Chứng Nhân Hy Vọng

(Các Bài Giảng Tĩnh Tâm

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo Triều Rôma)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 02 -

Bài Suy Niệm thứ hai

Simon, Con Bảo Thầy Là Ai?

Chúa Giêsu Cứu Thế, niềm Hy Vọng độc nhất

 

Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, "Dinh Ðộc Lập", vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.

Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.

Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm, trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời..."

Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là "Ðức Cha, Cha...". Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu.

Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi.

Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy câu Chúa Giêsu hỏi Simon: Simon, con bảo Thầy là ai? (cf Mt 16,15).

Các bạn đồng tù với tôi, những người không Công giáo, muốn hỏi "lý do tại sao tôi Hy Vọng". Với tình bằng hữu và thiện ý, họ hỏi tôi: "Tại sao ông đã bỏ mọi sự: gia đình, quyền thế, giàu sang, để theo Chúa Giêsu? Chắc là phải có một cái gì rất đặc biệt!" Những người cai tù cũng ngạc nhiên hỏi tôi: "Có Thiên Chúa thực hay không? Có Chúa Giêsu không? Hay đó chỉ là những điều mê tín mà thôi? Những điều do giai cấp thống trị bịa ra?"

Vì thế cần phải đưa ra những giải thích dễ hiểu, không phải bằng những từ ngữ kinh viện, nhưng với những lời lẽ đơn sơ của Tin Mừng.

 

Những khuyết điểm của Chúa Giêsu

Một hôm, tôi quyết định đưa ra những giải thích đặc biệt. Và điều tôi nói đây đúng ra là phản ảnh mục vụ nhà tù. Tôi xin anh em đại xá cho nếu tôi có phạm tội rối đạo nào trước mặt Giáo Triều: "Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, vì tôi yêu thích những khuyết điểm của Ngài".

 

Khuyết điểm thứ nhất: Chúa Giêsu không có trí nhớ tốt (cf Lc 23,42-43)

Trên Thập Giá, trong lúc hấp hối, Chúa Giêsu nghe tên trộm bên phải nói: "Thưa ông Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào nước của ông" (Lc 23,42). Giả sử đó là tôi, thì có lẽ tôi đã trả lời: "Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền bù các tội ác của mình ít là khoảng 20 năm trong luyện ngục". Trái lại, Chúa Giêsu trả lời anh ta: "Ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Thiên đàng" (Lc 23,43). Ngài đã quên tất cả tội lỗi của người ấy.

Ðiều tương tự cũng xảy ra với người đàn bà tội lỗi đã xức thuốc thơm cho chân Chúa. Chúa Giêsu chẳng hỏi gì về quá khứ xấu xa của bà nhưng chỉ nói: "... tội của con tuy nhiều, nhưng đều được tha hết vì con đã yêu mến nhiều" (lc 7,47).

Dụ ngôn người con trai hoang đàng kể lại cho chúng ta: trên đường trở về nhà cha, anh ta đã chuẩn bị sẵn trong lòng điều sẽ nói: "Thưa cha, con đã phạm tội đối với Trời và với cha; con không còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin hãy đối xử với con như những đầy tớ của cha" (Lc 15,8-9). Nhưng khi người cha thấy người con ấy từ đàng xa, liền quên hết mọi sự và chạy ra đón con, ôm hôn con và không để anh ta rụt rè nói lên bài diễn văn đã dọn sẵn. Người cha gọi những đầy tớ đang kinh ngạc và nói: "Hãy mang quần áo đẹp nhất ra đây và mặc cho anh, hãy xỏ nhẫn vào tay và xỏ giầy cho anh. Hãy mang bê béo để làm thịt, và chúng ta hãy mở tiệc, vì con ta đã chết nay được sống lại..." (Lc 15,22-24).

Chúa Giêsu không có một trí nhớ như trí nhớ của tôi. Không những Ngài tha thứ và tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn quên là Ngài đã tha thứ.

