Ðức Chúa Trời
là Cha Phép Tắc Vô Cùng
Dựng Nên Trời Ðất
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Thiên Chúa Cha Và Năm Thánh 2000
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm chính của đức tin và đời sống Công Giáo, làm trọng tâm cho sự chuẩn bị của Giáo Hội cho Năm Thánh 2000. Kể từ 1997 Giáo Hội đã hành trình từ Chúa Kitô và qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, để đến với Chúa Cha. Cuộc hành hương thiêng liêng này sẽ có cao điểm là Ðại Lễ Mừng Năm Thánh 2000 trong sự ca ngợi Ba Ngôi với một Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại La Mã.
Năm thứ ba và là năm cuối cùng của việc chuẩn bị này là năm 1999. Năm này được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cung hiến cho một cuộc nghiên cứu trong chiêm niệm và suy tôn Chúa Cha. Mặc dầu kinh tin kính tuyên dương Chúa Cha trước Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong chiều kích giáo lý, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại đặt Chúa Cha sau cùng trong ba năm chuẩn bị cho Năm Thánh. Ðiều này có lý về phương diện thần học, vì chúng ta, cả Do Thái lẫn dân ngoại, đều chỉ có thể đến với Chúa Cha trong và qua Chúa Con và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (Eph 2:18). Như Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: "Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho" (Mt 11:27; Lc10:22). Muốn biết Chúa Cha chúng ta phải biết và có kinh nghiệm minh nhiên hay tiềm ẩn (explicitly or implicitly) về Chúa Thánh Thần và Chúa Con trước đã.
Trong khi các giáo lý viên dọn bài giảng về Chúa Cha, chúng ta trước hết phải đối diện với câu hỏi: Chúng ta phải nói gì về Chúa Cha? Kinh tin kính của các Tông Ðồ nói về Chúa Cha như sau: "Tôi tin kính Ðức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất," trong khi kinh tin kính Nicêa lại nói: "Chúng tôi tin một Thiên Chúa, là Cha, đấng phép tắc vô cùng, đấng tạo dựng đất trời, mọi vật hữu hình và vô hình." Dĩ nhiên những lời tuyên xưng đức tin về Chúa Cha phải được bổ túc bởi những gì chúng ta đã học hỏi về Thiên Chúa qua Thánh Kinh, Truyền Thống, và suy luận. Ngoài ra, ngày nay còn có vấn đề chúng ta phải nói thế nào về thần tính nói chung và về Chúa Cha nói riêng. Hiển nhiên là cách thức chúng ta nói về Chúa Cha không thể được tách biệt hoàn toàn với những gì chúng ta đã biết về Ngài; tuy nhiên, nội dung và ngôn ngữ là hai vấn đề khác nhau. Cuối cùng, còn có vấn đề linh đạo và mục vụ là ở đâu và làm sao dân Chúa có thể có kinh nghiệm về sự hiện diện và tình phụ tử của Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày. Trong bài này chúng tôi sẽ bàn đến ba vấn đề này nhưng vì lý do sư phạm chúng tôi sẽ đổi ngược thứ tự trình bầy.
