Việc độ vong
trong Kitô giáo và Phật giáo
Nguyễn Chính Kết, Việt Nam
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Người Công giáo coi tháng 11 dương lịch hàng năm là tháng cầu nguyện cho những người quá cố, còn gọi là tháng các Linh Hồn, mà cao điểm là ngày 2-11, là ngày Lễ Cầu Hồn. Nhưng người Phật tử và người theo "Ðạo tổ tiên" lại coi tháng 7 âm lịch hàng năm mới là tháng để tưởng nhớ, cúng kiếng và chú nguyện cho những người đã khuất, mà cao điểm là lễ Vu Lan, ngày Rằm tháng 7, hay cũng gọi là ngày Xá Tội Vong nhân.
Phật tử cũng như Kitô hữu đều tin rằng sau khi chết còn có một đời sống khác, và những người còn sống ở trần gian có thể giúp đỡ người đã chết - hiện đang sống trong một đời sống khác - thoát khỏi canh khổ của họ, hay giảm bớt đau khổ cho họ. Tuy nhiên quan niệm về số phận của các vong nhân và về việc Ðộ Vong của hai tôn giáo này (độ vong: cứu những linh hồn đã quá cố đang đau khổ vì hình phạt) có nhiều điểm khác biệt.
Trong chiều hướng Hội Nhập Văn Hoá và tìm hiểu các Tôn giáo, chúng ta thử so sánh hai quan niệm ấy, đồng thời rút ra những điểm đồng dị.
I. Quan niệm của Kitô giáo: Số Phận Ðời Sau
Người Kitô hữu tin rằng con người chỉ có hai đời sống: đời này và đời sau.
Ðời này ngắn ngủi, hữu hạn, còn đời sau vĩnh cửu, vô hạn. Nhưng số phận của đời sau - hạnh phúc hay đau khổ - lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách sống của con người trong cuộc đời ngắn ngủi này, nhất là vào tình trạng tâm hồn trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Người nào khi chết vẫn có ân nghĩa với Thiên Chúa sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Ngài. Người nào chết trong tình trạng thù nghịch với Ngài, tức mắc tội trọng, thì bị phạt đời đời xa cách Ngài là nguồn hạnh phúc của mình.
Sự Thanh Luyện
Tuy nhiên, để xứng đáng thấy Thiên Chúa, xứng đáng kết hiệp với Ngài, Ðấng tuyệt đối hoàn hảo, và để hưởng hạnh phúc đời đời, con người cũng phải trở nên hoàn hảo, trong trắng như Chúa Giêsu đã nói: "Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên Trời là Ðấng hoàn hảo" (Mt 5,48). "Nếu sự công chính của các con không vượt hơn những người Pharisiêu, các con không được vào Nước Trời" (Mt 5,20). "Phúc cho những tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Hạnh phúc vĩnh cửu đòi hỏi gắt gao như thế thì dù những người thánh thiện nhất cũng không đạt được vì nhâän vô thập toàn". Do đó, để xứng đáng vào Nước Trời, để đạt được tình trạng hoàn hảo trên, con người cần phải được thanh luyện một thời gian trước khi vào.
Sự thanh luyện đó đã được Giáo Hội định tín trong công đồng chung thứ 14, năm 1274 tại Lyon: "Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là thanh luyện" (Ds 856/464). Tín điều đó đã được lặp lại trong nhiều công đồng sau đó (xem DS 1580/840; 1620/983; 1867/998...).
Mục đích của việc thanh luyện làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Ðàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế, thật là hợp lý, vì đó là một "nơi" (Tạm gọi như thế. Thật ra, Thiên Ðàng, Luyện ngục hay Hỏa ngục không phải là những nơi hiểu theo nghĩa không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý. Chẳng hạn Thiên Ðàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện, còn Hỏa ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ...), hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là "nơi" chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời. Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi hỏi điều đó.
