Theo thuyết luân hồi của Phật Giáo, không có vấn đề thưởng phạt sau khi chết, mà chỉ có quả báo. Thực ra, thưởng phạt hay quả báo chỉ là hai cách diễn tả khác nhau về cùng một thực tế, xuất phát từ hai quan điểm khác nhau về nguồn gốc vũ trụ vạn vật. Thưởng phạt hay quả báo đều diễn tả cùng một thực tế là: làm ác thì gặp ác, làm lành thì gặp lành. Nhưng theo quan niệm thưởng phạt thì có một Thượng Ðế (có ngôi vị) cầm cân nẩy mực xét đoán thế gian theo luật công bằng của mình và cũng có thể theo cảm tình của mình nữa, phần nào tương tự như một vị chánh án ở tòa án trần gian. Còn theo quan niệm quả báo, không có vị nào thưởng phạt cả, mà chỉ có luật quả báo hay nhân quả tác dụng một cách hết sức máy móc vào mọi người cũng như mọi vật, do đó hết sức khách quan, vô tư: Hễ gây nhân ác thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp quả ác tương xứng, gây nhân thiện thì cũng sẽ gặp được quả thiện hoàn toàn tương xứng. Vì chỉ có luật thiên nhiên tác động một cách máy móc, nên không thể có tình cảm xen vào. Người Phật Tử cho rằng một vị Thượng Ðế hữu ngã (có ngôi vị), thì dù có công bằng đến đâu, cũng không thể công bằng bằng luật tự nhiên tác động một cách máy móc và hết sức chi ly. Có ngã vị thì dù Ngài có chủ trương không tây vị ai, Ngài cũng không thoát khỏi chuyện thương người này, không thương người kia, vì trong chúng sinh luôn luôn có những kẻ tin, yêu mến Ngài, và những kẻ không tin, không mến yêu Ngài. Những kẻ không tin yêu Ngài vẫn có thể yêu mến chân, thiện, mỹ và sẵn sàng làm điều thiện như ta vẫn thấy nơi nhiều người vô thần hoặc vô tôn giáo. Có những người năng cầu xin Ngài đủ điều, và có những người chẳng bao giờ cầu khẩn Ngài. Như vậy thì Ngài không vô tư như những định luật tác động cách máy móc được.
Trong thánh kinh có rất nhiều câu nói lên tình cảm của Ngài đối với người này người kia như: "Thiên Chúa phán với Môsê: Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương" (Rm 9,15 hay Xh 33,19), hoặc "Ta yêu Giacóp chứ không yêu Êsau" (Rm 9,13 hay Malaki 1,2-3). Chính vì vậy mà "vua Ðavid ca tụng hạnh phúc của kẻ được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!" (Rm 4,6-7). Và theo sự tin tưởng của người Kitô hữu thì Chúa có thể giảm bớt hình phạt luyện ngục cho một linh hồn nào đó nhờ lời cầu nguyện của một người còn sống (x. DS 1820/693, 856/464, 1753/950, 1743/940).
Như vậy, xét về mặt vô tư và khách quan trong việc đối ứng với kẻ thiện người ác cho công bằng, thì một Thượng Ðế hữu ngã không thể nào vô tư và khách quan như một định luật vô ngã tác động một cách tự động, chặt chẽ, chính xác, chi ly, nhưng chắc chắn là nghiệt ngã, không thương xót, không tình thương. Riêng Thượng Ðế của Kitô Giáo, hay Thiên Chúa, sự công bằng của Ngài chắc chắn không phải là thứ công bằng theo quan niệm loài người, mà là thứ công bằng đầy tình thương, vì Ngài là Tình Thương. Ngài là một Thượng Ðề đầy cảm thông vì chính Ngài đã trở thành con người trong Ðức Giêsu Nazarét: Ngài rất thông cảm với những yếu đuối của con người, với những tình huống khó khăn cũng như những điều kiện khe khắt của con người. Do đó, được Ngài xét xử bằng tình thương bao giờ cũng có lợi cho con người hơn là bị xét xử một cách tuyệt đối công bằng, công bằng một cách nghiệt ngã. Nếu con người có tình thương thực sự, họ sẽ không bao giờ đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối như thế vì họ muốn dành tình thương cho những kẻ kém cỏi, ít tiến hóa, kém trưởng thành hơn mình. Họ sẽ mong cho người thợ làm vườn nho đến sau mình, tuy làm ít giờ hơn mình, nhưng vẫn được một đồng bạc như mình, vì nhu cầu của người đó cũng cần một số tiền y như mình (x. Mt 20,1-16: dụ ngôn chủ vườn nho và những người thợ giờ thứ 11). Sự công bằng của tình thương bao giờ cũng cao hơn sự công bằng không tình thương. Thế giới đã chẳng đánh giá sự công bằng kiểu "làm theo khả năng hưởng thụ theo nhu cầu" là cao hơn sự công bằng kiểu "ai làm nấy ăn" tức hưởng thụ theo công việc sao? Ðức Kitô chủ trương sự công bằng trong yêu thương chứ không chủ trương sự công bằng nghiệt ngã, xét xử như một cái máy, tuy rất vô tư khách quan, nhưng không có một chút tình thương nào trong đó. Và Ngài luôn luôn đả kích những kẻ đạo đức thích Thiên Chúa xét xử theo kiểu công bằng nghiệt ngã như thế!