Ngày Nay Chúng Ta Có Kinh Nghiệm Về Chúa Cha Ở Ðâu
Trước đây không bao lâu, chúng ta, để chống lại với các người vô thần, các giáo lý viên và thần học gia đã dành khá nhiều nghị lực để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, và có lẽ đã dẫn chứng "Năm Phương Cách" của Thánh Tôma, để bảo vệ sự hợp lý của đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Chắc chắn là vấn đề lý thuyết của sự hiện hữu của Thiên Chúa vẫn có thể làm cho một số người thắc mắc, và đối với họ, siêu hình học vẫn còn đóng một vai trò hữu ích, ngay trong giai đoạn hậu văn minh này. Nhưng đối với đa số mọi người bây giờ, vấn đề chính liên quan đến Thiên Chúa không phải là sự bất hiện hữu của Thiên Chúa, mà là sự vắng mặt hay im lặng của Thiên Chúa. Có rất ít người Do Thái trong số bị tiêu diệt bằng hơi ngạt bởi Ðức Quốc Xã; có ít người Mỹ gốc Phi Châu trong số bị đàn áp bởi sự nô lệ; có ít người Cămbuchia trong số bị tàn sát trong Những Thửa Ruộng Sát Nhân (The Killing Fields); có ít người cha, người mẹ và con cái trong số bị giết tại Rwanda và Bosnia; có ít người trong số bị chết đói tại các quốc gia đệ tam, là những người vô thần hay cần có một chứng minh bằng triết học về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngược lại, giữa những đau khổ bất công không ai hay biết đó họ vẫn tiếp tục cầu nguyện với Thiên Chúa, ngay cả khi họ la thét lên vì tuyệt vọng hay giơ tay lên để phản đối cách giận dữ: và chính vì những người này, với những gì còn lại của đức tin đã tả tơi, vẫn tiếp tục cầu nguyện trong vực sâu của những đau khổ của họ, và kêu lên với Chúa trong nỗi tuyệt vọng đen tối nhất, mà chúng ta, những kẻ sống sót không xứng đáng, có thể và phải cầu nguyện hôm nay, nếu không lời cầu nguyện của họ sẽ bị quên lãng.
Ðiều mà các nạn nhân của sự dữ này hãi sợ không phải là sự bất hiện hữu của Thiên Chúa, mà là sự vắng mặt vô lý và cái im lặng chết chóc của Thiên Chúa. Ðiều làm tan nát đức tin của họ chính là sự kiện Thiên Chúa hiển nhiên hiện hữu nhưng đã không đáp trả lời kêu cứu tuyệt vọng của họ. Và ngay cả những người khá giả đang sống tại các ngoại ô thành phố Hoa Kỳ cũng phản đối lớn tiếng là Thiên Chúa không hiện hữu sau khi họ đã bị tiêu tan sản nghiệp, mang bệnh khó chữa, hay có người thân qua đời. Lời than của họ là Thiên Chúa mà họ tin là có đã không có mặt để giúp đỡ họ. Vì vậy vấn đề không phải là Thiên Chúa không hiện hữu mà là Thiên Chúa là ai, và ở đâu và làm sao có thể tìm thấy Thiên Chúa?
Vậy thì thách đố của những ai tham dự vào sứ vụ tông đồ giáo lý là giúp đỡ con người ngày nay cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Theo đức tin Công Giáo, quyền năng giúp chúng ta cảm nhận được Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, và đấng chỉ cho chúng ta biết cách tìm được Thiên Chúa ở đâu là Con Người, Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần có mặt và hoạt động khắp nơi, không những chỉ giữa những người theo đạo Thiên Chúa mà cả những người không theo đạo Thiên Chúa hay không phải là tín đồ. Do đó, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, kiến thức về Thiên Chúa được đem đến cho tất cả mọi người, dưới hình thức này hay hình thức khác, minh nhiên hay tiềm ẩn. Còn vấn đề ở đâu và làm sao để gặp gỡ Chúa, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bằng chính lời Ngài (đặc biệt là các dụ ngôn), việc làm (nhất là các phép lạ), cái chết và sự sống lại. Liệt kê sau đây chúng tôi không dám cho là đầy đủ hoàn toàn, là những địa điểm và phương cách chúng ta có thể gặp gỡ Chúa qua cuộc đời của Chúa Giêsu:
* trong đời sống gia đình, kinh tế, và chính trị hàng ngày: ăn uống với bạn hữu, nấu ăn, dọn dẹp, một bữa tiệc cưới, một đồng xu đánh rơi, một con chiên lạc, một người con hoang đàng, một ông chủ giầu có thay thế các thực khách bằng người nghèo, mù và què.
* trong những tạo vật tầm thường nhất: cá biển, chim trời, hoa huệ ngoài đồng, một hạt cải, lúa mì và cỏ lùng, bánh và rượu.
