Chứng Nhân Hy Vọng
(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 05 -
Bài Suy Niệm thứ năm
Nhưng Chỉ Có Một Sự Cần Thiết Duy Nhất
Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa
Trong Năm Thánh này, khi khởi sự cuộc hành hương tại các nơi ghi dấu lịch sử cứu độ chúng ta, Ðức Gioan Phaolô II vì không thể tới miền Ur xứ Canđê, đã cử hành lễ tưởng niệm Tổ Phụ Abraham tại Rôma.
Ðáp lại lời mời gọi, Abraham chọn Thiên Chúa, vâng lời không chút do dự và đã rời quê hương mà không biết mình đi đâu, hướng về vùng đất Thiên Chúa đã hứa cho ông.
Với sự chọn lựa quyết liệt ấy, Tổ Phụ Abraham đã khởi sự một kinh nghiệm ngoại thường.
Ngài đã "sống như một người ngoại quốc trên quê hương mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông".
Ngài tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa ban cho Ngài một người con khi đã 100 tuổi.
Tổ phụ Abraham đã "tín thác dâng hiến người con duy nhất của mình" làm hy tế, vì "nghĩ rằng Thiên Chúa cũng có thể cho người chết sống lại..." (cf He 11,9-19).
Và chính vì thế, Ngài đã trở thành cha của đông đảo dân chúng, đông như sao trên trời và như cát dọc theo bờ biển.
Dựa vào một mình Thiên Chúa, chọn lựa Thiên Chúa: đó chính là kinh nghiệm lớn lao của các Tổ Phụ, các Ngôn Sứ, các tín hữu Kitô tiên khởi, được gợi lại trong chương 11 của Thư gửi Tín Hữu Do Thái trong đó có 18 lần dùng thành ngữ "nhờ đức tin" (per fede) và một lần thành ngữ "với đức tin" (con fede).
Tuy nhiên thái độ không hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, tìm nương tựa và an ninh nơi khác vẫn luôn là cám dỗ dân Chúa thường gặp. Ðó cũng là kinh nghiệm từng trải của những nhân vật, cả những người nổi tiếng như Môisen, Ðavít, Salômôn.
Mẹ Maria là người tín hữu tuyệt hảo. Và cùng với các Ngài có vô số các chứng nhân, đông đảo những thí dụ lớn không thiếu trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ, và trong những thăng trầm của đời sống bản thân chúng ta.
Nền tảng đời sống Kitô hữu
Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẩn uất nổi lên trong tôi.
Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: "Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo... đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!
Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.
Chọn Chúa, chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Ðó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Ðó cũng là con đường để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Giáo Hội và nhân loại ngày nay.
Luôn thưa lại tiếng "Xin Vâng"
Mỗi ngày tôi càng hiểu rõ hơn những lời Kinh Thánh: "Như trời xa cách đất thế nào,... tư tưởng của Ta cũng xa cách những tư tưởng của các ngươi như vậy" (Is 55,9).
Tôi hiểu được rằng cuộc sống của tôi là một chuỗi dài các chọn lựa giữa Thiên Chúa và các việc của Chúa. Một sự chọn lựa luôn mới mẻ, và trở thành một sự hoán cải.
Mẹ Maria đã chọn Chúa mà quên đi những dự tín riêng tư của mình mặc dầu không hiểu rõ mầu nhiệm đang xảy ra trong thân xác và vận mệnh của mình. Từ lúc ấy, cuộc đời của Mẹ là một lời "Xin Vâng" luôn được đổi mới từ hang đá Bêlem, tới cuộc lưu đày ở Ai Cập, cho đến xưởng mộc làng Nadarét và cuối cùng tới đồi Canvê. Cùng một chọn lựa luôn được tái thực hiện: "Thiên Chúa chứ không phải những công việc của Thiên Chúa". Và chính nhờ đó mà Mẹ Maria thấy tất cả những lời hứa được thể hiện. Mẹ thấy Chúa Con phục sinh, người Con mà Mẹ đã ẵm lấy thân xác nhợt nhạt; Mẹ thấy nhóm môn đệ tụ tập lại và mang Tin Mừng của Chúa Con cho mọi dân nước. Mẹ được mọi thế hệ tuyên xưng là người có phúc và là "Mẹ Thiên Chúa". Mẹ đã đứng dưới chân Thánh Giá và đã thấy Con Thiên Chúa trở thành một người như chúng ta, một con người bình thương.
