Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 19 -

Bài Suy Niệm thứ mười chín

Hãy Nhận Lãnh Chúa Thánh Thần

Ðể canh tân bộ mặt trái đất

 

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần là "mạch hằng sống, là lửa cháy, là tình yêu" trong các Giáo Hoàng của thế kỷ XX.

Cách đây vài năm, trên đài truyền hình Pháp, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng giám mục Paris, đã được một ký giả phỏng vấn. Ký giả này hỏi:

- Kính thưa Ðức Hồng Y, Ngài có tin là có ma quỷ không?

- Có, tôi tin chứ!

- Nhưng mà trong thời đại này với bao nhiêu tiến bộ khoa học và kỹ thuật, làm sao Ðức Hồng Y lại vẫn còn tin là có ma quỷ?

- Phải, tôi vẫn luôn luôn tin có ma quỷ.

- Thế Ðức Hồng Y có bao giờ thấy ma quỷ không?

- Có chứ!

- Ðức Hồng Y thấy ở đâu!

- Tôi thấy nó ở Dachau, ở Auschwitz, ở Birkenau!

Nghe đến đây, người ký giả im bặt, không nói năng gì nữa.

Nếu có ai hỏi tôi lúc này là có bao giờ thấy Chúa Thánh Thần chưa? Tôi sẽ không do dự trả lời ngay: Có chứ, tôi đã thấy Ngài.

- Thấy ở đâu?

- Xin thưa trong Giáo Hội, mà cũng thấy ở ngoài Giáo Hội nữa. Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần, "Fons vivus, ignis, caritas", "Nguồn nước hằng sống, lửa đốt thiêu, lòng yêu mến" trong các vị Giáo Hoàng của thế kỷ này.

Trong thế kỷ XX, thế giới đã bị sâu xé bởi hai cuộc thế chiến, bởi những xung đột chủng tộc, các cuộc diệt chủng và tranh chấp đẫm máu. Chưa bao giờ trong lịch sử đã có những cuộc tàn sát gớm ghê như thế. Ðó là chưa kể đến tất cả những tai hại do các cuộc chiến tranh ý thức hệ gây nên... Ngay trong Hội Thánh cũng có nhiều khủng hoảng và khiếm khuyết. Chúng ta đã nghe nói tới các phong trào giảm giá trị Kitô giáo và phong trào tục hóa. Con thuyền của Thánh Phêrô bao lần bị đe dọa đắm chìm giữa cơn giông bão.

Dù thế, có lẽ chưa bao giờ Hội Thánh đã tiếp tục có những vị Giáo Hoàng vĩ đại như trong thế kỷ vừa qua: Từ Ðức Lêô XIII đến Ðức Piô X, Bênêđitô XV, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Tôi tin rằng không có quốc gia nào trên thế giới, trong cùng một thời gian đó, lại may mắn có được một loạt các nhà lãnh đạo kế tiếp nhau có tầm mức tinh thần thánh thiện, đạo đức và khả năng cao tuyệt như thế.

Chúng ta đang đứng trước hoạt động của Chúa Thánh Thần, Ðấng đã thực hiện trong công trình của mình lời Chúa Giêsu hứa: "Con là Ðá và trên đá tảng này Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta và sức mạnh của hỏa ngục sẽ không thắng được". (Mt 16,18).

Chúa Thánh Thần đã và đang hướng dẫn hoạt động mục vụ và giáo huấn của các vị Giáo Hoàng.

 

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần, là "Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống" trong lịch sử Hội Thánh.

Chúng ta tất cả đều biết rõ công trình của Chúa Thánh Thần trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo; sự lan tràn nhanh chóng của Kitô giáo trên toàn đế quốc Rôma, hoạt động đặc thù của Chúa Thánh Thần trong các Công Ðồng Chung với trọng tâm là Giáo Lý về Thiên Chúa Ba Ngôi và khoa Kitô học, và khơi nguồn trào lưu ẩn tu, tránh cho Kitô hữu khỏi rơi vào cảnh tục hóa và gìn giữ khát vọng nên thánh tiếp tục sống động trong họ.