* trong tình yêu thiên vị với người nghèo, người bị áp bức, người bệnh tật, người tội lỗi, đàn bà và trẻ con; trong sự tranh đấu, và liên kết với họ để giải phóng họ.
* trong những lúc một mình cầu nguyện trên núi hay tại bờ biển; trong các hành động tử tế đối với người lạ và trong sự tha thứ kẻ thù.
* trong đau khổ và cái chết vô tội, ngay cả trong cái chết nhục nhã trên thập giá.
* trong những lúc được bào chữa và vinh thắng vượt qúa sự mong đợi của loài người; trong việc được đưa đến đời sống siêu việt bên kia lãnh vực của sự chết.
Trong Tông Thư Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa Cha trong năm 1999 trong hành động trở về; trong việc cử hành bí tích thống hối; trong hành động bác ái; trong việc đặc biệt lo lắng đến ngươi nghèo và người bị ruồng bỏ; trong việc giảm thiểu đáng kể, nếu không nói là triệt tiêu, món nợ quốc tế; trong việc tôn trọng nhân quyền của phụ nữ; trong việc cổ võ cho gia đình và hôn nhân; trong việc nuôi dưỡng một nền văn hóa của tình yêu dựa trên hòa bình, liên đới, công lý và tự do; và trong việc đối thoại vói các tôn giáo khác (số 50-53).
Ðấng nào là Thiên Chúa mà chúng ta gặp gỡ trong những biến cố này của cuộc đời? Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) nói về Thiên Chúa như một Thiên Chúa hằng sống (số 205), là đấng tự bầy tỏ mình là "Ta là Ta đây" (số 206-209), là giầu lòng thương sót và nhân từ (số 210-211), là đấng độc nhất (số 212-213), là chân lý (số 214-217), là tình yêu (số 218-221), là đấng toàn năng (số 268-274), là đấng tạo dựng nên những vũ trụ vô hình và hữu hình (số 279-314).
Chúng Ta phải Dùng Ngôn Ngữ Nào Ðể Nói Về Chúa Cha Hôm Nay
Chúa Giêsu không những chỉ bầy tỏ cho chúng ta biết ở đâu và làm sao chúng ta có thể gặp gỡ Chúa mà còn làm thế nào để nói chuyện với Chúa. Sách thánh Do Thái xử dụng nhiều danh hiệu để mô tả Thiên Chúa. Ðặc biệt chữ "Cha" đã được dùng mười một lần để gọi Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của Ít-ra-en, Cha của vua, và nhất là "Cha của kẻ nghèo," của mẹ goá con côi, là những người được Thiên Chúa ưu ái bảo vệ (2 Sam 7:14, TV 68:6). Theo truyền thống này Chúa Giêsu đề cập đến Thiên Chúa là "Cha" và dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, "Lạy Cha chúng con." Tân Ước đặt chữ "Cha" trên môi miệng Chúa Giêsu 170 lần.
Hơn nũa, Thánh Kinh Mác cô (14:36) ghi chép rằng Chúa Giêsu, một cách đặc biệt và có lẽ duy nhất, đã gọi Chúa là "Abba," một tiếng Aram thân mật và kính trọng có thể được dịch là "Ba yêu dấu của riêng con." Trong các truyền thống Thiên Chúa giáo sau này, danh từ "Cha" trở nên "tên riêng" được dành đặc biệt cho Ðấng mà ngày nay được gọi là "Ngôi Thứ Nhất của Ba Ngôi, trong khi "Con" và "Thánh Thần là "tên riêng" để gọi Ngôi Hai và Ngôi Ba theo thú tự.
