101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương VII
Thỏa Niềm Cậy Trông
Trở Về Trần Thế
Câu Hỏi 83: Trong kinh Tin Kính, cùng với tín điều kẻ chết sống lại, chúng ta tuyên xưng Ðức Giêsu "sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết". Thánh Phaolô nói gì về sự kiện Ðức Giêsu "sẽ lại đến" này?
Giải Ðáp 83:
Sự kiện Ðức Giêsu "sẽ lại đến" này được hiểu theo nghĩa chữ Hy Lạp parousia. Trong tiếng Hy Lạp cổ điển, từ này thường có nghĩa là "đến" hoặc là "hiện diện" (danh từ); trong tiếng Hy Lạp thế kỷ IV-I trước CN, nó có thể chỉ cuộc ngự giá của một ông vua, cuộc "quang lâm". Trong Tân Ước, parousia được dùng để chỉ cuộc xuất hiện vinh quang của Ðức Kitô mà mọi người mong đợi sẽ diễn ra vào ngày tận thế. Nó không được dùng để chỉ lần thứ nhất Chúa đến trong trần thế, vì người ta nghĩ rằng lúc ấy, Người đến trong cảnh khiêm hạ chớ không vinh hiển. Không thấy trong Tân Ước có cụm từ người ta thường hay dùng, "Chúa đến lần thứ hai" (mặc dù trong thư Do Thái 9,28 chúng ta đọc: "Ðức Kitô... sẽ xuất hiện lần thứ hai"). Có lúc từ epiphaneia - nghĩa là cuộc hiện diện - được dùng thay cho parousia (2Tx 2,8; 1Tm 6,14; 2Tm 4,1-8). Cuối cùng, apocalupsis - nghĩa là sự khải thị, vén mở - có khi cũng được dùng cùng nghĩa với parousia (1Cr 1,7; 2Tx 1,7; 1Pr 1,7; 4,13).
Dĩ nhiên, khái niệm Thiên Chúa đến có nguồn gốc sâu xa trong kinh nghiệm mà dân Híp ri đã từng có về sự hiện diện đa dạng của Thiên Chúa, trong suốt lịch sử của họ, đặc biệt với lời các ngôn sứ loan báo về "Ngày của Ðức Chúa", vừa là ngày cứu độ vừa là ngày phán xét. Như chúng ta đã thấy, trong văn chương khải huyền, niềm mong đợi ngày Thiên Chúa đến, hiểu là để bênh vực người công chính, đã được cường điệu rất đậm nét.
Các sách Tân Ước tuyên bố rằng niềm trông đợi này đã đạt tới mức viên mãn vào thời Ðức Giêsu sống tại thế và chu toàn sứ mạng của Người; nơi bản thân Người, thời sau hết - được hiểu là thời Triều Ðại Thiên Chúa đến - đã được khai sinh. Sau cái chết và cuộc phục sinh của Người, căn cứ vào chính lời hứa của Người, đã dậy lên trong lòng các môn đệ một niềm trông mong tha thiết được thấy Người sớm trở lại trong vinh quang, với tư cách là Chúa và Thẩm Phán.
Lời đầu tiên nói lên niềm tin vào cuộc quang lâm của Ðức Kitô nằm trong hai đoạn văn của Thánh Phaolô mà chúng ta đã cứu xét trong phần giải đáp các câu hỏi 75-76, tức là 1Tx 4,13-17 và 1Cr 15,23-28.50-52; nên chúng ta cho qua ở đây. Nhưng còn có một đoạn văn quan trọng khác mà giờ đây chúg ta phải học hỏi, là 2Tx 2,1-12.