Trong thời Trung cổ, mỗi khi có hiểm nguy mới đe dọa Hội Thánh, Chúa Thánh Thần, không những làm phong trào ẩn tu tươi nở trở lại, mà còn khai sinh những hình thức sống tận hiến mới nhằm đáp ứng đúng mức hơn những đòi hỏi của thời đại. Chúng ta đọc thấy trong một lá thứ của Trung Ương Tòa Thánh, viết theo ý của Ðức Alexandrô IV đề cập đến thánh Phanxicô và thánh nữ Chiara thành Assisi như sau: "Dường như là thế giới đang trở nên già nua và bị sức nặng tháng năm đè bẹp, làm mắt mờ không còn thấy rõ dáng hình đức Tin, loạng choạng lần mò tiến bước trên đường đời. Và này đây Thiên Chúa yêu thương con người, từ nơi bí nhiệm của lòng nhân từ, Ngài đã quan phòng gợi lên trong Giáo Hội những dòng tu mới, nhờ đó đem lại những phương tiện mới để hỗ trợ Ðức Tin và đem lại đường lối canh tân phong hóa".

Lá thư tiếp tục viết như sau: "Tôi không ngần ngại gọi các vị lập dòng mới này, với các môn đệ chân thực của họ, là ánh sáng thế gian, là người chỉ đường, là bậc thầy hướng dẫn cách sống" (Nguồn Phanxicô, II, Assisi 1977, tr.2391-2393).

Những điều vừa nói đây, có thể được áp dụng cho tất cả các vị sáng lập dòng nổi tiếng. Và cho cả những phụ nữ được linh ứng đặc biệt, như ba Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh: Catarina thành Siena, Têrêxa Avila và Terêxa Hài Ðồng Giêsu; cùng hai vị đồng bổn mạng châu Âu là Thánh Nữ Brigida người Thụy Ðiển và Edith Stein. Trong các vị này, chúng ta thấy có sự hiện diện những của hoạt động Chúa Thánh Thần đang chiếm hữu tâm hồn họ.

Nhưng bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại những thập niên mới đây của lịch sử Hội Thánh: từ Công Ðồng Chung Vatican II đến Năm Thánh 2000. Phải chăng chúng ta đang kinh ngạc chứng kiến một lễ Thánh Thần Hiện Xuống Mới đó sao? Có lẽ chưa bao giờ trong Hội Thánh lại có cảnh trăm hoa thánh thiện đua nở giữa các môi trường giáo dân đặc thù như thế này. Ðây thực sự là một mùa xuân mới của Hội Thánh.

Chỉ cần nghĩ đến những ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Rôma, Buenos Aires, Compostella, Czestochowa, Denver, Manila, Paris. Tất cả quây quần chung quanh Ðức Thánh Cha, khao khát được lắng nghe Lời Chúa và nỗ lực sống Lời Chúa. Hay là trong đại hội của các phong trào Tông Ðồ hoặc cộng đoàn giáo dân vào buổi vọng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 30 tháng 5 năm 1998. Những đặc sủng mới ào ạt đua nở trong lòng Giáo Hội, thực sự là những món quà hồng ân của Chúa Thánh Thần đang làm cho Phúc Âm trổ hoa kết trái trong thế giới chúng ta.

Khi ngắm nhìn hàng hàng lớp lớp giáo dân hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha đã có thể nói rằng: "Ðiều đã xảy ra ở Giêrusalem cách đây khoảng hai ngàn năm, dường như đang xảy ra lần nữa tại đây, nơi quảng trường này, trung tâm của thế giới Kitô giáo. Cũng như các Tông Ðồ trong ngày trước, chúng ta đang quây quần trong một nhà Tiệc Ly lớn của ngày lễ Ngũ Tuần, khát khao được Thánh Thần tuôn đổ ơn thánh xuống".

