Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 09 -

Bài Suy Niệm thứ chín

Mở Rộng Ra Ngoài Thành

Trở Nên Mọi Sự Cho Mọi Người

Tất cả đều là Dân Chúa giao phó cho tôi

 

Ngày mùng 1 tháng 12 năm 1976 lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích chung người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe "cam nhông". Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra miền Bắc - một hành trình dài 1,700 cây số.

Cùng với các tù nhân khác tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn dầu nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1,500 người, trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời Thánh Phaolô nói: "Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì xảy ra cho tôi tại đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi" (Cv 20,22-23). Tôi đã sống trong âu lo suốt đêm hôm ấy.

 

Tận gốc rễ của Phúc Âm

Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang, Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. (Cách đây hai năm trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết thẹo còn hằn trên cổ).

Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận họ đến với tôi để kể lể các nổi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ðêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài ra đi chết "bên ngoài tường thành" bên ngoài tường thánh.

 

Ðức Giêsu chịu đóng đinh đã hiện diện giữa những người bị chúc dữ

Trong bài suy niệm này tôi muốn suy nghĩ về một lời của Thánh Phaolô: "Ðáng nguyền rủa thay kẻ bị treo trên cây gỗ" (Gl 3,12). Khẳng định kinh khủng này phát xuất từ sách Ðệ Nhị Luật và trong thời Chúa Giêsu được coi như là Lời Thiên Chúa chúc dữ những người Do Thái chịu khổ hình Thập Giá La Mã nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Lề Luật Môisen.

Saolô đã xác tín về sự thật của lời ấy đối với Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Ông Giêsu thành Nadarét này chỉ có thể bị Thiên Chúa chúc dữ và từ bỏ, vì đã khiến cho dân chúng lầm lạc, khi ăn uống với những kẻ tội lỗi, lỗi luật tẩy uế và nhất là dám tự cho mình là Ðấng Cứu Thế. Cái chết của ông trên Thập Giá là dấu chỉ rõ ràng ông đã không hành động theo ý muốn của Giavê.

Với tư cách là một kinh sư (rabbi) trẻ tuổi, Saolô không thể nhân nhượng trước sự kiện sau khi vị ngôn sứ giả này chết đi mà vẫn còn có những đồ đệ gây rối loạn trong các hội đường và tuyên xưng rằng ông ấy là Ðấng Cứu Thế đang sống bên Thiên Chúa. Và Saolô đã hăng say bắt bớ các môn đệ của Ðức Giêsu, cho tới ngày Chúa Phục Sinh đảo lộn và biến đổi hoàn toàn cuộc sống của ông. Kẻ mà Saolô tưởng rằng sống ngược lại ý muốn của Thiên Chúa và bị Thiên Chúa từ bỏ, bất thình lình tự tỏ lộ cho ông như là Con Thiên Chúa, như là Ðấng cho thấy gương mặt của Thiên Chúa là Cha một cách trong sáng nhất.

Và thế là lời nguyền rủa của sách Ðệ Nhị Luật, trước đó được áp dụng cho người Kitô hữu, lại tỏ lộ tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với con người. Nếu người bị đóng đinh ấy đã thật sự là Con Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa thực sự hiện diện nơi người bị treo trên cây gỗ đó của Lề Luật, thì thay vì là lời chúc dữ, cái chết vì bị đóng đinh này lại diễn tả tột đỉnh Thiên Chúa gần gũi những người sống xa Ngài biết chừng nào! Bị treo trên Thập Giá, Chúa Giêsu hiện diện tại những nơi có những người bị nguyền rủa sinh sống, tại nơi thế giới tội lỗi xa rời Thiên Chúa đang sống. Và chính vì thế mà Ngài cống hiến sự hòa giải và ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

 

