101 Câu Hỏi Và Giải Ðáp Về
Cái Chết Và Sự Sống Vĩnh Hằng
by Rev. Peter Phan Dinh Cho, Warren Blanding Professor
The Catholic University Of America
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chương III
Cái Chết Và Hành Ðộng Chết
Thời Gian Biến Thành Vĩnh Cửu
Câu Hỏi 32: Ngoài cách diễn tả cái chết như vậy, có cách nào khác ăn khớp với đức tin Kitô giáo không?
Giải Ðáp 32:
Trong một cuốn sách của ông, On the theology of death, Karl Rahner cho thấy rằng trong những điểm bất cập của lối diễn đạt cổ truyền về cái chết là nó không phân biệt cái chết của hữu thể người với cái chết của loài thực vật hay động vật. Một cái cây và một con vật chỉ mất sự sống thôi, còn con người thì chết, vì là những con người thiêng liêng và tự do. Một con vật không bị cái chết làm cho chết bằng một con người. Ðương nhiên, Rahner không phủ nhận rằng chết là một hành động thể lý xảy đến cho con người, một định mạng bị áp đặt từ bên ngoài, một thứ mà ngôn ngữ bạo dạn của Tony Kelly cho là "quyết liệt, lạ hoắc mà hung bạo, ám muội, im lìm, đáng ghê, rợn người, kinh tởm" (Touching on the Infinite, 68-69). Theo nghĩa này, chết là hành động của con người trong tư cách là thiên nhiên, là một điều mà hữu thể người phải cam chịu.
Ðàng khác, như tôi đã nói trong phần giải đáp câu hỏi 10, bởi vì được trời phú cho tự do, nên con người có khả năng chọn lựa cái này hay cái kia. Nhưng còn quan trọng hơn nữa, trong và qua những lựa chọn ấy, họ tạo nên chân tướng và số phận của mình một cách dứt khoát và quyết liệt. Ðối với Rahner, hành động chết - một quá trình có thể bao gồm những kinh nghiệm lâm tử - là hành động qua đó một người thu gom lại hoặc ôm trọn lịch sử con người tự do của mình một lần cuối và một cách dứt khoát. Dĩ nhiên, việc thu gom này diễn ra trong suốt cuộc đời, trong biết bao nhiêu lần chọn lựa trong tự do, nhờ đó mà quá khứ, hiện tại và tương lai con người được đưa về một mối. Tuy nhiên, hành động chết, hành động cuối cùng của con người, là hành động tuyệt đỉnh, nhờ đó mà con người định đoạt vận mạng của mình một lần cuối và một cách dứy khoát, không bao giờ rút lại được nữa. Theo nghĩa này, chết là hành động của con người trong tư cách là người, một điều mà con người thể hiện trong tự do. Khi chết, con người đưa đến hồi chung kết tất cả những gì mình đã hoàn thành trong suốt cuộc đời. Chết là cao điểm của tự do con người, trong đó con người có quyền năng lấy một quyết định có hiệu lực vĩnh hằng. Vậy xét tổng thể, cái chết vừa là một động tác thiên nhiên vừa là một hành động nhân bản, là một chặng thương khó cũng như là một hoạt động, là sự hủy diệt mà cũng là quyền sở hữu chính mình.
Có một khía cạnh khác nữa của hành động chết và cái chết mà chúng ta phải làm nổi bật. Cũng như căn bản con người có tính chất liên vị, nghĩa là được cấu tạo bởi những tương quan tình người, thì hành động chết cũng vậy - hành động riêng biệt nhất của mỗi người - nó cũng mang tính liên vị. Trong cái chết, người ta mất đi không những sự sống sinh lý mà còn, và trên hết mọi sự, mất hết những mối dây, những ràng buộc mang ý nghĩa đã từng là lẽ sống thể xác và tinh thần của mình nữa. Ðó là lý do tại sao điều cốt tử là phải làm hết sức mình, để không ai phải chết trong cô đơn nhưng được sự hiện diện tối đa của những người thân yêu quanh mình, được giúp đỡ và cầu nguyện trong giờ ra đi. Vậy cái gì được gọi là bất tử? Thưa không chỉ là sự sống sót của một linh hồn cá biết tách rời khỏi thể xác, nhưng là sự tồn tại của một nhân vị vẫn tiếp diễn giữa trăm ngàn mối dây hỗ tương đã từng gầy dựng và bảo dưỡng nó trước đây suốt một đời.
Nguyên Tác Anh Ngữ "Responses to 101 Questions on Death And Eternal Life"
(Paulist Press, New York, 1998) của Linh Mục Peter Phan Ðình Cho
Bản Dịch Việt Ngữ Của M.A. Nguyễn Thị Sang, CND
đã được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản University Press, năm 2000
(C) Copyright 2000 - Tác Giả Giữ Bản Quyền
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page