101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương V

Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Với Chúa Hay Là Xa Chúa

 

Câu Hỏi 52: Thầy vừa nói về Ba Ngôi Thiên Chúa. Trên thiên đàng, tương quan của chúng ta sẽ như thế nào với Thiên Chúa Ba Ngôi?

 

Giải Ðáp 52:

Ðể hiểu được chúng ta sẽ có tương quan ra sao với Ba Ngôi Thiên Chúa trên thiên đàng, chúng ta phải hiểu chúng ta hiện đang có tương quan nào với các Ngài trong ân sủng, ở trong cuộc sống này, bởi lẽ ân sủng là được nếm trước và thể hiện trước, ngay bây giờ, sự sống vĩnh hằng. Truyền thống thần học công giáo hậu Trentô (1545-1563) thường nói về ơn thánh hóa trước hết như là một quà tặng siêu nhiên được Thiên Chúa tác tạo để rót vào linh hồn; nó đậu lại trong đó, thật sự biến đổi và làm cho linh hồn có khả năng tham dự vào thần tính Thiên Chúa. Mặc dù nói như thế về ân sủng là đúng, nhưng gần đây người ta đã trở lại với một giáo lý phong phú hơn về ân sủng, xem đây là một ơn không phải được tác tạo, tức không phải là gì khác ngoài chính Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong tâm hồn người công chính. Cũng vậy, tính trực thuộc Ba Ngôi được khẳng định mạnh mẽ trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (x. số 1997), để nói về bản tính của thiên đàng.

Khi được tham dự vào sự sống thần linh, thì tương quan giữa các Kitô hữu với Thiên Chúa không phải có tính cách đồng loạt vì là những hữu thể cùng loại như nhau, khiến có thể nói - ví dụ - rằng họ là con cái Thiên Chúa, không phân biệt Thiên Chúa đây là Chúa Cha hay Chúa Con hay là Chúa Thánh Thần. Cũng không đủ nếu chỉ nói rằng dù các Kitô hữu có một mối tương quan đồng loạt với Thiên Chúa, mối tương quan ấy cũng có thể thích ứng với từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đến đỗi tuy các Kitô hữu thật sự có cùng một tương quan như nhau với Ba Ngôi Vị, tương quan này vẫn có một sắc thái riêng biệt cho từng Ngôi một. Nhờ việc thích ứng này mà người ta có lẽ sẽ nói - ví dụ - rằng chúng ta liên hệ với Chúa Cha như với Ðấng Toàn Năng, với Chúa Con trong tư cách Ngươì là Chân Lý, và với Chúa Thánh Thần trong tư cách Ngươì là Tình Yêu, mặc dù chúng ta cùng có một cách thức liên hệ như nhau với cả Ba Ngôi.

Trái lại, phải nói rằng trong ân sủng, các Kitô hữu không phải có một tương quan đồng loạt hoặc thích ứng với bản chất thần linh, mà là một tương quan đích thực và thật sự riêng biệt với từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ một tương quan như thế, người Kitô hữu là con cái của Chúa Cha (chớ không phải của Chúa Con và Chúa Thánh Thần), em của Chúa Con (chớ không phải của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần), và đền thờ của Chúa Thánh Thần (chớ không phải của Chúa Cha và Chúa Con). Do đó, những mối tương quan ấy không chuyển đổi nhau được. Ðây không phải là một suy nghĩ trừu tượng suông dành cho các nhà thần học, mà là một chân lý hàm chứa nhiều điều thực tế cho mỗi một khía cạnh của đời sống Kitô giáo. Chẳng hạn nếu điều nói về tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa trong ân sủng là đúng, thì chúng ta không thể cầu nguyện với Thiên Chúa một cách đồng loạt được; đúng hơn, phải có cách cầu nguyện riêng biệt với Chúa Cha, với Chúa Con hay là với Chúa Thánh Thần. Như Thánh Phaolô nói một cách gãy gọn: "Nhờ Người [Ðức Kitô], cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha" (Ep 2,18).

Trong ánh sáng này, phải hiểu thiên đàng không phải là trực kiến cái "bản chất thần linh" duy nhất một cách hồ đồ, mà đúng hơn, đó là sống một tương quan vĩnh hằng và hoàn toàn sung mãn, trong đó ta được hiểu biết và yêu mến Chúa Cha trong Chúa Con nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần; nghĩa là chúng ta được ơn chia sẻ một phần sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế, trên thiên đàng, chúng ta sống tương quan với Thiên Chúa Cha với cùng những tâm tình yêu mến và tri ân mà Chúa Con từ muôn thuở hằng sống với Chúa Cha, và chúng ta làm như thế nhờ cùng một quyền năng Chúa Thánh Thần mà Chúa Con luôn có để sống với Chúa Cha.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page