Vì vậy, có hai đẳng cấp trong đó chữ "Cha" được dùng cho Thiên Chúa. Trước hết, đối với chúng ta và vũ trụ được tạo dựng, Chúa là "Cha" theo nghĩa giải thích bởi cuốn Giáo Lý Công Giáo, "Ngài là nguồn gốc trên hết của vạn vật và có uy quyền siêu việt, và đồng thời Ngài là đấng nhân hậu và thương yêu lo lắng cho tất cả các con cái của mình" (Số 239). Ðẳng cấp thứ hai là mối quan hệ giữa Cha và Con. Ở đẳng cấp này Ngôi Thứ Nhất của Ba Ngôi được gọi là "Cha" vì Ngài từ muôn thuở là Cha trong mối tương quan với Con độc nhất của Ngài (GLCG số 240). Cả hai đẳng cấp được nối kết với nhau; chính mối tương quan vĩnh cửu là Con trong tình phụ tử này đã được chia sẻ với chúng ta trong lịch sử qua Chúa Giêsu thành Nadarét để bây giờ tất cả chúng ta cũng có thể gọi Người Cha muôn đời này là Cha chúng ta.
Tuy nhiên, trên cả hai đẳng cấp, ngôn ngữ chúng ta dùng, mặc dù được mạc khải và cho phép bởi chính Chúa Giêsu, vẫn luôn luôn là loại suy hay tượng trưng (analogic or symbolic). Nghĩa là, khi khẳng định rằng Chúa là Cha chúng ta, chúng ta cũng đồng thời phủ nhận rằng Chúa là Cha theo cách thức những người cha trần thế hành xử như những người cha. Và cuối cùng, chúng ta quy cho Chúa vai trò phụ hệ trong sự bất toàn vô hạn, cho dù chúng ta không biết một người cha hoàn toàn vô hạn phải như thế nào. Thật vậy, có nhiều sự dị biệt hơn là giống nhau giữa vai trò làm cha của Thiên Chúa và của người thường. Do đó, khi gọi Chúa là "Cha", chúng ta không muốn nói rằng Chúa là người nam cũng như những người cha trên trần thế đều là đàn ông. Như sách GLCG viết: "Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt nam nữ của con người. Ngài không phải người nam cũng không phải người nữ: Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt trên tình phụ tử và tình mẫu tử của con người, mặc dầu Ngài là nguồn gốc và thước đo của hai tình đó: không ai là cha như Thiên Chúa" (số 239).
Về thần học, chúng ta biết rằng Chúa không phải người nam, cũng không phải người nữ, nghĩa là Chúa không có phái tính, vì Chúa không có thân xác mà chỉ là thánh linh vẹn toàn. Tuy nhiên, vì chúng ta tin rằng Chúa là con người trong trí tưởng tượng của chúng ta, cho nên mặc dầu chúng ta có thể giỏi về thần học, chúng ta vẫn đương nhiên hình dung ra Chúa là nam hay nữ, hay cả hai phái tính. Nói cách khác, dù cho Thiên Chúa không có "phái tính" (sex), Thiên Chúa có "giống" (gender), nghĩa là phương cách theo đó chúng ta cảm nhận Thiên Chúa là giống đực hay giống cái. Dĩ nhiên, Thánh Kinh và Truyền Thống Công Giáo thông thường miêu tả (nhưng không khẳng định) Thiên Chúa bằng lời hay bằng tác phẩm nghệ thuật là người nam. Nhưng như GLCG đã khẳng định, "Sự dịu hiền phụ mẫu của Thiên Chúa cũng có thể được biểu lộ bằng hình ảnh của người mẹ (Isa 66:13; TV 131:2), và nhấn mạnh tính nội tại của Thiên Chúa, và sự thân mật giữa Ðấng Tạo Hóa và tạo vật" (số 239).
