101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương VI

Kẻ Chết Sống Lại

Một Cuộc Sum Họp Vui Vầy

 

Câu Hỏi 73: Thế nhưng hỏi rằng "Tôi sẽ chỗi dậy với loại thân xác nào" không phải là một câu hỏi chính đáng lắm sao?

 

Giải Ðáp 73:

Dĩ nhiên là chính đáng lắm, trong mức độ chúng ta hiểu được rằng Kinh Thánh, vốn không phải là một cuốn sách khoa học, không cung cấp cho chúng ta những giải đáp khoa học cho các vấn đề chúng ta đặt ra. Nói chung, có hai lối giải đáp câu hỏi về loại thân thể mà chúng ta sẽ có khi phục sinh. Lối giải đáp thứ nhất liên quan đến tính đồng nhất của con người phục sinh, đặc biệt cho thấy có sự liên tục giữa người phục sinh với người chết như thế nào; và lối giải đáp thứ hai thì liên quan đến các đặc trưng thể lý của thân thể phục sinh chúng ta. Liên quan đến tính đồng nhất của con người, xin nhớ những gì đã được nói về Ðức Giêsu phục sinh: cũng là Ðức Giêsu đó, nhưng là một Ðức Giêsu đã được biến đổi. Vấn đề ở đây là hỏi cái gì làm ra tính chất "cũng là... đó", "cùng một...", để chúng ta có thể nói người chết và người phục sinh cũng là cùng một người. Giải đáp vấn đề này giả thiết có những câu giải đáp cho vô số những câu hỏi khác như là: Cái gì làm ra một con người hoặc một "cái tôi"? Cứ giả sử chúng ta nói đó là sự kết hợp thân thể cùng với linh hồn, và trả lời câu hỏi về tính đồng nhất bằng cách nói như Thánh Tôma Aquinô rằng tính chất thuộc về cùng một cái tôi được thể hiện bởi hiện tượng "linh hồn thuộc cùng một cái tôi được tái hợp với thân thể thuộc cùng một cái tôi". Rồi thì chúng ta được phép hỏi: Cái gì làm ra thân thể? Liệu chúng ta có thể trả lời bằng cách đơn giản chỉ vào cái bộ xương và da thịt chúng ta hay không? Và cho dù đưa ra cấu trúc các phân tử ADN và ARN của mình đi nữa thì có được không?

Vào những thời xa xưa còn bình dị, chúng ta có thể nói như Thánh Tôma Aquinô về những "tro" (cineres) và "bụi" (pulveres), từ đó mà thân thể con người sẽ được phục hồi. Nhưng chẳng may cái ngôn ngữ đó không còn có ý nghĩa đối với chúng ta nữa. Ngoài ra, cho dù chúng ta có thể đồng ý về ý nghĩa của thân thể đi nữa, vẫn có thể hỏi: Cái gì làm cho nó vẫn thuộc cùng một cái tôi mặc dù suốt đời nó phải chịu những thay đổi sinh lý tận căn (cứ bảy năm một lần, chúng ta được học như vậy), và sau khi chết thì bị hoàn toàn rữa nát? Liệu chúng ta còn có thể như Thánh Tôma cầm chắc rằng, để cho thân thể đạt được tính thuộc cùng một cái tôi, thì chẳng những tất cả lục phủ ngũ tạng của nó sẽ phục sinh, mà cả những móng tay móng chân và râu tóc (các bô lão sói đầu sẽ biết ơn Thánh Tôma lắm đó!) lẫn các "chất dịch" trong cơ thể như máu và các chất lỏng khác cần thiết cho cơ thể được vẹn toàn cũng vậy (trừ nước tiểu, mồ hôi, tinh dịch và sữa!)?

Ðể cho vấn đề phức tạp hơn một chút, chúng ta hãy tưởng tượng cái kịch bản sau đây (mà Thánh Âu tinh [354-430] đã nêu ra trong cuốn Thành Ðô Thiên Chúa của ngài [tập 22, ch. 20): thân thể một người bị con cá ăn, con cá này bị một con động vật ăn; con động vật này bị một người khác ăn; và cuối cùng, thân thể ngươì này bị một người khác nữa ăn (ăn thịt người đâu phải là chuyện không thể xảy ra). Chúng ta cũng hãy tưởng tượng cái "dây chuyền thực phẩm phải được phục chế như thế nào đây từ "bụi tro" của người đó hoặc cho dù là từ các phân tử ADN và ARN?

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page