Ðạo Hiếu
và vấn đề hội nhập văn hóa tại Việt Nam
Nguyễn Chính Kết, Việt Nam
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Tháng 11 dương lịch trong năm là tháng người Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Còn các Phật tử lại dành cả tháng 7 âm lịch để làm công việc ấy. Những người đã khuất là tổ tiên, có thể là ông bà, cha mẹ... Chính vì thế, hai tháng ấy cũng là hai tháng nhắc nhở tín đồ hai tôn giáo về lòng hiếu thảo, và những việc làm thảo hiếu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất núi hoặc còn đang sống. Tinh thần hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ khi còn sống, và đặc biệt khi đã khuất là một đặc tính gắn liền với bản chất của người Việt Nam, và cũng là một điểm luân lý chung quan trọng trong các tôn giáo Á Ðông cũng như trong Ki-tô giáo. Trước đây, chính vì thiếu tinh thần hội nhập văn hóa trong vấn đề đạo hiếu đối với tổ tiên mà biết bao người dân Việt Nam trước Công Ðồng Vatican II đã bị ngăn trở không trở thành Ki-tô hữu được. Vì thế, ngày nay, Hội Ðồng Giám mục Việt Nam đã coi đạo hiếu như một yếu tố văn hóa quan trọng làm điểm dựa và điểm xuất phát cho việc hội nhập văn hóa sứ điệp Ki-tô giáo tại Việt Nam.
Vậy tháng 11 cũng là dịp để chúng ta đào sâu về đạo hiếu trong chiều hướng hội nhập văn hóa tại quê hương chúng ta.
Vào Ðề
Tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ tổ tiên từ xưa đến nay luôn luôn là một điểm son trong nề nếp văn hóa của người Á Ðông nói chung, và của người Việt Nam nói riêng. Người Việt Nam cũng như mọi dân tộc Á Ðông khác, thiên về tình cảm, và đương nhiên tình cảm đó được thể hiện ưu tiên và nhiều nhất đối với cha mẹ, là người sinh thành ra mình, đồng thời yêu thương và hy sinh cho mình nhiều nhất trên đời. Vì thế, ngay từ nguyên thủy, các dân tộc Á Ðông đã có một đạo phổ thông là đạo thờ cúng Tổ Tiên, còn gọi là đạo Ông Bà, coi việc hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên khi còn sống cũng như khi đã khuất là một bổn phận hết sức quan trọng.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như tại Á Ðông nói chung, đạo thờ cúng Tổ Tiên vẫn còn là một đạo nền tảng. Cụ thể là trong số những người không theo một tôn giáo chính lưu nào, thì đa số xưng mình là theo đạo thờ cúng Tổ Tiên hay đạo Ông Bà.
Tâm thức của người Việt Nam hay Á Ðông là như thế. Vì thế, để hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào lòng dân tộc, chúng ta không nên bỏ qua yếu tố văn hóa hết sức nền tảng này. Có lẽ chính vì thế, mà trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á châu năm 1998, các giám mục Việt Nam đã nêu lên vấn đề này như một yếu tố văn hóa quan trọng mà người Kitô hữu phải quan tâm để hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào lòng dân tộc. Ðó quả là một định hướng sáng suốt trong lãnh vực hội nhập văn hóa.
Ðể hội nhập văn hóa đúng theo đường hướng Giáo Hội, trước tiên, chúng ta cần xác định hội nhập văn hóa là gì.
Hội nhập văn hóa là gì?
Hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong nền văn hóa của dân tộc bằng cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa đó, đồng thời hoàn chỉnh nền văn hóa đó theo tinh thần Kitô giáo. Như vậy hội nhập văn hóa là một cuộc hội thoại giữa đức tin và văn hóa, nó có hai chiều:
1. Một đằng là thích ứng sứ điệp Kitô giáo với văn hóa của dân tộc lãnh nhận sứ điệp, vận dụng những yếu tố phù hợp với tinh thần Kitô giáo trong văn hóa của dân tộc ấy để diễn tả sứ điệp, hầu đưa sứ điệp vào lòng dân tộc ấy một cách thuận lợi và dễ dàng. Chẳng hạn khi diễn tả sứ điệp Kitô giáo cho người Việt Nam, ta nên dùng những ý niệm, hình ảnh, câu nói quen thuộc đối với người Việt như ca dao tục ngữ, hay những quan niệm triết lý Ðông Phương để giải thích, truyền đạt. Không nên lạm dụng triết lý Tây Phương hay những hình ảnh tuy quen thuộc với người Tây Phương, nhưng lại rất xa lạ với người Việt để diễn đạt sứ điệp. Nhờ sự thích ứng đó, Kitô giáo trở nên dễ hiểu, thân thuộc và dễ chấp nhận với người Việt. Nếu không, Kitô giáo sẽ trở thành xa lạ, ngoại lai, khó hiểu và khó chấp nhận.