Thật vậy, thử hỏi: khi trở về nơi lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với thân nhân, bạn bè với những tính nết xấu như họ đang có bây giờ không? Nếu họ còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì họ có thể hoàn toàn hạnh phúc và làm cho ta và những người chung quanh họ cũng hoàn toàn hạnh phúc cho đến đời đời, không hề gây ra một chút đau khổ náo không? Bản thân ta cũng vậy, ta sẽ còn đau khổ và còn làm người khác đau khổ nếu ta còn một chút xấu xa, ích kỷ, độc ác... chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Ðàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền - không vương chút đau khổ - của Thiên Ðàng rồi, và biến Thiên Ðàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Ðàng nữa. Do đó, Thiên Ðàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa, thì phải thanh luyện cho hết.
Sự thanh luyện đó được gọi là Luyện Ngục.
Chữ Ngục khiến người ta liên tưởng tới một nơi chốn, một cảnh tù đầy. Thực ra không nên hiểu cụ thể như thế. Nên hiểu đó là một tgình trạng của tâm hồn được thanh luyện, được thánh hoá bằng những đau khổ nội tại cũng như ngoại tại.
- Ðau khổ nội tại là đau khổ vì khát khao được ở gần Thiên Chúa, kết hợp với Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc của mình mà không đựơc. Sau khi chết, linh hồn hết sức sáng suốt để nhận ra Thiên Chúalà nhu cầu khẩn thiết nhất, là nguồn hạnh phúc đích thực của mình, nên lòng khao khát Thiên Chúa lúc đó hết sức lớn lao. Tương tự như người rất đói, rất thèm ăn, và có ngay trước mặt một mâm cơm thịnh soạn, đầy hấp dẫn với đủ thứ cao lương mỹ vị, mà lại bị trói chân, trói tay không ăn được. Hay như hai tình nhân yêu nhau tha thiết mà phải sống xa nhau.
- Còn đau khổ ngoại tại cũng được thần học bàn tới, nhưng không được định tín. Giáo Hội Hy lạp phủ nhận loại đau khổ này. Khổ hình này được thần học truyền thống gọi là "Lửa". Một vài Giáo hoàng diễn tả Luyện ngục có lửa. (Ðức Innocentiô IV (1243-1254) và Ðức Clêmentê VI (1342-1352) Lửa ở đời này là lửa mầu nhiệm, vừa là vật chất vừa là tinh thần, vì có thể vừa đốt được thân xác mà vừa đốt được các linh hồn). Sắc lệnh của công đồng chung Firence (1438-1445) không còn dùng từ ngữ "lửa" để diễn tả hình phạt nữa, vì các nghị phụ Hy lạp không chấp nhận. Các nhà thần học hiện nay cũng không thích lý thuyết nói về lửa đó nữa.
Trong tình trạng thanh luyện, người ta thường chỉ nghĩ tới đau khổ các linh hồn đang trông chờ ngày gặp mặt Chúa mà không lưu tâm tới tình trạng tích cực của họ. Chắc chắn các linh hồn ấy có một hạnh phúc rất lớn, rất căn bản là biết chắc chắn mình được cưu rỗi, được Thiên Chúa yêu thương, (xem Ds 1488/778.), đồng thời họ mến Chúa hết sức vì không còn gì trỏ ngại lòng yêu mến ây nữa, và họ cũng ý thức được sự cần thiết của việc thanh luyện này, nên họ sẵn sàng và ước ao chịu mọi khổ hình để sớm gặp Chúa. Lúc đó, khổ hìnbh đối với họ không còn là "khổ" nữa. Cũng như một thí sinh sẵn sàng chấp nhận mọi cực nhọc mệt mỏi của việc học để chuẩn bị một kỳ thi với hy vọng sẽ có một tương lai huy hoàng. Việc thanh luyện vì thế trở thành tự nguyện. Họ sung sướng vì được thanh luyện, đựoc khổ vì Chúa, vì tình yêu.
Việc Ðộ Vong
Thời gian thanh luyện lâu hay mau chắc chắn tùy thuộc vào tình trạng hay mức độ hoàn hảo của mỗi linh hồn và vào tình thương can thiệp của Chúa. Các tín hữu còn sống có thể giúp các linh hồn được thanh luyện theo những điều kiện nhất định, đó là một tín điều.