Xa hơn, Ngài lại nói thêm: "Khi ra tay can thiệp, Chúa Thánh Thần luôn làm cho con người sửng sốt kinh ngạc. Ngài khơi dậy những biến cố mới mẻ gây ngạc nhiên và thay đổi tận gốc rễ con người và lịch sử. Ðây chính là kinh nghiệm không bao giờ quên được của Công Ðồng Chung Vatican II, trong đó, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã tái khám phá trở lại chiều kích đặc sủng như là cơ cấu xây dựng chính mình: Chúa Thánh Thần không tự giới hạn trong việc thánh hóa và hướng dẫn cộng đồng Dân Chúa bằng các Bí Tích và thừa tác vụ, trang điểm cho Dân Ngài bằng các nhân đức, nhưng còn "ban phát cho các tín hữu những ân sủng đặc biệt tùy mỗi cấp bậc theo ý Ngài để canh tân và phát triển Hội Thánh hơn. (Ánh Sáng Muôn Dân, 12).

 

Tôi đã thấy nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không thể làm được điều gì tốt đẹp: "Sine tuo nomine, nihil est in homine"

Quả thật, sau những hứng khởi đầu tiên được Công Ðồng đề xướng, đã có một thời gian lạc hướng. Trước những thay đổi mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi, một số người, vì quá tin cậy vào khả năng và tư tưởng của riêng mình, đã đi vào những con đường sai lầm, tạo ra những khổ đau và ngỡ ngàng, khiến con người tưởng rằng mùa đông băng giá đã chiếm mất chỗ của mùa xuân mơ ước, "Nhưng này đây, có thể nói rằng Chúa Thánh Thần đã lại lên tiếng lần nữa - như Ðức Hồng Y Ratzinger nói trong Ðại Hội của các phong trào hoạt động Tông Ðồ - Và trong bao nhiêu người trẻ, nam cũng như nữ, hoa Ðức Tin lại tưng bừng nở rộ, một Ðức Tin không thắc mắc, không nghi ngờ, một Ðức Tin thẳng thắn không mập mờ quanh co, Ðức Tin vẹn toàn được sống như một hồng ân, một món quà quý giá trao ban sự sống (J. Ratzinger, Các phong trào trong Giáo hội và chỗ đứng thần học của chúng, trong: Nhiều tác giả khác nhau, Các phong trào trong Giáo hội. Văn kiện của Hội nghị quốc tế các phong trào giáo hội, Rôma 27-29 tháng 5 1998, nhà sách Vatican 1999, tr.24).

Về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, Ðức Ignazios Hazim hiện là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hội Antiôkia đã phát biểu tại Uppsala ngay từ hồi năm 1968 như sau: "Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì đối với ta, Thiên Chúa Cha sẽ xa vời, Chúa Kitô ở trong quá khứ, Tin Mừng là bản chữ chết, Hội Thánh là một sự thống trị, công cuộc truyền giáo là tuyên truyền, nghi lễ phụng vụ là một hồi niệm và lối sống Kitô hữu là một nền luân lý đạo đức nô lệ (...) Nhưng trong Chúa Thánh Thần, ... Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện nơi đây, Tin Mừng là quyền năng sự sống, Hội Thánh có nghĩa là thông hiệp trong Thiên Chúa Ba ngôi, quyền bính là việc phục vụ giải phóng, truyền giáo là một Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, phụng vụ là hy lễ tưởng niệm cuộc tử nạn và báo trước sự vinh quang, và hoạt động của con người được thần thánh hóa. (I. Hazim, Sự Phục Sinh và con người ngày nay, Rôma 1970, tr.25-26).

Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, các giáo dân đã yêu cầu các giám mục đừng chỉ trông cậy vào các khả năng tổ chức điều động của mình bằng cách hành động như những nhà kinh doanh chuyên nghiệp mà thôi, nhưng hãy thực sự là cha, là chủ chăn, là chứng nhân đích thực của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tôi thường thích nhớ lại những gì Thánh Gioan Kim Khẩu viết để giới thiệu các Tông Ðồ như là mẫu gương chân chính của các vị chủ chăn đích thực: "Các Tông Ðồ không giống như ông Môisen, từ núi xuống cầm trong tay hai bia đá ghi Mười Ðiều Luật. Các Tông Ðồ ra đi từ nhà Tiệc Ly với Chúa Thánh Thần trong tim mình để mang đến mọi nơi kho tàng khôn ngoan và ân sủng như là những món quà tinh thần, tuôn đổ từ một suối nước phun lên. Các vị ra đi rao giảng khắp toàn thế giới rằng chính các vị là lề luật sống động, như thể các vị là những cuốn sách được linh hoạt bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần" Trong Bài Giảng về Thánh Matthêu 1,1: PG 57-58,15).