 

Khuyết điểm thứ hai: Chúa Giêsu không biết toán học

Giả sử Chúa Giêsu đi thi toán, chắc Ngài sẽ bị đánh rớt. Dụ ngôn người Mục Tử Nhân Lành chứng tỏ điều đó. Một người mục tử có 100 con chiên. Một con chiên bị lạc, và không chần chờ gì, ông ta đi tìm con chiên ấy, bỏ 99 con chiên khác nơi hoang địa. Khi tìm được chiên lạc, ông vác chiên lên vai (cf Lc 15,4-7).

Ðối với Chúa Giêsu, 1 có giá trị bằng 99... và có lẽ còn hơn thế nữa! Có ai chấp nhận được điều đó không? Nhưng lòng thương xót của Ngài trải rộng từ đời này sang đời khác...

Khi phải cứu một con chiên lạc, Chúa Giêsu không nản chí vì bất kỳ rủi ro, mệt nhọc hoặc hiểm nguy nào... Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ nhân từ thương xót của Chúa khi Ngài ngồi bên bờ giếng Gia-cóp để tìm người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a, hoặc khi Ngài muốn dừng lại tại nhà ông Gia-kêu! Thật là đơn sơ... thật là thương yêu dường nào đối với kẻ tội lỗi!

 

Khuyết điểm thứ ba: Chúa Giêsu không biết luận lý học

Một người đàn bà có 10 đồng bạc. Bà bị mất một đồng, liền đốt đèn lên để tìm kiếm. Khi tìm thấy, bà gọi những bà láng giềng đến và nói với họ: "Các bà hãy vui mừng với tôi, vì tôi tìm được đồng bạc bị mất" (cf Lc 15,8-10).

Thật không hợp lý tí nào khi làm phiền các bà bạn chỉ vì một đồng bạc như vậy! Cũng chẳng hợp lý chút nào cả khi mở tiệc giữa đêm khuya để ăn mừng vì tìm lại được đồng bạc đánh mất. Và cuối cùng lại càng không hợp lý khi mời bạn bè đến ăn tiệc, tốn phí còn nhiều hơn đồng bạc tìm thấy. Cho dù có tiêu cả 10 đồng cũng không đủ cho phí tổn...

Ở đây, chúng ta có thể nói như Pascal: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết được" (B. Pascal, Pensées n.477, in: Oeuvres complètes [ed. J. Chevalier], Paris 1954).

Khi kết luận dụ ngôn, Chúa Giêsu đã tỏ lộ lý luận lạ lùng của tâm hồn Ngài: "Thực, Thầy bảo các con, các thiên thần của Chúa vui mừng chỉ vì một tội nhân hoán cải" (Lc 15,10).

 

Khuyết điểm thứ tư: Chúa Giêsu là một người phiêu lưu

Ai quảng cáo cho một công ty hoặc ra ứng cử thường chuẩn bị một chương trình rất chính xác, với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng đối với Chúa Giêsu lại không như vậy. Lối tuyên truyền của Ngài, dưới mắt người đời, thế nào cũng bị thất bại. Thực vậy, Ngài hứa cho những kẻ theo Ngài nhiều lần bị xét xử và bị bách hại.

Với các Tông Ðồ đi theo, Ngài không bảo đảm cho họ nơi ăn chốn ở, nhưng chỉ cho họ chia sẻ cùng một cách sống của Ngài.

Một người ký lục muốn gia nhập đoàn môn đệ, Chúa Giêsu trả lời: "Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" (Mt 8,20).

Ðoạn Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, một "bức chân dung tự họa" của Chúa Giêsu như một người phiêu lưu vì tình yêu đối với Chúa Cha và anh em. Từ đầu chí cuối của các Mối Phúc Thật này đều nghịch lý, cho dù chúng ta đã nghe quen: "Phúc cho người có tinh thần thanh bần.... phúc cho người sầu khổ..., phúc cho người bị bách hại vì sự công chính..., phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bách hại, và nói mọi điều xấu chống lại các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời" (Mt 5,3-12).

