Thánh Thần
Thiên Chúa và Ðấng Ban sự Sống
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Thánh Thần: "Một Thiên Chúa Không Ðược Hay Biết"
Phải đối diện với trọng trách khó khăn trong việc giảng dạy về Chúa Thánh Thần - đề tài của ngày kỷ niệm năm thứ 62 của Chúa Nhật Giáo Lý và năm thứ hai của việc chuẩn bị cho năm Thánh hai ngàn - các giáo lý viên có thể thở ra nhẹ nhõm. Kể từ Công Ðồng Vaticanô II, có thừa thãi các sách được xuất bản nói về Thánh Linh Học. Sự kiện này đã làm cho ngôi ba lành thánh, đấng đã từng được mô tả là "Thiên Chúa Không Ðược Hay Biết", trở nên một bộ mặt quen thuộc. Lời than tràn lan rằng Thánh Thần là một "Thiên Chúa bị bỏ quên" trong thần học tây phương, nếu trong quá khứ đã được coi như là đúng, thì ngày nay không còn nữa, nhờ vào công trình của các thần học gia Công Giáo như Yves Congar và Heribert Muhlen. Chính Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban cho Giáo Hội thông điệp về Thánh Thần, Dominum et Vivificantem (Ngày 18 tháng 5, 1986).
Sự quen thuộc về Thánh Thần không chỉ hạn chế trong giới thần học gia hiếm hoi mà thôi. Ngược lại, từ thập niên 1960, kinh nghiệm về Thánh Thần và sự sùng kính Ngài đã lan tràn mau lẹ qua các nhóm trong tất cả các cộng đồng Kitô giáo, kể cả Giáo Hội Công Giáo. Thật vậy, một trong những dấu chỉ lạ lùng nhất của thời đại là sự bùng nổ trên khắp thế giới của phong trào Thánh Linh, hay Canh Tân Ân Sủng, mà con số hội viên được ước lượng trên 300 triệu tại 230 quốc gia vào cuối thập niên 1980. Hơn nữa, sự hiện diện hùng mạnh của Thánh Thần không những chỉ được nhận biết qua các hiện tượng lạ lùng như nói tiếng lạ và các phép lạ chữa bệnh nhưng còn qua công trình không hoa mỹ lắm về giải phóng, công lý, và hòa bình được thực hiện bởi những người nghèo khó và sống bên lề xã hội tại các cộng đồng Kitô hữu.
Trong bối cảnh của sự hiện diện hoàn vũ của Thánh Thần này, làm sao các giáo lý viên có thể nói về ngôi thánh này, một đấng siêu việt tuyệt đối và mầu nhiệm, nhưng lại thân mật gần gũi với chúng ta hơn chính chúng ta? Có nhiều điểm khởi đầu khác nhau. Có thể là khởi sự với những câu chuyện trong Thánh Kinh kể về hoạt động của Thánh Thần trong lịch sử loài người, nhất là như được trình bầy trong hai tác phẩm của Thánh Luca; hoặc với sự dạy dỗ của các giáo phụ, nhất là Công Ðồng Côn-tan-ti-nốp năm 381; hay qua sự khẳng định của các sách giáo lý, nhất là Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (GLCG, số 683); hay qua các tác phẩm cổ cựu của các thần học gia xưa như cuốn De Trinitate của Thánh Âu-gút-tin.
Theo bước chân của các thần học gia đương thời như Karl Rahner, tôi xin đề nghị một đường lối có ba giai đoạn. Chúng ta bắt đầu bằng cách nhận định một vài kinh nghiệm quen thuộc với đa số, nếu không thể nói là tất cả chúng ta ngày nay, và gọi chúng là những kinh nghiệm về Thánh Thần; sau đó chúng ta giải thích các kinh nghiệm này dùng các hình ảnh và các phân loại trong Thánh Kinh và thần học, và bằng cách này phát triển một thần học Kitô giáo về Thánh Thần; và cuối cùng, chúng ta trình bầy theo cách nào để cho Thánh Linh Học này có thể được kiểm chứng trong hoạt động hàng ngày của người Kitô hữu chúng ta.
Ðặt Tên Cho Các Kinh Nghiệm Về Thánh Thần
Có những kinh nghiệm nào trong đời sống ngày nay có thể được coi như những kinh nghiệm về Thánh Thần không những giúp cho chúng ta có thể hiểu được những gì Phúc Âm dạy chúng ta về sự sống của Thánh Thần bên trong chúng ta, mà còn được Phúc Âm khẳng định rằng đây là những kinh nghiệm chính đáng về Thánh Thần? Câu trả lời là chắc chắn như vậy.
