Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 15 -

Bài Suy Niệm thứ mười lăm

Chúa Giêsu Sống

Trong Hội Thánh Của Ngài

Thầy ở cùng các con mỗi ngày

 

"Dilexit Ecclesiam - Người đã yêu Giáo Hội". Ðó là những chữ lớn được viết trên mộ của Ðấng sáng lập một trong những phong trào của Giáo Hội thời nay (Cha Joseph Kentenich {+1968}, sáng lập Tu Hội Schoenstatt). Cả trong những lúc khó khăn, khi bị các vị hữu trách của Giáo Hội thử thách, người ấy vẫn nhận thấy nơi Hội Thánh là Hiền Thê và là Thần Mình của Chúa Kitô. Vì thế, Ngài yêu mến Hội Thánh.

Trái lại, chúng ta biết nhiều người thời nay thường nói: "Tôi tin Chúa Kitô, nhưng không chấp nhận Giáo Hội". Họ không thấy mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Họ không ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội Thánh. Nhưng Giáo Hội là gì, Giáo Hội sẽ là gì nếu không phải là người biểu lộ tôn nhan của Chúa giữa lòng thế giới? Chúng ta nghĩ tới Cha Sở họ Ars, vị mục tử khiêm hạ và rất đơn sơ. Khi được triệu tới để làm chứng về Ngài, một nông dân nói: "Tôi đã thấy Thiên Chúa nơi một người".

Và chúng ta nghĩ tới Mẹ Têrexa Calcutta, tới đoàn lũ đông đảo dân chúng trong ngày lễ an táng Mẹ, họ đã đi theo sau thi hài của Mẹ. Các Kitô hữu và tín đồ Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, tất cả đều nhận thấy nơi Mẹ sức thu hút của Chúa Giêsu.

Các đại chứng nhân ấy về sự hiện diện của Chúa Kitô thật là quí giá dường nào! Và chúng ta phải cảm tạ Chúa về điều đó. Nhưng trong thời đại phức tạp và đang cần ơn cứu độ như ngày nay, điều cấp thiết là mọi người có thể nhìn thấy Chúa Kitô trong Hội Thánh. Nói cách khác, toàn thể Hội Thánh phải chiếu tỏa sự hiện diện của Chúa.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong các Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho các đại lục gần đây, đã muốn nhấn mạnh sự cấp thiết đó. Trong tất cả các Thượng Hỗi Ðồng Giám Mục ấy đều có cùng một ý tưởng như một khẩu hiệu nòng cốt hướng dẫn: đó là Chúa Kitô luôn sống trong Hội Thánh của Ngài.

 

Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội cách nào?

Tiếp tục truyền thống ngàn đời của Giáo Hội, Công Ðồng chung Vatican II đã làm nổi bật những cách thức hiện diện khác nhau của Chúa Kitô:

- Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội một cách đặc biệt trong các buổi cử hành phụng vụ, trong con người của thừa tác viên và nhất là trong Mình Thánh, Máu Thánh.

- Chúa Giêsu hiện diện trong các Bí Tích.

- Chúa Giêsu hiện diện trong Lời của Ngài.

- Chúa Giêsu hiện diện khi Giáo Hội thi hành các công tác bác ái; Ngài hiện diện nơi người nghèo, người bệnh và các tù nhân (cf Mt 25,31-46).

- Chúa Giêsu hiện diện "trong cuộc sống của những người, mặc dù tham gia cùng bản tính nhân loại như chúng ta, nhưng được biến đổi hoàn toàn hơn trong hình ảnh Chúa Kitô (cf 2Cr 3,18). Nơi họ, chính Ngài nói với chúng ta và chỉ cho chúng ta dấu chỉ Nước Ngài" (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1373; và 1374).

- Chúa Giêsu hiện diện trong một cộng đoàn Kitô sống yêu thương (cf Cv 2,42-48; 4,32-35).

- Chúa Giêsu thật sự hiện diện. Nhưng nhiều khi không phải như vậy. Ðối với nhiều người ngày nay, và cả nhiều Kitô hữu nữa, cũng mang tâm trạng như hai môn đệ trên đường làng Emmaus: "Ngài cùng đi với họ, nhưng mắt họ không thể nhìn ra Ngài" (Lc 24,15-16). Thánh Augustinô đã viết: "Chúa đi trên đường như một người bạn đồng hành, đúng ra, chính Ngài hướng dẫn họ. Vì thế, họ thấy Ngài, nhưng không có thể nhận ra Ngài. Chúng ta hiểu là mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Ngài. Không phải họ bị ngăn cản nhìn thấy Ngài nhưng bị cản trở không nhận ra Ngài" (Saint' Agostino, Discorso 235: PL 38,1118).