 

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh không ngừng đổi mới

"Hội Thánh canh tân và thanh tẩy chính mình không bao giờ ngừng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần" (Vui Mừng và Hy Vọng 21).

Ðể tự canh tân như thế, Hội Thánh thời đại chúng ta ngày nay cảm thấy cần phải quay trở về nguồn cội của mình: về Ur bên Canđê, về núi Sinai, về thành Giêrusalem, về Bêlem, Nadarét, về núi Các Mối Phúc Thật, về Mộ Thánh... Và dân Chúa tự vấn lương tâm, nhờ ơn Chúa Thánh Thần Hội Thánh là Mẹ và là Trinh Nữ, vẫn luôn là Hiền Thê trung thành với Chúa Kitô. Giáo Hội thánh thiện, không tội lỗi, nhưng vẫn xin ơn tha thứ cho các con cái nam nữ của mình, là những người tội lỗi.

Chúng ta đặc biệt gợi nhớ lại nơi đây biến cố phụng vụ quan trọng nhất thế kỷ XX. Ðể đổi mới toàn vẹn Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đã linh ứng cho Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII ươm trồng "một hạt giống nhỏ" (Tông hiến Ơn cứu độ con người, 25-12-1961) bằng lời công bố ngày 25 tháng Giêng năm 1959 triệu tập Công Ðồng Chung Vatican II. Chính Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII lúc ấy cũng không tưởng tượng nổi những thay đổi mà biến cố này mang lại. Nào là những thay đổi canh tân trong Giáo Hội, trong Giáo Triều Rôma, việc phát hành bộ Giáo Luật mới, bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Ðông Phương, Sách Giáo Lý của Giáo Hội hoàn vũ, bao nhiêu Thông Ðiệp quan trọng, Sách Lễ Rôma mới, và một sinh lực đẩy mạnh Giám Mục đoàn cũng như khơi động cuộc đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn. Công cuộc chuẩn bị và khai mở Năm Thánh 2000 khích lệ các thế hệ tương lai tiếp tục đào sâu gia sản phong phú này.

Và có thể tiếp kể thêm nhiều nữa. Chúng ta có thể kể ra những sự việc khác, nhiều điều mới mẻ khác nữa được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng Hội Thánh. Thực ra, không thể có được một cái nhìn toàn vẹn bao gồm trọn công trình của Chúa Thánh Thần trong thế kỷ XX, bởi vì đó cũng là mầu nhiệm trong sâu thẳm của linh hồn con người.

Chỉ cần nhắc lại đây một câu nói lên lòng ngưỡng mộ của thế giới: "Ðã cần tới 20 thế kỷ để đi một đoạn đường dài một cây số từ Vatican đến Hội Ðường Do Thái ở Rôma, và Ðức Wojtyla là người đầu tiên đã làm điều đó!"

Xin cám ơn Ðức Thánh Cha!

 

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần hoạt động ngoài Hội Thánh nữa.

Trong lúc nâng đỡ và soi sáng các Tông Ðồ, Chúa Thánh Thần cũng đồng thời tác động để cho trái tim của mỗi người, mỗi nền văn hóa và tôn giáo khao khát nguồn nước sống động và kiếm tìm Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất có thể làm thỏa mãn tất cả.