Mở rộng ra ngoài thành

Truyền thống của Giáo Hội tiên khởi còn nhận ra thực tại đảo lộn này trong một sự kiện khác: đó là sự kiện Chúa Giêsu đã chết bên ngoài tường Thành Thánh, chết "ngoài trại" như đọc thấy trong thư gửi giáo đoàn Do Thái chương 13,12tt, chết bên ngoài vườn nho, nghĩa là ngoài cộng đoàn dân Israel (Lc 20,15). Như thế Ðức Giêsu đã chết bên ngoài thánh địa, nơi có sự hiện diện của Giavê, nơi chỉ có người đạo đức mới được ở. Ðiều này vén mở cho thấy tình yêu thương của Thiên chúa vượt xa khung cảnh của sự thánh thiêng cho tới các hậu quả tột cùng: Thiên Chúa khiến cho con người gặp gỡ Ngài chính tại nơi mà con mắt loài người cho là Ngài không thể có mặt.

Quy chiếu bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Khổ Ðau của Giavê (bị liệt vào hàng tội phạm Is 53,12), Hội Thánh sơ khai xác tín rằng Ðấng bị đóng đinh ôm trong vòng tay Ngài tất cả mọi người, kể cả kẻ gian ác và tuyệt vọng. Qua bức màn đền thờ bị xé của thân xác Ngài, các lằn ranh giữa khu vực thánh thiêng và thế giới không có Thiên Chúa đã bị xóa bỏ. Qua Ngài, từ nay tất cả mọi người đều có thể đến với Thiên Chúa Cha.

Thánh Phaolô và cùng với Ngài các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi đã luôn luôn duy trì sự thật đảo lộn này trước mắt Thập Giá của Chúa Giêsu được cắm lên trong môi trường của thế giới tội lỗi. Như thế, Chúa Giêsu chịu đóng đinh chỉ cho mỗi một tín hữu thấy đâu là sứ mệnh truyền giáo của họ. Nếu chúng ta muốn khám phá ra gương mặt của Chúa, chúng ta phải tìm giữa những người ở xa nhất. Chúa đợi chờ chúng ta từ nơi mỗi một người, bất luận họ sống trong hoàn cảnh nào, có quá khứ ra sao, và bậc sống của họ như thế nào.

Trên núi Cây Dầu trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho 500 môn đệ từ khắp nơi tụ tập về đây rằng: "Các con sẽ là các chứng nhân của Thầy trong toàn vùng Giuđêa và Samaria và cho tới tận bờ cõi trái đất" (Cv 1,8). Các Tông Ðồ và Thánh Phaolô đã đi ra ngoài tường thành: đến với mọi dân tộc.

 

Nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi

Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không Công giáo, từng là dân biểu và nổi tiếng là Phật tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đậm nơi trái tim ông. Sau này tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta cảm thấy hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi và từ đó chúng tôi đã trở thành bạn với nhau.

Trên tầu và sau này trong trại cải tạo, tôi đã có dịp đối thoại với đủ hạng người: bộ trưởng, dân biểu, các sĩ quan và giới chức chính quyền dân sự cao cấp, các vị lãnh đạo của các Giáo Hội Cao Ðài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Brahman, Hồi Giáo, và các anh em thuộc các Giáo Hội Kitô khác nhu Tin Lành Baptist, Tin Lành Methodist... Trong trại cải tạo tôi đã được bầu làm quản lý để phục vụ tất cả mọi người, phân phát thực phẩm, tìm nước nóng, và khuân vác than để sưởi ban đêm, vì các tù nhân khác coi tôi như là một người đáng tín cẩn.

Khi rời Sài Gòn, suy nghĩ về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh bên ngoài tường thành Giêrusalem đã cho tôi hiểu rằng từ nay tôi phải dấn thân trong một hình thức mới của việc rao truyền Tin Mừng, không phải như là Giám Mục của một giáo phận, nhưng ở "ngoài thành", nghĩa là như một nhà truyền giáo được sai đi thật xa, bằng cả cuộc sống, với hết tất cả khả năng yêu thương và dâng hiến của tôi. Giờ đây hoàn cảnh giúp tôi thêm một chiều kích khác nữa: đó là đi tới với mọi người.

Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm Hy Vọng đã thay đổi quan niệm của tôi. Từ nay con tầu này, nhà tù này, đã là ngôi nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi, và các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Sự kiện tôi bị tù đày là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi đã nói tất cả những điều này cho anh em tù nhân Công giáo khác biết và đã nảy sinh ra giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới: chúng tôi được mời gọi cùng nhau trở thành các chứng nhân Hy Vọng cho tất cả mọi người.

Ðến đây, tôi không thể im lặng bỏ qua mà không nói đến các cuộc mạo hiểm truyền giáo lớn lao đã diễn ta tại Việt Nam. Nhân danh dân tộc tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt sâu xa đối với Giáo Hội hoàn vũ, đối với Bộ Truyền Giáo, đối với các vị thừa sai can trường đã đem Tin Mừng tới cho chúng tôi và đã đổ máu trên quê hương chúng tôi để làm chứng cho đức tin.

 

Tính chất triệt để của Phúc Âm

Khi nói tới cuộc mạo hiểm của niềm Hy Vọng và đặc biệt của việc truyền giáo, chúng ta đề cập tới tính chất triệt để của Tin Mừng. Trong Kinh Thánh, điều đánh động tôi là cả Chúa Giêsu, Thánh Phaolô và Thánh Gioan thường dùng các lời diễn tả chiều kích của sự tuyệt đối:

Tất cả ước chi là một (x. Ga 17,21), tất cả mọi dân tộc (x. Mt 28,19). Một cách hoàn toàn ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa: với tất cả tấm lòng, tất cả sức lực (x. Mt 22,23). Cho tới cùng Ðức Giêsu đã yêu thương họ (x. Ga 13,1). Tại khắp nơi họ sẽ là chứng nhân của Người (x. Cv 1,8). Lòng từ bi Chúa tồn tại muôn đời (x. Tv 100,5; v.v.).

Còn nhiều từ khác nữa diễn tả chiều kích vô biên của công trình loan báo Tin Mừng.

Dưới đất cũng như trên Trời: cùng tình yêu thương (x. Ga 15,12), cùng sứ mệnh (x. Ga 20,21).

Tình yêu của Ðức Kitô phải được tỏ hiện nơi chúng ta trong tất cả bốn chiều kích: rộng, dài, cao, sâu (x. Ep 3,18-19).

Tôi hiểu tại sao Thánh Maximilianô Konbê thường lập đi lập lại: "Một cách tuyệt đối, một cách hoàn toàn, vô điều kiện". Chúa Giêsu đã tóm gọn tất cả điều đó trên Thập Giá: "đã hoàn tất" (Ga 19,30).

 

Trở nên mọi sự cho mọi người

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Thế: "Chỉ với tính chất triệt để của hy sinh chúng ta mới có thể là các Chứng Nhân của niềm Hy Vọng, được linh ứng bởi chính lòng mến của Ðức Kitô, làm thành bởi sự chú ý, tình hiền dịu, lòng xót thương, sự tiếp đón, sẵn sàng, lưu tâm tới các vấn đề của con người" (s. 89).

Gương mặt của Thánh Phaolô đồng hành với chúng ta trong sứ mệnh này: "Tuy là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái tôi đã trở nên Do Thái để chinh phục người Do Thái... Ðối với những ai sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật... dù sống trong luật Chúa Kitô... Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người" (1Cr 9,22). "Tôi làm tất cả những điều đó vì Tin Mừng" (1Cr 9,23).

Chúa Giêsu chịu đóng đinh, trong tình liên đới đối với người thấp kém, với người ở xa nhất và cả với người không tin Thiên Chúa, đã mở ra con đường cho Tông Ðồ Phaolô "trở nên mọi sự cho mọi người". Và đến lượt mình, Thánh Phaolô thông chuyền cho các Kitô hữu chúng ta công tác Tông Ðồ đích thực. Ðó là làm cho từng người biết rằng Thiên Chúa gần gũi họ và yêu thương họ vô biên, không phân biệt kỳ thị.