Thờ phượng cách chân thật
"Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết tâm hồn và hết sức ngươi" (Ds 6,5; cf Mt 22,37).
Trong các sách Lêvi và Ðệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã thiết định tỉ mỉ các lễ nghi, phẩm phục tư tế, và tất cả những gì cần cho việc tư tế chính chức, theo thời điểm và lễ trọng khác nhau.
Sách các Vua kể lại cho chúng ta những cố gắng của vua Salômôn để kiến thiết Ðền Thờ, theo kế hoạch Thiên Chúa đã định, với sự đóng góp của các dân tộc lân bang. Và thế là nảy sinh trung tâm tôn giáo và quốc gia của Israel.
Vậy mà, qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa cho biết các hy tế và lễ toàn thiêu chẳng có giá trị gì, nếu không có hy tế nội tâm là tâm hồn thống hối khiêm cung. Ðó là một sự chọn lựa Thiên Chúa một cách chân thực và rõ ràng. Trời và đất đều thuộc về Chúa, đất là "bệ" chân Ngài. Thiên Chúa không cần Ðền Thờ (cf Is 66,1-2).
Can đảm sống trung thực
Sự chọn lựa Thiên Chúa như thế trong cuộc sống có hệ luận là phải quyết tâm từ bỏ việc thờ thần tượng. Vì thế, cụ già Êlêadarô thà chết chứ không để kẻ khác nghi ngờ sự liên kết mật thiết của mình với Thiên Chúa (cf 2 Mcb 6,18-31).
Ngày nay, cũng như thời Cựu Ước và Tân Ước, ai chọn Thiên Chúa thì phải chấp nhận thiệt thòi trong lãnh vực kinh tế, quyền hành hoặc những lợi lộc khác... Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó: "Vì Thầy".
Cũng vì sự chọn lựa đó, có những người không thể vào đại học, không được công ăn việc làm, không có nhà ở... Bao thế hệ Kitô hữu tại nhiều quốc gia đã can đảm chấp nhận những hy sinh như thế.
Thư gửi Tín Hữu Do Thái nhắn nhủ chúng ta: "Anh em hãy nghĩ lại những gì anh em đã cảm nghiệm trong những ngày đầu tiên, ngay sau khi nhận lãnh ánh sáng của Thiên Chúa. Bấy giờ anh em đã phải chịu nhiều đau khổ, phải chiến đấu cam go. Nhiều khi anh em bị lăng mạ và ngược đãi trước mặt mọi người; nhiều lần khác, anh em phải bảo vệ những người bị xúc phạm như thế. Anh em đã từng chịu nổi sầu khổ của các tù nhân, và khi bị người ta tước đoạt của cải, anh em đã vui lòng chấp nhận những mất mát đó, vì biết mình sẽ sở hữu những của cải tốt đẹp hơn, và không ai có thể tước đoạt được" (Dt 10,32-34).
Cách chọn Chúa trong đời sống mục tử
Khi còn ở trong tù, xét theo một nghĩa nào đó, việc chọn lựa một mình Thiên Chúa đối với tôi dễ dàng hơn mặc dầu không thiếu những cám dỗ chiều theo sự thỏa hiệp. Thật vậy, khi không còn những an ninh trước đó nữa, tôi cảm thấy cần phải tập trung tất cả cuộc sống mình vào một điều "cần thiết duy nhất" (cf Lc 10,42) trong số những gì được xem là hoàn toàn quan trọng.