2. Ðằng khác hội nhập văn hóa còn là biến đổi nền văn hóa đó, làm cho nền văn hóa đó hoàn thiện hơn. Nói khác đi là làm cho nền văn hóa ấy mang nhiều tinh thần Tin Mừng hơn. Ðây chính là mục đích phải đạt được của việc hội nhập văn hóa: đó là phúc âm hóa nền văn hóa đó, tức làm cho sứ điệp Tin Mừng ảnh hưởng trên quan niệm, cách suy nghĩ, cách hành xử của dân chúng, làm cho tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần vào lòng dân tộc ấy. Nếu sự thích ứng trên mà không nhằm mục đích này, hay không đạt được mục đích này, thì đó không phải là hội nhập văn hóa đúng nghĩa. Ðó mới chỉ là hội nhập văn hóa nửa vời, hời hợt.
Trong việc hội nhập sứ điệp Kitô giáo vào nền văn hóa Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng và nền tảng của nền văn hóa này mà người Kitô hữu nên lưu ý, đó là đạo hiếu, hay tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Tại sao? Vì người Việt cũng như các dân tộc vùng Viễn Ðông này luôn luôn đặt nặng tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Từ nguồn cội, đạo hiếu luôn luôn là một nền tảng căn bản cho đạo làm người của người Việt, và nằm trong bản chất văn hóa của người Việt. Vì thế, việc hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào Việt Nam nên khởi đầu từ đạo hiếu, và lấy đạo hiếu làm nền tảng.
Sau đây, chúng ta thử tìm cách áp dụng đạo hiếu vào vấn đề hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo của chúng ta.
Hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo với Ðạo Hiếu
Như đã nói trên, hội nhập văn hóa có hai chiều, được thực hiện trong hai giai đoạn:
Giai đoạn I là thích ứng cách diễn đạt sứ điệp Kitô giáo với văn hóa của dân tộc: Trước tiên, ta nhận ra ngay là có sự phù hợp giữa sứ điệp Kitô giáo và văn hóa Việt Nam trong chủ trương thảo hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Thật vậy, đạo hiếu trong Kitô giáo thật rõ ràng và được coi là quan trọng.
- Trước hết, đạo hiếu nằm ngay trong thập giới, là căn bản của luật luân lý Kitô giáo. Thập giới của Kitô giáo được chia làm hai nhóm: 3 giới đầu liên quan đến Thiên Chúa, 7 giới sau liên quan đến tha nhân. Giới thứ 4, "thảo kính cha mẹ", là giới đứng đầu nhóm sau. Ðiều đó có nghĩa: "thảo kính cha mẹ" là giới luật quan trọng nhất trong các giới liên quan đến tha nhân.
- Thứ hai là trong các bản văn Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, có biết bao nhiêu câu hay đoạn văn khuyến khích lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhất là trong sách Châm Ngôn và Huấn Ca. Người Kitô hữu nên khai triển những câu, những đoạn văn đó, để làm nổi bật chủ trương đạo hiếu của Kitô giáo vốn rất phù hợp với nền văn hóa của dân tộc. Nhờ đó, người ngoài Kitô giáo dễ chấp nhận Kitô giáo hơn.
Giai đoạn II của việc hội nhập văn hóa là hoàn chỉnh nền văn hóa của dân tộc được truyền giáo: Ta thấy dân tộc Việt Nam tuy đặt rất nặng đạo hiếu, nhưng đạo hiếu ở đây thường chỉ được hiểu là thái độ phải có đối với cha mẹ hay ông bà tổ tiên ở dưới đất này. Nhưng con người còn có cha mẹ ở một cấp cao hơn, đó là cha mẹ ở trên trời, hay là cha mẹ sinh ra vũ trụ vạn vật, mà con người cũng có bổn phận phải thảo hiếu. Niềm tin có Trời là Ðấng tạo dựng vũ trụ rất phù hợp với niềm tin chung của dân tộc. Ðây là một điểm nổi bật khác của nền văn hóa Á Ðông, rất thuận lợi cho việc hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo, đó là người ta tin rằng trên đầu mình còn có một Ðấng thiêng liêng, tạo dựng nên vũ trụ. Tuy nhiên, ý niệm về Ðấng thiêng liêng này còn rất mơ hồ, chưa rõ rệt, và Kitô giáo có thể đưa ra một ý niệm rõ rệt hơn. Kitô giáo đặt rất nặng việc thảo hiếu với Ðấng thiêng liêng này, cũng là cha mẹ của chúng ta, nhưng ở cấp độ cao và rộng hơn cha mẹ ở dưới đất này.
