101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương IV

Từ Cái Chết Ðến Phục Sinh

Trạng Thái Trung Gian

 

Câu Hỏi 44: Nếu ai đó không phải chết trong tình trạng "mắc tội trọng" mà trong tình trạng "mắc tội nhẹ", thì chuyện gì sẽ xảy ra cho người ấy?

 

Giải Ðáp 44:

Câu trả lời cho câu hỏi của bạn nằm trong giáo lý về luyện ngục. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác minh: "Tất cả những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, nhằm đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phước Thiên Ðàng. Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục. Ðiều này khác hẳn với hình phạt đời đời" (các số 1030-1031).

Ðiều mà ai cũng thừa nhận là trong Kinh Thánh không thấy có một giáo lý hiển nhiên nào về luyện ngục. Hai đoạn văn chính yếu thường được nại vào để làm bằng, tức là 2Mcb 12,38-46 và 1Cr 3,11-15, thì không còn được các nhà chú giải hiện đại xem là có giá trị chứng thực nữa. 2Mcb thì nói về chuyện ông Giuđa đem số tiền quyên được gởi đến Giêrusalem để xin lễ đền tội cho các chiến sĩ trận vong của ông bị phát giác đeo trên người những bùa hộ mạng bị cấm. Người ta nghĩ rằng "lễ đền tội cho những người đã chết (này) để họ được giải thoát khỏi tội lỗi" (12,46) có vẻ chỉ về một niềm tin vào luyện ngục. (1Cr 3,11-15) thì khẳng định rằng công việc của mỗi người sẽ được đưa ra ánh sáng và sẽ được "tỏ rạng trong lửa, và chính lửa sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa". Người ta nghĩ lửa ở đây là lửa luyện tội. Có hai đoạn văn khác của Tân Ước cũng được dẫn để ủng hộ giáo lý luyện tội: Mt 5,26 và 12,32.

Mặc dù không tìm thấy được một cách hiển nhiên giáo lý về luyện ngục trong Kinh Thánh, nhưng chắc chắn nó mặc nhiên được công nhận trong thực hành, khi Hội Thánh cầu nguyện cho những người đã qua đời. Xin nhắc lại những gì đã nói liên quan đến vấn đề "luật cầu nguyện xác lập luật tín ngưỡng" trong phần giải đáp của câu hỏi 13. Trong "Bản tuyên xưng đức tin của Mikhaen Palaiologos", có nhắc đến mối liên hệ giữa luyện ngục và "những công tác chuyển cầu (suffragia) của người tín hữu còn sống, tức là các thánh lễ, kinh nguyện, việc bố thí và những việc thiện khác" (Ðức tin Kitô giáo, 18). Có thể thêm các ân xá vào danh mục này. Mối liên hệ này cũng được các công đồng Fiorenza và Trentô nêu ra.

Công đồng Trentô đã ban hành một sắc lệnh về luyện ngục năm 1563, trong đó một đoạn đáng được trích dẫn nguyên văn vì tính quân bình về mặt giáo lý và sự thận trọng về mặt mục vụ của nó:

Giáo Hội Công Giáo, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thể theo Kinh Thánh và Truyền Thống cổ xưa của các Giáo Phụ, đã dạy trong các thánh công đồng, và mới đây trong công đồng này, rằng có một luyện ngục, rằng các linh hồn bị giam cầm trong đó được giúp đỡ nhờ những công tác chuyển cầu (suffragia) của các tín hữu, và đặc biệt nhờ cuộc tế lễ trên bàn thờ rất đáng được Thiên Chúa chấp nhận. Vì thế, công đồng thánh này truyền cho các giám mục cố gắng hết mình để giáo lý vững vàng về luyện ngục, đã từng được các thánh Giáo Phụ và công đồng truyền đạt, thì cũng được các tín hữu tin nhận, được mọi người khắp nơi trung thành nắm giữ, dạy lại và rao giảng. Tuy nhiên, hãy loại trừ khỏi các bài giảng cho giới bình dân không có học thức những vấn đề khó khăn và tinh vi hơn, không có tính cách xây dựng và nhiều khi chẳng giúp gia tăng lòng sùng đạo chút nào. Các ngài cũng không được để ai truyền lan và trình bày những ý kiến mang nghi vấn hoặc nhiễm sai lạc. Còn những gì thuộc lãnh vực hiếu kỳ hay mê tín dị đoan, hoặc buôn thần bán thánh một cách bỉ ổi, thì các ngài phải cấm đoán như là những điều gây tai tiếng và nhục nhã cho người tín hữu (Ðức tin Kitô giáo, 687).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page