101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương IV

Từ Cái Chết Ðến Phục Sinh

Trạng Thái Trung Gian

 

Câu Hỏi 41: Nhưng tôi vẫn thấy khó mà hình dung cái kiếp sống trong trạng thái lưng chừng ấy nó như thế nào. Thầy có thể cho biết các nhà thần học đương đại nghĩ gì về điều này không?

 

Giải Ðáp 41:

Theo các tài liệu chính thức của Giáo Hội và để trích dẫn hiến chế Benedictus Deus của Giáo Hoàng Biển Ðức XII, thì rõ ràng là "trước khi thu hồi lại thể xác của mình và trước giờ chung thẩm, các linh hồn đã, đang và còn sẽ được ở với Ðức Kitô trên trời, trong Nước Trời và thiên đàng, hợp đoàn cùng các thánh thiên thần" (Ðức tin Kitô giáo, 685). Tài liệu nói rằng những linh hồn này được hưởng nhan thánh Chúa và "thật sự là diễm phúc, được sự sống vĩnh hằng và an nghỉ". Ðàng khác, bởi hãy còn bị cách ly với thể xác mà chúng là "mô thức" (xem phần giải đáp câu hỏi 31), nên , theo Thánh Tôma Aquinô, những linh hồn bị cách ly ấy sống một cuộc sống "phi tự nhiên". Xin nhớ là theo Thánh Tôma, sự kết hợp xác hồn là cái cấu tạo nên con người. Vậy linh hồn cách ly với thể xác không phải là người; nó không có khả năng suy nghĩ và hành động như đã từng làm lúc bình sinh. Và có thể nói thêm cho sát ý là cái xác chết cũng không phải là thể xác; đúng hơn, đó là một "thi hài" hay "thi thể". Sự cách ly xác hồn, tuy không tránh khỏi, là điều không tự nhiên cho bên nào cả. Vì vậy mà Thánh Tôma viết: "Rõ ràng là linh hồn kết hợp với thể xác là luật tự nhiên của nó bị ép phải rời khỏi thể xác ngược lại bản tính tự nhiên của nó và per accidens [do bất trắc]. Từ đó mà linh hồn, một khi cắt đứt với thể xác và trong thời gian là hồn không xác, thì ở trong tình trạng bất toàn" (Super primam epistolam ad Corinthios, 15, bài đọc 2, số 924). Chắc chắn là Thánh Tôma dùng luận đề về tình trạng bất toàn của linh hồn con người tách rời thể xác này làm luận cứ để khẳng định rằng sự phục sinh tất yếu.

Do đó tình trạng phi tự nhiên và bất toàn của linh hồn bị cách ly, khó lòng dung hòa với cái được gọi là hạnh phúc vẹn toàn của những người được cứu độ, mà một số thần học gia hiện đại, như Karl Rahner chẳng hạn, sẽ phản bác rằng trạng thái trung gian không phải là một tín điều nhưng là một khái niệm tạo khung giúp đề ra một số tín ngưỡng về sự sống đời sau. Dĩ nhiên, những điều huấn quyền Giáo Hội đã tuyên bố về vấn đề này, như giáo huấn của hai công đồng Lyon và Fiorenza cũng như của Giáo Hoàng Biển Ðức XII, thì thừa nhận có trạng thái trung gian. Tuy vậy vấn đề là phải xét xem các tác giả này có chủ ý thiết lập trạng thái trung gian thành một tín điều hay không.

Một số thần học gia cho là không: mối bận tâm của các giáo huấn ấy rõ ràng là tính cách ngay tức khắc sau giờ chết của việc thưởng công trị tội chớ không phải trạng thái trung gian. Như Karl Rahner suy luận:

Trên căn bản, tôi muốn đưa ra định đề sau đây: giáo lý về trạng thái trung gian chắc chắn không là gì khác ngoài một cái khung khái niệm hay một lối suy tư mà thôi. Vậy bất cứ điều gì nó dạy chúng ta (ngoại trừ những khẳng định về điểm khởi phát mô thức cuối cùng - qua cái chết - của lịch sử con người tự do, và về thể xác gồm trong mô thức cuối cùng này) không nhất thiết phải được coi như là điều khoản thuộc cánh chung học Kitô giáo. Chúng ta có thể suy cách khác và nói: không sợ có nguy cơ bênh vực một lạc giáo nếu cho rằng việc hoàn thành con người trong "thể xác" và "linh hồn" diễn ra ngay sau cái chết, một cách mỹ mãn và chỉ một lần đó thôi, rằng hiện tượng thể xác sống lại và cuộc phán xét chung diễn ra "song song" với lịch sử thế giới đang diễn ra trong thời gian; và rằng cả hai đều xảy ra đồng thời với tổng loại các cuộc phán xét riêng của từng cá nhân nam như nữ ("Trạng thái trung gian", Theological Investigations, 17: 14-15).

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page