Vì Kitô giáo chú trọng về đạo hiếu và coi đạo hiếu như nền tảng của mình, nên Kitô giáo quả hết sức phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc ta. Nhưng Kitô giáo còn cho thấy một chiều kích rộng lớn hơn của đạo hiếu, giúp quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và hoàn chỉnh hơn. Vì Kitô giáo quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Thiên Chúa là cha mẹ sinh ra tất cả, và tất cả mọi tạo vật là anh em. Chính trong tinh thần này mà thánh Phanxicô Assi đã gọi "anh Mặt Trời", "chị Mặt Trăng", v.v... Như vậy cha mẹ cũng có nhiều cấp độ, chứ không phải chỉ có cha mẹ sinh ta ra ở trần gian này mới là cha mẹ. Thần học "Tam Phụ" của Alexandre de Rhodes cho chúng ta thấy cha mẹ có ba cấp độ: Thượng Phụ, Trung Phụ và Hạ Phụ. Vì thế, đạo hiếu cần được thể hiện ở cả ba cấp độ ấy mới đầy đủ, trọn vẹn.
Như vậy, Kitô giáo chính là một tôn giáo của đạo hiếu theo nghĩa chính xác nhất của nó, và đạo hiếu này được thể hiện theo ba chiều kích rõ rệt: đối với Cha trên trời (Thượng Phụ), đối với đất nước và Giáo Hội (Trung Phụ), và đối với cha mẹ dưới đất (Hạ Phụ). Bổn phận đối với Cha trên trời là căn bản, các bổn phận sau xuất phát từ bổn phận căn bản trên.
Trong Kitô giáo, Thiên Chúa và nhân loại được quan niệm như một đại gia đình, trong đó Thiên Chúa là Cha, và nhân loại là anh chị em với nhau. Bổn phận đối với cha mẹ bao giờ cũng quan trọng hơn đối với anh chị em, vì tương quan hàng ngang (giữa anh chị em với nhau) phát sinh từ tương quan hàng dọc (giữa cha mẹ và con cái). Thật vậy, nếu không cùng do một cha mẹ sinh ra thì đâu phải là anh chị em với nhau! Cha mẹ ta dưới đất cũng là con cái của Cha trên trời, vì thế, theo một ý nghĩa nào đó, các ngài cũng là anh chị của ta, nhưng là anh chị một cách đặc biệt, vì đã cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra ta. Vì thế, giữa hai thứ hiếu: hiếu đối với Cha trên trời, và hiếu đối với cha mẹ, thì hiếu trước nặng hơn hiếu sau và là nền tảng cho hiếu sau. Người Kitô hữu tin tưởng rằng Cha trên trời yêu thương ta gấp trăm ngàn lần cha mẹ dưới đất yêu thương ta.
Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng chủ trương như thế là người Kitô hữu coi nhẹ chữ hiếu đối với cha mẹ dưới đất hơn các tôn giáo khác. Thực tế không phải như thế, vì càng yêu Chúa thì người Kitô hữu càng cảm thấy phải yêu thương nhau, và do đó, càng nhận ra bổn phận phải yêu mến thảo kính cha mẹ hơn. Tương tự như một người con càng hiếu thảo đối với cha mẹ, thì tự nhiên càng yêu thương anh chị em hơn. Tình yêu đối với Cha trên trời và đối với anh chị em đồng loại chỉ là một tình yêu duy nhất, nhưng có hai mặt có thể phân biệt nhưng không thể tách rời: mặt này lớn thì mặt kia cũng lớn theo, mặt này nhỏ thì mặt kia cũng nhỏ theo. Do đó, càng mến Chúa đích thực thì càng yêu thương đồng loại đích thực, hay nói cách cá biệt hơn, càng hiếu thảo với Cha trên trời thì tất nhiên càng hiếu thảo với cha mẹ dưới đất.
Như vậy, khi đưa quan niệm về đạo hiếu của mình vào nền văn hóa dân tộc, thì người Kitô hữu đã hoàn chỉnh quan niệm thảo hiếu đối với cha mẹ vốn sẵn có trong nền văn hóa Việt Nam, làm cho quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và đầy đủ hơn.
Nhưng điều tiên quyết trong việc hội nhập văn hóa đối với đạo hiếu là chúng ta phải biết thích ứng với đạo hiếu trong nền văn hóa của dân tộc. Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu một mẫu hội nhập văn hóa bằng đạo hiếu, đó là mẫu của Phật giáo, một mẫu đáng cho chúng ta suy nghĩ và rút ra những bài học quí giá.
Một mẫu hội nhập văn hóa bằng đạo hiếu: Phật giáo
Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 sang đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên. Còn Kitô giáo mới được truyền vào Việt Nam một cách sơ khởi khoảng giữa thế kỷ 16, và một cách có hệ thống và qui mô từ thế kỷ 17. Như thế tại Việt Nam, tuổi của Phật giáo đã được 17 thế kỷ, còn tuổi của Kitô giáo mới được 3 thế kỷ. Do đó, tại Việt Nam, một cách nào đó, Phật giáo là một tôn giáo đàn anh của Kitô giáo.