Theo luật quả báo của Phật Giáo, ai làm ác thì đã tạo ra một cái nhân ác. Nhân ác khi gặp nhân duyên thuận lợi đối với nó sẽ sinh ra quả ác, là đau khổ. Còn ai làm điều thiện thì tạo ra nhân thiện. Nhân thiện sẽ sinh ra quả thiện tức hạnh phúc. Nhân càng to thì quả càng lớn một cách rất tương xứng. Do đó, có sự công bằng hoàn toàn. Và quả dù có to lớn đến đâu thì cũng đều có giới hạn của nó. Chúng sinh dù có thông minh sáng suốt đến đâu, dù có quyền lực hay khả năng tới đâu cũng đều là những sinh vật hữu hạn, không thể tạo ra những nhân thiện hay ác vô hạn được, do đó không thể sinh ra những qủa thiện hay ác vô cùng được. Như vậy, những cảnh khổ hay sướng do những hành động ác hay thiện của con người luôn luôn có giới hạn, nghĩa là dù khổ hay sướng thì cũng chỉ chịu hoặc hưởng một thời gian nào đó thôi. Tất cả những cảnh giới đau khổ hay sung sướng, thiên đàng hay địa ngục của Phật Giáo đều là những trạng thái biến đổi, vô thường như mọi trạng thái hiện tượng khác. Do đó, không có một thiên đàng vĩnh cửu hay hỏa ngục đời đời nào cả. Một tội nặng nhất trần gian đi nữa thì cũng là một tội hữu hạn, thuộc bình diện hiện tượng vô thường, nếu có phạt thì hình phạt tương xứng cũng chỉ là hữu hạn, cũng thuộc bình diện hiện tượng vô thường thôi. Tội hữu hạn mà lại phạt bằng một hình phạt vô hạn thì làm sao gọi là công bằng được. Hình phạt phải tương xứng với tội ác mới công bằng. Vả lại, bản chất con người đâu phải cứ xấu mãi. Kẻ xấu nhất cũng phải có lúc tốt. Phạt vĩnh viễn là giả thiết rằng hễ đã xấu là xấu mãi, không sửa đổi được. Hơn nữa, hình phạt chỉ gọi là hình phạt khi nó có mục đích giáo dục, nghĩa là làm cho đối tượng trở nên tốt hơn. Nếu không có mục đích đó, thì không còn là hình phạt nữa, mà là báo thù. Phạt bằng một hình phạt vĩnh viễn thì rõ ràng là không có mục đích giáo dục, vì không còn cho họ có cơ hội hối cải để trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Do đó, hình phạt đời đời vừa là bất công, vừa mang tính trả thù độc ác mà người Phật Tử không thể chấp nhận được.
Còn thuyết luân hồi, mọi việc làm dù tốt hay xấu đều phát sinh những quả tương xứng, và quả đó có thể xảy ra trong kiếp hiện tại hay kiếp tương lai. Không có một tội ác nào mà không phải đền, cũng không có một việc lành nào mà không được bù đắp. Một người phạm một tội ác tày trời ngay trước khi chết và không kịp ăn năn, người đó sẽ phải đền tội ấy trong kiếp sau một cách rất tương xứng. Nếu trong thời gian đền tội ấy người đó có những việc làm tốt đẹp, thì số phận y sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, bất kỳ ở tình trạng nào, dù sướng hay khổ, thậm chí khổ cùng cực đi nữa, thì mọi chúng sinh đều có cơ may để làm cho tương lai của mình nên tốt đẹp hơn bằng những tư tưởng, lời nói hay hành động tốt đẹp. Không bao giờ có tình trạng tuyệt vọng như những người bị hình phạt đời đời cả.
Chúng sinh cứ trôi lăn trong vòng luân hồi đầy khổ đau như thế nên dần dần có kinh nghiệm và khôn ngoan hơn trong việc thoát khỏi khổ đau. Khi biết được tội ác là nhân phát sinh khổ đau, việc thiện là nhân của hạnh phúc, họ sẽ sống tốt đẹp hơn, trở nên những người tốt, cố đạt tới sự trọn lành. Nhưng tới một kiếp nào đó họ cũng nhận ra rằng việc tốt đến đâu cũng vẫn giữ họ ở mãi trong vòng luân hồi luẩn quẩn. Còn trong vòng luân hồi thì vẫn có nguy cơ làm ác và đau khổ, nên họ sẽ cố tìm ra con đường giải thoát, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Và đương nhiên lâu ngày chầy tháng họ cũng phải tìm ra. Giống như những con chuột thí nghiệm được đặt trong những mê cung hết sức phức tạp. Sau một thời gian rất lâu chạy hết lối này sang lối khác đều bế tắc, cuối cùng chúng cũng tìm được lối ra khỏi mê cung. Mọi chúng sinh rốt cuộc cũng sẽ được giải thoát thành Phật sau vô số kiếp ngụp lặn trong vòng luân hồi đau khổ. Chỉ có vấn đề sớm hay muộn thôi. Ðó là ý nghĩa của lời Phật Tổ nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Do đó, cái nhìn cuối cùng của Phật Giáo về số phận của mọi chúng sinh hết sức lạc quan, lạc quan mang tính tất yếu, và lạc quan hơn những tôn giáo chủ trương có hỏa ngục vĩnh cửu, vì dĩ nhiên sẽ có rất nhiều linh hồn bị kẹt trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng ấy: lỡ dại dột mà vào đó thì không bao giờ thoát ra được. Còn theo Phật Giáo, dù là kẻ có tội lỗi nhất trần gian thì cuối cùng rồi cũng sẽ thành Phật, hoàn toàn tinh khiết, đầy trí tuệ và an lạc.