101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương VII

Thỏa Niềm Cậy Trông

Trở Về Trần Thế

 

Câu Hỏi 87: Chúng ta có thể nhận ra cuộc giáng lâm lần thứ hai của Chúa Kitô qua những điềm nào?

 

Giải Ðáp 87:

Ðiều khá lý thú là chính các môn đệ cũng đã đặt câu hỏi này với Ðức Giêsu: "Xin Thầy nói cho chúng con biết: khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế?" Trước khi bàn về các "thời điềm", nên nhớ lại rằng Diễn Từ trên Núi Ôliu nói về cả hai biến cố: Giêrusalem bị tàn phá (điều xảy ra năm 70 CN) và cuộc giáng lâm lần thứ hai có tính cánh chung vào "ngày tận thế". Hai trọng tâm đi đôi với nhau này làm cho công việc giải thích các điềm thời thế mạt trở nên rất ư là phiêu lưu. Cũng cần phải nhớ rằng các lời ngôn sứ trong Kinh Thánh thường thường rút ngắn thời gian trong đó sự việc được báo sẽ xảy ra, và dùng các biến cố lịch sử làm điềm báo các biến cố cánh chung. Nói cách khác, bởi vì các lời ngôn sứ trong Kinh Thánh không nói rõ các thời hạn có thể ngắn dài bao nhiêu giữa các biến cố được tiên báo (chẳng hạn giữa cuộc tàn phá Giêrusalem và ngày tận thế), nên người ta có cảm tưởng các biến cố xảy ra cùng một thời với nhau (rút ngắn). Các lời ngôn sứ cũng xem các biến cố lịch sử như một bước tiến trong việc ứng nghiệm lời sấm về các biến cố cánh chung tương lai (chẳng hạn cảnh Giêrusalem điêu tàn là điềm báo thời sau hết).

Một khi đã nắm vững những điều nói trên, chúng ta có thể liệt kê một số các thời điềm:

(1) Những kitô giả: "Vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta là Ðấng Kitô", và họ sẽ lừa gạt được nhiều người" (Mt 24,5).

(2) Những xung đột lan rộng trên thế giới: "Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã... Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ" (Mt 24,6-7).

(3) Những thiên tai: "Sẽ có những cơn đói kém và những trận động đất ở nhiều nơi" (Mt 24,7).

(4) Người có đức tin sẽ bị ngược đãi: "Người ta sẽ nộp anh em... và sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy" (Mt 24,9).

(5) Tội ác gia tăng: "Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi" (Mt 24,12).

(6) Tin Mừng được lan rộng khắp thế giới: "Và Tin Mừng sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết" (Mt 24,14).

(7) "Ðồ Ghê Tởm Khốc Hại": "Khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Ðồ Ghê Tởm Khốc Hại mà ngôn sứ Ðaniel đã nói đến - người đọc hãy lo mà hiểu! - thì bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi" (Mt 24,15). Ðồ Ghê Tởm Khốc Hại chỉ về các biến cố năm 70 CN: quân Rôma đã làm ô uế Ðền Thờ bằng cách đem vào đó các cờ hiệu của chúng, đập phá, đốt cháy Ðền Thờ, và lấy các bảo vật trong đó mang về Rôma.

(8) Bấy giờ xảy ra "cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa" (Mt 24,21).

(9) Cuối cùng, "ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia" (Mt 24,29-31).

Chúng ta phải nghĩ gì về các điềm ấy? Rõ ràng chúng là một mớ hình ảnh khải huyền không thể và không được hiểu sát nghĩa đen, như những bức họa diễn tả từng chi tiết cảnh tượng thời sau hết. Nhưng lại có một biến cố lịch sử được nhắc đến ("Ðồ Ghê Tởm Khốc Hại") làm điềm báo các biến cố thời sau hết. Như đã nói trên, Diễn Từ Trên Núi Ôliu có hai trọng tâm. Một đàng, liên quan đến cuộc tàn phá Ðền Thờ, lời tiên báo của Ðức Giêsu đã được ứng nghiệm. Phải chăng chính đó là điều Người muốn ám chỉ khi nói câu mà Thánh Matthêu đã ghi lại: "Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra [nghĩa là Giêrusalem bị tàn phá, khoảng bốn mươi năm sau]" (24,34). Ðàng khác, liên quan đến các biến cố cánh chung, Ðức Giêsu chỉ đưa ra những điềm báo theo khuôn sáo khải huyền thôi, và thúc giục thính giả hãy tỉnh thức: "Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến" (Mt 24,42).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page