Sách Tông Ðồ Công Vụ đã kể lại cho chúng ta rõ trong đoạn 10, thị kiến của ông Cótnêliô, một sĩ quan La Mã ngoại đạo, rồi thị kiến của Phêrô và tiếng nói phán với ông rằng: "Hỡi Phêrô, hãy đứng dậy làm thịt mà ăn... Con sẽ không bao giờ làm điều đó... con chưa bao giờ ăn những vật dơ bẩn ô uế". "Không được xem là dơ bẩn những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là sạch" (Cv 10,13-15). Trong khi Phêrô còn đang nói, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên tất cả những người đang nghe ông. Các tín hữu gốc Do Thái đi theo Phêrô đều ngạc nhiên vì thấy ơn Chúa Thánh Thần cũng được đổ xuống trên dân ngoại. Hơn nữa họ còn nghe thấy những người này nói được tiếng lạ và ngợi khen Thiên Chúa. Lúc ấy, Phêrô nói: Làm sao có thể ngăn cản những người này chịu phép Rửa Tội khi chính họ cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như chúng ta?" (Cv 10,44-48).

Chúa Thánh Thần đi trước, đồng hành và theo sát mọi sứ mệnh của chúng ta.

Với ơn nói các tiếng lạ, Chúa Thánh Thần chuẩn bị cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa Ðấng Cứu Thế và các dân tộc của mọi lục địa, củng cố chứng tá, theo như lời của Chúa Giêsu: Các con sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, Ðấng sắp hiện xuống trên các con và các con sẽ làm chứng cho Thầy ở thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđê và Samaria cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. (Cv 1,8).

Cả ngày nay nữa, trong Lễ Hiện Xuống Mới mà chúng ta đang sống, Chúa Thánh Thần vẫn hướng dẫn Hội Thánh trong sứ vụ thực hiện một cuộc gặp gỡ giữa Ðức Giêsu Kitô và tất cả mọi dân tộc. Ðối với tôi, đây là ý nghĩa sâu xa nhất của các cuộc đối thoại mà Giáo Hội Công Giáo đã khởi xướng từ sau Công Ðồng Chung Vatican II.

Tôi đến từ một lục địa mênh mông là Á Châu và mỗi một ngày qua đi, tôi đều thấy được hoạt động của Chúa Thánh Thần giữa các "dân ngoại". Nhận định của Thánh Tôma, do Thánh Ambrôsiô gán cho, thật là chí lý: "Mọi điều chân thật do bất cứ ai nói ra, đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần" (Thánh Tôma, Tổng luận thần học I-II, q.109, a,1 ad 1, cùng tư tưởng đó trong Liên quan tới chân lý, q.1, a.8. Văn bản có lẽ thuộc Thánh Ambrôsiô: Chú giải 1 Cr 12,3; PL. 17,258: "Như thế, mọi điều chân thật được bất cứ ai nói đều do Thánh Thần nói"). Có lẽ từ Chúa Thánh Thần không những phát sinh mọi chân lý, mà còn phát sinh cả mọi sự tốt lành, công lý, mọi vẻ đẹp, chiều kích sâu xa của lời cầu nguyện, vẻ huy hoàng lộng lẫy của sự khôn ngoan. Trông thấy tác động của Chúa Thánh Thần trong công trình mặc khải toàn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô là điều an ủi chúng ta.

 

Tôi đã thấy Chúa Thánh Thần là "Cha kẻ khó nghèo", Ngài không bỏ ta mồ côi

Trong thời gian dài chịu cảnh tù ngục giam cầm, bị tước đoạt tất cả, tôi càng xác tín sâu xa hơn vào quyền lực của Công Vụ. Quyền lực này không thể thiếu trong Hội Thánh ngày nay, để nhờ đó Hội Thánh có thể vượt thắng mọi thử thách.

Chính vì thế, từ 1975 đến 2000, tôi luôn xin những người đến xưng tội với tôi hãy đọc kỹ càng một chương trong sách Tông Ðồ Công Vụ như việc đền tội.

Phải, Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong con tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ước mong và lời cầu của chúng ta.

Tôi còn nhớ câu chuyện này:

Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmóng muốn đến gặp Ngài. Cha hỏi họ:

- Anh chị em từ đâu đến đây?

