101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương V

Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Với Chúa Hay Là Xa Chúa

 

Câu Hỏi 49: Trong số những hình ảnh đủ loại về thiên đàng, có loại nào nổi bật trong thần học Kitô giáo không?

 

Giải Ðáp 49:

Dường như trong thần học tây phương, ẩn ngữ diện kiến Thiên Chúa là trội hơn cả. Kinh Thánh hẳn có trình bày việc diện kiến Thiên Chúa như là cùng đích diễm phúc của đời người. Mt 5,8 tuyên bố rằng "ai có tâm hồn trong sạch" thì có phước vì "sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Trong 1Ga 3,2 có lời hứa rằng khi tới lúc Thiên Chúa tỏ cho biết tình trạng chúng ta là thế nào, thì chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa, "vì Người thế nào, chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa, "vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy". Nhưng lời xác minh của Thánh Phaolô mới là lời được dùng làm cơ sở cho cái nhìn cho rằng diễm phúc vĩnh hằng là được nhìn thấy Thiên Chúa: "Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương. Mai sau sẽ được giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi". (1Cr 13,12). Cái nhìn không được rõ nét, "như trong một tấm gương", và cái hiểu biết phiến diện mà chúng ta hiện có được về Thiên Chúa qua đức tin và các ân huệ Thánh Thần, tương phản với ơn được "mặt giáp mặt" và sự hiểu biết toàn diện về Thiên Chúa vào thời cánh chung.

Huấn quyền Giáo Hội và thần học đã triển khai ý niệm nhìn thấy Thiên Chúa "mặt giáp mặt" của Thánh Phaolô để diễn tả sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa trên thiên đàng, và gọi nó là "ơn trực kiến". Hiến chế Benedictus Deus (1336) của Giáo Hoàng Biển Ðức XII khẳng định: "Kể từ cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, những linh hồn ấy [tức là các thánh] đã và đang nhìn thấy bản chất thần linh qua trực giác và thậm chí mặt giáp mặt nữa, không cần qua trung gian một thọ tạo nào để thành đối tượng thị giác; đúng hơn, bản chất thần linh tự tỏ hiện trực tiếp cho các ngài được xem thấy một cách hiển nhiên, rõ ràng và không che giấu [nude, clare, et aperte], và trong khi nhìn thấy như vậy, các ngài vui hưởng bản chất thần linh" (Ðức tin Kitô giáo, 685). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng dùng phép ẩn dụ này để mô tả hạnh phúc vĩnh hằng (x. số 1028).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page