101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương VII

Thỏa Niềm Cậy Trông

Trở Về Trần Thế

 

Câu Hỏi 101: Trong trời mới đất mới ấy, cái gì sẽ xảy đến cho những thành tựu chúng ta đã đạt được trên trần thế này? Trời mới đất mới ấy có liên hệ như thế nào với những điều chúng ta mong đợi cho cuộc sống của mình?

 

Giải Ðáp 101:

Khi trả lời phần đầu của câu hỏi này cũng như những câu hỏi khác thuộc loại này, thái độ thích hợp nhất là thái độ khiêm tốn trí thức, xưng thú là mình không biết. Như Vatican II đã nói: "Chúng ta không biết thời điểm cùng tận của trái đất và của loài người, cũng không biết vũ trụ sẽ được biến đổi theo cách nào... Khi chúng ta đã bày ra trên mặt đất này những hoa trái của bản tính và sự nghiệp của chúng ta - phẩm giá con người, tình hiệp thông anh chị em một nhà, và tự do - theo lệnh Chúa dạy và trong Thần Khí của Người, thì chúng ta sẽ tìm lại được nó, mà lần này thì nó đã được sạch khỏi vết tội lỗi, sáng ngời và rạng rỡ, khi Ðức Kitô dâng lên Cha của Người một vương quốc vĩnh hằng gồm cả vũ trụ, vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của thánh thiện và ân sủng, của công bình, yêu thương và bình an. Dưới đất này đây, vương quốc ấy hiện diện cách huyền bí; còn khi Chúa đến, nó sẽ đạt mức tuyệt hảo của nó" (Vui mừng và Hy vọng, số 39).

Vậy niềm cậy trông của Giáo Hội là trong số những gì là chơn thật, tốt lành và cao đẹp mà gia đình nhân loại đã sản sinh, không có gì sẽ bị mất đi; sau khi được tinh luyện hết những vết bất toàn của nó, các tác phẩm ấy sẽ có được một vị trí thích hợp và trường tồn trong vương quốc vĩnh hằng. Còn những thành quả ấy có thể ra sao, thì hiểu biết chúng ta có giới hạn, là chính giới hạn của trí tưởng tượng con người vậy. Ít nhất có một nhà thần học đã say sưa tưởng tượng để nói về những "Lâu đài Khoa học, Nghệ thuật, Văn chương, Toán học, trong đó tất cả mọi thành tựu của con người sẽ được ghi giữ... Những Lâu đài Âm nhạc... Lâu đài Tâm lý... Lâu đài Cận tâm lý... Vật lý học... Vũ trụ học... Triết học... Du lịch giữa các hành tinh, Du lịch giữa các vì sao, giữa các thiên hà..." (E. J. Fortman, Eternal Life after Death, 316). Dĩ nhiên là danh mục còn có thể dài ra mãi.

Người ta có thể cười thầm khi đọc danh mục trên, coi đó chỉ như là những ước mơ của trẻ con trong ngày lễ Noel. Và nếu danh mục trên bị hiểu là một văn bản căn cứ trên thực tế để tả vương quốc vĩnh hằng là như thế nào, thì chắc chắn Feuerbach và Marx và Freud sẽ có lý mà nói rằng thiên đàng chẳng qua là chuyện suy bụng ta ra mà thôi. Nhưng điều mà các nhà tư tưởng ấy cùng với óc tưởng tượng của các ông không nắm bắt được, đó là danh mục trên hoàn toàn không phải là bài tả cảnh, căn cứ trên thực tế, về cuộc sống sau cái chết, mà là tiếng nói của trái tim đầy khát vọng của con người, một trái tim đã được tạo nên như thế nào mà nó trăn trở không nguôi cho đến khi được nghỉ yên trong Thiên Chúa. Không có niềm khát khao và hy vọng này, trái tim con người teo héo và chết khô, và con người mất hết phẩm giá của mình. Trong khi mường tượng những chuyện diệu kỳ kia, thì nó lại trông cậy rằng Thiên Chúa sẽ bảo toàn, cách nào đó chúng ta không biết, tất cả những gì là thật, là tốt và là đẹp, mà chúng ta đã hoàn thành trên cõi đời này, bởi nó không là gì khác ngoài những tia sáng - dẫu có mờ nhạt và bé nhỏ - phản chiếu những Chân, Thiện và Mỹ của chính Thiên Chúa.

Ðến phần thứ hai của câu hỏi, chúng ta phải nhớ rằng cánh chung học là trình thuật của hy vọng, niềm hy vọng đã hừng sáng thuở khai sinh lịch sử loài người, khi ThiênChúa hứa sẽ cứu độ loài người sa ngã; niềm hy vọng được định hướng trong lời hứa của Thiên Chúa với ông Abraham và trong giao ước của Người với dân Híp ri; niềm hy vọng được các ngôn sứ và tác giả khải huyền vun đắp; đã từng được mãn nguyện trong Ðức Giêsu Nazarét; hiện được Giáo Hội nâng đỡ; và sẽ được thực hiện cách dứt khoát và hoàn hảo trong Vương Quốc vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Trông cậy như thế không phải là ngồi đó nhởn nhơ mong chờ. Ngọn lửa đức cậy luôn cháy sáng nhờ đức tin năng động trong tình mến. Niềm trông cậy này có được no thỏa nơi bản thân bạn và tôi hay không, điều này không lệ thuộc mức kiến thức của chúng ta, ngay cả về khoa cánh chung học, hoặc tùy vào việc chúng ta theo thuyết tiền, hậu, hay phi thiên niên. Ðúng hơn phải nói nó tùy thuộc vào tình yêu vững bền mà ThiênChúa dành cho chúng ta và chiều sâu của lời đáp của chúng ta, lấy tình yêu đối với những gì thuộc về Người - là những con cái và trái đất Người đã tạo dựng - đáp trả tình yêu của Người.

Như vậy, thiên đàng đưa chúng ta trở về trái đất, trở về lòng thế giới, nơi mà trong tự do và tình yêu, và thuần bởi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta tạc nên chân dung vận mạng đời đời của chúng ta.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page