 

"Ta ở giữa họ"

Thánh Matthêu ghi lại lời Chúa Giêsu đã hứa: "Nơi nào có hai ba người họp nhau nhân danh Ta, Ta ở giữa họ" (Mt 18,20).

Ở đây, chúng ta đừng nghĩ tới các buổi lễ phụng vụ mà thôi, nhưng tới mỗi hoàn cảnh trong đó có hai hoặc nhiều Kitô hữu họp nhau trong Chúa Thánh Thần, trong tình bác ái của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng đừng nghĩ rằng Ngài chỉ hiện diện khắp nơi trong hoàn vũ mà thôi.

Một nhà chú giải Kinh Thánh thời nay viết rằng: "Thánh Matthêu nghĩ tới một sự hiện diện, chúng ta có thể nói đó là "hiện thân" thật sự của Chúa Giêsu. Ngài hiện diện như một Ðấng chịu đóng đinh và sống lại, có nghĩa là trong sự hiến thân trọn vẹn trên Thập Giá, nơi mà Ngài cùng với tất cả nhân tính, đón nhận hoạt động thần hóa của Chúa Cha, và hiến mình hoàn toàn cho chúng ta để thông ban cho chúng ta thần trí của Ngài là Thánh Thần. Vì thế, sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh không phải là một sự hiện diện tĩnh, hay chỉ có mặt ở đó thôi, nhưng là một sự hiện diện tương giao, một sự hiện diện gõ cửa tâm hồn (...) Ðó là một sự hiện diện tập hợp và liên kết, và vì thế, sự hiện diện ấy chờ đợi sự đáp trả của chúng ta, nghĩa là đức tin. Tóm lại, sự gần gũi Chúa Kitô tập hợp "các con cái Chúa tản mát" để biến họ thành Giáo Hội" (Gérard Rossé, "Gesù in mezzo" in Prospettiva ecclesiale, in: Gen's 30 (2000), pp.3-4).

Từ Giao Ước được ký kết tại núi Sinai với Israel, Giavê tỏ ra là Ðấng can thiệp thực sự trong lịch sử. Ngài đã giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, đã làm cho họ thành Dân của Ngài. "Ta ở giữa các người", đó là câu nói làm nổi bật Giao Ước thứ nhất: một sự hiện diện bảo vệ, hướng dẫn, an ủi và trừng phạt...

Với Tân Ước, sự hiện diện ấy có chiều kích hoàn toàn đặc biệt và mới mẻ. Thật vậy, qua sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, lời hứa về sự hiện diện vĩnh viễn của Thiên Chúa, lời hứa Giao Ước chung kết được hoàn thành.

Trong cộng đồng Kitô hữu, Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là "Ðấng cứu thoát Thân Thể của Ngài" là Hội Thánh (cf Ep 5,23). Hiện diện giữa các tín hữu, Ngài triệu tập và nhóm họp không những Israel, nhưng toàn thể nhân loại (cf Mt 28,19-20). Sống với Chúa Giêsu "ở giữa", theo lời hứa của Mt 18,20, có nghĩa là thực hiện ngay từ bây giờ ý định của Thiên Chúa đối với toàn thể lịch sử và nhân loại.

 

Một câu trả lời: khi chúng ta sống tình huynh đệ

Nhưng làm thế nào để sự hiện diện trường tồn của Ðấng Phục Sinh được hữu hình?

Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, và trong Thương Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu kỳ I, người ta tự hỏi về công cuộc truyền giáo mới tại đại lục này. Một tu sĩ Hungari nhấn mạnh rằng, đối với những người được gọi là "ở nơi xa Giáo Hội", cuốn Kinh Thánh duy nhất họ đọc được đó chính là cuộc sống của các tín hữu Kitô. Và chúng ta có thể nói thêm rằng: chính chúng ta, cuộc sống của chúng ta, là Thánh Thể duy nhất nhờ đó thế giới ngoài Kitô Giáo được nuôi dưỡng.

Do ơn của Bí Tích Rửa Tội và nhất là nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô. Nhưng chính trong tình huynh đệ sống thực mà sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội Thánh được biểu lộ và sinh động trong cuộc sống thường nhật.

