Chết là một thực tại thật bí hiểm, không ai còn sống mà kinh nghiệm được. Và giả sử có ai kinh nghiệm được mà về nói lại thì không chắc đã có mấy người tin. Có nhiều lý do rất hợp lý để người ta không tin: trước hết là nó có thể khác với những gì họ vẫn tin tưởng, hai là đã có nhiều người tự nhận mình có kinh nghiệm đó, nhưng những người này lại nói khác nhau (chẳng hạn những kinh nghiệm được gọi là Near Death Experience). Chính các tôn giáo cũng nói khác nhau, mà tôn giáo nào cũng đầy uy tín! Lý do thứ ba là người ta không có cách gì kiểm chứng được nguồn tin nghe được gọi là kinh nghiệm đó xuất phát từ chính thực tại hay do thị kiến, do tâm thức biến hiện? Cuối cùng, cái chết vẫn luôn luôn là một bí hiểm, những gì người ta nói về cuộc sống sau cái chết đều chỉ là niềm tin.
Giáo Lý của Phật Giáo về sự chết và về sự tồn tại sau khi chết là một cách giải đáp những thắc mắc sâu xa của con người về những vấn đề đó. Quan niệm của Phật Giáo về sự chết có rất nhiều khác biệt với quan niệm của Kitô Giáo. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ khác biệt căn bản này: Phật Giáo quan niệm Thực Tại Tối Hậu, Tuyệt Ðối là vô ngã, không có bản vị, không phải là một ai đó. Còn Kitô Giáo quan niệm Thực tại đó là hữu ngã, có bản vị, là một Thiên Chúa chẳng phải chỉ có một ngôi vị mà là ba ngôi vị. Tuy nhiên, cả hai tôn giáo này, cũng như mọi tôn giáo khác, đều lấy Thực Tại Tối Hậu này là trung tâm của đời sống tôn giáo, là mục đích tối hậu của đời sống tâm linh.
Nếu Phật Giáo cũng nói Niết Bàn là mục đích của mình thì ắt có sự tương quan giữa Niết Bàn và Thực Tại Tối Hậu đó. Phật đã thành Phật thì mới vào Niết Bàn, mà "kiến tánh" thì mới "thành Phật", và "kiến tánh" chính là thấy được, cảm nghiệm được Thực Tại Tối Hậu đó nơi bản thân mình. Lúc đó, ta sẽ thấy được cái "tôi" của mình chỉ là "vong ngã" (cái tôi ảo tưởng) không hề hiện hữu, chỉ còn duy nhất một thực tại hiện hữu là Thực Tại Tối Hậu ấy. Lúc đó ta trở nên một Thực Tại Tối Hậu ấy. Do đó, phải chăng Niết Bàn chính là tình trạng hiệp nhất với Thực Tại Tối Hậu đó? Và điều đó khác gì với quan niệm đúng đắn nhất của Kitô Giáo, cho rằng Thiên Ðàng là sự hiệp nhất với Thiên Chúa? Ðương nhiên đó cũng là lúc chấm dứt mọi ước mơ, ham muốn, do đã được hoàn toàn thỏa mãn, vì chỉ có Thực Tại Tối Hậu là Thiên Chúa mới không làm cho ta ước mơ nữa. Như vậy thì quan niệm đúng đắn nhất của Kitô Giáo về Thiên Ðàng chẳng trùng hợp với quan niệm về Niết Bàn của Phật Giáo, là nơi không còn ham muốn, dục vọng gì nữa, là nơi hiệp nhất hoàn toàn với Thực Tại Tối Hậu sao?
Một giai thoại của Ấn Giáo minh họa dí dỏm về điều kiện để đưa vào Thiên Ðàng cũng như Niết Bàn:
Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Ðàng. Thượng Ðế hỏi:
- Ai đó?
- Con, linh hồn trả lời.
- Con là ai? Thượng Ðế hỏi
lại.
- Con là con, linh hồn đáp.
- Ở đây không đủ chỗ
cho Ta và con cùng ở, con hãy đi
nơi khác! Thượng Ðế nói.
Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên Trời gõ cửa lại. Thượng Ðế hỏi:
- Ai đó?
- Con, linh hồn trả lời.
- Con là ai? Thượng Ðế hỏi
lại.
- Con là Ngài, linh hồn đáp.
Khi ấy, Thượng Ðế mở cửa Thiên Ðàng cho linh hồn ấy vào.
Nói "tôi là tôi", tất nhiên "Ngài là Ngài", Ngài với tôi khác biệt nhau, tôi vẫn chưa nhận ra sự hư vô của mình, chưa "tự hủy" đúng mức, chưa đi vào "cửa hẹp". Như Chúa Giêsu khi hiện ra với bà thánh Catarina thành Siêna nói: "Chỉ có Cha hiện hữu, còn con là hư vô". Nói tôi là tôi, tức chưa thể nói được như Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Ðức Kitô sống trong tôi". (Gl 2,20).
Một giai thoại khác của Thiền:
Một hôm có người hỏi Thiền Sư Duy Khang:
- Ðạo ở đâu?
- Ðạo ở trước mắt.
- Sao tôi không thấy?
- Vì ông đang bận nghĩ tới
mình tới ta, cho nên không thấy.
- Tôi đang nghĩ tới mình tới
ta nên không thấy. Thế Hòa Thượng
có thấy không?
