101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương VII
Thỏa Niềm Cậy Trông
Trở Về Trần Thế
Câu Hỏi 97: Sẽ có một cuộc phán xét chung không? Tại sao phải có một cuộc phán xét khác nữa nếu chúng ta đã được phán xét khi chết? Cuộc phán xét chung chẳng phải là thừa hay sao?
Giải Ðáp 97:
Kinh Tin Kính tuyên xưng Ðức Kitô sẽ lại đến "để phán xét kẻ sống và kẻ chết". Dĩ nhiên là cuộc phán xét cuối cùng này không lặp lại "cuộc phán xét riêng": chúng ta sẽ không bị đày đọa đến mức như ở chỗ này mà cũng có chuyện "họa vô đơn chí" đâu. Niềm tin Thiên Chúa sẽ phán xét các dân nước và Israel có cội nguồn rất sâu xa trong giáo huấn các ngôn sứ: Thiên Chúa xuất hiện như người mục tử phân loại các con vật tốt xấu trong đàn chiên của mình (Ed 34,17-22), như một nhà nông vào mùa gặt hái (Is 27,12; Gr 15,7), như người đạp bồn ép nho (Is 63,1-6), và như một chủ lò luyện kim (Ed 22,18-22). Tuy vậy, "Ngày của Ðức Chúa" sẽ mang theo không chỉ có hình phạt mà còn có ơn cứu độ nữa: Thiên Chúa sẽ lại một lần nữa tươi nét mặt nhìn đến dân Người và các dân nước.
Trong hai khía cạnh của cuộc phán xét, khía cạnh cứu độ lại còn được nhấn mạnh nhiều hơn từ thời lưu đày, đặc biệt trong các sách Êzêkien và Isaia đệ nhị. Trong văn chương khải huyền, sự phán xét của Thiên Chúa chiếm một vị trí ưu việt, với những trình thuật sinh động và khởi sắc phác họa đủ thứ những gì xoay quanh các phiên án, nào là các chỗ đứng ngồi, nhân vật, thủ tục, nào là những sách, những cân và cách thức tra tấn. Tuy nhiên, mục tiêu các đoạn văn ấy không phải là gây sợ hãi, nhưng là gợi lên niềm tin cậy trong lòng những ai vì Ðức Chúa mà phải chịu ngược đãi.
Trong Tân Ước, Ðức Giêsu được miêu tả như đang loan báo cuộc phán xét đang tới, trong mọi giai đoạn sứ vụ của Người. Ví dụ trong Bài Giảng trên núi (Mt 5,22.26.29; 7,1.21.24-27), trong diễn từ cho các môn đệ (Mt 10,28.33), trong diễn từ cánh chung (Mc 13 và //), trong các lời Người nói với nhóm Pharisêu (Mt 23,13-25), và cuối cùng trong một số dụ ngôn quan trọng hơn (như Lc 16,1-8.19-31; Mt 22,11tt; 24,37tt; 25). Chính bản thân Ðức Kitô được nhắc đến như là vị thẩm phán trong cuộc phán xét cuối cùng này, nên "Ngày của Ðức Chúa (Yavê)" của Cựu Ước trở thành "Ngày của Chúa" (1Cr 1,8; 1Tx 5,2; Dt 10,25).
Vì thế, cuộc phán xét chung có công dụng biểu lộ tư cách làm chúa tể của Ðức Giêsu và quyền bính của Người. Bấy giờ mỗi người chúng ta sẽ hiểu được kế hoạch Thiên Chúa dành cho thế giới, và nhận ra trong đó vai trò của Ðức Giêsu cũng như vai trò của chúng ta. Như lời xác định trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: "Phán xét chung sẽ diễn ra khi Ðức Kitô quang lâm... Người sẽ dùng Chúa Con là Ðức Giêsu Kitô để ra phán quyết chung thẩm về toàn bộ lịch sử. Bấy giờ chúng ta sẽ thông hiểu ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình sáng tạo, mầu nhiệm cứu độ và những con đường kỳ diệu Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng" (số 1040).
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page