Chúng ta hãy bắt đầu với những gì dễ nhận biết, những kinh nghiệm khác thường. Các kinh nghiệm này thường được báo cáo bởi những người tham dự vào các phong trào đoàn sủng Thánh Linh kể cả việc nói tiên tri, nói tiếng lạ, và phép lạ chữa bệnh. Khi các kinh nghiệm này đích thực, chúng được công nhận là những ân sủng của Thánh Thần. Thánh Phaolô đã kể ra chín đặc sủng của Thánh Thần, trong đó có nói tiên tri, chữa bệnh, nói tiếng lạ, và giải nghĩa tiếng lạ (1 Cor 12:8-10). Các đặc sủng này mặc dù lạ thường, không những chỉ giới hạn cho các thành phần của giáo hội tiên khởi, mà còn được ban cho khá nhiều người trong chúng ta ngày nay.
Chúng ta sai lầm nếu giới hạn các kinh nghiệm về Thánh Thần trong các biến cố lạ thường này. Cha Rahner đã hùng hồn trình bầy rằng các kinh nghiệm về Thánh Thần không phải là đặc quyền của giới cao cấp trong Giáo Hội, nhưng đang xẩy ra hàng ngày trong các Kitô hữu, người ngoại giáo và vô thần. Chúng ta gặp gỡ Thánh Thần trong kinh nghiệm mà Karl Rahner mô tả là một "kinh nghiệm siêu việt", nghĩa là, khi chúng ta được đưa đến trước sự hiện diện thường xuyên khó nắm giữ được của Thiên Chúa như một mầu nhiệm tuyệt đối chúng ta theo đuổi như một cùng đích, mặc dầu không ý thức rõ ràng, mỗi khi chúng ta hiểu biết được một đối tượng đặc biệt và lựa chọn trong tự do để yêu thương một ai.
Các kinh nghiệm về Thánh Thần khác, gồm cả những lần chúng ta tha thứ cho một người mà không mong được đền đáp; những lần chúng ta cố gắng yêu thương Chúa, mặc dầu Chúa dường như bị bao trùm trong một sự thinh lặng nặng nề; những lần chúng ta thi hành bổn phận không được cảm ơn; những lần chúng ta thinh lặng khi bị lên án bất công; những lần chúng ta bị đè bẹp bởi sức nặng của sự cô đơn và tiếp tục hy vọng; những lần chúng ta cầu nguyện mặc dầu dường như Chúa chẳng nhận lời; những lần chúng ta lãnh nhận trách nhiệm về hành động của mình mặc dầu bị cám dỗ muốn đổ lỗi cho người khác; những lần chúng ta vui hưởng những kinh nghiệm vụn vặt về tình yêu, vẻ đẹp và hạnh phúc mà không hoài nghi; những lần chúng ta trung thành với tình yêu mặc dầu bị phản bội; những lần chúng ta đối chọi với bạo quyền bằng chân lý của lời Chúa về tình yêu đặc biệt Chúa dành cho người nghèo khó, và tranh đấu cùng với người nghèo khó và bị áp bức để giải phóng họ, cho dù có phải hy sinh tính mạng; hay những lần chúng ta chấp nhận cái chết cho tự do và hòa bình. Danh sách này có thể kéo dài thêm mãi. Rahner gọi những kinh nghiệm này là những "hiện tượng thần nghiệm của đời sống hàng ngày," "sự khám phá ra Thiên Chúa trong mọi sự," và "sự say sưa trong Thánh Thần."
Vì những kinh nghiệm này quá thông thường, và tầm thường, chúng ta có thể bỏ qua sự kiện chúng chính là "hoa quả của Thánh Thần," nghĩa là "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (Gal 5:22-23). Trọng trách của chúng ta, những giáo lý viên, là phải giúp đỡ người khác nhận biết đây là những kinh nghiệm về Thánh Thần, để cho Thánh Thần không còn là một kẻ lạ, nhưng có thể được nhận biết đích thực là: quà tặng của Thiên Chúa, là ân sủng, và quyền năng trong đó chúng ta sống, hoạt động, và hiện hữu.
Giải Thích Các Kinh Nghiệm Về Thánh Thần
Việc đặt tên phải theo sau bởi việc giải thích ai là Thánh Thần qua sự dạy dỗ của Phúc Âm và Thánh Truyền. Mặc dầu Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động ngay từ lúc sáng thế, căn tính của Thánh Thần chỉ được nhận biết từ từ. Vì lý do này, danh từ "Thánh Thần", có thể được dùng cho Thiên Chúa nói chung, đã trở nên tên gọi riêng dành cho ngôi ba, cũng như "Cha" là tên riêng dành cho ngôi thứ nhất, và "Con" dành cho ngôi hai.
