101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương V
Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Với Chúa Hay Là Xa Chúa
Câu Hỏi 50: Với tất cả lòng kính trọng dành cho huấn quyền của Giáo Hội, xin thú thật là tôi thấy cách biểu đạt thiên đàng như là được "trực kiến", nghĩa là được thấy "bản chất thần linh" bằng "trực giác", "một cách hiển nhiên, rõ ràng và không che giấu" - cách biểu đạt như thế có phần nào lạnh nhạt và trừu tượng. Thầy có thể giải thích cho biết "trực kiến" có nghĩa là gì không? Và nó diễn ra như thế nào?
Giải Ðáp 50:
Trước hết, chữ "kiến" (thị kiến, diện kiến) được dùng ở đây theo phép loại suy, không phải để nói về hành động thể lý "thấy" qua con mắt thể xác (bởi vì Thiên Chúa, vốn thuộc thần tính, không thể nào được nhìn thấy theo cách này), mà về sự hiểu biết tri thức. Phàm là hiểu biết của con người, dù là loại trừu tượng và phổ quát nhất, thì phải bắt đầu bằng một cảm giác nhận từ bên ngoài và bằng trí tưởng tượng. Ví dụ để biết bản tính con người là gì thì phải thấy, sờ, nghe và ngửi một người nào đó, đàn ông hay đàn bà, trước khi có thể cấu tạo một "hình ảnh" riêng biệt, cụ thể về người ấy. Từ hình ảnh này mà có thể quan niệm một "ý tưởng" khái quát, trừu tượng về bản tính con người. Lẽ cố nhiên, cái được biết đến là tính người chớ không phải "hình ảnh" hay "ý tưởng" về tính người, vì chúng chỉ là những trung gian khách quan giúp hiểu biết tính người là gì thôi.
Nếu nói như vậy là đúng cho cả vốn kiến thức của chúng ta về thế giới vật lý, còn vừa tầm sức với trí tuệ chúng ta, thì càng đúng hơn biết bao cho kiến thức của chúng ta về Thiên Chúa, vốn vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta vô cùng tận. Tất cả kiến thức và ngôn ngữ chúng ta có được trên đời này liên quan đến Thiên Chúa, dù là nhờ lý trí của chúng ta hay là nhận được trong đức tin qua mặc khải của Thiên Chúa, đều chủ yếu là thuộc phép loại suy. Nó khởi phát từ kinh nghiệm chúng ta sống với các thụ tạo và được định thức qua những hình ảnh và biểu tượng. Nói như Thánh Phaolô, chúng ta nhìn thấy "lờ mờ, như trong một tấm gương". Kiến thức của chúng ta về Thiên Chúa bắt đầu với việc khẳng định rằng Thiên Chúa có những nét hoàn hảo mà chúng ta gặp thấy trên đời này (vd. "Thiên Chúa tốt lành"). Kế đến, kiến thức chân chính về Thiên Chúa buộc chúng ta phủ nhận nơi Người tất cả những gì giới hạn những nét hoàn hảo ấy như ta thấy trên đời này (vd. "Thiên Chúa tốt lành không phải theo kiểu cha tôi tốt lành đâu"). Cuối cùng, kiến thức về Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta nâng cấp đến vô tận nét hoàn hảo mà chúng ta qui tặng cho Thiên Chúa (vd. "Thiên Chúa tốt lành vô cùng").
Nói cách khác, có một sự tương tự hay cân xứng giữa hai quan hệ: quan hệ cha tôi với mức tốt lành có hạn của người và quan hệ Thiên Chúa với sự tốt lành vô hạn của Người. Mà bởi vì cuối cùng, chúng ta không thể hiểu được "tốt lành vô hạn" tự nó là gì, nhưng chỉ hiểu tốt lành vô hạn không phải là thế này hay thế kia, nghĩa là không có hạn, nên chúng ta cứ lắp bắp nói lên hiểu biết của mình về Thiên Chúa qua những biểu tượng và hình ảnh, và cuối cùng phải dừng lại, làm thinh mà thờ phượng trước nhan Người.
Vốn hiểu biết về Thiên Chúa đó, tuy phiến diện và phải nhờ qua trung gian, là có thật. Thế nhưng, trong thực chất của nó, tâm linh con người mong ước có được một hiểu biết khác nữa, hoàn hảo hơn, về Thiên Chúa. Ðó là được hiểu biết Thiên Chúa là như thế nào trong chính thực chất của Người, một thứ "trực giác", "linh cảm" không phải nhờ đến trung gian các thọ tạo nhưng là được Thiên Chúa ban cho tận tay và cách trực tiếp. Bởi tâm linh con người bị giới hạn và không có khả năng "giác ngộ" một cách trực tiếp như vậy, nên khả năng của nó phải được nâng lên bởi ân huệ của Chúa và sự hiểu biết của Người về chính mình. Ân sủng này, thần học Kitô giáo gọi là "ánh sáng vinh quang". Khi đạt tới "trực kiến" này là các thánh được hưởng diễm phúc vĩnh hằng vậy.
Khái niệm "trực kiến" này rất có ý nghĩa trong khuôn khổ một lý thuyết thiết thực về hiểu biết (tri thức luận), lý thuyết mà Thánh Tôma đã nhận theo. Hẳn là bạn nói đúng khi cho rằng nó hơi lạnh nhạt và trừu tượng trong lối diễn tả trạng thái con người được phỉ chí toại lòng là thế nào, bởi vì lòng người đâu chỉ ước ao được trực tiếp hiểu biết Thiên Chúa mà thôi (khái niệm trực kiến lại chuyển đúng ý này), mà còn được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sống tình yêu nữa. Vậy tóm lại, khái niệm trực kiến tuy đúng và hữu ích để diễn đạt một khía cạnh của hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng cần được bổ sung với những hình ảnh và khái niệm khác đã có trong Kinh Thánh.
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page