101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương VI
Kẻ Chết Sống Lại
Một Cuộc Sum Họp Vui Vầy
Câu Hỏi 65: Chúng ta thường nói rằng linh hồn là bất tử. Có gì khác biệt giữa "linh hồn bất tử" và "kẻ chết sống lại"? Trong hai kiểu nói này, đức tin Kitô giáo dạy nói theo kiểu nào?
Giải Ðáp 65:
Cách đây khoảng bốn mươi năm, Oscar Cullmann, một học giả Kinh Thánh người Thụy Sĩ, đã gây nhiều ấn tượng khi nêu lên rõ nét cái dị biệt bất khả dung hòa mà ông cho là tồn tại giữa khái niệm linh hồn bất tử của người Hy Lạp và niềm tin vào sự kiện kẻ chết sống lại của người Kitô hữu. Linh hồn bất tử có nghĩa là phần tinh thần của con người, gọi là linh hồn, vẫn còn sống bên kia cái chết, tách khỏi phần thể chất là thể xác. Khái niệm ấy bao hàm luận thuyết lưỡng phân của Hy Lạp về nhân loại học. Sự phục sinh của kẻ chết là việc phục hồi sự sống do tay Thiên Chúa thực hiện cho con người toàn diện. Theo Cullmann, linh hồn sau khi chết ở trong trạng thái "ngủ yên", chờ được Thiên Chúa đánh thức vào ngày phục sinh. Ông viết: "Tin vào tính bất tử của linh hồn không phải là tin vào một biến cố cách mạng. Thật ra, tính bất tử chỉ là một khẳng định tiêu cực: linh hồn không chết mà chỉ tiếp tục sống. Phục sinh là một khẳng định tích cực: con người toàn diện, đã thật sự chết trước đó, được gọi lại để nhận lãnh sự sống bằng một hành động sáng tạo mới. Một cái gì đó đã xảy ra - một phép lạ trong công trình sáng tạo! Bởi vì một cái gì đó cũng đã xảy ra trước đó, một điều đáng sợ: sự sống đươc Thiên Chúa tạo dựng đã bị hủy diệt" (Imortality of the Soul or the Resurrection of the Death? 26-27).
Nếu chúng ta hiểu tương quan giữa linh hồn và thể xác là hai thành phần đối nghịch, như Platôn đã hiểu (như đã giải thích trong phần giải đáp câu hỏi 31), thì các lời nghiêm khắc của Cullman chống lại thuyết linh hồn bất tử là dễ hiểu. Kinh Thánh không cho rằng thể xác (soma) là mồ chôn (sema) linh hồn, nơi mà linh hồn được thoát khỏi nhờ cái chết. Ðúng hơn, Kinh Thánh xem con người là nhất thể nhất đơn vị. Trong Cựu Ước, những từ như basar (thịt, thân xác), nephesh (linh hồn) và ruah (thần khí) không chỉ về ba phần riêng biệt của con người, nhưng về ba cách thức hiện diện của cùng một người: trong tư cách là có thể xác; trong tư cách là có sự sống; và trong tư cách là có cảm giác, có hiểu biết và có ý chí. Ba chiều kích này liên hệ nhau mật thiết, đến đổi người ta nói basar suy nghĩ, hy vọng, ước mơ, reo mừng, sợ hãi, phạm tội, vân vân, không kém gì nephesh và ruah. Một từ có liên hệ chức năng với nephesh và ruah là leb (trái tim), trung khu của cảm giác, tư tưởng và ý chí. Hơn nữa, ngươì ta quy các chức năng tinh thần không những về trái tim, mà còn về ruột, thận, gan nữa. Cho đến thời Hy Lạp đô hộ, và đặc biệt trong sách Khôn Ngoan (2,22; 3,4), như tôi đã lưu ý trong phần giải đáp câu hỏi 29, chúng ta mới thấy có một cái nhìn gần giống cái nhìn của người Hy Lạp về con người trong tư cách là gồm có linh hồn và thể xác, và lời khẳng định linh hồn bất tử.
Trong Tân Ước, chúng ta cũng gặp bộ ba soma (thể xác) hay sarx (xác thịt), psuche (tâm linh) và pneuma (thần khí), nhưng một lần nữa, chúng ta không nên dựa vào đó mà phân chia con người ra làm ba phần. Không nên hiểu bộ ba ấy theo hướng tư duy Hy Lạp về "thể xác, linh hồn và tinh thần", như ba yếu tố cấu tạo con người. Ðúng hơn, phải hiểu nó theo nghĩa mà Cựu Ước hiểu basar, nephesh và ruah. Con người được quan niệm như là một tổng thể sống động, một thể nhất thống bất khả phân gồm thể xác, linh hồn và tinh thần. Ðể diễn đạt trong một câu sự khác biệt giữa nhân loại học của Hy lạp và của Híp ri, chúng ta nói được rằng người Hy lạp thì có thể xác, còn người Do thái thì là thể xác.
Chắc hẳn là trong Tân Ước, một vài đoạn có thể gợi nhớ quan niệm lưỡng phân về con người. Thể xác được xem như là một cái áo hoặc một cái lều (2Cr 5,1-10; 2Pr 1,13; Pl 1,23); các chức năng thể xác bị coi là hèn hạ so với các chức năng tinh thần (1Pr 2,11; 2Pr 2,18; 1Ga 2,16); người ta có vẻ không thích việc cưới vợ, gã chồng (1Cr 7,1-11). Tuy nhiên, sẽ hiểu sai các đoạn văn ấy nếu cho là nó đi ngược lại giáo huấn bao quát của Tân Ước liên quan đến tính thống nhất căn bản của con người. Ðiều quan trọng là ghi nhận rằng, đối với Tân Ước, không phải thể xác là xấu và đưa đến cái xấu; đúng hơn, cái xấu nằm ở trong "trái tim". Do bởi tính thống nhất căn bản này của con người, chúng ta có thể dùng các kiểu nói "kẻ chết sống lại" (như trong kinh Tin Kính của Công Ðồng Nixêa) và "xác loài người (ngày sau) sống lại" (như trong kinh Tin Kính các Tông Ðồ), hai kiểu có thể thay thế cho nhau. "Xác" ở đây không những đưa về thực tại sinh lý mà còn đưa về độc một con người toàn vẹn, là thể xác, linh hồn và tinh thần nữa.
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page