Chứng Nhân Hy Vọng
(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 08 -
Bài Suy Niệm thứ tám
Mối Dây Trọn Lành
Nghệ thuật yêu thương
Trong khi soạn bài suy niệm này, tôi đã nghe vang vọng lên trong tôi lời của Thánh Phaolô: "Nếu tôi không có đức mến, tôi không là gì cả" (x. 1Cr 13,2). Những lời này trước hết kêu mời tôi hoán cải và nhắc nhở cho tôi biết "cái trước hết mọi sự" (x. 1Pr 4,8), trước cả khi giảng dạy, cầu nguyện, trước mọi công tác phục vụ Tông Ðồ, tôi phải có đức mến, nhưng còn hơn thế nữa tôi phải chính là sự yêu mến.
Không có tình yêu, tôi không có Chúa và không thể đem Chúa đến cho người khác, tôi cũng không biết cả Chúa nữa (x. 1Ga 4,8). Cả khi tôi viết các bài suy niệm, cả khi tôi giảng tĩnh tâm cho những nhân vật quan trọng, cả khi "tôi có hiến thân cho lửa thiêu" (1 Cr 13,3), hay bị ở tù lâu năm..., nếu tôi không có tình yêu là Thiên Chúa tất cả chỉ là phung phí năng lực, như Thánh Augustinô đã nói (x. Defensor Grammaticus, Liber Scintillarum, SC77, tr.58).
Thế giới thuộc về ai yêu thương nó
Nhiều khi chúng ta than phiền rằng trong xã hội ngày nay, Kitô giáo ngày càng hiện diện ở bên lề, việc thông truyền đức tin cho người trẻ trở thành khó khăn và ơn gọi giảm sút. Chúng ta có thể tiếp tục kể ra các lý do âu lo khác...
Thật thế, trong thế giới ngày nay chúng ta thường cảm thấy mình thua thiệt. Nhưng cuộc mạo hiểm của niềm Hy Vọng dẫn chúng ta đi xa hơn. Một hôm tôi đã đọc được trên một tờ lịch câu sau đây: "Thế giới thuộc về người yêu nó và biết minh chứng rõ hơn rằng mình yêu nó". Các lời này thật đúng biết bao! Trong con tim của từng người đều có khát vọng yêu thương vô biên và với tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào trong tim (x. Rm 5,5) chúng ta có thể thỏa mãn khát vọng đó.
Nhưng để được như thế, tình yêu của chúng ta phải là một nghệ thuật, một nghệ thuật cao vượt khả năng yêu thương thuần tuý nhân loại. Rất nhiều, nếu không nói là tất cả đều tùy thuộc điều này.
Chẳng hạn tôi đã trông thấy nghệ thuật này nơi Mẹ Têrêxa Calcutta. Ai trông thấy Mẹ cũng yêu Mẹ; hay nơi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, sắp được phong Chân Phước. Bao nhiêu năm sau khi Ngài qua đời, kỷ niệm về Ngài vẫn rất sống động nơi dân chúng.
Khi bước vào một tu viện hay một trung tâm giáo phận hoặc các văn phòng làm việc của chúng ta, chúng ta không luôn luôn tìm thấy nghệ thuật này, một nghệ thuật từng khiến cho Kitô giáo trở thành xinh đẹp và lôi cuốn. Trái lại, người ta thường gặp thấy các gương mặt buồn sầu và ủ rũ vì công việc nhàm chán thường ngày. Tình trạng thiếu ơn gọi lại không tùy thuộc nơi sự kiện này hay sao? Nó chẳng bắt nguồn từ chứng tá ít bén nhọn của chúng ta hay sao? Không có một tình yêu mạnh mẽ, chúng ta không thể trở thành Chứng Nhân của niềm Hy Vọng!
Cho dù có là người chuyên môn về tôn giáo, cũng luôn luôn có nguy cơ chỉ biết lý thuyết về tình yêu, mà không chiếm hữu được nghệ thuật yêu thương. Cũng giống như một bác sĩ, hiểu biết y khoa, nhưng không có nghệ thuật giao tiếp dễ thương và nồng nhiệt với người bệnh. Người ta tới khám bệnh, bởi vì cần tới ông, nhưng khi khỏi bệnh, họ không trở lại nữa.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu là thầy của nghệ thuật yêu thương. Giống như người di cư trên miền đất lạ, để thích ứng với tình trạng mới, Ngài luôn đem theo mình, ít nhất là trong con tim, các luật lệ và thói quen của dân tộc mình. Như thế khi đến trần gian này như là người lữ hành của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài mang theo cung cách sống của quê hương trên trời, bằng cách "diễn tả ra một cách nhân loại các thái độ sống của Thiên Chúa Ba Ngôi" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 470).