- Chúng con đến từ Lai Châu (nơi quân đội Pháp đã thua trận Ðiện Biên Phủ). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.

- Lạy Chúa tôi! Ðể làm gì vậy?

- Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.

- Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa Tội được.

- Chúng con đã học tất cả từ một đài Phát Thanh phát đi từ Phi Luật Tân.

- Mà đài phát thanh nào? Ðâu có đài phát thanh Công Giáo nào có chương trình phát bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!

- Ðó là đài phát thanh "Nguồn Sống".

- Một đài phát thanh Tin Lành, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công Giáo. Thật là điều lạ!

Vị linh mục thật cảm kích bật thốt lên:

- Ðây là một lễ Hiện Xuống Mới. Ðây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!

Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmóng:

- Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?

- Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.

Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm Sức, rồi được dự Thánh Lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.

- Anh chị em sẽ không còn có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?

- Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật, chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc, thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài Phát Thanh Chân Lý phát từ Manila. Lễ Hiện Xuống Mới của thế kỷ XX.

Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để cám ơn đài Phát Thanh Chân Lý và đài Vatican đã thực hiện một công tác truyền giáo thật là quý giá qua các chương trình tiếng Việt và tiếng Hmóng. Ngày nay, người dân tộc thiểu số Hmóng thật sung sướng vì có một buổi phát thanh bằng ngôn ngữ của họ.

Trong cùng thời gian này, các tín hữu được rửa tội tiên khởi ấy đã đưa thêm 5,000 đồng bào khác của họ về với Ðức Tin. Chúa Thánh Thần không để họ mồ côi, mặc dù muốn gặp một linh mục họ phải đi bộ hàng trăm cây số.

 

"Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến"

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả một cách tuyệt vời về Chúa Thánh Thần như là bình minh của Hội Thánh: "Chúa Thánh Thần là Ðấng Linh Hoạt và là Ðấng Thánh Hóa Hội Thánh, là hơi thở thiên linh của Hội Thánh, là ngọn gió thổi các cánh buồm của con thuyền Hội Thánh, là nguyên lý hiệp nhất, là sự đỡ nâng và là Ðấng ủi an, là nguồn mạch các đặc sủng và thánh ca, là niềm an bình và niềm vui, là phần thưởng và giai đoạn mở đầu cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu của Hội Thánh. Hội Thánh cần đến sự Hiện Xuống vĩnh cửu của Ngài. Hội Thánh cần có lửa trong tim, cần có lời nói trên môi, và cái nhìn ngôn sứ" (Các lời nói trong buổi tiếp kiến ngày thứ tư 29-11-1972: Giáo huấn của Ðức Phaolô VI, X (1972), Vatican 1973, tr.1210-1211).

Vì thế chúng ta cũng muốn tin tưởng khẩn cầu: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến".

Thánh nữ Edith Stein, Ðồng Bổn Mạng Châu Âu, đã cầu nguyện trong Lễ Hiện Xuống cuối cùng của đời mình như sau:

"Ngài là ai, hỡi ánh sáng dịu hiền, Ðấng làm con tràn đầy

và soi sáng từng bóng tối của đời con?

Ngài dẫn dắt con như bàn tay hiền mẫu

và nếu Ngài bỏ rơi con,

con chẳng tiến được bước nào.

Ngài là không gian

bao quanh đời con và khép kín nó trong Ngài.

Nếu bị Ngài bỏ rơi, đời con sẽ rơi vào vực thẳm hư vô,

từ vực sâu đó, Ngài đã nâng con lên ánh sáng.

Ngài gần gũi với con hơn chính con,

và thân mật với con hơn chính người thân của con,

nhưng không thể nào nắm bắt Ngài và hiểu thấu trọn vẹn được

Ngài là Ðấng vượt trên mọi danh hiệu: ôi Thánh Thần, Tình Yêu vĩnh cửu"

(Chúa Thánh Thần, Lễ Hiện Xuống 1942, trong: Gioan Thánh Giá, Ở trước Thiên Chúa thay cho mọi người, Rôma 1991, tr.327).

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page