101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương VI

Kẻ Chết Sống Lại

Một Cuộc Sum Họp Vui Vầy

 

Câu Hỏi 74: Khi đặt ra những câu hỏi như thế, có phải Thầy ngầm cho hiểu rằng, giữa cái xác phàm phải chết và cái thân thể phục sinh, không có và không thể có sự đồng nhất không?

 

Giải Ðáp 74:

Không phải vậy đâu. Các câu hỏi trên không nhằm quả quyết là không thể có chuyện phục sinh, cũng không nhằm phủ nhận người chết và người được chỗi dậy là cùng một người như nhau. Ðúng hơn, các câu hỏi đó muốn cho thấy rằng: (1) không thể nào rút ra từ những tài liệu Kinh Thánh và huấn quyền Giáo Hội những giải đáp cho các câu hỏi có tính cách khoa học liên quan đến sự đồng nhất giữa cái xác chết và thân thể phục sinh; (2) những khái niệm dân gian về tính thuộc cùng một cái tôi (vd. cũng mang cùng những bộ phận cơ thể đó) không giúp cho hiểu được tính đồng nhất của con người phục sinh là gì; và (3) những cố gắng để nói một cái gì đó có tính cách chuyên môn hơn là nói khái quát rằng "người chết và người phục sinh cũng chỉ là một", nhất là trong vấn đề thân thể phục sinh, những cố gắng ấy chắc chắn đẻ ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời.

Vậy tôi muốn biện minh rằng không thể dùng những đoạn văn như các đoạn văn sau đây để bênh vực một luận thuyết đặc biệt nào về tính đồng nhất của thân xác: "Chúng tôi tuyên xưng thân xác mọi kẻ chết sẽ sống lại thật sự; chúng tôi không tin rằng chúng tôi sẽ phục sinh trong một thân xác huyền mơ siêu trần hay một loại thân xác nào khác (như có người ngông cuồng tuyên bố), nhưng là trong cái thân xác mà chúng tôi có khi sống và tồn tại và cử động" (Công Ðồng Toledo XI năm 675). Cũng không thể hiểu câu xác minh của Ðức Lê-ô IX - "Tôi cũng tin vào sự sống lại thật của chính cái thân xác mà tôi hiện mang" - ngụ ý rằng thân thể phục sinh sẽ có cùng một cấu trúc thể lý như thân xác mà tôi hiện có. Ðức tin Kitô giáo chỉ tin nhận rằng, giữa người sống và người sống lại, có đồng nhất trong dị biệt, có liên tục trong biến đổi; còn tính đồng nhất hoặc liên tục ấy được bảo toàn như thế nào thì đó là đề tài dành cho các khoa sinh học, tâm lý học, triết học và thần học, để nó phát minh lối giải thích hợp tình hợp lý nhất.

Theo hiểu biết của riêng tôi thì tính thuộc cùng một cái tôi của con người không hệ tại ở chỗ có cùng một thể xác trong ngày phục sinh, mà là có cùng một lịch sử. Lịch sử này gồm tất cả những gì tôi đã hoàn thành trong đời tôi, trong và nhờ bao nhiêu cái mà tôi đã lựa chọn cách tự do và những việc tôi đã làm để thể hiện những lựa chọn ấy. Rõ ràng là vì không những tôi mang cái thân xác của tôi mà cái thân xác ấy cũng chính là tôi nữa [x. trong tiếng Việt, "bản thân này", "thân này" = "tôi"; cũng như những cụm từ "thân phận", "dấn thân", "đem thân", "một thân một mình", "làm chết xác" v.v..., với "thân" hay "xác" đưa về chủ thể - ND], cho nên tôi không thể trở thành cái là tôi trong và nhờ những gì tôi đã chọn và những gì tôi đã làm mà không thông qua thân xác tôi. Tuy rằng thân xác tôi không ngừng thay đổi trong đời tôi và sau khi chết thì sẽ bị rữa nát, nhưng cái còn lại trong tôi là tính thuộc "loài mang thể xác", mà tôi đã định hình qua các chọn lựa tự do và các việc làm của tôi. Chính cái "thân xác tính" này (do tôi có một thân xác chớ nó không đồng nhất với thân xác ấy) cùng với "linh hồn" tôi là thành phần cấu tạo con người tôi, và chính cái tôi này sẽ đích thân "chỗi dậy". Nói cách khác, chính lịch sử cụ thể đời tôi, đã trở thành dứt khoát và chung kết trong cái chết, là cái sẽ "phục sinh", nghĩa là được Thiên Chúa đón nhận và ban cho một sự sống khác.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page