101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về

Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng

by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor

The Catholic University Of America

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Chương III

Cái Chết Và Hành Ðộng Chết

Thời Gian Biến Thành Vĩnh Cửu

 

Câu Hỏi 33: Tôi có thể hiểu dễ dàng cái chết là một điều tôi phải cam chịu như thế nào. Nhưng làm sao thể hiện cái "hành động" chết của mình trong tự do?

 

Giải Ðáp 33:

Người ta thực hiện hành động chết của mình trong thái độ ứng xử với cái chết trong suốt cuộc đời, và ở cao điểm là trong giờ chết. Ðứng trước cái chết, có thể có một trong hai tư thế sau đây. Một là trốn tránh nó, chối từ nó trong đời mình bằng cách tìm sao cho được trường sinh bất tử qua dòng giống, tiếng tăm, quyền thế và trăm công ngàn việc. Như Ernest Becker nói, "ý niệm cái chết, nỗi sợ chết, ám ảnh cái con vật người hơn bất cứ cái gì khác; đó là động cơ chính của hoạt động con người - mà phần lớn được quy hoạch để tránh né định mệnh tử vong, để vượt thắng nó bằng cách như thể phủ nhận rằng đó là số phận cuối đường dành sẵn cho con người vậy" (The Denial of Death, ix).

Tư thế kia là chấp nhận, một cách vui lòng và tự do, thân phận có sinh có tử của chính mình, với tất cả những gì hàm chứa trong đó về mặt giới hạn và số kiếp hữu hạn, coi đó là cơ may duy nhất để cho mình thể hiện bản thân một cách dứt khoát không thể rút lui, trong tự do, và là ánh sáng chiếu soi mọi sự trong cuộc đời mình. Ưng thuận như thế chắc chắn không có nghĩa là chỉ tán thành trong trí thức cái luận đề trừu tượng nói rằng mình sẽ chết. Ðúng hơn, điều ấy được thể hiện trong một linh đạo hay một lối sống nặng tình cảm mến vì đã được tặng ban sự sống, đầy nghiêm túc trong trách nhiệm tác thành số phận của mình trong tự do, thuận lòng với những giới hạn và yếu đuối của mình, can đảm mà từ tốn đối mặt với bệnh tật, tuổi già và cuối cùng, cái chết.

Người Kitô hữu còn được phép ước mong cái chết nữa, không phải để tránh khỏi khổ đau, nhưng vì coi đó như con đường phải đi qua để được kết hợp với Ðức Kitô phục sinh, như Thánh Phaolô đã từng mong ước (Pl 1,23), và để đắm mình sâu hơn nữa vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Cái nhìn huyền nhiệm về cái chết này dĩ nhiên không miễn người Kitô hữu phải chăm sóc thân thể họ cũng như không cho họ quyền chủ động dùng những phương tiện để chết sớm hơn.

Có lẽ tấm gương sáng nhất tiêu biểu cho cái nhìn huyền nhiệm nói trên là Bài Ca Vũ Trụ tạo thành của Thánh Phanxicô Assisi, trong đó vị "Poverello" cám ơn Thiên Chúa không những vì quà tặng sự sống mà còn vì số phận phải chết nữa:

Lạy Chúa, xin ngợi khen Ngài

đã cho chúng con người chị là cái Chết Phần Xác

mà không một sinh linh nào thoát khỏi.

Khốn thay kẻ nào chết trong tội trọng đưa đến cái Chết Phần Hồn!

Phúc thay những ai bền vững trong thánh ý Ngài,

vì cái chết thứ hai này sẽ không hại chi được họ.

 


Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"

(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho

Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND

đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000

(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page