Trong âm thầm, khi yêu thương nhau hai hoặc ba tín hữu có thể làm chứng cho chính bản sắc sâu xa nhất của họ: đó là Hội Thánh, trong việc săn sóc những người yếu thế nhất, chữa lỗi cho nhau với tình huynh đệ, kinh nguyện trong hiệp nhất, và tha thứ cho nhau không giới hạn. Thánh Phaolô nói: "Anh em hãy tiến bước trong tình bác ái, làm sao để cả Chúa Kitô cũng yêu mến anh em và đã hiến mình vì anh em, tự hiến cho Thiên Chúa trong hy lễ hương thơm ngọt ngào" (Ep 5,2).

Chúng ta tìm lại được hướng đi đó trong điều gọi là "mệnh lệnh truyền giáo của Phúc Âm Thứ Tư": "Do dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ Thầy, đó là các con yêu thương nhau" (Ga 13,35). Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó người ta thấy có Chúa Kitô. Và mức độ tình yêu thương nhau là: "Không ai có một tình yêu lớn hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 15,12-13). Vì thế, Tài Liệu Làm Việc của Thương Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu kỳ II có lý mà quả quyết rằng: "Nếu Thánh Thể là sự hiện diện lớn lao nhất của Chúa Phục Sinh, thì tình yêu thương nhau được sống một cách quyết liệt theo tinh thần Phúc Âm, chính là sự hiện diện tỏ tường nhất, đặt chất vấn nhiều nhất và thúc dục người ta tin tưởng" (s.45). "Ðâu có tình yêu thương, ở đấy có Ðức Chúa Trời", như bài ca cổ kính chúng ta vẫn hát.

 

Ðâu đâu cũng toàn tế bào sống động

Tại nước tôi, trước cuộc đổi mới, trong mỗi giáo phận Lạng Sơn và Bắc Ninh ở Bắc Việt, chỉ còn lại hai linh mục. Ðức Hồng Y Trịnh Như Khuê kể lại rằng: "Có những nhóm nhỏ, hai người hoặc đông hơn, sống Tin Mừng trong cuộc sống thường nhật và họ giúp đỡ nhau bằng mọi cách. Và khi sự trợ giúp lẫn nhau như thế, họ cảm thấy sự hiện diện của Ðấng đã nói: "Các con đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).

Và nhờ những nhóm nhỏ mà qua đó họ cảm nghiệm và làm chứng trong cuộc sống thường nhật về sự hiện diện của Chúa Kitô mà Giáo Hội tại đất nước tôi sống còn. Thực vậy, ở mọi nơi, người ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô. Cả khi hai người tin Chúa gặp nhau ở chợ hoặc làm việc cạnh nhau trong một trại cải tạo. Dù không cần nói với nhau, không cần một bối cảnh đặc biệt nhưng chỉ cần hiệp nhất với nhau "nhân danh Chúa", có nghĩa là trong tình thương của Chúa, người ta cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh soi sáng và an ủi.

Nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng tôi nên chúng tôi tìm được Hy Vọng: đó là một thứ Hy Vọng "không lừa gạt" (cf Rm 5,5). Và cũng nhờ đó, Tin Mừng được chiếu tỏa quanh chúng tôi. Chính khi thiếu thốn tất cả, Chúa Giêsu lại bước đi trên những nẻo đường đất nước chúng tôi. Ngài ra khỏi các nhà tạm và hiện diện trong các trường học và công xưởng, trong các văn phòng và nhà tù.

 

Ðiều gì khiến chúng ta khác những người khác

Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội của Ngài. Và chúng ta tự hỏi: Phải chăng đó không phải là một luồng ánh sáng lớn cho chúng ta là những người sống và làm việc trong Giáo Triều Rôma sao? Phải chăng ở đây, hơn mọi nơi khác, người ta tìm thấy điều giúp cho tâm hồn mình sẵn sàng lắng nghe và yêu mến nhau sao? Không có chứng tá yêu thương lẫn nhau, không có sự hiện diện sống động của Chúa Kitô giữa chúng ta - không phải chỉ trong các nhà thờ và nhà nguyện, nhưng cả trong các văn phòng của chúng ta - thì công việc của chúng ta cũng giống như trong một xí nghiệp.