Công đồng Trentê định tín Lễ Misa có thể được dâng lên để cầu nguyện cho ngườisống và kẻ chết, cho họ được tha tội, tha hình phạt, cho việc đền tội và cho những nhu cầu khác, (xem Ds 1753/950) đặc biệt cho những người chết trong Ðức Kitô được tinh luyện (xem Ds 1743/940). Ngoài lễ Misa, các tín hữu còn có những hình thức độ vong khác (Ds 1820/693) như cầu nguyện, bố thí, và làm các việc đạo đức (xem Ds 856/464). Người còn sống có thể đền tội thay cho họ bằng những hy sinh hãm mình, chấp nhận những đau khổ Thiên Chúa gửi đến một cách vui vẻ, vì một chi thể có thể đền tội thay cho một chi thể khác trong cùng một thân thể, và lại, tội không chỉ có tính cách cá nhân, mà còn có tính xã hội: sự liên đới chịu trách nhiệm. Ðương nhiên, tín hữu còn sống càng trong sạch thánh thiện bao nhiêu thì khả năng độ vong càng hữu hiệu bấy nhiêu: "Một chi thể chết" không thể giúp cho một chi thể khác "sống" được.
Mọi việc độ vong đều phải qua tay Thiên Chúa chứ không trực tiếp ảnh hưởng tới các linh hồn. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn luôn tự do. Sự độ vong của chúng ta không phải là một pháp thuật có sức ép buộc Thiên Chúa phải tha cho các linh hồn theo ý ta, hay ảnh hưởng tới Thiên Chúa một cách máy móc, tự động theo những định luật.
Việc độ vong trong Giáo Hội bắt nguồn từ việc làm của Juda Macchabêô (2 Mcb 12,40-60). Thời đó, sau một trận đánh, có một số binh sĩ do thái tử trận. Khi lục soát các tử thi, người ta tìm ra dưới áo họ ẩn dấu các đồ vật để cúng tế các thần ngoại lai mà luật cấm. Người do thái tin rằng tuy họ chết đi, khi mang tội đó, nhưng họ vẫn được cưu rỗi. Họ cầu nguyện để xin Chúa tha tội cho những người ấy. Rồi họ quyên góp 2000 quan tiền nhờ Juda gửi lên Jerusalem để tế lễ chuộc tội. Bản văn khen ông: "Ðó là việc làm rất tốt lành và có giá trị cao quí do tin vào việc sống lại, vì nếu không tin vào sự sống lại thì cầu nguyện cho những người chết là uổng công vô ích. Nếu ông nghĩ tới phần thưởng dành cho họ thì quả là tư tưởng lành thánh và đạo đức. Vì thế, ông đã dâng lễ xá tội để người quá cố được tha thứ tội lỗi."
2. Quan niệm của Phật giáo: Luật Luân hồi và Nhân quả
Trước hết,người Phật tử quan niệm cuộc đời hiện tại không phải là kiếp sống duy nhất của mình mà chỉ là một trong hàng trăm ngàn kiếp sống kết tục nhau như những mắc xích trong cả một chuỗi xích dài vô tận. Kiếp hiện tại là quả của kiếp quá khứ mà cũng là nhân cho kiếp tương lai. Nghĩa là nếu kiếp này mình làm lành thì kiếp sau gặp hiền, làm ác thì kiếp sau gặp dữ. Bất cứ một động tĩnh nào trong tư tưởng, lời nói, hay việc làm xảy ra nơi con người, đều có nguyên nhân trong quá khứ và đều gây ra hậu quả trong tương lai. Ðó là luật nhân quả. Chuỗi nhân qủa không bao giờ chấm dứt. Vì thế, con người chết đi để bắt đầu một cuộc sống mới, một kiếp khác.Và cuộc sống mới này mang hình thức nào tùy thuộc cái nghiệp đã gây ra trong kiếp trước. Ðó là luật luân hồi.