Nhưng các môn đệ đã tín thác nơi người phiêu lưu ấy. Từ 2,000 năm nay, và cho đến tận thế, chúng ta vẫn thấy không thiếu hàng ngũ những người phiêu lưu đã và sẽ tiếp tục theo Chúa Giêsu. Chỉ cần xem các Thánh qua mọi thời đại. Rất nhiều người trong số họ thuộc hiệp hội những người phiêu lưu ấy. Không có địa chỉ, chẳng có điện thoại hay điện thư...!

 

Khuyết điểm thứ năm: Chúa Giêsu không biết tài chánh và kinh tế

Chúng ta hãy nhớ lời dụ ngôn những người thợ làm vườn nho: "Nước Trời giống như một chủ nhà từ sáng sớm ra ngoài mướn người làm vườn nho cho ông. Rồi vào lúc 9 giờ, giữa trưa, 3 giờ chiều, và cả lúc 5 giờ ông tiếp tục mướn người về làm...". Chiều đến, ông bắt đầu trả lương cho những người đến làm trễ nhất, rồi lần lượt tới những người làm từ sáng sớm, tất cả mỗi người đều được ông trả một đồng (cf Mt 20,1-16).

Giả sử Chúa Giêsu được đặt làm quản lý cộng đoàn hoặc giám đốc một xí nghiệp, tổ chức ấy chắc sớm bị phá sản. Làm sao lại trả cùng một đồng lương cho những người làm từ sáng sớm cũng như những người chỉ bắt đầu làm từ ban chiều! Phải chăng Chúa Giêsu đã sai lầm? Ðã tính sai kết toán? Thật ra, không phải thế! Ngài cố tình làm như vậy, như Ngài giải thích: "Tôi không có quyền xử dụng của cải của tôi theo ý tôi sao? Hay là bạn ghen tương vì tôi tốt lành".

 

Chúng tôi đã tin vào tình yêu Thiên Chúa

Nhưng chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu có những khuyết điểm như thế?

Vì Ngài là Tình Yêu (Cf 1Ga 4,16). Tình yêu đích thực không lý luận, không đo lường, không dựng lên những hàng rào, không tính toán, không nhớ đến những xúc phạm và không đặt điều kiện. Nói theo kiểu thời nay: tình yêu không cân, đo, đong, đếm.

Chúa Giêsu luôn hành động vì yêu thương. Từ tổ ấm của Chúa Ba Ngôi, Ngài mang cho chúng ta một tình yêu lớn lao, vô biên và thần linh. Và như các Thánh Giáo Phụ diễn đạt, đó là một tình yêu điên rồ, làm đảo lộn những mẫu mực tính toán của con người.

Khi suy tư về dụ ngôn này, tâm hồn tôi đầy tràn hạnh phúc và an bình. Tôi Hy Vọng rằng vào cuối đời, Chúa cũng sẽ đón nhận tôi như người bé nhất trong số những người làm việc trong vườn nho của Ngài. Và tôi sẽ ca tụng lòng nhân từ của Chúa đến muôn đời, sẽ kinh ngạc vì những điều lạ lùng Chúa dành cho những người Ngài tuyển chọn. Tôi sẽ vui mừng được thấy Chúa Giêsu với những "khuyết điểm" của Ngài, những khuyết điểm - tạ ơn Chúa - không thể sửa chữa nổi, những khuyết điểm bất trị.

Các Thánh là những người chuyên môn về tình yêu vô biên ấy. Trong đời, tôi thường cầu xin Nữ Tu Faustina Kowalska giúp tôi hiểu lòng nhân từ của Chúa. Và khi viếng thăm Paray-le-Monial, tôi cảm động vì những lời Chúa Giêsu nói với Thánh nữ Margarita Maria Alacoque: "Nếu con tin, con sẽ thấy quyền năng của Trái Tim Cha".

