101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương VI

Kẻ Chết Sống Lại

Một Cuộc Sum Họp Vui Vầy

 

Câu Hỏi 70: Sự phục sinh của Ðức Giêsu có liên hệ như thế nào với sự phục sinh của chính chúng ta?

 

Giải Ðáp 70:

Câu trả lời cho câu hỏi quan trọng hàng đầu này có thể được định thức cách ngắn gọn như sau: Sự phục sinh của Ðức Giêsu vừa là nguyên nhân vừa là mẫu mực phục sinh của vong nhân. Hai tư tưởng này xuất phát chủ yếu từ các thơ Thánh Phaolô. Ðể hiểu cho đúng, chúng ta phải cứu xét các thơ ấy trong liên hệ của nó với toàn bộ giáo huấn của thánh nhân, với các cộng đoàn đối tượng của các thơ, và với một thế giới các tư tưởng và hình ảnh đặc thù, vì thánh nhân lệ thuộc vào thế giới văn hóa đó.

Chúng ta hãy nghiên cứu trước hết tư tưởng cho rằng sự phục sinh của Ðức Giêsu là nguyên nhân của sự phục sinh của chúng ta. Trong quá khứ gần đây, sự phục sinh của Ðức Giêsu được dùng trước hết làm bằng chứng xác minh thần tính của Người, sứ vụ và thông điệp của Người. Mặc dù cái nhìn có tính cách biện giáo ấy về sự phục sinh của Ðức Giêsu không phải là không đúng, nhưng nó bỏ qua một trong những chủ đề căn bản của "Tin Mừng" Phaolô (Rm 1,16), là Ðức Giêsu "đã chết vì tội lỗi chúng ta" (1Cr 15,3) và "đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25). Một lần nữa, trong 2Cr 5,15, có lời chép rằng Người "đã chết và sống lại" vì chúng ta.

Thánh Phaolô triển khai dài rộng tư tưởng ấy trong cặp đối nghịch "con người đầu tiên là Ađam" và "Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống" (1Cr 15,45). Khi cho đối lập các hậu quả do tội của Ađam đầu tiên với các hậu quả do sự phục sinh của Ađam thứ hai, Thánh Phaolô khẳng định không chút mập mờ cái tương quan nhân quả giữa sự phục sinh của Ðức Giêsu với sự phục sinh của chính chúng ta: "Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người vì liên đới với Ðức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống" (1Cr 15,21-22). Cụm từ "trong Ðức Kitô là nguyên nhân của sự phục sinh của chúng ta. Chính vì vậy mà Thánh Phaolô tiếp tục khẳng định rằng Ðức Kitô "mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1Cr 15,20). Như thế, mặc dù tất cả mọi người sẽ được Thiên Chúa cho sống, nhưng mỗi người sẽ được chỗi dậy "theo thứ tự của mình: mở đường là Ðức Kitô, rồi khi Ðức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người" (1Cr 15,23). Do đó, Người "làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8,29), "là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại" (Cl 1,18), "là người đầu tiên sống lại từ cõi chết" (Cv 26,23) và là "Ðấng khơi nguồn sự sống" (Cv 3,15).

Ðức Kitô còn là nguyên nhân sự phục sinh của chúng ta theo một phương thức khác nữa, là cho chúng ta được lãnh nhận Thần Khí ban sự sống. Thật vậy, Thánh Phaolô thậm chí còn nói: "Chúa là Thần Khí" (2Cr 3,17). Do quyền năng Thần Khí, chúng ta "trở nên một thân thể" với Ðức Kitô (1Cr 12,12-13), chúng ta ở "trong Ðức Kitô", và Ðức Kitô ở trong chúng ta. Nhờ tình hiệp thông mà Thần Khí thể hiện giữa chúng ta với Ðức Kitô khi được "đổ vào lòng chúng ta làm bảo chứng" (2Cr 1,22; 5,5), chúng ta nhận được sức mạnh để lướt thắng cái chết trong tương lai. Nhờ sự phục sinh của Người, Ðức Giêsu, là "Ađam cuối cùng", trở thành "Thần Khí ban sự sống" (1Cr 15,45), có nghĩa Người là Ðấng tác tạo sự sống bằng cách thông ban cho những ai đã được thanh tẩy được dự phần Thần Khí của Người, là Thần Khí chiến thắng cái chết và mang lại sự sống.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page