Lục Ðạo
Luân hồi có 6 nẻo, gọi là Lục Ðạo, tức 6 cảnh giới, sau khi chết, con người sẽ phải đầu thai vào một cảnh giới trong đó tuỳ theo nghiệp lực đã tạo trong quá khứ. Lục Ðạo gồm có: Thiên, Nhân, Atula, Ngạ qủy, súc sinh, địa ngục (xếp theo mức độ từ sướng tới khổ).
Thiên : cảnh giới của loài "thiên thần" tốt lành, vô hình đối với con người, vì mang thân xác vi tế hơn con người, sống trong những điều kiện dễ dàng hạnh phúc hơn, đời sống cũng lâu dài hơn con người rất nhiều.
Nhân : cảnh giới của con người, điều kiện sống khó khăn hơn, nhưng lại là cảnh giới thuận tiện nhất để tu giải thoát, nhờ có sự quân bình tương đối giữa sướng và khổ.
Atula : cảnh giới của một loài "thiên thần " (cũng vô hình dưới mắt con người tương tự những sinh linh trong cảnh thiên, nhưng họ phải chịu nhiều đau khổ.) xấu. Là những sinh linh nhiều tham vọng, ham quyền lực, kiêu căng, ghen ghét, ganh tị... nên thường xuyên có chiến tranh, và những đau khổ thiên về thiên thần.
Ngạ Quỷ : (nghĩa là qủy đói) cảnh giới của những sinh linh tham lam vật chất, của cải, tiền bạc, lạc thú vật chất như ăn uống, nhục dục... (cũng vô hình dưới mắt con người). Lúc nào họ cũng khao khát những thứ đó mà không bao giờ được thỏa mãn, khiến họ luôn khổ đau.
Súc sinh : cảnh giới của loài vật mà chúng ta vẫn thấy: thú vật, chim chóc, cá... Ít hiểu biết, kém ý thức. Ðời sống thấp kém, hầu như không có đời sống tinh thần. Thường xuyên sống trong sợ hãi có thể bị thú khác hoặc bị người giết ăn thịt, hoặc có thể bị thúc đẩy đi giết các thú khác. Tất cả đều sợ đói.
Ðịa ngục : cảnh giới của những sinh linh độc ác, (cũng vô hình dưới mắt con người) hận thù, ích kỷ, ghen ghét, hay giận dữ, hay gây đau khổ cho người khác. Họ phải chịu những cực hình rất đau đớn, khắc nghiệt. Ðời sống trong các địa ngục dài hay ngắn tuỳ theo từng địa ngục khác nhau, tuỳ theo sự trầm trọng của điều xấu họ đã làm.
Tất cả các cảnh giới trên đều bị chi phối bởi luật vô thường, nên không có ai cứ được hay phải ở mãi trong một cảnh giới nào, vì không có một điều phúc đức nào vô cùng để đáng thưởng đời đời, mà cũng không có một tội ác nào vô cùng để đáng bị phạt đời đời cả. Do đó, sinh linh cứ tái sinh, cứ bị trôi lăn trong lục đạo đó mãi. Chỉ có những con người biết tu tập trí tuệ để giác ngộ được con đường giải thoát mới ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.
Trong Lục Ðạo, chỉ có hai cảnh giới được coi là sướng, là cảnh giới Thiên vàNhân, nhưng cảnh giới Nhân là qúy hơn cả. Xét về hạnh phúc thì cảnh giới Thiên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng chính vì thế, mà họ bị ru ngủ không muốn đi tìm sự giải thoát thật sự, để rồi khi họ hưởng hết phúc lành, họ lại rơi vào một cảnh giới khổ hơn. Các Atula thì tâm trí bị thu hút vào việc tranh cãi và hơn thua. Các Ngạ qủy thì quan tâm đến những thèm khát không được thỏa mãn. Súc sinh thì u mê chỉ nghĩ đến thức ăn và thoả mãn tính dục,.Còn sinh linh ở địa ngục thì bị hình khổ đủ cách, nên không có đầu óc đâu mà nghĩ đến Ðạo giải thoát. Chỉ có con người sướng khổ tương đối quân bình, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát tâm đi tìm con đường giải thoát. Chỉ có con người là có nhiều tự do quyết định hơn cả, có đầu óc sáng suốt hơn cả, để có thể đạt tới trí tuệ giải thoát. Nên trong Lục Ðạo, chỉ có con người là có nhiều cơ may, nhiều khả năng để thành Phật nhất. Do đó theo Ðức Phật, được làm người là cả một cơ hội quý báu không nên uổng phí (kinh Duy Ma Cật, Phẩm Phật Ðạo, Phẩm 8 nói rõ điều đó).
