Ðóa Hoa Tử Tế

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 029 -

Ðôi Chân Truyền Giáo

 

 

Ðôi Chân Truyền Giáo

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền


Hình ảnh những đôi chân trần của quý dì khi đi vào thăm các làng dân tộc. Ðường xá sình lầy, trơn trượt nên phải đi chân trần mới bám vào đất tốt nhất.


Hình ảnh ông Thích Minh Tuệ đi chân trần khất thực được nhiều người ca tụng. Có lẽ bởi vì ông sống ở thời đại tiện nghi hôm nay. Ðối với người Việt Nam, ngược dòng về 40 hay 50 năm về trước chúng ta cũng từng mang chân trần đi rẫy, đi làm ruộng, có khi còn dùng bàn chân để thắng xe đạp, xe thồ. . . May ra có đôi dép lào là đẹp nhất để đi lễ, đi tiệc mà thôi. Nhưng với mảnh đất của rừng phòng hộ Nam Cát Tiên này thì cách đây hơn 20 năm về trước ta vẫn thấy người đi lễ đi chân trần, xách đôi dẹp đến nhà thờ rồi kiếm chỗ rửa chân vào nhà thờ. Ði chân đất cũng là điều rất bình thường của người dân vùng đất kèm vôi trắng trơn trượt này.

Hôm nay kỷ niệm 25 năm bước chân truyền giáo của quý dì hội dòng Ða minh Tam Hiệp nơi mảnh đất Xuân Lâm - Nam Cát Tiên - Núi Tượng với tu xá Anre Kim Thông. Con vẫn nhớ hình ảnh những đôi chân trần của quý dì khi đi vào thăm các làng dân tộc. Ðường xá sình lầy, trơn trượt nên phải đi chân trần mới bám vào đất tốt nhất. Thế mà cũng có lần đi cùng với các em học sinh lớp 12 trường Thanh Bình đi từ thiện mà khi trở về ai cũng lấm lem vì lội bùn, vì trượt té . .. 

Rồi có những khi lễ về lại gặp mưa lũ nên con suối trước nhà thờ dâng cao cũng phải ngồi chờ nước tạm rút rồi cũng bì bõm xách dép, lội nước về cộng đoàn. Hồi đó mỗi lần con đi làm lễ ở giáo điểm Núi Tượng cách Xuân Lâm 18km thì luôn có 2 dì cùng đi theo để vô đó tập hát , dạy giáo lý trước lễ.

Con hay đố với cái dì là thử tài xem ai là người chạy honda đường sình lầy tới Núi Tượng mà không bẩn chân, không bẩn ống quần thì có thưởng. Thế nhưng, ai rồi tới đó cũng phải ghé nhà dân rửa chân, rửa ống quần rồi mới tới điểm dâng lễ. Dầu vào hoàn cảnh khó khăn lúc ấy ta lại thấy tinh thần hy sinh của những người dâng hiến. Ðồ ăn thức uống cũng tạm bợ vì chợ không có, chỉ có xe bán hàng rong ít bó rau, ít thịt , ít đậu thế mà ai cũng vui tươi lạc quan. Ðường thì mưa sình, nắng bụi thế mà ngày đó quý dì vẫn duy trì cứ thứ tư hàng tuần mọi người chia nhau đi thăm nhà dân bất kể luơng giáo.

Nhớ có lần cùng các dì đi thăm một gia đình người dân tộc K'ho bị cháy nhà. Con hỏi nhà sao cháy? Chủ nhà bảo: "con đốt con ong mà nó cháy cái nhà". Hoá ra vì nhà lợp tranh, vách tranh và khi thấy con ong vo ve trong nhà nên anh ta hơ lửa đốt ong dẫn đến cháy nhà. Thế là con cùng các dì vận động để xây cho họ một căn nhà mới. Ngày đó các dì phụ trách khu dân tộc Châu Mạ, K'ho nên đồng bào rất yêu mến quý dì. Mà phải yêu mến thôi vì các dì vẫn chân trần, vẫn chịu gió bụi để đến với họ để chia sẻ và mang tin mừng cho họ nên ai cũng vui và hạnh phúc khi các dì viếng thăm.

Ðây chính là tinh thần của Tin Mừng. Vì Chúa Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng tin mừng là đến với muôn dân để qua người môn đệ Chúa đến viếng thăm dân Người. Ngài viếng thăm để ban ơn cứu độ cho nhân loại mà thánh Luca đã ví von rằng: "Vầng Ðông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta" (Lc 1,78). Ngài viếng thăm để có thể an ủi, chia sẻ với những mảnh đời khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống , qua đó Ngài cũng dạy rằng khi chúng ta làm những việc này, là chúng ta làm cho chính Người: "Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến thăm hỏi" (Mt 25,36). 

Chúc mừng quý dì đã trải qua 25 năm dong đuổi gió bụi rừng ven Nam Cát Tiên. Chúc mừng quý dì đã hoạ lại chân dung của Thầy Chí Thánh Giê-su luôn gần gũi với dân Người để có thể hiểu, để cảm thông nâng đỡ những anh em nghèo khó, nhất là anh em dân tộc Châu mạ, K'Ho.

Tạ ơn Chúa cùng với quý Dì trong suốt 25 năm Chúa luôn gìn giữ quý dì bình an, khoẻ mạnh. Tạ ơn Chúa đã thương dùng quý dì như khí cụ tình thương của Chúa để ở với những anh chị em khó nghèo nơi vùng đất cằn cõi, thiếu thốn này.

Và sau 25 năm ta thấy vùng đất này đã đổi thay. Ngày đất rừng hoang vu nhưng hôm nay đã trở thành thủ phủ của Sầu Riêng bạt ngàn. Dọc con đường từ ngoài lộ vô đây ta thấy nhộn nhịp hàng trăm xe ra vào chở những trái sầu riêng thơm phức khắp xóm làng. Người dân đã đổi thay, cuộc sống đã khá hơn, và nỗi ưu tư trăn trở giúp người nghèo của quý dì cũng bớt đi gánh nặng.

Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa qua thánh lễ này về tất cả những điều Người đã làm cho ta, và cho người dân nơi đây và cho sứ vụ truyền giáo của quý dì trong suốt 25 năm qua. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page