101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương V

Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Với Chúa Hay Là Xa Chúa

 

Câu Hỏi 53: Nhân tính của Ðức Kitô có liên quan gì đến hạnh phúc của chúng ta trên thiên đàng không?

 

Giải Ðáp 53:

Một lần nữa, cái câu trích trong giáo huấn của Giáo Hoàng Biển Ðức XII về ơn trực kiến, nói rằng trên thiên đàng chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa "mà không cần qua trung gian của bất cứ loài thọ tạo nào làm đối tượng cho thị giác" (xem phần giải đáp câu hỏi 49), có thể gây hiểu lầm rằng trên thiên đàng chúng ta có thể miễn khỏi nhờ vào sự trung gian của nhân tính Ðức Kitô. Sở dĩ Giáo Hoàng Biển Ðức nhấn mạnh tính trực tiếp của ơn được trực kiến [!] Thiên Chúa mà không cần một trung gian được tạo thành nào, là để nói cho thật rõ rằng, trên trời, sự hiểu biết Thiên Chúa của chúng ta là toàn thiện toàn bích, không bị suy giảm bởi bất cứ một loài thọ tạo sai lệnh và hạn hẹp nào đến ngăn cách, chớ không phải để giảm giá sự trung gian của Ðức Giêsu. Thật vậy, thay vì là một vật chặn đường lấp lối ngăn cản chúng ta nhìn thấy Chúa, nhân tính của Ðức Kitô đã nên nơi mặc khải toàn hảo của Thiên Chúa: "Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18). Tư tưởng này cũng gặp thấy trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong câu trả lời của Ðức Giêsu cho ông Philípphê, khi ông này xin Người tỏ cho ông thấy Chúa Cha: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9).

Vai trò trung gian mà Ðức Giêsu đã thể hiện trong cuộc đời trần thế của Người nào đã chấm dứt với cái chết của Người, như thể cái thực tại thể xác mà Ngôi Lời đã mang lấy trong cuộc nhập thể chỉ là một công cụ có thể vứt đi một khi đã hoàn thành sứ mạng mặc khải và trung gian đâu. Trái lại, thực tại thể xác của Người vẫn là trung gian thường hằng mãi muôn đời cần thiết, qua đó sự hiểu biết Thiên Chúa được thông ban cho chúng ta, cả hiện nay lẫn mai sau trên trời, bởi vì phàm điều chi Ðức Giêsu đã hoàn tất trong cuộc đời của Người, gồm cả vai trò mặc khải và trung gian, đều trở thành cùng tận, dứt khoát và thường hằng trong cái chết của Người, và sẽ vẫn mãi như thế trong cõi vĩnh hằng.

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng ơn "trực tiếp" triều kiến Thiên Chúa trên trời được thông ban cho chúng ta qua "trung gian" của nhân tính Ðức Kitô. Do cách thức này, thiên đàng có một dạng thức Kitô tính: Ðức Kitô là cõi giao lưu, nơi được thành tựu tình hiệp thông vĩnh hằng giữa chúng ta với Thiên Chúa trong hiểu biết và yêu thương. Như Thư Do Thái nói: trên trời, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục thi hành thừa tác vụ Thượng Tế của Người cho chúng ta, để chuyển cầu (Dt 7,25) và, vì chúng ta, dâng lên Chúa Cha của lễ chỉ một lần hiến tế (Dt 9,1-6).

Cái cấu trúc mang tính chất Kitô học này của thiên đàng được Cha Joseph Ratzinger diễn tả rất đúng: "Do đó mà thiên đàng phải được xác định trước hết và chủ yếu theo hướng Kitô học. Chúng ta không phải đi đến một cõi nằm bên ngoài lịch sử. Sự tồn tại của thiên đàng tùy thuộc điều này: với tư cách là Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô làm người, và dọn chỗ cho con người được tồn tại trong sự tồn tại của chính Thiên Chúa. Người ta ở thiên đàng khi nào và trong mức độ người ta ở trong Ðức Kitô... Vậy thiên đàng trước hết là một thực tại riêng tư, một thực tại luôn mãi được định hình bởi nguồn gốc lịch sử của nó trong mầu nhiệm Vượt Qua, chết và sống lại" (Eschatology: Death anh Eternal Life, 234). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng cường điệu mạnh mẽ rằng thiên đàng là cộng đoàn những người được tháp nhập vào thân mình Ðức Kitô một cách toàn hảo (xem số 1026).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page