Việc độ vong
Trong Phật giáo, không có quan niệm về một Ðấng Sáng Tạo, điều khiển và chi phối mọi sự. Tất cả đều xảy ra theo quy luật của vũ trụ. Một người bị rơi vào địa ngục hay đầu thai vào cảnh giới nào hoàn toàn không do một Ðấng Tối Cao nào phán xét và định đoạt cả. Cũng y như một người xử dụng dao không khéo bị đứt tay, hay một người ích kỷ bị mọi người ghét, một người vui vẻ được nhiều người thương. Ðó là luật Nhân Quả tác động một cách khách quan như bao định luật khác. Việc độ vong cũng chỉ dựa vào luật nhân quả mà cứu, chứ không cầu khẩn ai được cả. Cũng như muốn cứu một người bị điện giật, bị bệnh ung thư,... điều quan trọng là có biết cách cứu hay không, có biết những định luật về điện hay về bệnh tật hay không. Ðịnh luật có nhiều thứ, vật lý, tâm lý, siêu vật lý, siêu tâm lý...
Quan niệm của người Phật tử về việc độ vong căn cứ trên câu chuyện trong kinh Vu Lan: Mục Kiều Liên được Ðức Phật chỉ dạy cách cứu mẹ mình - là bà Thanh Ðề - thoát khỏi kiếp Ngạ qủy. Phật dạy ông mời những vị cao tăng vừa "an cư kiết hạ" (An cư kiết hạ: là thời gian Phật quy định cho chư tăng ở mỗi địa phương phải hội về một nơi thuận tiện để chuyên tu mỗi năm, từ 16/04 đến 15/07 âm lịch. Tương tự như tĩnh tâm, cấm phòng hay linh thao bên Kitô giáo.). Suốt ba tháng xong, tới chú nguyện để vong linh mẹ ông chuyển tâm địa độc ác thành tâm địa lành, nhờ đó mà thoát khỏi kiếp Ngạ quỷ, sinh vào cảnh giới hạnh phúc hơn.
Trong việc cứu bà Thanh Ðề, mẹ của Mục Kiều Liên, Phật đã áp dụng tới sức mạnh của sự chú nguyện (chú nguyện: chú là chú ý, tập trung tư tưởng, hay năng lực tinh thần vàoi việc gì; nguyện là cầu mong, ước muốn) khác với cầu nguyện bên Kitô giáo, chú nguyện là tập trung hết năng lực tinh thần của mình để ước muốn điều gì, năng lực được tập trung lại đó nếu dù có thể làm biến chuyển, thay đổi tình thế. Ðây là vấn đề sức mạnh của tư tưởng mà các nhà tâm lý học hiện đại đều công nhận), của rất nhiều nguời có năng lực tinh thần rất mạnh (các cao tăng sau thời gian tinh tấn tu hành - ba tháng "linh thao") để tác động vào bản thân của bà Thanh Ðề khiến bà thay đổi tâm địa (từ tâm ích kỷ bủn xỉn độc ác, thành tâm vị tha quảng đại từ bi). Tâm thay đổi thì sướng khổ cũng thay đổi theo như câu: "Tội tuỳ tâm sinh, tội tùng tâm diệt" hay "khô tuỳ tâm sinh, khổ tùng tâm diệt". Nhờ vậy bà thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ, sinh vào cảnh giới lành, không có sự can thiệp của thần linh nào vào đây cả.
Lễ Vu Lan cũng như tháng 7 âm lịch là dịp để cho người Phật tử đặïc biệt làm công việc cứu độ ấy bằng sự chú nguyện, không những cho cha mẹ ông bà tổ tiên mình mà còn cho nhiều người khác nữa.
Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page