Trước khi các từ ngữ riêng được tuyên dương cho Thánh Thần, các hình ảnh vật chất đã được dùng để diễn tả: ruah (hởi thở, không khí, gió), nước, dầu xức, lửa, mây và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, và bồ câu (GLCG, số 694-701). Nhiều danh hiệu cũng được đặt cho Thánh Thần: Paraclete (đấng bênh vực và an ủi), Thần chân lý, Thần Khí của lời hứa, Thần Khí của nghĩa tử, Thần Khí của Chúa Kitô, Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của vinh quang (GLCC, số 692-693).
Mãi đến năm 381, trong Công Ðồng Côn-tan-ti-nốp, Thánh Thần mới được tuyên xưng chính thức và như một tín lý là "Thiên Chúa, đấng ban sự sống, bởi Chúa Cha (và Chúa Con) mà ra." Ngoài ra còn được tuyên xưng là "cũng được tôn thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã nhờ các tiên tri mà phán dạy." Với những lời tuyên xưng rõ rệt này, Giáo Hội công nhận thiên tính của Thánh Thần như một "ngôi vị", đồng bản tính, nhưng khác biệt với Chúa Cha và Chúa Con ("cũng được tôn thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con" và "bởi Chúa Cha mà ra"), mặc dầu công đồng này không nói rõ ràng rằng Thánh Thần là Thiên Chúa hay "đồng bản tính với Chúa Cha." Ðiều không kém quan trọng là việc Công Ðồng dùng ngôi vị thay vì các loại thể vật chất để gán cho Thánh Thần (Thiên Chúa và Ðấng ban sự sống) và sự đoan quyết về hoạt động của Thánh Thần trong lịch sử (ngài đã nhờ các tiên tri mà phán dạy).
Với những giáo huấn của công đồng chúng ta có thể thêm những nhận biết khác về Thần Linh Học cận đại.
1. Có một sự kết hợp không thể tách rời giữa Chúa Giêsu và Thánh Thần (GLCG, số 689-690, 727-730). Như Yves Congar đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng: "Không thể có Kitô học nếu không có Thần Linh học, và không thể có Thần Linh học nếu không có Kitô học."
2. Cùng có một sự kết hiệp mật thiết giữa Thánh Thần và Giáo Hội. Là nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng là đền thờ của Thánh Thần, đấng đã được gọi là "linh hồn" của Giáo Hội (GLCG, số 731-738).
3. Có sự liên đới về hậu quả giữa Thánh Thần và tất cả các Bí Tích, nhất là bí tích nhập môn. Chính là qua sự cầu khẩn Thánh Thần mà các bí tích đã thành tựu (GLCG, số 739-741, 1091-1109).
4. Có một sự kết hiệp mật thiết giữa Thần Khí và Mẹ Maria đấng thụ thai bởi quyền năng của Thánh Thần (GLCG, số 721-726).
Sống Trong và Bởi Chúa Thánh Thần
Sợ rằng các chân lý đức tin về Thánh Thần tiếp tục có tính cách trừu tượng và không hợp thời, chúng ta, các giáo lý viên phải trình bầy bằng cách nào các chân lý này thực sự đang nhào nặn lối sống của người Kitô và thật vậy, được làm chứng bởi hoạt động của chúng ta. Thánh Thần hoạt động để biến đổi chúng ta về hai phương diện bên ngoài việc phụng vụ và việc cử hành các bí tích.
Phương diện thứ nhất là đời sống chúng ta cũng được gọi là "đời sống trong Thánh Thần." Sách Giáo Lý (số 1697) khuyên rằng chúng ta phải dạy "giáo lý về Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm của cuộc sống theo Chúa Kitô, người khách và người bạn hiền hậu sẽ soi sáng, dẫn dắt, điều chỉnh, và củng cố cuộc sống đó." Trong chiều hướng này, chúng ta phải giải thích rằng các "quà tặng" và "hoa quả" của Thánh Thần (GLCG số 1830-1832) và "phép rửa trong Thánh Thần" là những thực tế hiện hữu cho tất cả các Kitô hữu, không chỉ dành riêng cho phong trào Thánh Linh. Ngoài ra, chúng ta phải đoan quyết rằng những kinh nghiệm về Thánh Thần này có thể được thấy giữa đời sống hàng ngày và không nhất thiết chỉ có trong các biến cố lạ thường, và chúng không những chỉ được dùng để giúp ích cho các cá nhân mà còn được dùng để xây dựng Hội Thánh nữa.