Vì trí tưởng tuợng về tôn giáo của chúng ta đã được điều chế từ bao lâu để hình dung và để quan hệ với Chúa như người nam, chúng ta cần làm cho trí óc này gạt bỏ được lối xử dụng thuần túy và tổng hợp của hình ảnh Thiên Chúa là người nam. Trí óc này cần được chữa trị bằng một hình ảnh thuần túy và tổng hợp của bản thân, thế giới, và Thiên Chúa để có thể nên toàn hảo trở lại, để cho trong hình ảnh, ngôn ngữ, biểu tượng, cách diễn tả nghệ thuật, và thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta có thể tránh tạo dựng những tượng thần về Thiên Chúa và cấu tạo những cơ chế đàn áp phụ nữ. Ðây chính là điều GLCG khuyến khích chúng ta làm trong lời bình về chữ thứ nhất của kinh Lạy Cha: "Trước khi nhận làm của mình sự phấn khích đầu tiên này của kinh Lạy Cha, tưởng cũng nên khiêm nhường thanh tẩy tâm hồn khỏi một số hình ảnh sai lầm của "trần gian này". Sự thanh tẩy tấm lòng sẽ giúp ta gạt bỏ hình ảnh người cha hoặc người mẹ xuất phát từ lịch sử bản thân hoặc lịch sử văn hóa, bởi vì những hình ảnh này có thể ảnh hưởng đến liên lạc giữa ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa, Cha chúng ta, siêu việt trên tất cả những phạm trù của vũ trụ thụ tạo. Ướm vào Ngài, hoặc gạt bỏ khỏi Ngài những ý tưởng của chúng ta trong lãnh vực này sẽ là tạo ra những thần tượng mà ta muốn thờ lạy hay đạp đổ" (số 2779). Trong mối liên hệ này chúng ta cảm thấy thích thú khi ghi nhận rằng Công Ðồng Thứ Mười Một ở Toledo (675) đã dùng một hình ảnh nữ để diễn tả sự phát sinh vĩnh hằng của Con từ Cha: "Chúng ta phải tin rằng Chúa Con được sinh ra mà không phải tạo thánh (genitus vel natus) từ trong lòng Chúa Cha (de Patris utero), nghĩa là, từ chính bản thể của Ngài, không phải từ hư không hay từ một bản thể nào khác."
Thiên Chúa, Mầu Nhiệm Thánh Thiện và Yêu Thương
Vì Chúa rất khó thấu đạt và diễn tả, tất cả kiến thức và ngôn ngữ của chúng ta về Chúa cuối cùng thì cũng thất bại. Thực vậy, như thánh Tôma Aquina đã nói, chúng ta chỉ biết cái mà Chúa là, thay vì Chúa là gì. Ðiều này cũng đúng đối với Chúa Cha, cũng như Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, tất cả ngôn ngữ của chúng ta về Chúa chỉ là những lời nói ngọng nghịu và phải chấm dứt bằng sự thờ phượng trong thinh lặng và tôn vinh tràn đầy kinh sợ trước mầu nhiệm thánh đang bao bọc chúng ta trong tình yêu thánh hóa vô bờ bến. Nhưng vì chúng ta không thể giữ thinh lặng về Chúa trong khi chúng ta còn sống, chúng ta phải bủa lưới thật xa và rộng để xử dụng tất cả mọi tài nguyên khiến cho kinh nghiệm con người trong sự phong phú đa dạng có thể làm cho ngôn ngữ chúng ta nói về Chúa ít ra cũng có thể càng ít thiếu sót và sai lạc càng tốt. Ðó chính là điều mà Thánh Kinh, Truyền Thống và thần học đã làm. Có lẽ cần đề cập ở đây là những nguồn tài nguyên phong phú nhất và sâu xa nhất của kiến thức chúng ta về Thiên Chúa là những tài liệu viết bởi các nhà thần bí và các thi sĩ cũng như các tác phẩm của các nghệ sĩ, và các tài nguyên này cần được khai phá cho việc dạy giáo lý về Chúa Cha.
Khi nói về Chúa Cha các thần học gia đương thời đã cố gắng làm cho ngôn ngữ cổ truyền về tình cha được phong phú hơn bằng cách dùng các biểu tượng, các phép ẩn dụ, và hình ảnh. Ðôi khi các thành ngữ phi ngôi vị được dùng (thí dụ, Nguyên Tắc không nguyên tắc, Nguồn Gốc không bắt nguồn, Căn Bản của Hữu Thể, Khôn Ngoan [Sophia], Mầu Nhiệm Tuyệt Ðối); có lúc khác nhiều thành ngữ có ngôi vị lại được dùng (thí dụ, mẹ, người yêu, bạn hữu). Cần ghi nhận ở đây là những cách mới để chỉ Chúa Cha này không được dùng để thay thế cho cách dùng cổ truyền về Chúa Cha, nhưng chỉ là những phương cách phụ để tránh có sự chuyên nhất và phiến diện và để diễn tả các cách thức khác nhau theo đó mọi người cảm nhận và liên hệ với Thiên Chúa.