Khuynh hướng các học giả Kinh Thánh hiện đại là xem 2Tx như là loại mạo thư, nghĩa là tác phẩm do một người khác, nhưng mạo danh là Phaolô, viết gởi đến cho cộng đoàn tín hữu Thêsalônica, để xóa tan một trong số các hiểu lầm liên quan đến giáo huấn của thánh nhân về "Ngày của Ðức Chúa". Trước đó, trong Tx, Thánh Phaolô đã bảo đảm với họ rằng Ngày của Chúa sắp đến nơi. Nhưng rồi thời gian trôi qua, có thể là mười năm hay hơn nữa sau khi thánh nhân qua đời, các tín hữu Thêsalônica bắt đầu thắc mắc không biết lời giảng dạy của ngài về cuộc trở lại sắp đến của Ðức Kitô trong vinh quang có đúng hay không. Tác giả của 2Tx cố gắng xử trí cơn khủng hoảng đức tin này, trước hết bằng cách khẳng định lại niềm tin vào cuộc quang lâm của Ðức Kitô, và kế đó, bằng cách chú giải điều ấy trong bối cảnh mới.
Với ngôn ngữ xanh dờn rút ra từ thể văn khải huyền Cựu Ước, tác giả cho hay là những ai quấy rầy giáo đoàn Thêsalônica sẽ bị trừng phạt "khi Chúa Giêsu từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người, trong ngọn lửa cháy bừng". Họ sẽ "lãnh án diệt vong muôn đời, xa thánh nhan Chúa và quyền năng vinh hiển của Người, khi Người đến trong ngày ấy để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người, và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin" (1,7-10).
Trong lúc ông khẳng định hùng hồn sẽ có cuộc quang lâm, tác giả quở trách những ai trong thành phố Thêsalônica đã gây hoang mang cho cộng đoàn với lời "quả quyết (và khoe là được một trong các bức thơ của thánh nhân ủng hộ!) rằng ngày của Chúa gần đến" (2,2). Khi cố diễn giải lại giáo huấn của Thánh Phaolô về cánh chung để đáp ứng các thách đố của cộng đoàn tín hữu, tác giả dùng một ngôn ngữ úp úp mở mở cho hiểu rằng một "dấu hiệu", chưa hẳn là gần kề, sẽ phải xảy ra trước cuộc quang lâm của Ðức Kitô. Cuộc quang lâm không phải là sắp đến nơi, nếu chưa "có hiện tượng chối đạo, và người ta (chưa) thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ (này) tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Ðền Thờ Thiên Chúa, tự xưng là Thiên Chúa" (2,3-4). Lần nữa, các hình ảnh lại được rút ra từ văn chương khải huyền Cựu Ước, đặc biệt là sách Ðaniel. "Người gian ác", "đứa hư hỏng", toan "ngồi trong Ðền Thờ Thiên Chúa" có thể ám chỉ Antiochos IV Epiphane (Ðn 12,11) hoặc cũng có thể là hoàng đế Rôma Caligula (Mc 13,4).
Tác giả tiếp tục nói bóng nói gió ngầm chỉ hai đối tượng: một điều gì đó (một quyền lực) và một ngươì nào đó hiện còn "cầm giữ" "tên gian ác" trong một thời gian. Sau khi quyền lực khống chế này hoặc con người này bị cất đi, bấy giờ "tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giêsu sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm [parousia]. Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng và đủ mọi mưu gian chước dối" (2,8-9). Trong hình ảnh cái quyền lực và con người có sức kềm chế, người ta nhận ra nhiều thực tại khác nhau, như đế quốc Rôma, hoàng đế Rôma, một quyền lực trong ngũ hành hay của thiên sứ nào đó, Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, việc rao giảng tin mừng, và chính bản thân Thánh Phaolô. Lại một lần nữa, ngôn ngữ là của loại khải huyền, gợi nhớ một "thánh chiến" giữa các quyền lực sự dữ và Ðức Kitô.
Rất thú vị mà ghi nhận rằng cùng lúc ông nhấn mạnh thực sự quang lâm của Ðức Kitô, tác giả đã khéo tránh không bàn luận gì tới ngày giờ chính xác của biến cố, không phác họa một cảnh tượng nào của thời sau hết. Trọng tâm duy nhất của ông là làm cho cộng đoàn tìm lại niềm tin vào chiến thắng tối hậu của Ðức Kitô trên mọi sự dữ. Quả vậy, quyền năng của Người đích thật là thế!
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page