Giờ đây được tự do với lắm công việc và những công tác nhiều khi nặng nề, tôi thật dễ dàng trở nên Marta hơn là Maria.
Thực vậy, không có Mục Tử nào nghĩ rằng mình không chọn Chúa. Tất cả chúng ta đều xả thân tận tụy với các công việc của Chúa. Nhưng tôi cảm thấy mình luôn cần phải xét lại mình cách thành thật trước mặt Chúa. Trong cuộc sống mục vụ của tôi, bao nhiêu phần dành cho Chúa và bao nhiêu phần dành cho các công việc của Ngài (mà nhiều khi đó chỉ là công việc của tôi)? Khi từ khước một nhiệm vụ hoặc mong ước một nhiệm vụ khác, tôi có thực sự là vô vị lợi hay không?
Tác giả Thư gửi Tín Hữu Do Thái khuyên rằng: "Anh chị em cần sự cương quyết" (Dt 10,36). Cương quyết để thực sự tự do. Ai tự do thì không sợ gì cả. Ðó là trường hợp của Môisen: "Môisen khi lớn lên, không muốn được coi là con trai của công chúa vua Ai Cập. Ông muốn được đối xử giống như dân Chúa, hơn là sống thoải mái trong một thời gian ngắn, nhưng trong tội lỗi" (Dt 11,24-25).
Mãnh lực thu hút của chứng tá
Trong một cuộc thuyết trình tại đại học Salford ở Anh quốc, mới đây một chủng sinh đã hỏi tôi: "Thưa cha, con nói nhân danh các chủng sinh. Xin cha để lại cho chúng con một lời khuyên". Tôi đáp: "Các thầy đặt cho tôi câu hỏi này thật bất ngờ, nhưng tôi không muốn để các thầy phải thất vọng. Trong cuộc sống khá dài và sóng gió của tôi, tôi đã trải qua kinh nghiệm này. Nếu tôi trung thành bước theo Chúa Kitô, từng bước một, thì chính Chúa Giêsu sẽ dẫn tôi đến mục đích. Các thầy sẽ bước đi trên những con đường không lường trước được, nhiều khi quanh co, tăm tối, thê thảm, nhưng các thầy hãy tin tưởng. Các thầy ở cùng Chúa Giêsu! Hãy phó thác cho Ngài mọi ưu tư lo lắng của các thầy. Ðừng quan tâm lo lắng thu hút dân chúng. Hãy chắc chắn rằng: nếu các thầy theo Chúa Giêsu, thì dân chúng cũng sẽ theo các thầy!"
Trong Công Vụ Tử Ðạo chúng ta đọc thấy trình thuật này:
Khi thánh Ciprianô bị bắt, quan tổng trấn tra hỏi Ngài trước đám đông:
- Người có phải là Thascius Cyprianus không?
- Thưa chính tôi đây.
- Các Thánh hoàng đế đã truyền cho ngươi phải tế thần.
- Tôi không làm.
- Ngươi hãy nghĩ lại đi!
- Ðối với một điều rõ rệt như thế thì không cần phải suy nghĩ gì nữa.
- Thascius Cyprianus phải bị hành quyết bằng gươm.
- Tạ ơn Chúa.
Sự chọn lựa này của Thánh Ciprianô giống như một sức thu hút mãnh liệt khiến cho các tín hữu đồng loạt theo Ngài đến nơi tử đạo (Cf Acta Prosunsularia S. Cypriani 3-4: PL 3, 1561-1563).
Và tôi nghĩ tới việc hành hương Năm Thánh.
Chúng ta tiến bước mỗi ngày, mặc dù gặp những thử thách, rủi ro, bởi chúng ta chỉ có một mục đích duy nhất, một niềm Hy Vọng duy nhất.
Chỉ có một sự cần thiết duy nhất: chọn Thiên Chúa.
Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận