101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương IV

Từ Cái Chết Ðến Phục Sinh

Trạng Thái Trung Gian

 

Câu Hỏi 45: Luyện ngục có phải là một nơi chốn không, và người ta phải ở đó bao lâu?

 

Giải Ðáp 45:

Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tránh cái mà Công Ðồng Trentô gọi là "những gì thuộc lãnh vực hiếu kỳ hay mê tín dị đoan". Trong giới bính dân, luyện ngục đã từng được hình dung như một "chốn" ở đâu đó giữa thiên đang và hỏa ngục, và thời gian phải ở trong đó được tính rất kỹ. Nhà thần học Dòng Ða Minh người Tây Ban Nha Dominico Soto (1494-1550) và nhà thần học Dòng Tên người Tây Ban Nha Juan Maldonado (1533-1583) đã dám nói rằng không ai ở trong đó quá mười năm! Và Giáo Hội cũng có thói quen tính số lượng ngày thật chính xác cho các ân xá.

Thần học hiện đại thì chọn nói về luyện ngục như một quá trình hơn là như một nơi chốn (do đó chọn từ thanh luyện thay vì luyện ngục), Thật vậy, đây là ngôn ngữ được dùng phổ biến trong Giáo Hội sơ khai và các Giáo Hội đông phương. Cho đến khoảng cuối thể kỷ XII luyện ngục mới được quan niệm như một nơi chốn (x. Jacques Le Goff, The Birth of Purgatory). Hơn nữa, quá trình thanh luyện này ít được quan niệm theo nghĩa đền bù về mặt pháp lý hay trị tội cho bằng như một sự trưởng thành và tăng trưởng thiêng liêng.

Sự trưởng thành này được Rahner diễn tả như "một qui trình trưởng thành của đương sự, tuy tiệm tiến như nhờ nó mà tất cả các năng lực nhân bản được hòa nhập từ từ vào cái quyết định căn bản của con người tự do" ("Những nhận xét về thần học các ân xá" trong Theological Investigations, 2; 197). Hữu thể người là một thực tại đa diện; khi họ trở về với Thiên Chúa, trung tâm điểm thâm sâu nhất trong con người của họ có thể nhờ ơn Chúa mà tức khắc trở nên hoàn chỉnh, nhưng quá trình chữa trị các lãnh vực thể lý, tâm lý và thiêng liêng thì cũng có thể là một cuộc biến đổi tiệm tiến và đau đớn. Quá trình trưởng thành này là cái được gọi là luyện ngục.

Về "thời gian" luyện ngục, vẫn còn có những nhà thần học bám vào khái niệm một tình trạng "kéo dài" lâu hay mau (vd. Edmund Fortman, Everlasting Life after Death, 138). Nhưng đa số các nhà thần học thì thấy sau cái chết khó mà nói về thời gian, nên chọn cách nói về luyện ngục như một quá trình diễn ra vào giờ chết, trong đó người chết gặp gỡ Thiên Chúa cách thẳm sâu và quyết liệt nhất. Cuộc gặp gỡ này có thể hiểu là "lửa thanh luyện" chúng ta, là thời khắc của việc tự thanh tẩy và tự hòa nhập, gây đau đớn ở nhiều mức độ khác nhau (x. vd. Ladislaus Boros, The Mystery of Death, 135). Joseph Ratzinger bác bỏ việc số lượng hóa luyện ngục theo nghĩa thời gian kéo dài lâu hay mau. Ông chọn xem nó như là "cái quá trình biến đổi cần thiết bên trong tâm hồn, qua đó con người luyện được khả năng đón nhận Ðức Kitô, đón nhận Thiên Chúa, và nhờ đó, có được khả năng hòa đồng vào tình hiệp thông trọn vẹn với các thánh" (Eschatology: Death anh Eternal Life, 230).

Tóm lại, theo cách diễn đạt súc tích của nhà thần học người Úc, Tony Kelly, luyện ngục là "cuộc gặp gỡ Ðức Kitô có tính quyết định", là "được đồng hình đồng dạng với Ðấng chịu đóng đinh", "một cơn đau phát sinh từ tình yêu", và "tiến vào một đời sống đầy lòng thương cảm thật sự" (Touching on the Infinite, 168-172).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page