Vì thế, tôi xin đưa ra một mẫu gương hội nhập văn hóa của Phật giáo vào Việt Nam, để người Kitô giáo có thể nhìn vào đó mà học hỏi, hoặc rút ra những bài học cho mình. Theo thiển ý tôi, một người em học hỏi kinh nghiệm của anh mình, hay theo gương của anh mình thì thật là hợp lý và phải lẽ. Tôi cũng rất mong các Phật tử bằng lòng và cho phép tôi được nêu ra đây một số ưu điểm của Phật giáo để chúng tôi cùng suy nghĩ và học hỏi. Dẫu sao, điều tôi nói về Phật giáo ở đây cũng chỉ là một nhận định mang tính cá nhân, nếu có điều gì sai sót, xin quí vị vui lòng chỉ giáo.
Trong Ðạo Phật tuy phần giáo lý căn bản như Tứ Diệu Ðế hay Ngũ Giới, hoàn toàn không đề cập gì đến đạo Hiếu, nhưng trong đời sống thực tế, đạo hiếu đã được Ðức Phật đề cập tới trong nhiều kinh điển, và được thể hiện ra trong văn hóa dân tộc thành một lễ hội mang tính dân gian, phổ biến: lễ hội Vu Lan. Ðây là một hình thức hội nhập văn hóa rất tuyệt vời của Phật giáo Ðại Thừa, khiến Phật giáo trở thành một tôn giáo rất gần gũi với tâm hồn người Việt, cũng như những dân tộc Á Ðông khác.
Lễ hội Vu Lan là một lễ hội đặc biệt của Phật giáo Ðại Thừa, là tông phái áp dụng triệt để chủ trương "Tùy duyên hóa độ" của Ðức Phật. "Tùy duyên hóa độ" là tùy theo hoàn cảnh, trình độ và căn cơ của chúng sinh mà thay đổi cách giáo hóa cho thích hợp để đạt được hiệu quả giáo hóa cao nhất. Vì thế, khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, Việt Nam và các nước Á Ðông, các nhà hoằng dương đạo pháp đã khéo sử dụng tinh thần đạo hiếu của các dân tộc Á Ðông để biến Phật giáo trở thành một tôn giáo phù hợp với tâm lý của dân tộc, khiến cho người Á Ðông dễ chấp nhận.
Vì thế, khi du nhập vào Việt Nam và các nước Á Ðông khác, Phật giáo đã tìm trong nguồn kinh điển hết sức phong phú của mình những lời Phật dạy liên quan đến công ơn cha mẹ và bổn phận hiếu thảo của con cái. Những lời Phật dạy và những câu chuyện liên quan đến vấn đề này cũng rất dồi dào trong kinh điển Phật giáo. Tôi xin trưng dẫn một vài câu điển hình trong rất nhiều câu như:
Về công ơn cha mẹ, trong Kinh Tâm Ðịa Quán, Phật dạy: "Ơn cha hiền cao như núi cả, ơn mẹ hiền to như biển rộng. Không gì hơn lòng hiếu thuận, đem vật nhỏ nuôi dưỡng mẹ lành". Cũng trong kinh này có câu: "Người ta bảo quả đất nặng, nhưng ơn mẹ hiền còn nặng hơn nhiều. Người ta bảo núi Tu Di cao, nhưng ơn mẹ hiền còn cao hơn nhiều". Trong Kinh Tăng Chi, Phật nói: "Có hai người mà ta không thể trả ơn được. Ðó là mẹ và cha. Nếu ta một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, và làm như vậy suốt 100 năm, cho đến khi cha mẹ 100 tuổi, thì cũng chưa đủ để trả ơn mẹ và cha". Kinh Phân Biệt kể rằng Ðức Thế Tôn thường nhắc nhở đến công ơn cha mẹ ngài: "Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta".
Vì thế, về đạo hiếu, Phật dạy: "Hiếu là hạnh đứng đầu muôn hạnh". Trong Kinh Nhẫn Nhục, Phật dạy: "Thiện cùng cực không gì hơn hiếu; ác cùng cực không gì hơn bất hiếu". Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: "Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ. Cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh". Việc thờ kính cha mẹ được đánh giá hầu như ngang với việc thờ kính Phật. Thật vậy, Kinh Ðại Tập có chép lời Ðức Thế Tôn: "Gặp thời không có Phật thì hãy phụng thờ cha mẹ. Phụng thờ cha mẹ cũng như phụng thờ Phật". Những người theo đạo thờ cúng Tổ Tiên chắc chắn rất tâm đắc với hai câu sau cùng này.
Nhưng giáo lý tuyệt vời về đạo hiếu ấy làm sao đi vào lòng dân tộc được, nếu không biết đưa nó vào. Phật giáo Ðại Thừa đã khéo léo đưa giáo lý đạo hiếu vào bằng cách tổ chức lễ hội Vu Lan (Ullambana), biến nó thành một lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Vu Lan là một lễ hội biểu lộ cụ thể chủ trương hiếu thảo của Phật giáo, nó bắt nguồn từ một câu chuyện thời Ðức Phật. Trong lễ hội này, những người tham dự được nghe những bài thuyết pháp về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và lòng biết ơn đối với mọi ân nhân, đồng thời còn có những nghi thức chú nguyện cho cha mẹ, dâng quà cúng dường các chư tăng, những người có công đối với Phật pháp và chúng sinh.
