ðấng nhận ra những đứa con cần được nâng dậy trong những lần té ngã, nhìn thấy những đứa con cần được yêu thương và thương xót trong đau khổ". Và Ðức Thánh Cha mời gọi hãy đón nhận sứ điệp Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina "Ta là tình yêu và cũng là lòng thương xót. Không có đau khổ nào có thể sánh với lòng thương xót của Ta" (Ðài RadioVatican 20/4/2020).
Ðức Thánh Cha chia sẻ thêm: Câu trả lời của các Kitô hữu trước những giông bão của cuộc sống và lịch sử chỉ có thể là lòng thương xót: "Tình yêu thương và lòng trắc ẩn giữa chúng ta và đối với mọi người, đặc biệt những người đau khổ, vất vả mệt nhọc, bị bỏ rơi..." Ðức Thánh Cha nói thêm: "Ðó không phải là thái độ duy đạo đức, cũng không phải là thái độ duy trợ giúp, nhưng là sự đồng cảm đến từ trái tim. Lòng thương xót của Chúa đến từ Thánh Tâm của Chúa Kitô Phục Sinh. Nó xuất phát từ vết thương luôn mở ra của Người, mở ra vì chúng ta, những người luôn cần ơn tha thứ và an ủi. Lòng thương xót Kitô giáo cũng là nguồn cảm hứng cho sự chia sẻ công bằng giữa các quốc gia và các tổ chức của họ, để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại bằng sự liên đới". (Vatican News 20/4/2020).
III. Lời Kết
Chúng ta phải làm sao để tận hưởng lòng thương xót Chúa. Chúa Giêsu đã nhắn gọi "Hãy trở về Galilê và gặp Ngài ở đó". Galilê là quê hương ghi dấu thời thơ ấu của Chúa Giêsu, là nơi đầu tiên Chúa đã mời gọi các tông đồ theo Chúa:"Trong nhiều ngày Chúa đã hiện ra những kẻ đã từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem..." (Cv 13, 31a). Galilê là điểm hẹn đầu tiên, là nơi Thầy trò đã từng chia sẻ sứ vụ, đã ghi dấu bao kỷ niệm buồn vui. Galilê của mỗi người chúng ta là quê hương, là gia đình, là trường học, là xã hội, là tổ quốc... nơi mà suốt dòng lịch sử của mỗi người đã thấm đượm hồng ân của Chúa qua từng biến cố thăng trầm, sướng khổ trong hành trình tiến về nhà Cha. Và đó là hình bóng của Galilê đích thực: là bí tích Thánh Thể, là "Nước Trời". Nơi đó có Chúa Ba Ngôi ngự trị, nơi mà Chúa Giêsu đã xuất phát để xuống thế làm người và đồng hành với nhân loại, đã chết và sống lại vì yêu thương con người, và Ngài lại về nơi đã xuất phát là Nước Trời, là cùng đích. Bởi vì Nước Trời là Chân - Thiện - Mỹ,"là đường là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6a). Bởi đó nên Chúa vô cùng trân quý quê hương vĩnh cửu này và tìm mọi cách để đưa chúng ta về nơi đó: "Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó" (Ga 14, 2b-3).
Vậy, có chi mà phải tính toán hơn thua hay tích trữ trong cuộc lữ hành cát bụi này! Xin cho mọi người theo Thầy Giêsu hướng về Chúa Cha, về quê trời để cảm nhận tình yêu: Ðây là con yêu dấu của Ta, rất đẹp lòng Ta, để mình được hạnh phúc trong suốt ngày sống, cách riêng mỗi lần đến với Bí tích Thánh Thể. Vì từ tình yêu sâu sắc này là nguyên nhân và là động lực của tất cả suy nghĩ và hành động để thực hành nguyên lý: khi cảm nhận mình được yêu thương, với lòng biết ơn, mình cũng đáp trả cũng bằng tình yêu đến với Chúa và tha nhân: "Như Ta đã yêu các con, các con cũng phải yêu thương nhau". Ðể được bền vững hơn, Chúa căn dặn thêm: "Hãy ở lại trong tình mến của Ta. Ai yêu mến ta hãy giữ giới răn của ta. Và đây là giới răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau" (Ga 15, 12). Vì căn tính của Chúa Giêsu là liên kết mật thiết, kết hợp sâu sắc và thực thi ý muốn của Chúa Cha.
Thật vậy, Yêu (là Mầu nhiệm và hiệp thông) và Thực Hành lệnh truyền với lòng biết ơn/ đáp trả (là Sứ vụ), do đó, yêu và thực hành lệnh truyền quả là hai điều kiện ắt có và đủ để cho một đời người, vì đây là cốt lõi của giới răn trọng nhất "Mến Chúa và yêu người" (x. Mc 12, 28b - 31).
Ðức Thánh Cha Phanxicô có lần đã khuyên chúng ta qua giới trẻ Brazil "Chúng ta hãy kinh nghiệm được Chúa yêu, niềm vui của ơn cứu độ. Ðó là quà tặng, chúng ta không được giữ riêng cho mình, nhưng phải chia sẻ cho người khác" (Bài giảng "Mua Vui thì phải trả giá cho niềm vui đó". Lm. Lưu Quang Bảo Vinh).
Kính chúc mọi người thật hạnh phúc vì có niềm tin để cảm nhận mình được yêu và nỗ lực chia sẻ tình thương bằng cách này hay cách khác cho tha nhân qua sứ vụ hiện tại của mình.
(Nguồn: gpquinhon.org)