Phương diện thứ hai về các hoạt động của Thành Thần là việc cầu nguyện. "Không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa nếu người ấy không ở trong Thần Khí" (1 Cor 12:3). Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả" (Rm 8:26). "Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi" (Eph 6:18). Thánh Thần không những chỉ là thầy dạy chúng ta cầu nguyện mà người còn cầu nguyện với chúng ta. Thánh Thần cũng là đấng chúng ta phải cầu xin. Chúng ta được khuyến khích phải cầu xin ngài hàng ngày, nhất là vào những lúc nguy kích. Truyền thống Kitô giáo đã cho chúng ta hai bài kinh cầu Chúa Thánh Thần: Ca vịnh "Veni Creator Spiritus" (Thần Khí Tạo Dựng Xin Hãy Ðến), được soạn thảo bởi một tác giả vô danh vào thế kỷ thứ Chín, và bài Veni, Sancte Spiritus (Thánh Thần Khấn Xin Ngự Ðến), có lẽ được soạn thảo bởi Stephen Langton vào thế kỷ thứ Mười Ba. Cũng còn có các bản văn phụng vụ xúc tích hơn cho các giáo lý viên ngoài hai bài kinh trên đây.
Thật thích hợp cho Thiên Chúa giáo nơi ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ mới, vì hai ca vịnh này gợi lên sự đến của Thánh Thần, đấng mà chúng ta gọi là "Ðấng bênh vực", "Cha của người nghèo," "Ðấng ban ân sủng," "Ðấng an ủi nhân từ," và "Người khách của linh hồn."
Chớ gì qua Ngài chúng con có thể hiểu biết Chúa Cha
Và nhận biết Chúa Con;
Và chúng con luôn luôn tin Nơi Ngài,
Thần Khí của cả hai ngôi.
(Câu cuối của bài Veni Creator Spiritus)
Tài Liệu Tham Khảo
Các giáo lý viên có thể thấy các tác phẩm sau đây rất hữu ích: Congar, Yves, I believe in the Holy Spirit, 3 vols. (New York: The Seabury Press, 1983); và Rahner, Karl, The Spirit in the Church (New York: The Seabury Press, 1979).
Các Câu Hỏi Ðể Thảo Luận
1. Chúa Thánh Thần đã có một bộ mặt gần gũi với bạn chưa? Xin giải thích.
2. Bạn đã là chứng nhân cho hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của bạn chưa?
3. Những gì bạn coi là những biểu hiệu lạ thường của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong thế giới này? Những gì bạn coi là những biểu hiệu kém lạ thường? Bạn được thu hút nhiều hay ít về loại nào? Tại sao?
4. Bạn có nghĩ rằng các quà tặng của Thánh Thần đang hiện hữu bên ngoài các cộng đồng Công Giáo không? Bạn dựa trên những gì để trả lời câu hỏi này? Bạn có nghĩ rằng Thánh Thần đang hiện diện trong các cộng đồng ngoại giáo không? Bạn có kết luận nào dựa trên các quan sát của mình?
5. Một bài hát quen thuộc trong một vở ca kịch được trình diễn năm này qua năm khác, "Những Kẻ Khốn Nạn," có câu sau đây: "Yêu kẻ khác là nhìn thấy dung nhan của Thiên Chúa." Bạn có đồng ý rằng chúng ta có kinh nghiệm về Thánh Thần khi chúng ta lựa chọn để yêu thương một người trong tự do? Xin giải thích.
6. Bạn đã có kinh nghiệm của một sự "trở về", một sự "hoán cải" không? Xin giải thích. Bạn có thể cho là nhờ ở đâu bạn đã có kinh nghiệm này?
7. Các hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Bạn muốn có đức tính nào nhất? Bạn có cầu xin để nhận được hoa quả này không?
8. Các hình ảnh của Chúa Thánh Thần gồm có hơi thở, gió, nước, lửa, mây, và bồ câu. Bạn thích hình ảnh nào nhất? Tại sao? Bạn có hình ảnh riêng tư nào mà bạn ưa thích không? Ðó là hình ảnh nào?
9. Khi bạn cầu nguyện, bạn có đôi khi cầu nguyện đặc biệt với Thánh Thần không? Tại sao hay tại sao không?
(Các câu hỏi trên được soạn thảo bởi Tiến sĩ Margaret N. Ralph giám đốc mục vụ giáo dục, Giáo Phận Lexington.)
(Thánh Thần: Thiên Chúa Và Ðấng Ban Sự Sống
Nguyên tác Anh Ngữ của Linh Mục Phan Ðình Cho
Giảng Sư Warren-Blanding về Tôn Giáo và Văn Hóa
Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ
Giáo Sư Bùi Hữu Thư và Bùi Như Mai chuyển Ngữ)