Ðể kết luận bài suy niệm về Chúa Cha tôi muốn nêu cao ba nhận thức có thể hữu ích cho những người đã sống trong một thời đại phải chứng kiến những sự dữ khủng khiếp như cuộc diệt chủng người Do Thái và đã trở nên nghi ngờ về khả năng suy luận và cư xử hiền lành của con người. Ðiều thứ nhất là Thiên Chúa là Mầu Nhiệm. Mầu nhiẹm không có nghĩa là một câu đố tối nghĩa cần được giải đáp nhưng là sự thật của ánh sáng tinh khiết làm chúng ta bị mù loà không phải vì nó là đêm tối mà vì đó là ánh sáng chói lòa. Là ánh sáng u tối hay ánh sáng chói lòa, Thiên Chúa là điều kiện của sự khả dĩ cho chúng ta có thể biết được một cái gì đó. Chính trong ánh sáng của Ðêm Tối thiêng liêng này mà chúng ta biết cái chúng ta biết. Vì vậy biết Chúa không phải là để xâm nhập vào và nắm vững khái niệm về Mầu Nhiệm thiêng liêng, nhưng là để phục tùng Thiên Chúa như Mầu Nhiệm của đời sống chúng ta một cách khiêm tốn và yêu thương.
Nhận thức thứ hai là Thiên Chúa là Mầu Nhiệm Thánh Thiện. Là Mầu Nhiệm, Thiên Chúa cư ngụ trong ánh sáng không thể lại gần được. Nhưng là Mầu Nhiệm Thánh Thiện, Thiên Chúa đã âu yếm ban chính Mình cho chúng ta qua Chúa Con và Thánh Thần. Trong qùa tặng của chính Ngài cho chúng ta, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài là mối quan hệ yêu thương. Nhưng Thiên Chúa là mối quan hệ không những chỉ với chúng ta nhưng trên hết là trong đời sống nội tâm và vĩnh cửu của Ngài. Ðây chính là căn bản của ý nghĩa khi chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là "những ngôi vị". Ba ngôi là những "ngôi vị" vì có liên hệ vĩnh cửu với nhau: "Cha", vì phát sinh ra Con và phát nguồn ra Thánh Thần; "Con", vì sinh ra bởi Cha và phát nguồn ra Thánh Thần; và "Thánh Thần", vì được phát nguồn đồng thời từ cả Cha lẫn con. Ðây là ý nghĩa của câu nói Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8, 16). Thiên Chúa là tình yêu không những vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, mà trên hết còn vì có một mối quan hệ yêu thuơng trong chính đời sống của Thiên Chúa.
Nhận thức thứ ba là Thiên Chúa có lòng trắc ẩn, không chỉ theo ý nghĩa lòng lành, mà còn theo ý nghĩa của sự chịu đựng đau khổ vì chúng ta và với chúng ta. Mặc dù quyền năng cao cả và bất biến, Thiên Chúa tự do chấp nhận đau khổ và sự chết, vì yêu thương và để liên kết với chúng ta, nhất là những ai nghèo khó và bị áp bức. Vì "lòng trắc ẩn" của Thiên Chúa chúng ta có thể hy vọng là những khổ đau của chúng ta, dù to lớn và vô lý đến đâu, cũng có thể vượt qua vì chính khổ đau và sự chết đã được đưa vào tận đáy lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
(Nguyên tác Anh Ngữ của Linh Mục Phan Ðình Cho
Giảng Sư Warren-Blanding về Tôn Giáo và Văn Hóa
Ðại Học Công Giáo Hoa Kỳ
Giáo Sư Bùi Hữu Thư và Bùi Như Mai chuyển Ngữ)