Khi trở thành "một" với tất cả, khi can đảm xem mỗi người như là người "thân cận", như là người anh em, kể cả khi bề ngoài họ đáng khinh bỉ nhất hay chính họ là kẻ thù, chúng ta sống thực nội dung nòng cốt của Tin Mừng: trong Thập Giá của Chúa Giêsu, Thiên Chúa tới gần từng người ở xa Ngài và cống hiến cho họ ơn tha thứ và cứu độ. Do đó rao truyền Tin Mừng không phải là một nhiệm vụ chỉ được trao phó cho các thừa sai, nhưng cốt yếu là cho mọi người Kitô hữu. Tin Mừng của một Thiên Chúa gần gũi chỉ có thể được nhận ra, nếu chúng ta sống gần gũi với tất cả mọi người.

 

Một chân trời vô biên: tất cả vì Phúc Âm

Ðể kết thúc bài suy niệm này, chúng ta hãy để cho các chân trời bao la trong sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh trải dài trước đôi mắt tâm trí chúng ta, như đã được khơi dậy trong Công Ðồng Chung Vatican II và như đã được các vị Giáo Hoàng gần đây minh chứng:

- Toàn con người và tất cả mọi người đều được lãnh nhận Tin Mừng.

- Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng ngày nay thúc đẩy chúng ta ngồi vào bàn đối thoại để tìm kiếm những điểm chung, bắt đầu từ trong lòng Giáo Hội, đến anh chị em của các Giáo Hội và các cộng đoàn tôn giáo khác. Cuộc đối thoại này cũng hướng tới các tôn giáo lớn khác, và thiết lập các mối dây bằng hữu và cộng tác cả với những người không tuyên xưng một niềm tin tôn giáo nào, cũng như không loại bỏ những người chống đối Giáo Hội và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách khác nhau. "Chúng ta tất cả đều được mời gọi trở thành anh chị em với nhau", như khẳng định trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng" (s. 92).

- Gần 100 chuyến công du mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II khắp năm châu và cuộc gặp gỡ của Ngài với các thổ dân Papua Tân Guinea, cũng như chuyến viếng thăm của Ngài trên Hòn Ðảo của các nô lệ Tây Phi Châu, các buổi hội kiến với Chủ tịch Fidel Castro của Cuba và cuộc đối thoại mới đây với vị Thủ lãnh Al-Azhar bên Cairo, và công tác hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo bên Thánh Ðịa, đều diễn đạt cách hùng hồn tia sáng vô biên mà chúng ta được mời gọi bước theo để phục vụ Tin Mừng ngày nay.

- Trong các thập niên qua, Tòa Thánh đã thành lập nhiều Hội Ðồng và cơ quan mới để ngày càng đáp ứng tốt đẹp hơn sứ mệnh này và tiếp nhận những gì Ðức Kitô chịu đóng đinh đã gieo vãi khắp nơi trong tình yêu vô biên của Ngài. Qua những tổ chức này, Hội Thánh không chỉ cho đi, mà cũng nhận lãnh nữa.

Thật là một đặc ân đối với tôi vì được tham dự vào công trình vĩ đại này. Qua cuộc sống và công việc từ nhiều năm nay trong Giáo Triều Rôma, tôi sung sướng chứng kiến nhiều việc kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần thực hiện hằng ngày để đem Tin Mừng tới mọi dân tộc, mọi văn hóa, mọi lối sống. Tôi biết ơn vì nơi đây tôi có thể sống trong niềm hiệp thông với tất cả mọi người theo tinh thần của Thánh Phaolô: "Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi giá cứu rỗi một ai đó. Và tất cả những điều này làm vì Tin Mừng".

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page