101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương V

Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Với Chúa Hay Là Xa Chúa

 

Câu Hỏi 51: Thiên đàng là trực kiến: có cách nào dùng những hình ảnh khác để bổ sung cho khái niệm này không?

 

Giải Ðáp 51:

Khái niệm trực kiến được hiểu là nhìn thấy trực tiếp bản chất Thiên Chúa, sự tương phản thường xuyên được nêu ra giữa đức tin hiểu là tri thức lờ mờ với thiên đàng hiểu là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa mặt giáp mặt, khiến cho người ta có nguy cơ nghĩ rằng trên thiên đàng, chúng ta sẽ có một hiểu biết bao quát về Thiên Chúa, và mầu nhiệm Thiên Chúa cuối cùng rồi sẽ tan biến hết. Chắc hẳn điều này là sai hoàn toàn.

Ðể tránh nguy cơ ấy, chúng ta cần tìm lại sự hiểu biết về vị Thiên Chúa được Kinh Thánh ghi nhận là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Thiên Chúa không phải tạm thời là một mầu nhiệm hay một câu đố mà hiện giờ chúng ta chưa được vì còn thiếu những dụng cụ trí thức cần thiết, nhưng rồi sẽ có khả năng giải trên thiên đàng nhờ "ánh sáng vinh quang". Ðúng hơn, Thiên Chúa là mầu nhiệm tuyệt đối ngự trong ánh sáng siêu phàm. Nhưng vị Thiên Chúa "kính nhi viễn chi" này lại trao ban chính mình cho chúng ta trong mặc khải và cuộc nhập thể của Con Một Người; vậy thì Thiên Chúa, tuy vô cùng xa cách, đã đích thân trở thành hết sức gần gũi với chúng ta như vậy mà chúng ta mới nhận được một hiểu biết vững bền và chắc chắn về Người, vừa qua lý trí vừa qua đức tin của chúng ta. Nhưng khác với sự hiểu biết của chúng ta về một cơ khí chẳng hạn, mà ta có thể sử dụng và kiểm soát được, sự hiểu biết về Thiên Chúa không phải là một cuộc kiểm soát được, sự hiểu biết về Thiên Chúa không phải là một cuộc xâm nhập vào và kiểm soát Thiên Chúa. Ðúng hơn, giống như chúng ta hiểu biết một người thân yêu mà người này vẫn mãi là một mầu nhiệm cho chúng ta, thì thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng vậy, là thừa nhận, với lòng khiêm tốn và biết ơn, mối ân tình làm cho Thiên Chúa gần gũi với chúng ta chính trong tư cách là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, và là tự trao nộp mình cho Người trong tình yêu.

Hiểu biết Thiên Chúa và thừa nhận Thiên Chúa với tư cách Người là mầu nhiệm khôn dò là hai điều không mâu thuẫn nhau hoặc loại trừ nhau. Trái lại, nó gia tăng theo tỷ lệ thuận: con người càng nhận biết Thiên Chúa bao nhiêu thì càng nhận thấy tính siêu vời khôn thấu của Người bấy nhiêu, và ngược lại. Nhận biết Thiên Chúa như thế cuối cùng là thiết tha tự trao nộp mình cho mầu nhiệm của Người. Vậy mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là cái gì đó áp đặt trên sự trực kiến của chúng ta một giới hạn đáng buồn, nhưng là điều làm cho sự trực kiến có thể trở thành một hiện thực hàng đầu.

Trực kiến không phải và không thể là đánh tan mầu nhiệm Thiên Chúa. Rốt cuộc, nếu tính ẩn tàng muôn đời của Thiên Chúa có vẻ xung khắc với việc trực kiến, thì cái xung khắc này chỉ có thể được giải tỏa khi nào hiểu biết được thăng tiến đến hóa thành yêu thương. Như thế, ý niệm thiên đàng là trực kiến bản chất thần linh phải được bổ sung với khái niệm thiên đàng là một tình hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sống và tình yêu. Nói cách khác, phép ẩn dụ chủ yếu dựa vào các giác quan khác nữa đi kèm theo để được thêm phong phú. Vậy có thể nói rằng trên trời, ngoài việc được nhìn thấy Thiên Chúa mặt giáp mặt, chúng ta còn được nghe rõ Lời Người, hấp thụ Thần Khí Người chứa chan, thân thiết chạm đến sức sống của Người, cảm mến đậm đà tình yêu của Người.

Hơn nữa, khái niệm thiên đàng là tình hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự hiểu biết đầy yêu thương phải được bổ sung với khái niệm thiên đàng là tình hiệp thông với các anh chị em đồng loại của chúng ta nữa. Thiên đàng là "nơi" mà những mối dây thân ái của chúng ta được nối dài vượt xa hơn vòng thân mật trực tiếp của chúng ta là thân nhân và bạn hữu, mà chúng ta sẽ gặp lại, để gom bọc luôn tất cả những người đã từng sống làm người. Nơi đó, thực tại "các thánh thông công" sẽ được thể hiện cách viên mãn.

Sau hết, thiên đàng cũng gồm cả vũ trụ vật chất với muôn loài hiện hữu nơi đó, từ vật vô cơ đến thảo mộc và động vật. Mặc dù Kinh Thánh không nói rõ "trời mới và đất mới" sẽ gồm có những gì, nhưng không phải là bày chuyện cho vui nếu mường tượng rằng đó sẽ không là vũ trụ nào khác ngoài cái vũ trụ này đây mà Thánh Phaolô tả là đang rên siết, như một sản phụ sắp sinh con, mong đến ngày được cứu chuộc và được Thiên Chúa giải thoát khỏi hư vong để tham dự vào sự tự do quang vinh của con cái Thiên Chúa (Rm 8,20-22).

Tóm lại, thiên đàng không chỉ là nhìn thấy bản chất Thiên Chúa mà còn là thông phần sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, hiệp thông với tha nhân và hài hòa với vũ trụ.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page