Nói chung, các lễ hội của Phật giáo thường mang tính cởi mở đón nhận mọi người, kể cả những người ngoài Phật giáo. Trước khi ra về, mọi người tham dự đều có thể dùng một bữa chay miễn phí với nhau. Do đó, mọi lễ hội Phật giáo đều mang tính dân gian rất cao. Vì thế, lễ Vu Lan vốn chỉ là một lễ hội riêng của Phật giáo, nhưng rất phù hợp với tinh thần chung của quần chúng, nên đã trở thành một lễ hội dân gian, đã đi vào văn chương bình dân của người Việt. Thật vậy, trong ca dao Việt Nam có câu:
"Tháng sáu buôn nhãn bán
trâm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân",
hay
"Dù ai buôn bán đâu
đâu,
Cứ rằm tháng bảy mưa Ngâu là về".
Lễ hội Vu Lan không chỉ đề cao đạo hiếu, mà vào dịp này, các bài thuyết pháp tại các chùa còn nhắc nhở đến bổn phận của mọi người là phải biết ơn tất cả những người đã làm ơn cho mình. Có 4 trọng ân được nhắc tới: (a) ơn cha mẹ, (b) ơn Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), (c) ơn quốc gia xã hội, (d) ơn thầy bạn. Lòng biết ơn là một trong những đức tính quan trọng của đạo làm người, vốn tiềm tàng trong tâm hồn rất phong phú tình cảm của người Á Ðông. Nhấn mạnh tới những yếu tố này sẽ làm cho người Á Ðông cảm thấy đạo Phật rất gần gũi, rất hợp với lòng mình, với khuynh hướng của mình.
Nhờ đưa giáo lý đạo hiếu và lòng biết ơn của Phật vào lòng dân tộc mà đạo Phật đã chiếm được cảm tình của dân Việt, vì đạo hiếu và lòng biết ơn đã tiềm tàng sẵn trong tâm thức người Việt. Khi Phật giáo sử dụng yếu tố văn hóa này để đưa Phật giáo vào lòng dân tộc, thì những giáo huấn của Phật giáo cũng làm cho lòng hiếu thảo của người Việt Nam trở nên sâu sắc, vững chắc hơn, bám rễ sâu vào trong văn hóa Việt Nam hơn. Nhờ đó việc giáo hóa chúng sinh trở nên dễ dàng thuận lợi hơn. Từ đó, Phật giáo có thể ảnh hưởng sâu đậm trên văn hóa Việt Nam, và làm cho văn hóa Việt Nam mang rất nhiều sắc thái Phật giáo.
Ðạo hiếu trong việc phúc âm hóa tại Việt Nam
Nói người thì cũng phải nói ta. Truyền thống Kitô giáo dạy về đạo hiếu và nhấn mạnh tới đạo hiếu rất nhiều. Tuy nhiên, khi nhìn lại quá khứ, ta thấy thật đáng tiếc là trong quá trình phúc âm hóa, Kitô giáo đã bị hiểu lầm là một tôn giáo đi ngược với Ðạo Hiếu, thậm chí là một tôn giáo chủ trương bất hiếu, vì đã từng cấm không cho người Kitô hữu Á Ðông thờ cúng tổ tiên như mọi người Á Ðông thường làm. Ðiều này đã khiến cho nhiều người Trung Hoa và Việt Nam bất mãn và ác cảm với Kitô giáo, chẳng hạn như nhà nho Nguyễn đình Chiểu đã biểu lộ sự bất mãn rất lớn của ông qua câu thơ đầy mỉa mai:
"Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ".
Khi người ta chưa hiểu Kitô giáo là gì, đương nhiên người ta sẽ phán đoán theo nề nếp tư tưởng cũ của mình. Do đó, chỉ cần nghe nói Kitô giáo cấm thờ cúng tổ tiên, thì biết bao nhiêu người Việt - nhất là những người thấm nhuần tinh thần đạo Tổ Tiên, Khổng giáo, và Phật giáo, vốn coi chữ hiếu là quan trọng hàng đầu - đã coi Kitô giáo là tà đạo, không nên theo, thậm chí nên cấm. Rất nhiều người đã không thể gia nhập Kitô giáo cũng vì lệnh cấm thờ cúng tổ tiên của Giáo Hội. Biết bao người hiểu Kitô giáo và muốn gia nhập Kitô giáo, nhưng không thắng nổi áp lực tâm lý của những người trong gia đình hay gia tộc cho rằng theo Kitô giáo là bỏ cha bỏ mẹ, là bất hiếu với tổ tiên, và một người như thế thì không xứng đáng là người nữa.
Ðây quả là một sự hiểu lầm giữa các vị lãnh đạo Công giáo thời đó và người Á Ðông trong việc thờ cúng tổ tiên. Ðây là chuyện đáng tiếc gây ra do sự khác biệt về văn hóa và tập tục giữa Ðông và Tây, đặc biệt giữa quan niệm của Kitô giáo và của các dân tộc Á Ðông.
