Quan Niệm của Phật Giáo
Về Cái Chết

Nguyễn Chính kết, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


CÁI GÌ ÐI TÁI SINH?
CÁI GÌ BỊ LUÂN HỒI?

Khác hẳn với mọi ý nghĩ bình thường, Phật Giáo chủ trương không có linh hồn như một thực tại tâm linh bất biến thường tồn, làm chủ thể trong mọi thay đổi xác thân. Phật Giáo không chủ trương có một linh hồn duy nhất mặc lấy những thân xác khác nhau giống như một người thay đổi áo: dù mặc nhiều áo khác nhau, nhưng từ đầu đến cuối vẫn chỉ là một người không thay đổi. Do đó, vấn đề phải được đặt ra là: người trong kiếp này và người của kiếp sau có phải cùng là một người không? Nếu không có một linh hồn duy nhất trong hai thân xác của hai kiếp ấy, làm sao có thể nói được câu "Kiếp trước của tôi", vì câu đó dường như giả thiết rằng chỉ có một cái tôi duy nhất trong cả hai thể xác ấy? và sau khi thể xác tôi chết rồi thì cái gì đi tái sinh cho kiếp sau của tôi? Nếu không có một linh hồn bất biến làm nền tảng thì cái gì bị luân hồi?

Muốn hiểu được điều đó, cần biết rằng Phật Giáo chủ trương: ngay cả trong một kiếp, như kiếp tôi đang sống đây, cái tôi lúc 5 tuổi và cái tôi hiện tại không thể hoàn toàn đồng nhất hay là một với nhau được, vì lúc 5 tuổi tôi rất khác với bây giờ về đủ mọi phương diện: tuổi tác, cách suy nghĩ, tính tình, tài năng, khuynh hướng, v.v... Thậm chí tôi không còn nhớ lúc 5 tuổi thì con người tôi thế nào nữa. Nếu tôi lúc 5 tuổi và tôi bây giờ là một, đồng nhất với nhau, thì tất nhiên hai "cái tôi" đó phải giống nhau, không có gì thay đổi, và tôi bây giờ phải hoàn toàn nhớ được hồi 5 tuổi tôi ra sao. Tương tự như vậy, tôi trước đây một tiếng, hay 5 phút, hay một giây, không thể hoàn toàn đồng nhất với tôi bây giớ được... Chắc chắn vào những thời điểm khác nhau, "cái tôi" của tôi không đồng nhất, không là một, nhưng cũng không thể nói là hai hay là nhiều được, vì tôi vẫn thấy, vẫn nhìn nhận rằng tôi bây giờ hay tôi thời trước thì đều là tôi cả. Tôi vẫn chỉ vào tấm hình của tôi lúc 5 tuổi, 10 tuổi, 20 tuổi... và nói đó là tôi, bất chấp những "cái tôi" ấy có nhiều cái khác nhau. Ðây là một thực tế không có chỗ đứng trong luận lý học Tây Phương, vì theo luận lý này không có chuyện vừa đồng nhất lại vừa không đồng nhất, vừa là hai lại vừa không là hai.

Khoa học cho biết xác thân của tôi trong vòng 7 năm là mọi tế bào đều thay đổi hết. Như thế thì rõ ràng là xác thân của tôi lúc 5 tuổi và xác thân của tôi lúc 40 tuổi (hơn nhau 35 năm) làm sao có thể là một được? Cũng vậy, chiếc xe gắn máy của tôi mua mấy chục năm rồi, đã dần dần thay đổi hết mọi bộ phận, đến nỗi không còn một bộ phận nào trong đó là bộ phận nguyên thủy hồi tôi mua. Như thế thì làm sao tôi vẫn bảo chiếc xe bây giờ cũng chính là chiếc xe thời đó được? Tại bờ biển, tôi đưa mắt theo dõi một con sóng lớn từ ở ngoài khơi chạy vào bờ. Khi nó vào tới sát bờ, tôi vẫn coi nó chính là con sóng ở ngoài khơi, vì mắt tôi đã đi theo nó từ ngoài đó vào bờ không gián đoạn, dù tôi vẫn biết rằng con sóng đi tới đâu thì nhận lấy nước ở chỗ đó làm vật liệu cho mình. Nếu xét về vật liệu, thì con sóng ở ngoài khơi và con sóng vào gần bờ hoàn toàn khác nhau, không có một phân tử nước nào chung cả. Thế nhưng tôi vẫn có lý để coi hai con sóng đó là một! hay như dân tôc Việt Nam ta, từ 4000 năm về trước cho tới nay, mặc dù khác biệt nhau rất xa giữa người Việt nguyên thủy và người Việt ngày nay, nhưng vẫn được coi là duy nhất! Tại sao vậy?

Vì trong tất cả những trường hợp trên, có sự liên tục không gián đoạn trong sự chuyển biến từ tình trạng này sang tình trạng kia, cái này qua cái kia, và sự chuyển biến đó xảy ra một cách tiệm tiến, không đột ngột. Tại hai thời điểm kế tiếp nhau hay gần nhau, tuy có sự thay đổi, nhưng phần thay đổi không đáng kể so với phần không thay đổi làm nền tảng để làm cho nó vẫn còn là nó. Và luôn luôn có một tương quan nhân quả giữa các tình trạng khác nhau tại các thời điểm. Tình trạng trước là nguyên nhân cho tình trạng sau. Nếu không có tình trạng trước thì không thể có tình trạng sau. Như bản thân tôi, nếu không có cái tôi lúc 5 tuổi thì không thể có cái tôi bây giờ. Nếu hồi 5 tuổi tôi đã sống khác với thực tế quá khứ của tôi lúc đó, ắt vào bây giờ, tôi đã không giống như cái tôi thực tế bây giờ. Ðó là điểm chính yếu khiến tôi thấy tôi lúc 5 tuổi và tôi bây giờ chỉ là một cái tôi. Như vậy, theo Phật Giáo, không nhất thiết phải có một linh hồn trường tồn bất biến làm nền tảng để cho từ đầu đến cuối những thực thể khác nhau vẫn được coi là một. Cũng tương tự như Nước Việt Nam hay dân tộc Việt Nam đâu có nhất thiết phải có một cái hồn nước vĩnh cửu, bất biến làm nền tảng thì mới có thể gọi dân Việt Nam xưa và dân Việt Nam nay là một!

Theo Phật Giáo, cái tôi mà ta cảm nghiệm được không phải là một linh hồn trường tồn bất biến, mà là một dòng "tưởng" liên tục trôi như một dòng sông. Mỗi sát-na (đơn vị nhỏ nhất của thời gian) một "chặp tư tưởng" (tạm gọi như thế) nổi lên rồi biến mất ngay, nhường chỗ cho "chặp tư tưởng" kế tiếp. Chặp này là nhân cho chặp sau, và là quả của chặp trước. Mỗi chặp tư tưởng trong giây lát sinh, trụ, rồi diệt, và trong khi diệt, chuyển tất cả năng lực và cảm giác đã ghi nhận được cho chặp tư tưởng kế tiếp. Mỗi chặp tư tưởng mới gồm những năng lực tiềm tàng của chặp trước và thêm vào đó chút gì khác. Ðến lúc chết, chặp tư tưởng cuối cùng chấm dứt, cũng như trong đời sống mỗi chặp tư tưởng đều phải diệt, để nhường chỗ cho chặp tương tưởng kế tiếp phát sinh trong giây lát, mỗi chặp tư tưởng đều bao hàm thức của nó. Mỗi thức chứa toàn bộ những kinh nghiệm trong quá khứ do chặp tư tưởng trước để lại. Vậy cái thức mới trong kiếp sống mới chứa tất cả những kinh nghiệm, cảm giác ghi nhận được trong các kiếp quá khứ. Như thế, tất cả mọi tiềm năng đều được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác, mặc dầu vật chất tan rã. Vì lẽ ấy đôi khi có người nhớ được kiếp quá khứ của mình. Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc nơi khối não, tất không ai có thể nhớ được tiền kiếp của mình. Như vậy, giữa kiếp trước và kiếp sau vẫn có sự liên tục về chặp tư tưởng, và chặp tư tưởng trong kiếp mới vẫn thừa kế toàn bộ di sản tinh thần từ kiếp trước để lại. Do đó, cái tôi của kiếp trước và cái tôi của kiếp sau vừa là khác mà cũng vừa có thể coi là một, tựa như cái tôi trong hai thời điểm khác nhau của cùng một kiếp vậy. Cứ như thế, kiếp này qua kiếp khác, dù vào cảnh thiên, nhân, hay súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục chăng nữa, không cần phải có một linh hồn bất trường tồn nào cả.

Như vậy, luôn luôn có một cái tôi của một thân xác khác chịu tất cả mọi quả báo của cái tôi của thân xác này. Cái tôi này là nhân gây nên cái tôi kia, và cái tôi kia là quả của cái tôi này, y như cái tôi hiện tại của tôi bây giờ phải hay được lãnh nhận hậu quả của những gì mà cái tôi của tôi hồi trước đã làm. Chẳng hạn cái tôi tháng trước lười học thì cái tôi tháng này thi trượt, cái tôi trước chăm học thì cái tôi này thi đỗ. Tôi nhìn nhận hai cái tôi ấy đều là tôi cả, nhưng rõ ràng chúng khác nhau: cái tôi bây giờ không thể sửa đổi gì được cái tôi trước, và có thể cũng không đồng ý việc làm của cái tôi trước thì không thể cảm nghiệm được, thậm chí không biết gì về cái tôi sau. Do tôi nhìn nhận hai cái tôi đều là tôi mà tôi thấy không có sự bất công nào cả.

Ðể dễ hiểu về việc không cần có linh hồn mà cái tôi sau vẫn coi cái tôi trước là chính mình nhờ chuyển di qua những chặp tư tưởng, ta thử nêu lên một minh họa. Sự việc đó giống như một người dùng máy cassette để thâu băng. Trước hết anh ta thâu trực tiếp một số bài nhạc thêm vào những bài nhạc đã có trong băng. Sau đó anh sang toàn bộ những bài ca trong băng A vào băng B và hủy bỏ băng A. Anh lại tiếp tục thâu trực tiếp một số bài ca mới vào băng B. Rồi lại sang toàn bộ băng B sang băng C. Cứ tiếp tục như thế mãi. Cho tới lúc nào đó, chẳng hạn tới băng M, ta thấy tất cả những băng A, B, C, D... I, K, L đều đã bị hủy bỏ, nhưng toàn bộ những bài ca trong các băng đó đều có trong băng M, mặc dù xét về vật chất, băng M không nặng hơn các băng trước một microgram nào cả, đồng thời khác với những băng trước. Giả như băng M có khả năng suy tư và ý thức được, nó sẽ thấy các băng A, B, C... trước cũng chính là nó... Mỗi cuốn băng tượng trưng cho một kiếp sống. Mỗi kiếp sống thu thập được một số kinh nghiệm thêm vào những kinh nghiệm đã có trong các kiếp trước, đồng thời trao toàn bộ kinh nghiệm ấy cho kiếp sau. Sở dĩ có thể làm được chuyện ấy là nhờ khả năng thu nhận, tàng trữ âm thanh của loại băng cassette. Khả năng thu nhận và tàng trữ kinh nghiệm từ kiếp này qua kiếp khác của chúng sinh Phật Giáo gọi là Alạida thức. Có thể nói a-lại-da thức chính là cái đi tái sinh, là cái bị luân hồi. Và Alạida thức đó không thể gọi là linh hồn được. Vả lại Alạida thức thay đổi từng giây phút trong cuộc đời, cứ mỗi lúc lại thu nhận và tàng trữ thêm. Còn khả năng làm cho ý thức nhìn nhận những yếu tố cấu tạo nên mình là "tôi", cũng như nhận những cái tôi khác nhau từng thời điểm một là một cái tôi duy nhất, khả năng ấy được Phật Giáo gọi là Mạt-na thức. Ðiều lý thú trong minh họa này là những gì cuốn băng kia không làm cho cuốn băng kia nặng thêm chút nào. Như vậy, những gì được truyền sang có vẻ như không phải là vật chất. Người duy tâm sẽ nghĩ nó là tinh thần. Vì truyền sang là thêm vào, mà thêm vào nếu là vật chất ắt phải làm cho nặng thêm. Mà không phải vật chất ắt là tinh thần. Nhưng đi sâu vào vấn đề hơn ta thấy có sự thay đổi cách sắp xếp về từ học: mặt băng bị nhiễm từ. Cũng tương tự như khi ta chụp hình, cuộn phim sau khi chụp không nặng hơn trước khi chụp, nhưng mặt phim đã bị ánh sáng tác dụng làm thay đổi mặt phim. Nhờ vậy phim ghi nhận được hình ảnh. Cái thêm vào không hẳn là vật chất nhưng là một cái gì do vật chất, và đương nhiên nhìn xa hơn ta thấy phải có sự góp phần của người chụp hay người thâu băng thì hình ảnh hay âm thanh mới ghi lại được trong băng (tác nhân bên ngoài).

Theo những điều đã nói trước đây, "chặp tư tưởng" (hoạt động của tâm thức luôn luôn có, cho dẫu ý thức không tư tưởng) vẫn liên tục sinh, trụ, diệt trong cùng một kiếp hay khi chuyển từ kiếp này qua kiếp khác. Do đó, những chặp tư tưởng cuối cùng của một kiếp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tức khắc cảnh giới hay hoàn cảnh để đầu thai cho kiếp sau. Nếu vào giây phút hấp hối, một người phúc đức đáng đầu thai ở cảnh thiên lại có những tư tưởng không tốt, hay tưởng tượng những điều không tốt, thì người đó có thể sinh vào những cảnh giới xấu, như atula hay súc sinh, hay cảnh người nhưng điều kiện ban đầu hẩm hiu. Tuy nhiên, vì nghiệp của người đó, nên dù sống trong những cảnh giới xấu hay điều kiện ban đầu hẩm hiu, nhưng số phận của chúng sinh ấy sướng hơn đồng loại của mình rất nhiều. Thật vậy, ta vẫn thấy có những con vật (chó, mèo) có cuộc đời vật chất cũng như tinh thần sướng hơn những con vật khác, thậm chí sướng hơn rất nhiều người trên trần gian. Trái lại, nếu vào giây phút hấp hối, một người xấu lại có được những tư tưởng tốt, hay tưởng tượng được những điều thánh thiện, thì có thể tái sinh vào những cảnh giới tốt, hay được những điều kiện sống ban đầu rất thuận lợi, nhưng vì nghiệp của họ xấu, nên số phận của họ vẫn khổ đau hơn những đồng loại của mình. Thật vậy, ta vẫn thấy biết bao kẻ giầu sang phú quí, thuộc hàng vua chúa, nhưng đời sống chẳng hạnh phúc chút nào, cuộc đời gặp đầy nghịch cảnh, hoặc về sau trở thành kẻ bần cùng...

Vì thế, vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời người thân nhân mình, người Phật Tử phải lưu tâm giúp đỡ họ có những tư tưởng tốt, nghĩ về những hình ảnh đẹp, cao thượng, để họ có thể vãng sinh về những cảnh giới tốt đẹp, tạo điều kiện dễ dàng cho họ tiến tới mục đích giải thoát.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page