101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương V

Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Với Chúa Hay Là Xa Chúa

 

Câu Hỏi 64: Có lý do nào khác để hy vọng rằng tất cả mọi người đều sẽ được cứu độ không?

 

Giải Ðáp 64:

Cũng như Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar bênh vực hùng hồn cho khả năng và tính tất yếu của niềm hy vọng apocatastasis. Hy vọng ơn cứu độ vĩnh hằng cho chính mình mà không cho tha nhân rõ ràng là thiếu tinh thần Kitô giáo, bởi lẽ Ðức Kitô đã chết vì tất cả mọi người thuộc mọi thời. Chính tình liên đới của Ðức Kitô với tất cả mọi tội nhân đòi hỏi niềm hy vọng Kitô giáo phải phóng tầm nhìn trên khắp toàn vũ.

Ðối với Vons Balthasar, tình liên đới của Ðức Kitô với tất cả mọi tội nhân tỏ ra hiển nhiên cách mạnh mẽ nhất trong cái mà ông gọi là "Mầu Nhiệm ngày Thứ Bảy Tuần Thánh". Ông đề nghị không nên coi ngày Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày Ðức Kitô khải hoàn đi xuống âm phủ (Sheol hay là Hades) mà là ngày Người tỏ tình liên đới trọn vẹn của Người với các tội nhân trong cái chết. Ðức Kitô đã hoàn toàn đồng hóa mình với tội nhân và tội lỗi của họ. Tuy vô tội, Người đã chết như một tội phạm, bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Người kinh nghiệm cái hỏa ngục bị Cha ruồng rẫy như không một người phàm nào khác có thể kinh nghiệm được. Ðồng thời, với tư cách là người "xuống âm phủ", Người là biểu tượng cho chân lý này là Thiên Chúa không hề muốn bỏ rơi tội nhân, ngay cả ở một nơi mà tự bản chất nó không thể thấy được sự có mặt của Thiên Chúa.

Theo Von Balthasar, ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Thiên Chúa đã dựng cây thập giá ngay giữa lòng âm phủ như dấu chỉ tình yêu và lòng từ bi không thể tưởng tượng của Người. Ông gợi ý rằng chính ý muốn của Thiên Chúa đi vào tận âm phủ để có mặt với người tội lỗi như thế là điều làm cho con tim chai đá đang cự tuyệt của họ phải mềm ra, không phải mong áp bức cưỡng ép tự do con người, mà để quyến rũ và thuyết phục nó đón nhận tình yêu của Người. Ðiều này có thể làm được bởi vì tự do con người không phải là tuyệt đối, nhưng, như Rahner đã từng lưu ý, nằm trong vòng tay của sự tự do tột đỉnh của Thiên Chúa và Ðức Kitô.

Vậy apocatastasis, đối với Von Balthasar cũng như Rahner, không phải là một giáo lý mang tính xác thực mà người ta có thể khẳng định vô điều kiện, nhưng là một điều mà tất cả mọi Kitô hữu được phép và phải hy vọng đạt tới, trên cơ sở tình yêu và quyền năng vô biên của Thiên Chúa như đã được biểu lộ trên thập giá Ðức Kitô. Tuy nhiên, một niềm hy vọng như thế không thể chỉ là một ước muốn vu vơ hoặc một ước mơ ủy mị của một con tim đa sầu đa cảm. Ðó là một lệnh cấp thiết của đạo lý - chúng ta phải hành động trong niềm hy vọng mọi người sẽ được cứu độ.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page