101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương V
Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Với Chúa Hay Là Xa Chúa
Câu Hỏi 62: Tôi hiểu được rằng, cách nào đó, chúng ta phải lãnh án phạt vì những hành vi tội lỗi của mình, nhưng tại sao hỏa ngục phải kéo dài đời đời kiếp kiếp?
Giải Ðáp 62:
Ít nhất là từ thế kỷ III, tính vĩnh hằng của hỏa ngục đã từng là viên đá làm vấp ngã người có đức tin cũng như người không có đức tin. Như chúng ta đã thấy trong phần giải đáp câu hỏi 38, đã lan rộng một niềm tin vào thuyết đầu thai được hiểu như là phương thế giúp cho mọi người cuối cùng hoàn thành cuộc giải thoát. Cho dù phải bác bỏ thuyết đầu thai, nhưng cũng có thể đặt câu hỏi không biết Thiên Chúa, vốn từ bi và nhân hậu vô biên nên có ý muốn cho tất cả mọi người được cứu độ (1Tm 2,3-4), Người có cho phép thọ tạo nào phải chịu xa lìa Người "vĩnh viễn" mà không có cách nào trở về với Người không. Sự tự do có hạn của loài thọ tạo lại đánh bại được sự toàn năng của Thiên Chúa hay sao? Có vị Thiên Chúa nào mà "cho phép" có một hình phạt vĩnh viễn, một hình phạt có vẻ chỉ là một sự báo thù bởi nó không bao giờ đưa đến một tiến bộ nào cho con người về mặt đạo đức? Ngay cả những cơ cấu bất toàn của chúng ta để bênh vực công lý còn tìm cách cải huấn tội phạm thay vì chỉ trừng phạt họ nữa là! Hơn nữa, trên trời, bạn có thể hoàn toàn hạnh phúc hay không nếu người mà bạn yêu dấu vô vàn phải vĩnh viễn xa cách bạn và muôn đời chịu những cực hình đau đớn nhất có thể có được?
Những câu hỏi như vậy và những câu khác nữa đã thúc đẩy Ô-ri-giê-nê, một nhà thần học thế kỷ III, cũng như những Giáo Phụ khác như Ghê-go-ri-ô Ny-xa (khoảng 330 - khoảng 395), Ghê-go-ri-ô Na-di-an (329-389) và Am-rô-xi-ô (khoảng 339-397), triển khai một giáo thuyết về ơn cứu độ phổ quát hay là apocatastasis, một từ Hy Lạp có nghĩa là phục hồi. Theo thuyết này, ân sủng của Thiên Chúa cuối cùng sẽ toàn thắng nơi tất cả mọi loài thụ tạo có trí khôn, gồm cả các thần xấu, bằng cách cảm hóa chúng để chúng đón nhận lòng thương xót và yêu thương của Thiên Chúa.
Thuyết này, dưới hình thức được Ô-ri-giê-nê và nhóm người theo ông đề xuất, bị một thượng hội đồng địa phương ở Constantinoupolis lên án (543), và án này được đại công đồng thứ V họp tại thành phố này mười năm sau chuẩn y: "Nếu có ai nói hoặc cho rằng án phạt ma quỷ và kẻ vô đạo là tạm thời và sẽ kết thúc ở một thời điểm nào đó, hoặc là sẽ có một cuộc phục hồi trọn vẹn (apocatastasis) cho ma quỷ và bè lũ vô đạo, thì anathema sit [hãy loại lẻ ấy ra]" (John R. Sachs, "Apocatastasis in Patristic Theology", 621).
Ðiều mà quyết định trên của huấn quyền muốn nói lên là không được phép khẳng định một cách chắc chắn trên bình diện tín lý, rằng tất cả sẽ được cứu, là chúng ta phải hết sức nghiêm túc tự nhận rằng chính mình cũng thật sự có khả năng bị hư mất và hư mất đời đời nữa. Nền tảng tối hậu mà giáo lý này dựa vào là giáo huấn Kinh Thánh và bản tính của tự do con người mà, như chúng ta đã thấy trong chương trước, cái chết làm cho các lựa chọn của nó trở thành vĩnh viễn, không đảo lộn được nữa.
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page