- Hễ còn bận nghĩ tới ta tới
người thì đều không thấy.
- Khi không còn nghĩ tới ta tới
người thì có thấy không?
- Khi không còn tâm phân biệt bận
nghĩ tới ta tới người,
thì bấy giờ còn ai hỏi Ðạo
ở đâu nữa?
Như vậy, Ðạo hay Niết Bàn hay Thiên Ðàng sẽ chẳng bao giờ thực hiện được khi ta chưa hiệp nhất trọn vẹn với Thực Tại Tối hậu.
Chưa nhận chân ra được Thực Tại Tối Hậu và Bất Biến nơi mình, chưa để tâm trí mình bám trụ vào Thực Tại ấy, thì đương nhiên nó sẽ bám trụ vào những gì thuộc thế giới hiện tượng, thay đổi, vô thường, nên nó sẽ bị quay cuồng điên đảo cùng với những thực tại vô thường ấy. Ðó chính là Luân Hồi. Luân Hồi chính là để cho mình thôi lăn hoài trong thế giới hiện tượng, là những thực tại mà Phật Tử nhận ra được bản chất của nó là hư vô, Triết Kinh Viện gọi là ngẫu nhiên (contingent), không nhất thiết phải hiện hữu, nghĩa là vốn nó từ không mà có, rồi cũng lại trở về không.
Quan niệm của Phật Giáo và Kitô Giáo có nhiều khác biệt, thậm chí từ căn bản. Nhưng nếu ta không quá chấp vào hình tướng, vào cách thức diễn tả, vào những phương tiện khác nhau để cùng đạt tới mục đích tối hậu như đã nói đó là những con đường khác nhau cùng nhắm tới những mục đích như nhau. Chẳng hạn giáo lý về sự chết, về cuộc sống sau khi chết của hai tôn giáo đều giúp cho các tín đồ có động lực để làm thiện tránh ác, và tất cả mọi nỗ lực của hai tôn giáo đều hướng tới việc nhận biết, cảm nghiệm, hiệp nhất trọn vẹn với Thực Tại Tối Hậu đó, và coi việc hiệp nhất đó làm cứu cánh, làm hạnh phúc tối hậu của mình. Cho dẫu hai tôn giáo gọi Thực Tại Tối Thượng đó bằng những danh hiệu khác nhau, và quan niệm cũng khác nhau về Thực Tại đó. Nhưng thực ra cả hai tôn giáo đều đã có những tín đồ được coi là thánh, là đắc đạo, và đời sống gương mẫu và đời sống tâm linh sâu xa.
Nếu ta không còn suy nghĩ theo tri thức luận tĩnh và đơn diện của Tây Phương xưa, vốn đã lỗi thời với những nguyên lý đồng nhất, mâu thuẫn mà theo tri thức luận động và đa diện của Á Ðông, ta sẽ chấp nhận dễ dàng rằng quan niệm của hai tôn giáo là hai cái nhìn khác nhau, từ hai vị thế khác nhau, nhìn về một thực tại đa diện mà ta có thể tạm dùng một danh từ chung để gọi, là Thực Tại Tối Hậu. Khi so sánh hai bức chụp khác nhau của cùng một vật, tuy khác nhau vì chụp từ những góc độ khác nhau, đâu có ai lẩm cẩm để bảo rằng bức chụp nào đúng bức chụp nào sai. Cũng vậy, khi đã nhận rằng Thực Tại Tối Hậu là đa diện, thì ta không còn đặt vấn đề đúng sai vì có sự khác biệt nữa. Những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn giữa hai tôn giáo có thể bổ túc lẫn nhau thay vì loại trừ nhau.
Cho dù giáo lý của Phật Giáo về sự chết rất khác biệt với giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta tiên thiên tin là chân lý, nó cũng rất hợp lý và giải thích được nhiều sự kiện rất khó giải thích bằng một lý thuyết khác. Sự hợp lý đó đã khiến cho rất nhiều Phật Tử tự hào về giáo lý của họ là siêu việt nhất, không kém gì niềm tự hào của chúng ta, những người Kitô hữu, về giáo lý của mình. Vì thế, để truyền giáo, để đối thoại, và để diễn tả sứ điệp Kitô Giáo cho phù hợp với đối tượng truyền giáo của mình, chúng ta cần nắm vững giáo lý của họ, hiểu biết sự hợp lý của họ tới đâu, và niềm tin của họ vững chắc tới mức độ nào. Có thế, ta mới tránh được thái độ coi thường đối tượng mình truyền giáo, và thái độ tự hào hợm hĩnh về giáo lý của mình.
Dẫu sao chúng ta cũng nên coi quan niệm về sự chết của Phật Giáo như một cái nhìn trung thực từ một vị thế khác với chúng ta, xuất phát từ một nền văn hóa khác chúng ta. Chúng ta không theo quan niệm của họ, nhưng có lẽ chúng ta nên nhận ra mặt mạnh mặt yếu của quan niệm đó, hơn là tiên thiên cho rằng họ sai lầm, và phê bình quan niệm của họ một cách thiếu cơ sở vì chưa hiểu rõ quan niệm của họ như một số người trong chúng ta đã làm. Ðiều đó sẽ gây ra mất tình đoàn kết giữa họ và ta, và đó cũng là một thái độ phản truyền giáo, gây ác cảm.