Có khoảng 3,500 cộng tác viên ở Vatican. Ðiều gì làm cho chúng ta khác với bất kỳ tổ chức chính quyền nào? Phải chăng là các buổi lễ tôn giáo? Hay là bởi sự kiện chúng ta đang làm những công việc của Giáo Hội? Ðiều gì có thể có ảnh hưởng đối với hoạt động của chúng ta trong thế giới? "Do dấu này mà người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy: nếu các con yêu thương nhau!"

Hẳn thật, sự hiện diện sinh động ấy của Chúa Kitô trong tình yêu thương nhau đòi phải có một sự thanh khiết và cao thượng trong các ý hướng.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã cảnh giác: "Vậy thì sao? Có lẽ chẳng có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Chúa hay sao? Có, nhưng mà họa hiếm. Thực vậy, (Chúa Giêsu) không phải chỉ nói về những cuộc hội họp hữu hình (...). Ðiều Ngài nói có ý nghĩa này: nếu ai coi Ta là nguyên nhân chính làm cho họ yêu mến tha nhân, thì Ta sẽ ở với người ấy (...). Trái lại, ngày nay, chúng ta thấy rằng phần lớn con người không có những động lực khác cho tình bạn của họ: người thì yêu vì được yêu; người khác yêu vì được tôn kính; kẻ khác yêu vì người ấy hữu ích cho mình (...). Nhưng thật là khó tìm được người yêu vì Chúa Kitô, như phải yêu tha nhân (...). Ai yêu như thế (...) cho dù bị ghét, lăng mạ, dọa giết, thì họ vẫn tiếp tuc yêu (...). Bởi vì Chúa Kitô cũng đã yêu các kẻ thù của Ngài như thế bằng một tình yêu lớn lao hơn" (in Mt. Hom. 61, 2-3: PG 58, 587).

Và cũng Thánh Gioan Kim Khẩu đặt trước chúng ta tấm gương của Thánh Phêrô và Gioan theo trình thuật Tông Ðồng Công Vụ 3,1: "Hãy tìm cách học xem tình yêu của họ, sự hòa hợp và sự đồng tâm của họ lớn lao dường nào: như thể họ thông ban cho nhau mọi sự và làm cho tất cả đều được nối kết bằng mối dây thân hữu theo Thiên Chúa khi họ cùng xuất hiện tại bàn ăn, trong việc cầu nguyện, trong việc đồng hành hoặc trong mọi hành động khác". Và Thánh Nhân kết luận: "Phêrô và Gioan hiệp nhất với nhau như thế và Chúa Giêsu ở giữa họ. Hãy hiểu xem hiệp nhất với nhau quan trọng dường nào" (In Act. Apost. 2, 4: PG 51,83).

 

Ðiều gì giá trị nhất

Ơn gọi Kitô hữu là sống sự hiệp nhất.

Cộng đồng Kitô hữu hiệp nhất trong tình yêu thương nhau chính là nơi mà Chúa Giêsu trở nên hữu hình cách cụ thể.

Sự mới mẻ của Kitô giáo được biểu lộ nơi có hai hay ba người hiệp nhất được hưởng sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh.

Anh em rất thân mến, chúng ta hãy cầu xin ơn để Năm Thánh này mang lại cho chúng ta một tình yêu mới, một sự hòa hợp và thân hữu mới, một lòng can đảm lớn hơn, để sự hiện diện của Chúa Kitô chiếu tỏa rạng ngời trong chúng ta!

"Nếu chúng ta hiệp nhất, thì Chúa Giêsu ở giữa chúng ta, Ðiều này đáng kể. Ðiều này có giá trị hơn mọi kho tàng tâm hồn chúng ta có thể có được: hơn cả cha mẹ, anh em, con cái. Giá trị hơn nhà cửa, công việc, tài sản, hơn mọi tác phẩm nghệ thuật của một thành phố lớn như Rôma này. Chúa Giêsu ở giữa thì có giá trị hơn là những đền đài hùng vĩ, những lăng tẩm nguy nga, hơn mọi sự tráng lệ của Vatican: hơn cả chính tâm hồn chúng ta!"

Cách đây nhiều năm, Ðức Thánh Cha Phaolô VI, trong một cuộc nói chuyện với chị Chiara Lubich đã thấy trong điều đó sự phong phú đích thực của Hội Thánh. (Cf Chiara Lubich, Scritti Spirituali/3, Rôma 1979, p.176).

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page