101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương VI
Kẻ Chết Sống Lại
Một Cuộc Sum Họp Vui Vầy
Câu Hỏi 67: Khi trả lời câu hỏi 29, Thầy đã cho biết Cựu Ước nghĩ gì về tín điều kẻ chết sống lại. Còn Tân Ước thì nói gì, và, đặc biệt hơn, nói gì về sự sống lại của Ðức Giêsu?
Giải Ðáp 67:
Ðiều quan trọng là lưu ý ngay khi vào đề rằng bất cứ điều gì Tân Ước nói về sự phục sinh của kẻ chết là xuất phát chủ yếu từ niềm tin vào sự phục sinh của Ðức Giêsu. Do đó, để hiểu sự phục sinh của kẻ chết, trước hết cần phải xác minh ngắn gọn niềm tin của Tân Ước vào sự phục sinh của Ðức Giêsu.
Như thấy rõ trong 1Cr 15,13-14, sự phục sinh của Ðức Giêsu là cái tâm của thông điệp Kitô giáo - không có sự kiện này thì đức tin của chúng ta trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta cũng trống rỗng. Thông điệp này, được định thức trong một loạt công thức tín lý, đã được Thánh Phaolô lãnh nhận và truyền lại: "Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ" (1Cr 15,3-7).
Về tính xác thực của sự phục sinh, phải nói rằng tất cả mọi nổ lực để phá đổ giá trị các trình thuật phục sinh bằng cách qui tội cho các Tông Ðồ hoặc là đã dối trá (vd. các ông lấy trộm xác hay là bịa ra câu chuyện) hoặc là cả tin hay lẩn thẩn (vd. các ông nhân lầm phần mộ hay bị ảo giác), ngày nay đều bị đa số các học giả cho là thất bại. Các lời tố cáo ấy quả thật đã được chính các tác giả Tân Ước ghi lại và bác đi rồi. Cv 10,41 mặc nhiên trả lời cho kẻ tố cáo các Tông Ðồ đã nói láo; Mt 27,64 và 28,13 thì nói đến lời kết tội các môn đệ Ðức Giêsu đã lấy cắp xác Người; và bao nhiêu lần Tin Mừng lặp đi lặp lại rằng các môn đệ lúc đầu chẳng chịu tin chút nào là Ðức Giêsu đã phục sinh (Mt 28,17; Lc 24,11.37; Mc 16,11.14; Ga 20,25).
Tuy nhiên, biện hộ cho tính lịch sử của sự phục sinh của Ðức Giêsu không có nghĩa nói đó là một sự kiện có thể xác minh bằng sự kiểm chứng thực nghiệm (chẳng hạn có thể thu hình trên máy quay video) như bất cứ một sự kiện lịch sử nào khác - cái chết của Ngưòi trên thập giá chẳng hạn. Thật vậy, Tân Ước không cung cấp một bức họa nào về cuộc phục sinh của Ðức Giêsu như ngụy thư Tin Mừng của Phêrô chẳng hạn. Chỉ có các hậu quả sự phục sinh của Người thì mới được kể lại, như các lần Người hiện ra và những thay đổi trong thái độ các môn đệ của Người. Bởi lẽ sự phục sinh của Ðức Giêsu khai mở kỷ nguyên cánh chung, nên đó là một biến cố vừa là lịch sử vừa là siêu việt, chắc chắn có thật nhưng tiếp cận được không phải bằng những phương tiện thuộc phạm vi nghiên cứu lịch sử mà chỉ bằng đức tin mà thôi.
Trong vấn đề này, cần lưu ý rằng sự phục sinh của Ðức Giêsu không phải là một trường hợp cải tử hoàn sinh, một sự trở về với cuộc sống thông thường cũng trong cái thể xác cũ. Không phải như ông Lazarô, con gái ông Dakêu và con trai bà góa Na-im, là những người được cho sống lại và rồi cũng lại phải chết, Ðức Giêsu được mô tả như là Ðấng được Thiên Chúa cho chỗi dậy để nhận lãnh vinh quang và uy quyền, đã chiến thắng cái chết là "thù địch cuối cùng". Ðức Giêsu không phải sống trở lại như trước; Người được Thiên Chúa siêu tôn và ban cho một danh hiệu trổi vượt mọi danh hiệu, đến đỗi mọi miệng lưỡi sẽ tuyên xưng rằng "Ðức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2,11).
Mặc dù có những biến dạng không dung hòa được trong các bài Tân Ước trình thuật Ðức Giêsu phục sinh và hiện ra (Mt 28,1-20; Mc 16,1-20; Lc 24; Ga 20), nhưng có một xác tín chung rằng sau khi chết, Ðức Giêsu đã được Thiên Chúa cho chỗi dậy ("phục sinh") để bước vào vinh quang ("siêu tôn" và "thăng thiên"). Ngôn ngữ và hình ảnh phục sinh, siêu tôn và thăng thiên, chắc chắn đã được rút ra từ cánh chung học Do Thái đương thời, nhưng nó được sử dụng để chuyển đạt một biến cố có thật, một kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Ðức Giêsu, chớ không chỉ đơn giản là một chuyện gì đó đã xảy ra cho các Tông Ðồ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đạt tới một cân bằng gay go giữa tính lịch sử và tính siêu việt khi khẳng định rằng: "Tuy Phục Sinh là biến cố lịch sử, có thể ghi nhận được nhờ dấu chỉ ngôi mộ trống và những lần gặp gỡ thật sự giữa các tông đồ với Ðức Kitô sống lại, nhưng Phục Sinh vẫn là trung tâm mầu nhiệm đức tin, vì nó siêu việt và vượt trên mọi chiều kích lịch sử" (số 647).
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page