101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương IV

Từ Cái Chết Ðến Phục Sinh

Trạng Thái Trung Gian

 

Câu Hỏi 39: Cứ cho đi là không thể có chuyện đầu thai, vậy sau khi chết, tôi có lên thiên đàng (hoặc xuống hỏa ngục) tức khắc không, hay là phải đợi cho đến ngày tận thế?

 

Giải Ðáp 39:

Câu hỏi của bạn nhắc đến một sự kiện lịch sử thú vị. Vào năm 1274, trong khóa 4 của Công Ðồng Lyon II do Giáo Hoàng Grêgôriô X triệu tập với ý định tái hợp hai Giáo Hội La Tinh và Hy Lạp, người ta đọc lên bản tuyên xưng đức tin mà Giáo Hoàng Clêmentê IV đã đề nghị với Hoàng Ðế Mikhaen VIII Palaiologos năm 1267. Trong tài liệu tiền công đồng này, không hề được công đồng thảo luận hay ban bố, có hai điểm về cánh chung, một điểm liên quan đến luyện ngục và điểm kia thì có phần trả lời câu hỏi mà bạn vừa đặt ra.

Người Hy Lạp luôn phủ nhận khả năng có việc trực kiến ngay tức khắc, và cho rằng điều này chỉ bắt đầu vào ngày tổng phục sinh. Thế nhưng cái được gọi là Bản Tuyên Xưng Ðức Tin của Mikhaen Palaiologos lại khẳng định: "Về phần linh hồn của những người đã được thanh tẩy và không mắc phải một vết tội nào, và những linh hồn nào đã vương vết nhơ tội lỗi mà được tẩy sạch, dù là trong thời gian hãy còn trong thân xác dù là sau khi lìa khỏi xác..., họ được đón nhận ngay tức khắc [mox] vào thiên đàng. Còn linh hồn những kẻ chết trong tội trọng hay chỉ với tội tổ tông mà thôi, thì xuống hỏa ngục [infernum] ngay tức khắc [mox], để chịu trừng trị, nhưng với những hình phạt khác nhau" (Ðức tin Kitô giáo, 18).

Năm 1331, trong một loạt bài giảng làm tại Paris, Giáo Hoàng Gioan XXII (1249-1334) đưa ra ý kiến rằng vừa sau khi chết, các thánh chỉ được chiêm ngắm nhân tính vinh hiển của Ðức Kitô mà thôi, còn Thiên Chúa Ba Ngôi thì phải chờ đến cuộc phán xét cuối cùng, các ngài mới được chiêm ngắm. Năm sau, giáo hoàng cũng ứng dụng thuyết thưởng phạt có giai đoạn như vậy cho kẻ bị xuống hỏa ngục. Giáo huấn này được các tu sĩ Phan sinh ủng hộ, nhưng các giáo sư Dòng Ða Minh dạy tại Ðại Học Paris thì phản kháng kịch liệt. Bản thân Ðức Gioan XXII thì nói ngài sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình nếu có bằng chứng cho thấy nó đi ngược lại với đức tin của Hội Thánh. Ngài đã có sức rút lại giáo huấn của ngài hôm trước ngày qua đời. Vị kế vị ngài, Giáo Hoàng Biển Ðức XII, phát hành một hiến chế Benedictus Deus, năm 1336, tái khẳng định giáo huấn tông truyền về việc thưởng phạt ngay tức khắc, trên thiên đàng cũng như dưới hỏa ngục, sau khi chết, trước ngày tổng phục sinh và cuộc chung thẩm.

Cũng một giáo huấn này được Công Ðồng Fiorenza khẳng định một lần nữa vào năm 1439, dùng lại y nguyên các từ ngữ của Công Ðồng Lyon, cố tìm một phương sách khác (không thành công) để nối lại tình hợp nhất với Giáo Hội Hy Lạp. Ngày nay, đa số các nhà thần học có lẽ sẽ nói rằng người chết được hưởng phúc vĩnh hằng với Thiên Chúa hoặc phải chịu xa lìa Thiên Chúa ngay tức khắc sau khi chết. Một số có lẽ sẽ thêm rằng hạnh phúc hoặc hình phạt của người chết vẫn chưa được viên mãn cho đến ngày tận thế, là ngày tất cả mọi người chết sẽ được phục sinh.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page