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu ấy.

 

Ngài đã sáng tạo vạn vật cách kỳ diệu

Thiên Chúa đã sáng tạo người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài. Ngài tạo nên họ chỉ kém thiên thần một chút (Tv 8,6; Dt 2,27). Ngài đã ban ơn bất tử, chân lý, công lý... Công Ðồng Vatican II dạy: "Lý lẽ cao cả nhất của con người hệ tại điều này là con người được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ thuở mới sinh, con người được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa. Thật vậy, con người chỉ hiện hữu vì được sáng tạo do tình yêu của Thiên Chúa, và luôn được Ngài bảo tồn vì tình yêu thương. Con người sẽ không sống trọn vẹn theo sự thật nếu không tự nhìn nhận điều đó và không biết tín thác nơi Ðấng Tạo Thành của mình" (GS 19).

Nhưng trong tự do, con người có thể từ chối "sự cao cả" do Thiên Chúa ban cho. Con người có thể toan tính hành động theo ý định riêng của mình khác với tương lai Chúa hứa. Thật vậy, con người cố tìm cách bảo đảm cho mình một tương lai riêng như Kinh Thánh đã nói về các dân ngoại: họ tìm kiếm giàu sang, trông cậy nơi loài người, liên minh với những quyền lực ngoại bang, thủ đắc những của thánh (Hs 2,10; Ed 16,15ss). Và thế là họ rơi vào tình trạng lầm than. Họ không còn Hy Vọng nơi Thiên Chúa nữa, nhưng theo đuổi những Hy Vọng giả trá.

 

Lại còn chỉnh đốn mọi sự cách nhiệm lạ hơn

Qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa không ngừng mời gọi con người tới niềm Hy Vọng đích thực là Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế duy nhất. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được ánh sáng chân lý tha thứ tội lỗi, được tự do tái tạo trước quyền lực sự dữ. Trong Ngài, chúng ta còn được một khả năng mới để yêu thương, được tham gia vào bản tính Thiên Chúa, được chiến thắng trên sự chết nhờ sự phục sinh của thân xác, và được sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu đến gặp gỡ thân phận lầm than của con người. và khi cứu thoát chúng ta, Chúa Giêsu đã biến Tin Mừng và ơn thánh của Ngài thành nguyên lý đổi mới thế giới và nhất là canh tân con người trong mọi lãnh vực của cuộc sống: công và tư, văn hóa và xã hội, chính trị và kinh tế. Thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô.

Ngây ngất trước Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là tất cả mọi sự của tôi (Deus meus et omnia), tôi cùng với Chúa Giêsu trở thành nguồn Hy Vọng trong vườn thế giới, như thi hào Charles Péguy người Pháp đã nói:

"Ta tự hỏi: nhưng làm sao nguồn suối Hy Vọng ấy có thể mãi trẻ trung, tươi mát, sinh động... Thiên Chúa phán: hỡi dân tốt lành, điều ấy không khó lắm đâu... Nếu Nguồn Hy Vọng ấy muốn dùng nước trong để làm nên những nguồn mạch tinh khiết, thì sẽ chẳng bao giờ tìm cho đủ nước trong toàn thề các tạo vật của ta. Nhưng từ những dòng nước đục ngầu mà Nguồn Hy Vọng ấy dùng để biến thành những nguồn nước trong. Và chính vì thế mà chẳng bao giờ thiếu nước, nhưng cũng vì vậy mà nguồn ấy là Hy Vọng... và đó chính là bí quyết đẹp nhất trong vườn thế gới". (Cf Le porche du mystère de la deuxième vertu, cit., pp.186-189).

Kính chào Mẹ từ nhân

Mẹ Thiên Chúa và Mẹ tha thứ,

Mẹ Hy Vọng và Mẹ ơn phúc

Mẹ đầy hoan lạc thánh thiện.

Lạy Mẹ Maria!

 

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page