Theo giáo lý, người Kitô hữu chỉ thờ phượng duy nhất một mình Thiên Chúa là chủ tể dựng nên muôn loài vạn vật, và không được phép thờ phượng bất kỳ ai khác. Ngoài Thiên Chúa ra, thì tất cả đều là thụ tạo, cũng được Thiên Chúa dựng nên như chúng ta. Chúng ta có thể tôn kính những bậc thánh, những vĩ nhân, các vị minh quân, các anh hùng dân tộc, những ân nhân của mình hay của dân tộc, hoặc ông bà tổ tiên mình, chứ chúng ta không được tôn thờ họ.
Phân biệt giữa Ðấng tạo dựng (Créateur) và những gì được tạo dựng (créés), để rồi từ đó phát sinh ra hai thái độ phân biệt đối với hai phạm trù đó thì thật là hợp lý. Ðiều đó còn hợp lý hơn sự phân biệt giữa vua và quan, giữa cha mẹ và người anh cả. Có người dân trung thành nào lại tôn kính vua làm sao thì cũng tôn kính các quan khác như vậy không? Có người con hiếu thảo nào lại tôn kính người anh hay chị cả mình ngang với cha mẹ mình không? Ðối xử một cách bình đẳng với hai người vốn không bình đẳng như thế là một sự xúc phạm đối với người lớn hơn. Ðiều này bất cứ người Ðông Phương hay người Việt nào cũng đều chấp nhận.
Thật ra, người Việt hay người Á Ðông nào cũng phân biệt Trời, Ðấng sinh ra vạn vật, và những vật do Trời dựng nên. Nhưng theo văn hóa của họ, về mặt lễ nghi, việc thờ Trời là dành cho vua, vua có nhiệm vụ đối với Trời, còn người dân có nhiệm vụ đối với vua. Ðối với Trời, người dân chỉ có nhiệm vụ sống thuận ý Trời: "Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong". Vì thế, Trời tuy cao nhất, nhưng người dân không được phép thờ Trời theo lễ nghi, mà chỉ có vua tức Thiên Tử (Con Trời) được phép thờ mà thôi. Ðấy cũng là một cách biểu lộ sự tôn kính cao cả nhất đối với Trời: điều này xem ra không hợp lý đối với não trạng văn hóa của người Tây Phương, nhưng lại rất hợp lý theo não trạng văn hóa Ðông Phương, và để hội nhập văn hóa, chúng ta phải đặc biệt tôn trọng sự khác biệt về văn hóa.
Quan niệm về sự kính trọng của người Á Ðông là "kính nhi viễn chi": càng kính trọng thì càng phải giữ một khoảng cách. Vua cũng chỉ là người thôi, thế mà ở Á Ðông, người dân phải kính trọng vua đến độ không được phép nhìn, ngay cả các quan cũng không được phép nhìn trực diện, tâu cái gì thì cũng phải quay mặt đi chỗ khác mà tâu. Ðối với vua mà còn phải giữ một độ xa như thế, huống gì đối với Trời, còn cao hơn vua hàng ngàn bậc. Vì không được thờ Trời, nên những lễ nghi tỏ sự tôn kính nhất đáng lẽ dành cho Trời, nếu không được dùng cho Trời nữa, thì đương nhiên phải được dành cho tổ tiên hoặc người đã khuất là những người xứng đáng nhất.
Việc thờ cúng tổ tiên hay người chết với những lễ nghi như thế không có nghĩa là coi tổ tiên ngang bằng với Trời. Việc thờ cúng đó theo tập tục văn hóa cổ truyền thực ra là một hình thức kính nhớ nhiều hơn là thờ phượng hiểu theo nghĩa Tây Phương (adorer hay worship), là sự thờ phượng mà người Kitô hữu chỉ dành cho Thiên Chúa. Việc thờ cúng tổ tiên vừa mang tính văn hóa vừa mang ít nhiều tính tôn giáo. Việc thờ cúng trong đạo tổ tiên có thể phần nào tương tự như việc thờ kính Ðức Mẹ, các thánh, các thiên thần... trong Kitô giáo, trong đó, có sự cầu nguyện, xin ơn, vì tin tưởng các ngài có khả năng phù hộ hay ban ơn cho mình cách nào đó, chứ không coi các ngài là Chúa Tể Tối Cao của muôn loài.
Nhưng dưới con mắt các thừa sai Tây Phương, thì việc thờ cúng đó là một hình thức tôn thờ mà đúng ra chỉ được phép dành cho Thiên Chúa. Chính vì thế, các vị giáo hoàng thời đó đã nghiêm cấm việc thờ cúng tổ tiên là vì các ngài hiểu đó là một lễ nghi tôn giáo mang tính thờ phượng, nhưng thực ra sự thờ kính ấy chỉ là một tập tục mang tính văn hóa dân tộc nhiều hơn là tôn giáo. Nếu có tính tôn giáo thì sự thờ cúng ấy hoàn toàn không cùng một loại với việc thờ phượng đặc biệt mà người Kitô hữu dành riêng cho Thiên Chúa.
Về sau, khi Giáo Hội hiểu được như thế, thì việc thờ kính ấy đã được Giáo Hội chấp nhận như trong huấn dụ Plane Compertum ngày 8/12/1939, cho phép Giáo Hội Trung Hoa và các Giáo Hội lân cận được phép thờ kính tổ tiên. Như vậy, sự việc đáng tiếc trên đã được giải quyết một cách êm thắm, tốt đẹp.
Bây giờ, thiết tưởng người Kitô hữu nên sửa lại những đáng tiếc trong quá khứ, không phải chỉ bằng việc cải chính hay biện hộ cho những hiểu lầm đã xảy ra, mà còn bằng một cái gì tích cực hơn về đạo hiếu. Vì thế, chúng ta cần nhấn mạnh về đạo hiếu trong việc truyền giáo và mục vụ.
Cần nhấn mạnh đạo hiếu trong việc truyền giáo và mục vụ
Hiện nay, nền tảng gia đình trên thế giới đang bị lung lay và đe dọa trầm trọng. Chẳng hạn tại Âu châu, có tới 50% các gia đình đã thành lập nhưng bị tan rã vì đi đến ly dị. Ðể tránh vấn đề này, người ta đã đưa ra nhiều giải pháp không hợp luân lý: cứ sống độc thân nhưng lại thoải mái trong quan hệ tình yêu và tính dục, hôn nhân thử, sống chung với nhau không hôn nhân v.v... Gia đình tan rã đưa đến nhiều bất hạnh trong xã hội, nhất là về phía các trẻ em không được chăm sóc đầy đủ vì không đủ cả cha lẫn mẹ. Vì thế, Giáo Hội đang chủ trương củng cố lại nền tảng gia đình này.
Tại Việt Nam, khủng hoảng về gia đình cũng đang bắt đầu. Vì thế, Giáo Hội Việt Nam cũng cần củng cố nền tảng gia đình, nhưng nên bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ ở Việt Nam, chúng ta có một thuận lợi rất lớn để bảo vệ và củng cố nền tảng gia đình, đó là tinh thần đạo hiếu trong tâm thức dân tộc. Chúng ta có thể bắt đầu củng cố gia đình bằng việc phát triển đạo hiếu, vì:
+ khi làm tròn phận sự đối với cha mẹ, người ta sẽ có một nền tảng giúp họ làm tròn phận sự đối với gia đình họ tạo lập, nghĩa là đối với vợ / chồng, con cái họ. Việc đối xử hợp lý và đầy tình thương với cha mẹ là một kinh nghiệm và cũng là bài thực tập cho mọi người trẻ sống hợp lý và yêu thương trong gia đình mà mình thành lập.
+ sống hiếu thảo với cha mẹ, người ta sẽ tập được một số đức tính cần thiết để sống đời sống gia đình: tình yêu chân thật, vị tha, hy sinh, kiên nhẫn, nhịn nhục, tôn trọng người khác, hy sinh ý riêng, v.v... Ngược lại, nếu không hiếu thảo đối với cha mẹ, người ta sẽ khó có thể thật sự yêu thương và hy sinh cho vợ con hay chồng con mình, và khó có được những đức tính cần thiết trên. Thật vậy, cha mẹ là người yêu thương, hy sinh cho mình và có công với mình nhất mà mình không yêu thương thì làm sao có thể yêu thương và hy sinh cho người khác một cách chân thật được?
+ khi con cái thật sự hiếu thảo với cha mẹ, việc giáo dục của chúng trong gia đình sẽ đạt được kết quả tốt đẹp: nhờ sự hướng dẫn đầy kinh nghiệm của cha mẹ, con cái biết vâng lời sẽ bước vào đời sống gia đình một cách tốt đẹp, và dễ thành công và hạnh phúc trong đời sống gia đình. Thật vậy, cha mẹ là người có rất nhiều kinh nghiệm trong đời sống gia đình, và có thể đã từng gặp nhiều cay đắng thất bại trong đời sống gia đình. Vì thế, cha mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm, dạy cho con cái những bài học mình đã học được bằng đau khổ và nước mắt, và chỉ dẫn cho con cái con đường tốt nhất để thành công trong hôn nhân, và tránh được những thất bại. Những đứa con hiếu thảo, nghĩa là biết vâng lời, biết coi trọng lời dạy dỗ của cha mẹ, chắc chắn sẽ dễ thành công trong đời sống gia đình hơn.
Như vậy, củng cố đạo hiếu chính là củng cố nền tảng gia đình, và đó cũng là một cách hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo của chúng ta vào lòng dân tộc. Vì thế, chúng ta nên đề cao đạo hiếu như một phương cách nền tảng để sống đời Kitô hữu. Vì bản chất của Kitô giáo là đạo hiếu: hiếu với Cha trên trời, và thể hiện lòng hiếu thảo ấy qua sự yêu thương anh chị em đồng loại. Ðó là cấp độ vĩ mô của đạo hiếu. Còn cấp độ vi mô là thảo hiếu với cha mẹ dưới đất và yêu thương anh chị em ruột thịt của mình. Cấp độ vi mô hữu hình phản ánh cấp độ vĩ mô vô hình, nghĩa là lòng hiếu thảo với cha mẹ dưới đất là hình ảnh lòng hiếu thảo với Cha trên trời.