Ðặc điểm của tình yêu Kitô giáo
Giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm các yếu tố đặc thù của nghệ thuật yêu thương mà Ðức Giêsu dạy chúng ta, và đó là suối nguồn của ánh quang và hấp lực cho cuộc sống Kitô hữu.
1. Yêu thương trước
Tình yêu thương của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu qua ơn Thần Khí, đã gieo vào trong tâm hồn chúng ta, là một tình yêu thương hoàn toàn nhưng không. Yêu thương vô vị lợi, không mảy may đợi chờ đáp trả. Ngài không yêu chỉ vì được yêu, hay vì lý do khác, dù có là các lý do tốt lành, như là tình bạn của con người. Ngài không nhìn xem kẻ khác là bạn hay là thù, nhưng yêu thương trước, bằng cách đưa ra sáng kiến.
Khi chúng ta còn là kẻ có tội, vô ơn và thờ ơ, thì Ðức Kitô đã chết cho chúng ta (x. Rm 5,8). "Người đã yêu chúng ta trước", như Thánh Gioan nói (1 Ga 4,19) và như thế chúng ta cũng phải yêu thương. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: "Bạn đừng chờ đợi được người khác yêu, nhưng hãy tiến lên và bắt đầu trước (Chú giải Thư gửi giáo đoàn Rôma, 22,2, trong: Thần học các Giáo Phụ III, Rôma 1975, tr.261).
2. Yêu thương tất cả mọi người
Ðể cho tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa được rạng ngời, chúng ta phải yêu tất cả mọi người, không loại trừ ai: "Các con hãy là con của Thiên Chúa Cha trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành và kẻ dữ..." (Mt 5,45). Chúng ta được mời gọi sống bé nhỏ bên cạnh Mặt Trời Tình Yêu là Thiên Chúa. Và khi đó tất cả mọi người đều là đối tượng yêu thương của chúng ta. Tất cả mọi người! Không phải là một cái "tất cả" lý tưởng, nghĩa là mọi người trên thế giới này mà có lẽ chúng sẽ không bao giờ gặp, nhưng một cái "tất cả" cụ thể.
Mẹ Têrêxa Calcutta nói: "Ðể yêu mến một người cần phải tiến tới gần người đó... Tôi không bao giờ săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc những con người cụ thể thôi" (Mẹ Têrêxa Calcutta, Chúa mang cho con tình yêu, Rôma 1979, tr.48).
Chị Chiara Lubich thì khẳng định: "Như chỉ một Bánh Thánh là đủ để chúng ta nhận lãnh Thiên Chúa làm của ăn trong hàng tỷ Bánh Thánh trên trái đất này, thì cũng chỉ cần một người anh chị em mà Chúa muốn đặt để bên cạnh chúng ta cũng đủ để làm cho chúng ta thông hiệp với toàn thể nhân loại là Ðức Giêsu bí nhiệm" (C. Lubich, Các bút tích thiêng liêng/1 Rôma 1978, tr.38).
Mỗi người bên cạnh cho tôi có dịp yêu mến Chúa Kitô, là Ðấng "qua việc nhập thể, trong một cách thế nào đó, đã kết hiệp với từng người" (GS 22).
3. Yêu thương kẻ thù
Một sắc thái hoàn toàn đặc biệt khác nữa của tình yêu Kitô giáo: đó là yêu thương cả các địch thù của mình. Ðây là điều thường khó hiểu đối với người không tin.
Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi:
- Ông có yêu chúng tôi không?
- Có chứ, tôi yêu các anh.
- Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu chúng tôi à? Ðây là điều không thể được! Có lẽ không thật đâu!
- Tôi đã ở với ông nhiều năm, như ông thấy đó, đúng không.
- Khi nào ông được tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến đốt nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đấy chứ?
- Không, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh.
- Mà tại sao?
- Bởi vì Chúa Giêsu đã dậy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa.
- Thật ra là đẹp, nhưng khó hiểu quá.
Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rất nhiều đến đặc điểm này của tình yêu Kitô và chỉ với thái độ của con tim chúng ta mới có thể kiến tạo hòa bình trên trái đất: "Nếu các con yêu những người yêu các con... nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi... ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?... Nhưng Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con" (Mt 5,46-47.44).
4. Yêu thương bằng cách hiến chính mạng sống mình
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và tình yêu của Ngài chỉ có thể là vô tận như Thiên Chúa. Ðó không phải là một tình yêu cho đi cái gì, mà là tình yêu tận hiến chính mình: "Sau khi yêu thương những kẻ thuộc về mình... Ngài vẫn yêu thương họ cho tới cùng" (Ga 13,11). "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu này: hiến chính mạng sống cho các bạn hữu mình" (Ga 15,13).
