101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương V
Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Với Chúa Hay Là Xa Chúa
Câu Hỏi 63: Vậy chúng ta còn có thể nói hay không rằng ơn cứu độ phổ quát là một giáo thuyết rất có ý nghĩa, như một cái gì đó mà chúng ta có thể và có lẽ phải hy vọng đạt tới?
Giải Ðáp 63:
Cái từ then chốt trong câu hỏi của bạn là hy vọng. Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn rằng không ai sẽ bị hư mất, chúng ta vẫn có thể và phải hy vọng rằng hỏa ngục cuối cùng là sẽ bỏ trống. Dù sao, Giáo Hội chưa hề khẳng định có ai đó trong thực tế đã hoặc sẽ bị hư mất. Như tôi đã nêu trong phần giải đáp của câu hỏi 47, trong số các nhà thần học đương đại, Karl Rahner và Hans Urs von Balthasar đã triển khai điều mà họ cho là giáo lý chính thống về apocatastasis.
Ðối với Karl Rahner, nếu chúng ta muốn triển khai một giáo lý có thể chấp nhận được về cuộc tổng phục hồi, chúng ta phải nắm cùng một trật nhiều giáo lý mà thoạt nhìn chúng có vẻ tự mâu thuẫn. Một bên, chúng ta phải duy trì giáo huấn Kinh Thánh cho rằng Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người. Bên kia, sự công chính của Thiên Chúa cũng phải được khẳng định. Hơn nữa, chúng ta phải khẳng định sự có mặt của sự tự do con người, ngay cả trong tương quan với Thiên Chúa nữa, và do đó mỗi người phải kể đến khả năng mình có thể từ chối thuận theo Thiên Chúa. Cuối cùng, sự tự do và toàn năng của Thiên Chúa phải được tôn trọng; tiên thiên, không thể nói Thiên Chúa có thể hoặc không thể làm điều này điều nọ để ứng phó sự tự do của con người bởi vì tự do con người nằm trong vòng tay của tự do Thiên Chúa.
Các xác quyết trên có thể dung hòa được với nhau hoàn toàn bằng cách nào, chúng ta không rõ ngay trước mắt. Nhưng cho rằng mình có quyền phủ định một điều nào trong các điều đó, nại vào tính bất khả dung hòa với nhau mà người ta gán cho chúng, là không đúng. Khẳng định dứt khoát về sự tổng phục hồi thì làm tổn thương đến tự do con người, và tiên thiên phủ định khả năng có apocatastasis là áp đặt một giới hạn cho quyền uy tối cao của ý muốn Thiên Chúa.
Theo Rahner, chúng ta biết một cách tổng quát hoặc trên lý thuyết rằng Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người. Trong cụ thể, áp dụng cho trường hợp của tôi, ý muốn cứu độ phổ quát đó thực tế sẽ hữu hiệu hay không, tôi không thể nói cách chắc chắn được. Tôi chỉ có thể hy vọng là có. Và bởi lẽ tôi được phép và phải hy vọng sẽ được cứu, nên tôi được phép và phải nới rộng hy vọng này cho tha nhân, và thậm chí cho tha nhân trước đã rồi sau đó mới cho bản thân tôi. Rahner nói thế này: "Không có gì ngăn cản một người kitô hữu hy vọng (không phải là biết) rằng trong thực tế, tình huống chung cuộc của mỗi một người - trong tư cách là hậu quả của việc thực hành tự do của mình, nhờ ân sủng Thiên Chúa có đủ quyền năng giảm bớt và đồng thời cứu chuộc mọi sự dữ - sẽ như thế nào đó mà cuối cùng sẽ không có hỏa ngục. Người Kitô hữu được phép hy vọng như vậy (trước hết cho tha nhân và vì thế cho chính mình nữa), nếu trong các trang sử cuộc đời tự do của mình, họ nghiêm túc nghĩ tới cái tương phản của nó: sự hư mất cuộc đời" (Our Christian Faith: Answers for the Future, 106-7).
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page