Thật vậy, nếu cha mẹ hữu hình dưới đất là người yêu thương mình và hy sinh cho một cách cụ thể trước mắt mà mình không hiếu thảo, thì làm sao mình có thể hiếu thảo thật sự với người Cha vô hình ở trên trời mà sự hy sinh của Ngài đối với ta phải nhìn bằng đức tin mới thấy được? Tương tự như lời của thánh Gioan tông đồ: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1 Ga 4, 20). Vì thế, có thể nói không sai rằng tình yêu đối với tha nhân, đặc biệt lòng hiếu thảo đối với cha mẹ dưới đất, chính là phản ảnh hay thước đo của tình yêu hay lòng hiếu thảo đối với Cha trên trời. Do đó, ai càng yêu mến Thiên Chúa, thì tình yêu ấy càng phải được chứng tỏ qua lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mình, và qua sự hy sinh cho tha nhân là con cái của cùng một Cha trên trời.
Kết luận
Ðể kết luận, chúng ta thử đưa ra một số những việc làm cụ thể để có thể đưa tinh thần đạo hiếu của Kitô giáo vào trong lòng dân tộc, và để cùng hòa nhập với các tôn giáo khác trong tinh thần đạo hiếu.
1. Thanh Minh và Vu Lan là những lễ hội mang tính văn hóa dân tộc nhấn mạnh đến lòng thảo hiếu đối với cha mẹ hay tưởng nhớ đến những vị tổ tiên đã khuất bóng. Vì thế, tuy chúng ta đã có cả tháng 11 để kính nhớ và cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà tổ tiên đã khuất, nhưng chúng ta nên đồng hành cùng với dân tộc mình trong tinh thần đạo hiếu này bằng cách:
+ phát động nơi người Kitô hữu lòng hiếu thảo và sự tưởng nhớ cầu nguyện cho tổ tiên vào những lễ hội dân tộc ấy, và vào ngày cuối năm là dịp đa số người Việt tưởng nhớ đến cha mẹ còn sống và ông bà tổ tiên đã khuất bóng một cách đặc biệt.
+ có những nghi thức phụng vụ và á phụng vụ thích hợp song song với những nghi thức của Phật giáo và đạo thờ cúng Tổ Tiên vào những dịp lễ hội này.
2. Khuyến khích làm bàn thờ gia tiên trong gia đình. Ðây là một cách làm cho người Kitô hữu gần gũi với đồng bào mình ở trong các tôn giáo. Vì trong các gia đình người Việt, thường có bàn thờ tổ tiên. Vả lại, qua dấu hiệu này, các tín hữu các tôn giáo khác cũng cảm thấy gần gũi với người Kitô hữu trong việc hiếu thảo này.
3. Tưởng nhớ đến công ơn tổ tiên của dân tộc Việt Nam cùng với các anh hùng dân tộc vào dịp giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/03 âm lịch mỗi năm. Nếu mỗi gia đình đều có tổ tiên để kính nhớ, thì cả dân tộc cũng thế. Thiết tưởng chúng ta cũng nên tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên dân tộc mình đặc biệt trong thánh lễ ngày giổ tổ. Chẳng lẽ chúng ta chỉ dành bổn phận cúng giỗ tổ tiên dân tộc cho những anh em tôn giáo khác làm, còn mình thì không sao?
4. Làm bàn thờ tổ tiên của dân tộc trong các nhà thờ. Nếu mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên, thì tại mỗi nhà thờ, nên có một bàn thờ kính nhớ tổ tiên của cả dân tộc ở một chỗ nào đó thuận tiện, thích hợp và danh dự, nhất là tại những nhà thờ lớn có tầm quan trọng quốc gia. Khuyến khích tinh thần thảo hiếu đối với tổ tiên cả nước là một cách gợi lên ý thức dân tộc, củng cố lòng yêu nước thương nòi, bày tỏ được lòng biết ơn đối với tiền nhân. Nếu chúng ta biết tôn kính những vị thánh ở tận đâu đâu, nhưng tổ tiên của dân tộc rất gần gũi với chúng ta mà chúng ta lại quên không nhớ đến, thì làm sao đồng bào của chúng ta cảm phục chúng ta được?
5. Lễ Vu Lan cũng là dịp các chủ chăn nhắc nhở giáo hữu về lòng biết ơn đối với những ân nhân của mình: ơn Thiên Chúa, ơn Giáo Hội, ơn tổ quốc, ơn xã hội, v.v... Ðồng thời khuyến khích có những hành vi cụ thể biểu lộ lòng biết ơn ấy.
Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page