Ðức Giêsu đã cho đi tất cả, mà không giữ lại gì: Ngài đã cho đi chính sự sống của Người trên Thập Giá và đã trao ban Mình và Máu Ngài trong Bí Tích Thánh Thể. Ðó là mực thước mà chúng ta được mời gọi yêu thương: sẵn sàng cho những người cùng làm việc với chúng ta sự sống của chúng ta; sẵn sàng trao ban sự sống cho nhau.
5. Yêu thương bằng cách phục vụ
Ðối với đại đa số các trường hợp, chuyện "cho đi sự sống" mà Chúa Giêsu đòi hỏi không cần thiết phải đổ máu, nhưng xảy ra mỗi ngày trong biết bao nhiêu cử chỉ nhỏ nhặt, trong việc phục vụ tha nhân, kể cả những người, vì một lý do nào đó xem ra có thể "thua kém" chúng ta.
Khác với các Phúc Âm Nhất Lãm, trong trình thuật những giờ phút trang trọng của Bữa Tiệc Ly, thánh sử Gioan không đề cập tới việc lập Phép Thánh Thể, nhưng kể lại biến cố Ðức Giêsu rửa chân cho các môn đệ "để các con cũng làm như Thầy đã làm" (Ga 13,15).
Phục vụ có nghĩa là trở thành "Thánh Thể" cho người khác, tự đồng hóa với họ, chia sẻ niềm vui và khổ đau của họ (x. Rm 12,15), tập suy tư với đầu óc của họ, cảm nhận với con tim của họ, sống trong họ: "đi trong giầy của họ" như một câu châm ngôn Ấn Ðộ đã nói.
Yêu thương, cách loan báo Tin Mừng tốt nhất
Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá cho Chúa Kitô.
Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau, luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: "Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị "tiêm nhiễm bởi ông Giám Mục nguy hiểm này".
Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định: "Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông Giám Mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta".
Ban đầu công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời "có" hay là "không".
Thật là buồn. Tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.
Ðêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: "Phanxicô, con còn giầu lắm, con có tình yêu của Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con".
Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi Luật Tân... sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật.
Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh... Và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi!
Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:
- Tôi có thể xin anh một điều không?
- Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.
- Tôi muốn đẽo một hình Thánh Giá bằng gỗ.
- Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao?
- Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín.
- Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.
- Anh nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm ngay bây giờ và hết sức cẩn thận.
Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình Thánh Giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do. Rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài, Thánh Giá đó đã trở thành Thánh Giá giám mục của tôi.
Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:
- Tôi đã học ở Ðại Học An Ninh rằng, nếu một người xin dây điện có nghĩa là họ muốn tự tử.
Tôi giải thích cho anh ta:
- Các linh mục Công giáo không được tự tử.
- Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó?
- Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo Thánh Giá.
- Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được? Không thể làm được!
- Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.
- Nguy hiểm lắm!
- Nhưng mà mình là bạn với nhau mà!
Ba ngày sau anh ta nói với tôi: "Thật khó mà từ chối anh điều gì. Tối mai khi tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem đến cho anh một sợi dây điện. Phai làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ".
Chiều hôm sau từ 7 giờ cho tới 11 giờ, cẩn thận không để cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Và ba giờ sau, trước khi đổi phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.
Sợi dây và cây Thánh Giá này tôi luôn đeo mỗi ngày, không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi: chỉ có tình yêu Kitô mới có thể thay đổi con tim, chớ không phải khí giới, các lời đe dọa và các phương tiện truyền thông.
Chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng.
Ominia vincit amor, tình yêu thắng được mọi sự!
Khi có tình yêu chân thật, lời đáp trả tình yêu sẽ được khơi dậy. Khi đó người ta yêu và được yêu. Khi đó người ta hiện thực được trên trái đất Ðiều Răn mới của Ðức Giêsu: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12). Yêu thương nhau là chu toàn nghệ thuật yêu thương.
Mẹ của Tình yêu tốt đẹp
Chúng ta không thể kết thúc bài suy niệm này mà không hướng tâm trí chúng ta về Ðức Mẹ. Ðức Maria giống như vầng trăng phản chiếu tất cả vẻ mỹ miều của mặt trời là Chúa Giêsu, phản chiếu tất cả mọi tâm tình và đặc biệt tình yêu thương của Chúa. Ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ra, không có tình yêu nào sánh bằng tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với toàn thể nhân loại. Chính vì thế Mẹ được những người tin Chúa cũng như rất nhiều người không biết Chúa yêu mến. Chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách tốt đẹp hơn khi kết hiệp với tình yêu thương tuyệt mỹ và dịu hiền của Ðức Trinh Nữ Maria, là Ðấng chiếm hữu được nghệ thuật yêu thương tuyệt vời nhất.
Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Ðức Giêsu (bởi vì Người là tình yêu).
Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Ðức Maria.
Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, người đã từng nói: "Trong lòng Giáo Hội, con muốn là tình yêu" (Thủ bản B 3 v, trong: Toàn tác phẩm Paris 1996, tr.226).
Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận